Hơn một năm nay, bé N. “chiến đấu” với căn bệnh thận mạn giai đoạn cuối tại địa phương nhưng người càng ngày càng phù to, tiểu ít.
Bé N. được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố trong tình trạng thở mệt, tăng huyết áp nặng, phù phổi.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh nhi được chỉ định chạy thận nhân tạo cấp cứu. Ngay lập tức, Bệnh viện đã tiến hành Hội chẩn toàn viện và huy động ekip chạy thận cấp cứu sẵn sàng.
Theo bác sĩ CK1 Lê Thanh Bình, Phó Khoa Thận Nhân tạo BV Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ đã tranh thủ từng giây, từng phút chạy đua với thời gian giành lại mạng sống cho bé gái nhỏ tuổi.
“Qua đợt lọc thận cấp cứu kịp thời, chức năng thận của bé đã cải thiện, triệu chứng phù phổi được cải thiện đáng kể”, bác sĩ Bình chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Bình, quy trình chạy thận nhân tạo luôn được Bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ, chặt chẽ các quy định từ kiểm soát chống nhiễm khuẩn đến quy trình vận hành trang thiết bị. Hệ thống máy lọc máu và hệ thống nước RO thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ để vận hành tốt, phục vụ kịp thời công tác điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Được biết, kỹ thuật chạy thận nhân tạo Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa được kiểm định, quy trình máy móc, nước lọc và kỹ thuật chuyên môn được các chuyên gia trong và ngoài nước chuẩn bị chu đáo trong suốt hơn một năm qua.
Quy trình chạy thận nhân tạo
Người bệnh sau khi kiểm tra huyết áp và các chỉ số theo quy định sẽ được lấy máu để lọc qua hệ thống máy móc hiện đại đã được khử trùng đạt quy chuẩn trước đó.
Sau khi lọc sạch, máu được đưa trở lại cơ thể người bệnh. Trong suốt quá trình một ca lọc máu, người bệnh luôn được theo dõi sát sao, phát hiện các biến chứng để can thiệp và xử trí kịp thời, nhờ đó cứu sống được bệnh nhân.
Tại Việt Nam có gần 100.000 người suy thận ở giai đoạn cuối cần điều trị.
Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối thường kèm theo nhiều bệnh nặng phức tạp, các biến chứng khi chạy thận thường xuất hiện đột ngột, nặng nề, dự trù sẵn các tình huống xấu ngừng tuần hoàn xảy ra trong lọc máu để được cấp cứu kịp thời.
Theo các bác sĩ, việc thay, ghép thận chi phí rất cao, nên bệnh nhân chủ yếu điều trị bằng kỹ thuật lọc máu, tức là chạy thận nhân tạo.
Khi chức năng thận không bảo đảm được hoạt động sinh lý bình thường thì chất thải và dịch cơ thể sẽ tích tụ lại gây nên tình trạng phù thũng được biểu hiện dấu hiệu mắt cá chân sưng lên, nôn mửa, suy nhược, mất ngủ, khó thở...
Nếu không điều trị kịp thời thì thận sẽ bị tổn thương, không thực hiện được chức năng dẫn đến tình trạng suy thận làm ảnh hưởng đến sức khỏe dẫn đến tử vong.