| Hotline: 0983.970.780

‘Chia chác’ suất ăn công nghiệp ở Vĩnh Phúc: [Bài 5] Lại thêm một vụ ngộ độc tập thể, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Sáu 05/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Vụ ngộ độc thực phẩm tại công ty Shinwon Ebenezer chưa kịp lắng thì tiếp tục xảy ra ngộ độc tại công ty Sumiriko Việt Nam nhưng Sở Y tế Vĩnh Phúc không công bố...

Giấy ra viện trong của các công nhân trong vụ ngộ độc tập thể thứ 2 trong vòng 2 tháng tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Bình.

Giấy ra viện trong của các công nhân trong vụ ngộ độc tập thể thứ 2 trong vòng 2 tháng tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Bình.

Sở Y Tế tỉnh Vĩnh Phúc không công bố thông tin?

Theo tài liệu do công nhân khu công nghiệp Thăng Long 3 (Vĩnh Phúc) cung cấp cho nhóm PV, lúc 21h36 ngày 27/6, ít nhất 5 công nhân thuộc Công ty TNHH Sumiriko Việt Nam tại khu công nghiệp này, phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm.

5 công nhân được ra viện lúc 16h00 ngày 28/6. Chẩn đoán của Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, cho biết: Công nhân bị ngộ độc thức ăn do thực phẩm; Rối loạn tiêu hóa.

Bài liên quan

Nguy hiểm hơn, hai công nhân sau khi được cho về nhà, có biểu hiện co quắp chân tay, buộc phải quay lại bệnh viện tiếp tục điều trị.

Tuy nhiên, ngày 2/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đặng Văn Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, tuyên bố: “Các cơ quan thường trực về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của tỉnh đã phối hợp nhuần nhuyễn, thực hiện các kế hoạch đảm bảo VSATTP từ đầu năm”.

Ông Hải không hề đề cập đến vụ ngộ độc tập thể ngày 27/6. Về trách nhiệm của Sở Y tế, ông Hải nói “sẽ tiếp thu và báo cáo UBND tỉnh”.

Ông Hải không trả lời trực tiếp vào các câu hỏi mà báo Nông nghiệp Việt Nam đã nêu ngay từ đầu phần hỏi đáp của cuộc họp:

- Tỉnh Vĩnh Phúc nhận định thế nào về việc các doanh nghiệp mua thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc rồi đưa vào bếp ăn cho công nhân và học sinh? Vì sao tỉnh để chợ tạm chiếm lòng lề đường, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc suốt mấy năm qua?

- Tỉnh có biết cán bộ phòng giáo dục huyện Bình Xuyên ngã giá, chia chác tiền trên từng suất ăn của học sinh, công nhân. Nếu bây giờ đã biết, thì phương án xử lý là gì?

Đại diện Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng tham dự, song không trả lời.

Tại cuộc họp báo Sở Y tế Vĩnh Phúc không công bố thông tin về vụ ngộ độc thứ hai. Ảnh: Đức Bình.

Tại cuộc họp báo Sở Y tế Vĩnh Phúc không công bố thông tin về vụ ngộ độc thứ hai. Ảnh: Đức Bình.

Bài liên quan

Ngày 4/7, nhóm PV liên hệ với Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, hỏi về việc: Liệu bao nhiêu người bị ngộ độc, thì Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh và công bố tình hình dịch bệnh? Đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, quy trình công việc được thực hiện theo Quyết định 39 của Bộ Y tế.

Tham khảo quyết định nêu trên, điều 12, chương 5, ghi: “Công bố ngộ độc thực phẩm: Tùy theo tính chất vụ ngộ độc thực phẩm mà xác định thời gian, hình thức, cấp thẩm quyền công bố với các cơ quan liên quan và cơ quan thông tấn báo chí về vụ ngộ độc thực phẩm”.

Điều 5, chương 2 về Khai báo và Báo cáo ngộ độc thực phẩm, ghi: Bất kể một nhân viên y tế nào khi tiếp nhận thông tin về ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm phải báo cáo ngay cho thủ trưởng đơn vị mình về nội dung vụ việc.

Sau sự cố ngộ độc thực phẩm tại công ty Shinwon Ebenezer, lại thêm một vụ ngộ độc tập thể với ít nhất 5 công nhân, trong đó có 2 người bị co quắp sau khi được bệnh viện điều trị thì việc Sở Y tế không công bố thông tin và truy tìm nguyên nhân đẫn đến ngộ độc là chuyện bất thường. Cần phải xem xét trách nhiệm.

Thủ trưởng đơn vị tiếp nhận được thông tin về ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm phải xem xét về nội dung khai báo để quyết định. Trong trường hợp vụ ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm có nguy cơ lan rộng thì phải nhanh chóng phán đoán về quy mô và khả năng lan rộng, phải báo cáo khẩn cấp cho UBND và cho cơ quan Y tế cấp trên biết.

Ngành Giáo dục thờ ơ...

Ngày 3/7, nhóm PV đã liên hệ với bà Dương Thị Bích Thủy, Phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Thủy từ chối trả lời về hướng xử lý với việc ông Phan Anh Đạt, cán bộ tổ chức – Phòng GD&ĐT huyện Bình Xuyên, chia chác tiền ăn của học sinh.

Trước đó, PV đã cung cấp cho bà Thủy nội dung bài viết “Ngã giá trên bữa ăn của học sinh và công nhân”, hình ảnh, video clip về ông Phan Anh Đạt gạ gẫm chia chác.

Ông Đạt là cán bộ ngành Giáo dục của tỉnh Vĩnh Phúc. Việc ăn chia tiền trên từng suất ăn của học sinh sẽ ảnh hưởng chất lượng dinh dưỡng, sức khỏe thể chất của hàng nghìn học sinh. Tuy nhiên, bà Thủy từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào, lý do: “Cán bộ của Phòng GD&ĐT huyện, thì do huyện quản lý, Sở không biết”.

Về hình thức xử lý, bà Thủy nói “phải đợi cơ quan chức năng kết luận xem thế nào, thì Sở mới vào cuộc”.

Không thể có câu trả lời từ quan chức Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, nhóm PV đã nhiều lần liên hệ với huyện Bình Xuyên, song cũng không nhận được hồi âm. 

Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, không trả lời đề nghị làm việc. Trưởng phòng Giáo dục huyện Bình Xuyên, bà Nguyễn Thị Thu Hường, cũng không hồi đáp.

Tên ông Phan Anh Đạt đã bị xóa khỏi trang website của Phòng GDĐT huyện Bình Xuyên. Ảnh: Đức Bình

Tên ông Phan Anh Đạt đã bị xóa khỏi trang website của Phòng GDĐT huyện Bình Xuyên. Ảnh: Đức Bình

Điều kỳ lạ là, trước khi báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài “Ngã giá trên bữa ăn của học sinh và công nhân”, thì tên ông Phan Anh Đạt vẫn xuất hiện trên website của Phòng GD&ĐT huyện Bình Xuyên với chức danh Cán bộ tổ chức. Song sau khi báo đăng, tên ông Đạt đã biến mất khỏi trang web này.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 02/7. Video: Đức Bình.

Công nhân sợ hãi, bỏ việc

Bài liên quan

Để tìm hiểu cụ thể, chúng tôi đã tìm đến nhà một nữ công nhân từng làm việc cùng nhóm công nhân bị ngộ độc ở Công ty TNHH Sumiriko Việt Nam. Chị Mai Liên (nhân vật yêu cầu đổi tên), cho biết: “Chồng tôi sau khi biết chuyện, không cho tôi đi làm nữa. Bản thân tôi cũng rất sợ sau vụ ngộ độc ở Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, lại đến vụ ngộ độc này. Cũng may là tôi nhà gần, nên luôn ăn ở nhà chứ không dám ăn ở bếp ăn tập thể”.

Khi nghe chúng tôi nói về cách hành xử của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc và lãnh đạo huyện Bình Xuyên, chị Liên bật khóc: “Chắc con các vị ấy ngậm thìa vàng thìa bạc từ lúc mới sinh ra nên không hiểu con của người lao động bình thường như chúng tôi khổ thế nào. Tiền học, tiền ăn của các con, chúng tôi có dám nộp thiếu đồng nào đâu. Sao người ta ác thế?”.

Lần ngược lại các văn bản chỉ đạo của ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc sau vụ 400 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam ngộ độc, phát biểu của Sở Y tế tỉnh này, chúng tôi nhận thấy nhiều mỹ từ: “Chỉ đạo kịp thời”, “xử lý kịp thời”, “phối hợp nhuần nhuyễn” v.v. Trên thực tế, những mỹ từ ấy dường như chỉ dành cho cán bộ, còn thực tế công nhân, học sinh... đang phải đối diện với rất nhiều thứ xấu xí, độc hại.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.