Ai trả sức khỏe cho con tôi
Hai nữ công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, bật khóc khi chúng tôi cho xem các đoạn video nêu trên. Họ là những người nằm trong diện bệnh nặng sau vụ ngộ độc hồi tháng 5.
Chị Nguyệt, nữ công nhân hơn 40 tuổi, nói “như bị dao đâm vào lòng” khi biết chuyện. “Tôi vẫn chưa hết sợ sau vụ ngộ độc. Chẳng biết cơ thể còn lưu lại chất độc nào không, bao giờ phát tác. Từ hôm đó đến giờ vẫn phải giấu con cái”, chị Nguyệt nói. Nữ công nhân gần chục năm đi làm ở khu công nghiệp, nói chị và nhiều người khác “nuốt nước mắt vào trong” để tiếp tục mưu sinh.
Chị Mai, một nữ công nhân khác của Shinwon, người chỉ còn hơn 40kg sau trận ngộ độc. Người phụ nữ này ôm mặt khóc rất lâu sau khi xem video thực phẩm bẩn. Chị quay sang nói với chồng: “Vẫn phải đi làm thôi. Còn con, còn cháu, không làm lấy gì ăn. Chả lẽ ăn bám con à”.
Chồng chị Mai im lặng. Cơ hàm nổi lên từng đợt. Hai bàn tay siết thành nắm đấm. Móng tay còn nguyên vết rơm, vết bùn do vừa làm ruộng về.
Chúng tôi cảm nhận sự u uất, bất lực trong ánh mắt người nông dân ven thành phố Vĩnh Yên. Ông không thể làm gì khác. Thu nhập trong gia đình, phụ thuộc mấy sào ruộng, mảnh vườn, cùng đồng lương công nhân của vợ.
Ở góc phòng, bà cụ mẹ chồng chị Mai, mắng xối xả vì tưởng chúng tôi là người của Shinwon về thăm hỏi. Đến khi được con trai giải thích là phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam về tìm hiểu, bà cụ quát: “Tìm cái gì, hiểu cái gì. Ai trả lại sức khỏe cho con dâu tôi”. Căn nhà im bặt, chỉ còn tiếng khóc nghẹn từng hồi của chị Mai.
Về góc độ phụ huynh, anh Nguyễn Văn Vương, trú tại TP Vĩnh Yên, khi xem video về ông Đạt và doanh nghiệp Minh Quân, nói: “Không phải xem video, thì quả thực tôi không dám tin con người ta ác thế. Sao lại nỡ ăn chia cả trên suất ăn của học sinh. Tôi sẽ kiến nghị hiệu trưởng 2 trường mà con tôi theo học làm rõ việc này. Sở Giáo dục cũng không thể đứng ngoài cuộc được”. Vợ anh Vương, chị Linh, nói chị “run rẩy, sợ hãi” khi xem những cảnh người ta thản nhiên chia chác, ngã giá bữa ăn của học sinh.
“Sao những doanh nghiệp, cán bộ phòng giáo dục, không nghĩ rằng họ cũng có con. Con họ nhỡ đâu gặp phải cảnh đó thì liệu họ sẽ thế nào? Hay vì mấy vị ấy chia chác, ăn tiền bao năm nay, cho con ăn đồ ăn riêng rồi nên không sợ?”, chị Linh nói.
Hô hào khẩu hiệu suông
Theo văn bản ngày 30/5 của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vũ Việt Văn, tỉnh này đã có Quyết định số 13/2024/QĐ-UBND về đáp ứng công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tình hình mới, giai đoạn 2024 - 2025.
Tuy nhiên, so sánh với thực tế PV ghi nhận, các văn bản này dường như “để cho có”. Thực tế, doanh nghiệp thản nhiên bàn chuyện chia chác, thu mua thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Cũng theo văn bản chỉ đạo của ông Vũ Việt Văn, tỉnh Vĩnh Phúc đang “Xây dựng kịch bản từ 1000 người trở lên bị ngộ độc thực phẩm; trong đó rõ trách nhiệm triển khai; cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; phân luồng, phân tuyến người bệnh”. Thế nhưng, nguy cơ tiềm ẩn từ các bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp, thì con số người ngộ độc cấp tính có thể lớn hơn nhiều.
Hơn 400 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam bị ngộ độc, dường như vẫn chưa khiến tỉnh Vĩnh Phúc siết chặt công tác quản lý với các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm.
Một điều khác, khiến người nghe không khỏi day dứt. Đó là cho dù thản nhiên “ăn” trên từng suất ăn của học sinh, hai doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho trường học, vẫn nói với chúng tôi: “Học sinh thì cơ thể chúng nó chưa phát triển hoàn toàn. Mình ‘ăn’ ít thôi, chứ nếu ngộ độc thì khó chữa”.
Trong lúc đợi chỉ đạo của ông Văn về xây dựng kịch bản, thì hàng ngày, chuyện chia chác vẫn diễn ra. Thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn đổ về bếp ăn các khu công nghiệp. Chua xót hơn, người ta vẫn đang ăn chặn từng đồng tiền trong mỗi bữa ăn.
Chúng tôi xin trích một đoạn trong chỉ đạo của ông Văn đối với các sở, ngành Vĩnh Phúc: “Rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam; đồng thời để tiếp tục triển khai thực hiện công tác an toàn thực phẩm hiệu lực, hiệu quả trong năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện nội dung sau: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, quản lý quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng đối với các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm được phân công quản lý, triển khai thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm”.
Không rõ, tỉnh Vĩnh Phúc “rút kinh nghiệm” đến bao giờ. Cán bộ phòng giáo dục lập doanh nghiệp “sân sau”, đưa thức ăn vào bếp ăn học sinh. Phải chăng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Phúc, Phòng giáo dục huyện Bình Xuyên, quá bận rộn “rút kinh nghiệm” nên không biết.
Trong các khu công nghiệp, không thiếu hệ thống camera giám sát từ cửa đến bếp ăn. Các ban, ngành ở Vĩnh Phúc chẳng lẽ không đủ nghiệp vụ để phát hiện vấn đề tồn tại nhiều năm qua?
Chợ tạm, chiếm dụng lòng đường, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngay đối diện chợ do Nhà nước xây, không lẽ các quan chức tỉnh Vĩnh Phúc và TP Vĩnh Yên không biết?
Ám ảnh đến nghỉ làm
Một cựu đầu bếp từng làm việc ở Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, chia sẻ với điều kiện không nêu tên thật, nói: “Nhiều lúc thấy tội cho công nhân lắm nhưng không dám nói vì mình cũng chỉ là người làm thuê. Chả phải mỗi bếp của Shinwon Ebenezer đâu, nhiều bếp ở các doanh nghiệp khác, người ta cũng dùng dầu ăn đun đi đun lại cả tuần”.
Nữ đầu bếp cho biết bà từng có vài năm làm việc trong bếp của Shinwon Ebenezer. Dầu ăn nếu được nhập vào từ thứ hai, thì sẽ đun nấu suốt trong một tuần. Tệ hại nhất là việc các đầu bếp được chỉ đạo từ doanh nghiệp trúng thầu nấu ăn, về việc: Dầu ăn hôm đầu xong, thì gạn hết cặn, cho vào các nồi, chảo khác. Ngày hôm sau lấy ra đun nấu tiếp.
Đầu bếp này sau đó nghỉ làm vì thấy “lương tâm quá bị ám ảnh”. Sau đó, chị nhiều lần đi chùa, tự sám hối.