| Hotline: 0983.970.780

Vùng chè shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ

Thứ Ba 06/09/2022 , 07:15 (GMT+7)

LÀO CAI Vùng chè shan tuyết cổ thụ ở Tả Củ Tỷ (Bắc Hà, Lào Cai) có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Hiện nay, bà con nơi đây đã chuyển dần sang sản xuất hữu cơ.

Những rừng chè trăm tuổi

Xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà (Lào Cai) hiện có khoảng 150ha chè, trong đó diện tích chè đã cho thu hoạch 65ha, với khoảng 25ha chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, mọc tự nhiên trong rừng hay đứng ven đường vào bản. Mỗi kg chè shan tuyết hiện nay có thể lên tới hàng triệu đồng, mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ dân nơi đây.

Vùng chè shan tuyết Tả Củ Tỷ giáp ranh với tỉnh Hà Giang, nằm men theo một phần dãy Tây Côn Lĩnh ở độ cao 1.200 - 1.500m so với mực nước biển. Tại đây, những rừng chè shan tuyết cổ thụ có những cây cao đến vài mét, đường kính từ 30 - 40cm, rêu phong bao phủ, mọc tự nhiên trong rừng. Ngay cả những người cao tuổi nhất ở Tả Củ Tỷ cũng không biết cây chè shan tuyết có ở mảnh đất này từ bao giờ.

Để có thể thu hoạch được chè, người dân địa phương phải leo dần lên ngọn cây, thu hoạch về những búp chè xanh, non đúng lứa

Để có thể thu hoạch được chè, người dân địa phương phải leo dần lên ngọn cây, thu hoạch những búp chè xanh, non đúng lứa. Ảnh: Lưu Hòa.

Để có thể thu hoạch được chè, người dân địa phương phải leo dần lên ngọn cây, thu hoạch về những búp chè xanh, non đúng lứa, năng suất trung bình đạt 25 - 30 tạ/ha. Tả Củ Tỷ là vùng trồng chè lớn thứ 2 của huyện Bắc Hà (sau xã Bản Liền). Xen giữa các vùng chè shan tuyết cổ thụ là những bản làng của đồng bào người Dao với những thửa ruộng bậc thang trải dài xuống chân núi.

Những năm trước, người dân nơi đây do chưa có kỹ thuật chăm sóc, thu hái, sao khô nên chủ yếu thu hái chè búp tươi bán cho thương lái xuất sang thị trường Trung Quốc với giá bán rất thấp, chỉ từ 13.000 đến 15.000 đồng/kg. Để nâng cao giá trị của cây chè shan tuyết cổ thụ, các ban ngành đoàn thể từ xã, huyện, tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, chăm sóc, phát huy giá trị thực của chè. Đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm quý hiếm này.

Trong đó, mở các lớp tập huấn kiến thức cho bà con về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, hướng dẫn cách sao chè thành phẩm, quy trình sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng chè. Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm với HTX, doanh nghiệp...

Chuyển sang sản xuất hữu cơ

Anh Lý Văn Minh, người dân tộc Dao tại thôn Sảng Mào Phố, xã Tả Củ Tỷ chia sẻ: Anh tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm 2019, nhận thấy chè shan tuyết cổ thụ của địa phương được rất nhiều khách hàng ưa chuộng nhưng bà con nơi đây chưa biết cách chăm sóc cũng như thu hái chè sao cho đạt chất lượng, vì vậy năm 2021, anh đã mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp Tả Củ Tỷ với 7 thành viên chuyên sản xuất, kinh doanh chè shan tuyết quê mình với mong muốn đưa sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là chè shan tuyết của bà con vươn xa hơn nữa nhằm nâng cao giá trị.

Sản phẩm chè cổ thụ shan tuyết Tả Củ Tỷ giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ được nhiều khách hàng trong nước và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Lưu Hòa.

Sản phẩm chè cổ thụ shan tuyết Tả Củ Tỷ giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ được nhiều khách hàng trong nước và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Lưu Hòa.

Để tạo ra được sản phẩm chè chất lượng nhất, hương vị đặc trưng riêng của cây chè nơi đây, anh cùng với các thành viên HTX đã đưa ra công thức hái mới: 1 búp 1 lá hoặc 1 búp 2 lá, sau khi hái về búp chè được phân loại cẩn thận trước khi chế biến. Đặc biệt, HTX áp dụng cách sao chè thủ công giúp chè vẫn giữ nguyên được hương vị tự nhiên. Đồng thời, anh cũng hướng dẫn bà con cách chăm sóc chè cổ thụ hoàn toàn hữu cơ để nâng cao giá trị của chè.

Hiện nay, bà con nơi đây đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết chăm sóc chè cổ thụ shan tuyết theo hướng hữu cơ, hoàn toàn tự nhiên, làm cỏ bằng tay, phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp, không phun thuốc hay dùng phân bón hóa học để bón cho cây.

Cùng với ưu thế về độ cao, cũng như điều kiện thời tiết quanh năm mát mẻ, ít nắng, thổ nhưỡng thích hợp, chè shan tuyết cổ thụ ở Tả Củ Tỷ phát triển rất thuận lợi, tạo nên hương vị đặc trưng riêng. Nước chè cổ thụ shan tuyết mang màu xanh sáng dịu đẹp mắt, khi uống cảm nhận được một chút vị đắng chát và ngọt sâu lắng, sau 2 – 3 nước vẫn giữ được nguyên hương vị tự nhiên. 

Hiện 1kg chè cổ thụ shan tuyết ở xã Tả Củ Tỷ sau khi sao khô được bán ra thị trường với giá trung bình từ 500.000 đến 600.000 đồng/kg, loại hảo hạng có thể lên tới hơn triệu đồng. Hiện chè shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ đang dần chinh phục thị trường châu Âu khó tính bậc nhất thế giới.

Ông Thào Seo Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Củ Tỷ cho biết: Cây chè có từ rất lâu đời ở Tả Củ Tỷ. Có thời gian, cây chè bán không ra tiền nên người dân bỏ mặc để cây tự phát triển nên cây mọc tự nhiên, không theo hàng, theo lối, chỗ thì san sát, chỗ lại quá thưa thớt.

"Giờ vui rồi, chè hái được không phải đi bán đâu nữa, bán luôn tại bản, bán cho HTX Nông nghiệp Tả Củ Tỷ hay cũng có nhiều thương lái tìm đến tận nhà mua. Thành công này có được từ sự thay đổi tư duy của chính người dân địa phương. Khi HTX được thành lập, người dân đã dần thay đổi nhận thức và quan tâm đến phát triển cây chè", ông Thào Seo Lử nói.

Cũng theo ông Lử, đến nay, để đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, chè Tả Củ Tỷ đã được chăm sóc, thu hoạch và chế biến theo đúng tiêu chuẩn, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện cho HTX Nông nghiệp Tả Củ Tỷ tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của xã Tả Củ Tỷ được thuận lợi cũng như mong muốn sản phẩm chè cổ thụ shan tuyết chinh phục được thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính, giúp người dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định, xóa nghèo, nâng cao đời sống, từng bước làm giàu từ báu vật thiên nhiên ban tặng.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...