| Hotline: 0983.970.780

'Vàng xanh' trên đỉnh Pú Tra

Thứ Tư 27/04/2022 , 09:32 (GMT+7)

Hô Tra nằm sát rừng già, cách biệt, đi lại cực kỳ khó khăn. Ở đây, bà con đang sở hữu vùng chè cổ thụ được coi là 'vàng xanh' mà không đâu có được.

Ở rừng già Hô Tra có nhiều vô kể những cây chè cổ thụ, cao hàng chục mét . Ảnh: H.Đ.

Ở rừng già Hô Tra có nhiều vô kể những cây chè cổ thụ, cao hàng chục mét . Ảnh: H.Đ.

Sống trăm tuổi nhờ có rừng

Bản Hô Tra nằm cách trung tâm xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên, Lai Châu) chỉ 15km, tuy nhiên để lên được bản phải mất tới gần 2 tiếng. Gọi là có đường nhưng nhiều tay lái lụa cũng phải chào thua bởi những khúc cua, những đoạn bánh xe phải đặt đúng chỗ mới có thể leo qua đá lởm chởm. Chưa kể tới ổ voi, ổ gà, đoạn thì dốc đứng cheo leo, đoạn đất bùn nhầy nhão.

“Ú chà, bản Hô Tra có đến mấy trăm năm tuổi rồi đấy. Chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, di cư từ Sa Pa (Lào Cai) sang, khai khẩn đất hoang từ mấy trăm năm trước. Tên của bản là để nhớ công lao của những người bố, người đã dẫn cả gia đình tới vùng đất mới sinh sống", ông Thào A Phành, trưởng thôn Hô Tra cho hay.

Với bà con người Mông ở đây, cổng của mỗi ngôi nhà rất quan trọng. Cho nên, nhà nào nhà nấy đều có cổng lớn, vững trãi. Chúng được lợp mái gỗ với cột bằng cây dương xỉ xù xì nhưng thực sự rất đặc biệt và đẹp, phù hợp với cảnh quan nơi rừng già.

Khi bản Hô Tra thành hình, ở đây rừng đã ngút ngàn cây cây gỗ lớn. Theo người dân bản địa, trong rừng có nhiều cây gỗ nghìn năm tuổi, nhiều người ôm. Có những cây họ cũng chưa đặt chân tới được, chỉ nhìn thấy từ xa vì không có đường. Ở rừng già, lớp thảm thực vật dày hàng chục phân, xốp, tạo độ mùn lớn giúp thảo quả của bà con cao trên đầu người, trông như trong những bộ phim viễn tưởng.

"Từ lúc di chuyển ra đây, bà con phát nương trồng ngô, rồi trồng thảo quả, rồi địa lan, thấy được lợi ích kinh tế cho nên bà con giữ rừng, không phá. Giờ lại còn được tiền hỗ trợ bảo vệ môi trường rừng, nên rừng còn được coi trọng hơn nữa", ông Phành chia sẻ.

Đặc biệt, rừng già ở đây có những cây chè cổ thụ, cao hàng chục mét, thân 4 - 5 người ôm. Đến mùa, người dân leo lên ngọn những cây chè cổ thụ để hái búp non mang về pha nước uống. Khi đi rừng mệt mỏi, một ngụm chè giúp người ta hồi phục sức khỏe, tỉnh táo.

Không những vậy, bản Hô Tra còn nằm trên độ cao khoảng 1.500m, thời tiết mát mẻ tương tự Sa Pa và ở cạnh cánh rừng lớn, có lẽ vì những yếu tố như thế mà trong bản nhiều cụ thọ cả trăm tuổi.

“Ú chà, từ thời các cụ lên đây đã thấy những cây chè này rồi, chúng cao lớn, có khi cả nghìn năm tuổi rồi. Chè ở đây hấp thụ gió mưa của trời đất, nên búp dày dặn, xanh mởn. Khi uống có mùi thơm mát như sương sớm trong rừng, có vị ngọt chứ không chát, rất hiếm có nơi nào có chè được như vậy. Uống vào thì tinh thần sảng khoái, sung sức hơn”, cụ Châu A Vảng gần 100 tuổi, nói.

Đường lên đỉnh Pú Tra. Ảnh: H.Đ.

Đường lên đỉnh Pú Tra. Ảnh: H.Đ.

Chinh phục đỉnh Pú Tra

Từ trung tâm xã có thể nhìn thấy lấp ló những ngôi nhà trên bản nằm ngay dưới đỉnh mỏ quạ. Song để lên đỉnh này cũng phải mất nửa ngày đường. Ở bản thì bà con hay gọi là đỉnh Pú Tra.

Cũng theo người dân, trên đỉnh núi là nơi có nhiều cây chè cổ thụ nhất, nhưng cũng là nơi khó leo lên nhất. Chè cổ thụ chỉ thu hái từ tháng 3 - 6 mới là ngon nhất.

Khi mùa chè đến, thanh niên trai tráng trong bản mang theo gùi, dắt dao bên hông, cơm nắm muối vừng để lên rừng. Khi những búp chè đầu tiên được mang về bản sẽ dâng lên thờ cúng tổ tiên, sau đó để những cụ cao niên trong bản uống thẩm trà.

Tờ mờ sáng, Hạng A Chinh cùng một số thanh niên trong bản dậy sớm chuẩn bị cho chuyến hái “lộc rừng”. Lúc này, cả bản vẫn đang say giấc, con gà cũng chưa cất tiếng gáy.

Vì là rừng già nên không có đường đi, nhiều đoạn phải leo vách đá dựng đứng. Có đoạn phải bò leo lên trên dọc suối bám đầy rêu xanh. Chỉ sơ sẩy là ngã trượt, va vào những tảng đá lớn ở phía dưới, khó mà lường trước được hậu quả.

Bà con dân bản Hô Tra đang kỳ vọng cuộc sống thay đổi nhờ khai thác 'vàng xanh' ở rừng già. Ảnh: H.Đ.

Bà con dân bản Hô Tra đang kỳ vọng cuộc sống thay đổi nhờ khai thác "vàng xanh" ở rừng già. Ảnh: H.Đ.

Càng vào sâu trong rừng, dây gai cuốn chằng chịt lối đi, thế nhưng những con vắt xanh mới đáng sợ vì loại vắt này không phải rừng nào cũng có. Khi bị chúng cắn rất khó cầm máu. Tuy vậy, nhóm người đi hái chè vẫn phăng phăng tiến lên phía trước.

“Mỗi lần hái đầy gùi mới về, có khi đến nhà là tối muộn. Không kịp xuống núi thì ngủ lại ở lán vì đêm tối đi về rất nguy hiểm. Giờ nhiều người biết đến chè cổ thụ rồi thì rất thích uống loại chè này, thế nên người trong bản sau khi hái được chè về, một phần để dùng, một phần mang xuống thị trấn Tân Uyên bán”, Hạng A Chinh nói.

Ở độ cao từ 2.000m trở lên, bắt đầu xuất hiện những cây chè đường kính lớn, cao vút tầm mắt. Mỗi cây, người hái sẽ bỏ vào gùi riêng để phân loại, đánh dấu để tránh nhầm lần vì mỗi cây sẽ có một vị trà riêng.

Ông Vũ Đức Mạnh, Bí thư xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên, Lai Châu) cho hay, qua khảo sát rừng ở khu vực Pú Tra có khoảng 2.000 cây chè cổ thụ, còn cây nhỏ nhiều vô kể.

Tại Lai Châu, chè cổ thụ có ở nhiều nơi, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè. Thế nhưng, chất đất ở Tân Uyên mới cho được loại chè ngon nhất và đây cũng là thủ phủ chè của tỉnh miền núi này. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng trong chuyến khảo sát, trải nghiệm leo đỉnh Pu Ta Leng (huyện Tam Đường) cũng đã khảo sát vùng chè cổ trong rừng nguyên sinh.

Chè cổ thụ được bà con thu hái trên đỉnh Pú Tra xanh non mơn mởn. Ảnh: H.Đ.

Chè cổ thụ được bà con thu hái trên đỉnh Pú Tra xanh non mơn mởn. Ảnh: H.Đ.

Khai thác gắn bảo tồn

Chè cổ thụ đến nay hầu hết được bà con thu hái để sử dụng, tuy nhiên chứa đựng trong nó là một tiềm năng lớn có thể mang lại những giá trị cao hơn cho người dân bản địa. Vì vậy, hiện đã có đơn vị đặt vấn đề với địa phương để nghiên cứu khai thác và bảo tồn những cây chè cổ, gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào địa phương. Qua đó, đưa sản phẩm chè cổ thành một thương hiệu tiêu biểu, một biểu tượng của văn hóa huyện Tân Uyên nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung.

Ông Vũ Văn Mạnh, giám đốc đơn vị đang khảo sát, nghiên cứu khai thác, bảo tồn chè cổ thụ ở Tân Uyên cho biết, qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về cây chè cổ, chúng tôi nhận thấy tại các điểm cao 1.500 - 3.000m so với mực nước biển thuộc địa bàn xã Mường Khoa, Bắc Ta, Ho Sỏ, Trung Đồng... xuất hiện những cây chè cổ, có thể lên đến cả nghìn năm tuổi.

Những cây chè này thuộc các giống chè tự nhiên chưa được nghiên cứu và đánh giá bài bản về góc độ khoa học, các dược chất quý cũng như giá trị kinh tế văn hóa… Vì vậy, chúng tôi đề xuất phương án liên kết đầu tư bảo tồn và phát triển thương hiệu cây chè cổ tại các xã trên địa bàn huyện Tân Uyên.

Phương án liên kết được hình thành giữa ba bên Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, trên tinh thần lấy người dân làm chủ thể chính để phát triển, Nhà nước chủ trì phương án liên kết, nhà đầu tư định hướng phát triển thương hiệu và ổn định thị trường đầu ra.

Phần lớn diện tích đất rừng có cây chè cổ thụ đang thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên. Về cơ bản các diện tích này đã được giao cho bà con nông dân các xã trên địa bàn được phép bảo vệ và khai thác cây lâm sản phụ dưới tán rừng (bao gồm cả cây chè cổ thụ). Do vậy, cho đến nay, các bên đã thống nhất thành lập tổ hợp tác sản xuất tại các bản thuộc các xã có cây chè cổ thụ.

Trước mắt, doanh nghiệp liên kết sẽ đầu tư kinh phí để bảo tồn, hướng dẫn bà con nhân dân phương pháp khai thác, sơ chế… bảo đảm lợi ích đầu tư liên kết cũng như đảm bảo tính đồng nhất về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm chè cổ huyện Tân Uyên.

Hô Tra là bản khó khăn nhất của huyện Tân Uyên mặc dù xã Mường Khoa đã về đích nông thôn mới. Thế nên, bà con kỳ vọng chè cổ thụ sẽ mang lại diện mạo mới cho vùng đất này, từ việc dưỡng rừng và rừng sẽ mang lại thu nhập cho họ.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.