Phố Lê Quý Đôn nằm vuông góc với trục đường chính Hoàng Liên của thành phố Lào Cai. Con phố này nằm giữa công viên Nhạc Sơn và khu đô thị cao cấp CIC Luxury Lào Cai. Mặc dù, cư dân chưa đến ở khu đô thị nhưng khả năng đây cũng trở thành khu đô thị VIP, đắt nhất nhì Lào Cai.
Tại tuyến phố Lê Quý Đôn, những ngày này xuất hiện những xe ô tô chở những cây chè, được quảng cáo là chè xanh cổ thụ. Những cây chè có đường kính khá lớn, theo ước đoán thì cũng phải trên 20 năm tuổi.
Theo những người bán hàng, các cây chè này có tuổi đời hàng chục năm được trồng ở đất Định Hóa (Thái Nguyên). Các cây được đánh bầu lớn để có thể trồng trong chậu cảnh hoặc trong vườn nhà đều "đảm bảo sống tốt".
Các cây chè này đều là chè xanh lâu năm, không phải chè rừng. Do có tuổi đời lên đến hàng chục năm nên thân chè nhìn rất đã mắt, như cây cảnh nhưng lại có thể thu hoạch lá hằng ngày để hãm nước uống. Theo những người bán hàng rong, họ sẵn sàng bảo hành từ 1-2 năm hoặc thay thế cây khác trong trường hợp cây bị chết... chỉ cần liên lạc qua điện thoại là có ngay.
"Những cây chè này đều có giá 1,5 triệu đồng, cây nào cũng thế. Cây mấy chục năm tuổi rồi. Đây là số điện thoại của em. Mới trồng trong bồn thì phải tưới kích dễ. Đây là cây chè tươi bình thường, chứ chè Shan Tuyết thì không có giá này", một người bán chè nói.
Cũng theo những người bán hàng rong, họ là những người buôn bán ở Vĩnh Phúc, thu mua cây chè xanh "cổ thụ" từ Thái Nguyên mang lên thành phố Lào Cai để bán.
Ông Nguyễn Bá Thế, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, những cây chè xanh cổ thụ còn rất nhiều giá trị nếu trồng ở vùng sản xuất.
Tuy nhiên, có hai trường hợp xảy ra, một là những người bán chè cổ thụ muốn thu lợi trước mắt, có được tiền ngay thay vì thu hái hằng ngày để bán. Song cũng có khi đây là những cây chè giống cũ, giống chè lai trung du chất lượng thấp, vì vậy có thể họ muốn thay thế bằng giống chè mới như Kim Tuyên, Shan Tuyết... nên tận thu để bán rồi mới đưa giống mới vào trồng.
Qua hình ảnh chắc chắn đây không phải những cây chè Shan Tuyết vì giống chè này để càng lâu, càng tốt, không ai đem bán cả. Và nếu là chè Shan Tuyết cổ thụ thì không được phép bán.
Cách đây nhiều năm cũng xuất hiện thú chơi, săn chè cổ thụ, mua về trồng trong bồn giống như những cây bon sai. Thời điểm đó, những cây chè cổ thụ có giá cao ngất ngưởng và phong trào chơi cây chè cổ thụ như một cách thể hiện tầm cỡ, đại gia của người chơi. Sau đó phong trào chơi cây chè cổ thụ cũng thoái trào và dần biến mất. Đặc biệt, có thời điểm chè Shan Tuyết cổ thụ cũng bị vào "tầm ngắm" của các thương lái nên các cơ quan chức năng đã sớm cảnh báo và ngăn chặn việc buôn bán những loại chè cổ này.
Được biết, chè Shan Tuyết mọc trên những dãy núi cao, lá chè, búp chè được phủ một lớp phấn trắng như tuyết, đây là đặc điểm mà những giống chè trồng ở các vùng trung du và đồng bằng không thể có được. Cây chè Shan Tuyết có thể cao đến cả vài mét, khi hái trà phải trèo lên cây. Loại chè này thường mọc ở độ cao trên 1.000m quanh năm mây mù bao phủ.
Tại Lào Cai, cũng có vùng chè Shan Tuyết cổ thụ nằm ở xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà). Mới đây, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã công nhận quần thể 105 cây chè Shan tuyết tại thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố là Cây di sản Việt Nam.