| Hotline: 0983.970.780

Những câu chuyện đẫm nước mắt trong vụ lật thuyền ở Huế

Thứ Hai 17/02/2020 , 08:23 (GMT+7)

Những người may mắn thoát chết trong vụ lật thuyền ở Thừa Thiên - Huế kể lại câu chuyện trong phút giây sinh tử, ai nghe cũng không cầm nổi nước mắt.

Sau gần 10 giờ tìm kiếm, thi thể 3 nạn nhân đã được cơ quan chức năng đưa lên bờ. Ảnh: Tiến Thành.

Sau gần 10 giờ tìm kiếm, thi thể 3 nạn nhân đã được cơ quan chức năng đưa lên bờ. Ảnh: Tiến Thành.

Băng sông đi rừng, 3 người tử nạn

Đến chiều 15/2, thi thể 3 nạn nhân mất tích giữa lòng sông La Ma là ông Lê H. (SN 1969), bà Trần Thị L. (SN 1967) và anh Trần Đình M. (SN 1990), cùng trú ở thôn Phú Mậu, xã Hương Phú, huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) do chìm thuyền vào sáng cùng ngày đã được cơ quan chức năng tìm thấy và bàn giao cho gia đình.

Làng quê miền núi đang yên bình bỗng trở nên tang tóc, đau thương; người ta còn đau xót hơn là trong thảm cảnh đó có 2 vợ chồng và người đàn ông trẻ tuổi, họ ra đi để lại những đứa con thơ.

Theo một số người may mắn sống sót trong vụ lật thuyền này, lúc đó khoảng 7h sáng 15/2, cũng như mọi ngày họ dùng con thuyền nhôm để vượt sông La Ma qua khu rừng đối diện thôn làm keo, tràm.

Khi ra đến đoạn giữa sông thì bất ngờ gặp lốc xoáy khiến thuyền bị lật cả 12 người rơi xuống sông; 3 người nói trên mất tích, 9 người còn lại đã bơi được vào bờ, một số đó có dấu hiệu ngạt nước nhẹ, nên phải chuyển tới bệnh viện cấp cứu.

Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng huyện Nam Đông đã có mặt tại hiện trường để tìm kiếm những người mất tích, đồng thời, điều tra làm rõ vụ việc. Đến 16h30 cùng ngày, thi thể các nạn nhân được đưa lên bờ, người dân địa phương thay phiên nhau khiêng các nạn nhân vượt hơn 3km đường rừng đưa về nhà để lo hậu sự.

Theo ông Hồ Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Hương Phú (Nam Đông) cho biết, Sau khi hồ Tả Trạch tích nước khiến nhiều diện tích rừng sản xuất của người dân ở xã và nhiều địa phương bị cô lập, người dân đi vào rừng để sản xuất, khai thác gỗ gặp rất nhiều khó khăn.

“Nơi khu vực vừa xảy ra vụ tai nạn có đoạn sâu từ 10 - 15m, nhưng hàng ngày người dân phải vượt sông qua phía khu vực đồi núi bên kia để làm rừng tiềm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy” ông Vinh nói.   

Giữa phút giây sinh tử

Trên chiếc thuyền định mệnh ấy, trong số 9 người may mắn tự bơi được vào bờ lúc ấy đã kể lại những câu chuyện khiến ai nghe đều cảm động, không cầm được nước mắt; trong đó có câu chuyên về nghĩa vợ chồng.

Anh T. (trú ở thôn Phú Mậu), người may mắn thoát chết trong vụ lật thuyền lấy hết bình sinh kể lại: Sau khi thuyền chìm, anh cùng ông H. (ông Lê H. - 1 trong 3 nạn nhân) và những người khác bơi được vào gần đến bờ. Nhưng khi ấy, ông H. ngoảnh lại thì thấy vợ mình (bà L.) đang chới với giữa dòng nước nên ông đã quay lại để cứu vợ. Giữa dòng nước sâu ông H. đã bị đuối sức, cả 2 vợ chồng ông chìm dần và mất tích ngay sau đó.

Vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi thoát khỏi “miệng Hà Bá”, hơn thế, khi dòng sông La Ma đã cướp mất người em trai ruột thịt, anh Trần Đình Dũng nghẹn ngào nhớ lại:

“Khi thuyền bị lật, tôi cố hết sức dùng 2 tay dìu 2 vợ chồng em trai vào bờ vì vợ M. (anh Trần Đình M.) không biết bơi. Tuy nhiên, bơi được một đoạn thấy tôi đuối sức, M. bảo tôi cố gắng cứu lấy vợ nó còn chú ấy sẽ tự bơi. Sau khi tôi đưa được em dâu vào bờ, quay nhìn trở lại thì em trai đã mất tích” anh Dũng nói không nên lời.

Theo người dân địa phương, thì cả 3 nạn nhân đều là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cuộc sống thường ngày gắn với làm nương rẫy, là những người sống rất được lòng bà con trong xóm, làng.

Đặc biệt, trong đó có hoàn cảnh rất éo le của vợ chồng ông H., gia đình ông có tới 4 người con. Hai ông bà sống nương tựa vào nhau bằng nghề trồng keo thuê. “Cả 2 vợ chồng ra đi đột ngột để lại 4 đứa con trong căn nhà nhỏ dột nát, trong đó, có 2 cháu còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học không biết từ đây sẽ nương tựa vào đâu” một hàng xóm nạn nhân H. ngậm ngùi.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay, chính quyền địa phương đã trực tiếp đến thăm hỏi và động viên các gia đình có người gặp nạn, đồng thời, hỗ trợ phí mai táng cho mỗi nạn nhân là 5,4 triệu đồng.

Sau khi xảy ra sự việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Văn Phương, cũng đã đến thăm hỏi, động viên và trao số tiền hỗ trợ hơn 12 triệu đồng/nạn nhân nhằm giúp các hộ gia đình sớm vượt qua nỗi đau, lấy lại tinh thần ổn định cuộc sống.

Gia đình, người thân đang tổ chức hậu sự cho vợ chồng ông H. tại căn nhà của nạn nhân. Ảnh: Tiến Thành.

Gia đình, người thân đang tổ chức hậu sự cho vợ chồng ông H. tại căn nhà của nạn nhân. Ảnh: Tiến Thành.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.