| Hotline: 0983.970.780

Chiến trường và những hồi ức không ngủ yên: [Bài cuối] Làng Láng đi qua khói lửa

Thứ Sáu 20/12/2019 , 09:22 (GMT+7)

Lâu rồi, từ phương Nam tôi mới có dịp ra Hà Nội, ra với làng Láng – nơi cha tôi dạy học suốt mấy chục năm.

ky-ho-cu-vo-xuong141716494
Ký họa "Cô giao liên thời chống Mỹ". Tác giả: Võ Xưởng.

Nơi đây, anh em chúng tôi đã qua hết tuổi niên thiếu và thời lớn khôn khiến không một ai trong làng còn coi chúng tôi là dân ngụ cư.

Láng bây giờ đâu còn là ngọai ô xanh mướt của Hà Nội. Cả cái tiếng “làng” cũng trở nên xa xôi, lạ lẫm tựa như từ cổ tích, ca dao vọng về.

Mẹ tôi bảo: “Thôi thì không có ngọn thơm, ngọn húng xưa kia trong bữa ăn cũng chẳng chết ai. Mẹ chỉ buồn lo mỗi một điều, nhà cao lớp lớp, tầng tầng , đường xá sẻ ngang, xây dọc như thế này, đến ngày giỗ, ngày tết, thằng em con và lũ bạn làng Láng của nó làm sao lần ra đường mà tìm về nhà …”.

Trong mấy năm chiến tranh, chỉ tính riêng lối xóm nhà tôi đã có tới ngót chục chàng trai, cô gái ngã xuống trên các chiến trường cùng với thằng em tôi.

Về tới làng Láng  buổi trưa, buổi chiều đã nghe mẹ tôi dặn: “Anh đi đâu chơi, nhớ sáng ngày kia ở nhà tới dự đám cải táng bà Hin… Từ dạo gia đình anh vào Sài Gòn, gặp tôi ở đâu bà ấy cũng hỏi thăm vợ chồng, con cái anh”. Suýt nữa tôi buột miệng hỏi bà Hin ấy là ai?

Vào đầu thời kỳ máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, làng Láng hãy còn chưa có điện và không hiểu sao được coi như vùng an toàn ven đô.

Có một lần từ mặt trận đường 9 ghé về thăm nhà, tôi gặp đúng đêm máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Còi báo động từ Nhà hát Lớn rú vang. Quầng sáng ánh đèn điện phía nội thành bỗng như lụi tắt bớt. Rồi những chùm đạn phòng không đỏ lừ thun thút lao lên vòm trời. Rồi bom nổ phía Yên Viên, Cầu Giát…

Còi báo yên, đàn chó trong làng vẫn sủa râm ran, đường làng ngõ xóm vẫn rậm rịch bước chân người, không một ai ngủ lại cả. Các cô, các chị thức thẳng từ lúc đó cho tới lúc quẩy gánh rau húng, rau thơm tới các phiên chợ sớm. Người làng Láng chia sẻ âu lo với người nội thành như thế đấy.

Giữa phút tĩnh lặng, nghiêm trang ấy tôi bỗng nghe có tiếng gì động mạnh như tiếng ai đập chiếu trên mặt ao, tiếng đổ vỡ loảng xoảng, ngay sau đó là tiếng kêu la của một người đàn bà: “Ối bà con xã viên đội một, đội hai, đội ba, đội bốn ơi! Lão chồng tôi tàn ác, thâm độc như đế quốc thực dân. Nó đánh tôi trường kỳ, gian khổ như thế này làm sao tôi chịu nổi!?”.

Đàn em tôi cười ré lên, khiến tôi bật cười theo. Tôi bỗng nhớ ông Hin, gương mặt lúc nào cũng sậm đỏ, ngồi đan lờ đó với bát rượu không bao giờ vơi nhắm cùng chuối xanh, ổi, cóc. Tôi cũng nhớ bà Hin tần tảo với gánh rau nuôi đàn con trứng gà, trứng vịt.

Ngay sáng hôm sau, bà Hin đã tìm tới nhà tôi. Sau vài lời thăm hỏi, bà tỏ vẻ bẽn lẽn, ngập ngừng mãi mới cất tiếng: “Từ khi mấy đứa em chú lắp cái đài galen, chị nghe đài quen cũng thủng ra đôi chuyện. Chú đừng cười chị nhé, thế đài cứ nói bè lũ Giônxơn- Macnamara thì đấy là hai thằng hay một thằng?”. Tôi vừa tức cười vừa cố nén để giải thích cho bà Hin điều bà muốn biết và những gì bà hỏi thêm.

Đêm sau máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Hà Nội. Đúng vào giây phút không ai chợp mắt nổi ấy, bà Hin lại chạy bổ ra đường la hét váng động cả xóm: “Ới bà con xã viên ơi! Chiều nay lão chồng tôi không nấu cơm cho tôi ăn. Nó còn giấu biệt hòm gạo đi. Nó rắp tâm triệt hạ kinh tế tôi đấy mà”.

Từ đêm đó tới nay đã bao năm tháng trôi qua. Cả cái dáng tần tảo lẫn cung cách tự vươn lên của một người đàn bà vùng rau bây giờ cũng chỉ còn là những gì thấp thóang hiện ra dưới đáy chiếc tiểu sành. Tôi ngậm ngùi với ý nghĩ tất cả đang bị cuốn dần dần sang phía bên kia màn sương mù của thời gian...

Lúc sắp rời nghĩa trang, anh con trưởng ông bà Hin nói với tôi: “Mấy năm trước, đưa thầy em lên đây chỉ cần ông chủ nhiệm hợp tác ký cái rọet là xong. Bây giờ thì cái gì cũng tiền, anh ạ. Mấy cây vàng một chỗ nằm cho u em đấy! Muốn ở bên cạnh thầy em thêm hai chỉ nữa.

Vợ chồng em cố vay mượn để vong hồn u em được mãn nguyện. Tội nghiệp, mấy tháng u em đổ bệnh, thiếp đi thì thôi, tỉnh lại là nước mắt vắn dài van vỉ vợ chồng em gắng gỏi lo sao để u em được vĩnh viễn ở bên cạnh thầy em”.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.