| Hotline: 0983.970.780

Chỉ thèm một bữa cơm có thịt

Thứ Sáu 13/12/2013 , 11:03 (GMT+7)

Sự khốn khổ của gia đình người phụ nữ này đã “nổi tiếng” khắp cả xã, chỉ cần đi qua cổng thôn, hỏi thăm nhà bà Thời bị mù lòa, hai bàn chân dị tật có 12 ngón, sẽ được chỉ ngay đến tận nhà...

Sự khốn khổ của gia đình người phụ nữ này đã “nổi tiếng” khắp cả xã, chỉ cần đi qua cổng thôn, hỏi thăm nhà bà Thời bị mù lòa, hai bàn chân dị tật có 12 ngón, sẽ được chỉ ngay đến tận nhà, kèm theo lời than thở “Ôi! Bà ấy nghèo lắm, khổ đến lúc chết”. Đó là câu chuyện về gia đình bà Bùi Thị Thời (làng Sêu, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội).

Chúng tôi tìm về làng Sêu, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để gặp bà Bùi Thị Thời. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là hình ảnh một cụ bà lưng đã còng, tóc đã bạc, đôi mắt mù lòa bẩm sinh đang chống chiếc gậy tre lê từng bước run run khó nhọc.


Bà Bùi Thị Thời hiện đang sống độc thân trong căn nhà tồi tàn, đơn sơ

Theo lời bà Thời, chị em bà sinh ra trong gia đình thuần nông, cơ hàn, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ của bà là cụ Nguyễn Thị Thê vất vả nuôi con một mình. Ngày chồng của cụ Thê mãi mãi ra đi vì bạo bệnh, ngoài 30 tuổi cụ Thê thành góa bụa.

Nỗi đau mất chồng chưa qua được bao lâu, thì không lâu sau đó cụ Thê như suy sụp khi phát hiện cô con gái thứ 2 là Bùi Thị Thời mắc bệnh mù lòa, chân tay dị tật, gánh nặng cơm áo của bốn mẹ con lại dồn lên đôi vai gầy guộc của cụ Thê. Cụ Thê đau khổ khi chứng kiến người con gái của mình sinh ra bị tật nguyền, để rồi hàng ngày cụ tần tảo chăm chút đứa con trong sự đói khổ.

Bùi Đình Thi là người con trai duy nhất của cụ Thê - cụ trông chờ vào một ngày anh sẽ thay mẹ chăm sóc người chị gái tật nguyền của mình. Thế nhưng cụ Thê lại như chết đi một lần nữa khi nhận được tin báo tử của Thi vào ngày 22/12/1968, hy sinh tại chiến trường Quảng Bình. Người mẹ già cùng hai đứa con gái chỉ biết ôm nhau khóc, động viên nhau để tiếp tục vượt qua khó khăn.

Bà Thời sinh ra không được may mắn như chị gái và em trai của mình, vì bà có 6 ngón tay ở bên bàn tay phải, mỗi bàn chân có 6 ngón. Ba tháng sau khi sinh bà lại bị mù do chiến tranh. “Mẹ tôi kể, sau khi sinh tôi được ba tháng, ở Vân Đình bị quân giặc đánh bom tàn phá ác liệt nên mẹ tôi đã đưa tôi xuống hầm để trú ẩn. Do nước ngập trong hầm nên tôi đã bị hỏng mắt” - bà Thời lý giải nguyên nhân mình bị mù.

Đến tuổi trăng tròn, cũng như bao người con gái khác, bà Thời cũng rạo rực yêu đương và khát khao mơ ước có một mái ấm gia đình. Thế nhưng biết bao chàng trai tìm đến rồi cũng lắc đầu quầy quậy ra đi vì thân hình khiếm khuyết mù lòa và dị thường của bà. Tạo hóa thật nghiệt ngã khi đã lấy đi của bà Thời tất cả, quyền mưu cầu hạnh phúc làm vợ, làm mẹ.

Bà Thời nói trong nước mắt: “Em tôi đi bộ đội, sau khi chuyển vào chiến trường miền Trung, một năm sau thì gia đình tôi nhận được giấy báo tử của đơn vị. Ngày đó khi nghe tin dữ như vậy, mẹ tôi khóc ròng nửa tháng và đã ngất đi không biết bao nhiêu lần. Nó đã bỏ mẹ và chị gái mù mà đi rồi không về nữa”.

Chứng kiến cảnh bà sinh hoạt, tôi thấy xót xa khi cuộc sống của bà gắn liền với hai chữ “mò mẫm”. Bà Thời hiện tại đang sống một mình trong căn nhà tồi tàn, đơn sơ, chỉ có một chiếc giường và mấy chiếc ghế nhựa. Không chỉ thế, nỗi đau tăng lên gấp bội khi bà Thời đang phải đối mặt với căn bệnh phong thấp mãn tính và bệnh dạ dày hành hạ mỗi ngày. “Chắc do kiếp trước tôi phạm lỗi gì để giờ tôi phải gánh chịu những nỗi bất hạnh như thế này” - bà Thời tâm sự trong dòng nước mắt nghẹn ngào.

Hiện tại, bà Thời đang được trợ cấp 450.000 đ/tháng dành cho người tàn tật. Số tiền ít ỏi đó như muối bỏ biển khi bà đang phải gánh chịu khoản nợ 10 triệu đồng và bệnh tuổi già hành hạ mỗi ngày. Bà Thời kể, lần gần đây nhất là cách đây 3 tháng, bà mới được ăn bữa cơm có thịt. Bà khoe lần đó được người hàng xóm tốt bụng cho 5 miếng thịt gà nên bà đã ăn được 3 bát cơm. Nói đến đây bà nở nụ cười hóm hỉnh.

Ông Hoàng Xuân Dũng - trưởng làng Sêu chia sẻ cho chúng tôi biết: “Gia đình cụ Thời là hộ gia đình đặc biệt khó khăn trong làng. Tuổi cụ đã cao, sống độc thân lại mắc bệnh nan y nên sinh hoạt rất khó khăn, luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Dân làng chúng tôi cũng nghèo nên chỉ giúp bà Thời về mặt tinh thần là chủ yếu”. Mong sao nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ trên hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm