| Hotline: 0983.970.780

Chiều kỷ niệm trên quê hương quýt hồng

Thứ Hai 01/05/2023 , 15:05 (GMT+7)

Lời bộc bạch, trăn trở của ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung, Đồng Tháp về tình đất, tình người, khơi dậy tinh thần phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Quýt hồng - loại trái cây đặc sản của vùng đất Lai Vung. Ảnh: Kim Anh.

Quýt hồng - loại trái cây đặc sản của vùng đất Lai Vung. Ảnh: Kim Anh.

Chiều 28/4, tôi đi từ trung tâm huyện Lai Vung về hướng Long Hậu, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa, Phong Hòa rồi vòng về Long Thắng, Hòa Long, Hòa Thành, Tân Dương, rất tiếc là không kịp ghé vào Tân Phước.

Nhìn quê hương đẹp đẽ, nhộn nhịp người xe, lòng tôi trào dâng cảm xúc về một tình cảm rất tự nhiên nhưng cũng rất da diết khôn cùng, nhớ về chặng đường 48 năm với những thăng trầm, nhớ về sự hy sinh, mất mát đã đi qua để có được cuộc sống bình yên. Tuy chưa giàu sang, phú quý bao nhiêu nhưng có đủ niềm tin để khẳng định rằng đó là hạnh phúc.

Nhớ về những tháng ngày quýt hồng chết khô cây, những giọt nước mắt của người nông dân chảy ngược vào lòng chạy đôn chạy đáo tìm cây trồng thay thế khác. Nhớ những tháng ngày chúng ta gồng mình trước cơn đại dịch Covid-19, người dân Lai Vung che chở, nương tựa vào nhau cùng Đảng bộ, chính quyền vượt qua những nguy hiểm, khó khăn. Tôi nhớ về cái Tết Quý Mão 2023, lần đầu tiên huyện Lai Vung tổ chức Lễ hội quýt hồng, quýt và người cùng nở hoa kết trái.

Năm 2023 này, Lai Vung quyết tâm xây dựng huyện nông thôn mới cơ bản hoàn thành để vừa chào mừng Hội nghị nửa nhiệm kỳ của Đảng, vừa thể hiện quyết tâm tạo mọi điều kiện để phát triển quê hương theo hướng phù hợp với chính khả năng mình. Dù cho thế nào thì nền tảng kinh tế của chúng ta từ trong quá khứ, hiện tại đến tương lai vẫn là nông nghiệp, nhưng hãy suy nghĩ xem làm nông nghiệp có làm giàu được không? Và muốn giàu có thì phải bằng cách nào cho phù hợp? Đó là những câu hỏi luôn hiện hữu xuyên suốt trong tôi mọi lúc, mọi nơi.

Nông dân huyện Lai Vung quyết tâm phục hồi lại diện tích quýt hồng. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân huyện Lai Vung quyết tâm phục hồi lại diện tích quýt hồng. Ảnh: Kim Anh.

Tại sao Nhật Bản và Hàn Quốc giàu có hơn chúng ta nhưng họ vẫn không từ bỏ nông nghiệp, mà ngược lại, nông nghiệp của họ càng được đầu tư hiện đại?

Tôi nghĩ đơn giản lắm: Từ cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ nhất của nhân loại cho tới bây giờ là lần thứ tư rồi (công nghệ 4.0) người ta phát minh ra rất nhiều thành tựu vĩ đại làm thay đổi rất lớn đến nền kinh tế và đời sống toàn cầu, nhưng không ai sản xuất được thứ gì thật tốt hơn để thay thế cho ngũ cốc, rau quả, thực phẩm từ nền nông nghiệp.

Và trong tương lai không xác định, theo tôi, nhân loại cũng sẽ không nhắm tới mục tiêu này mà chỉ hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững, mang lại sự an toàn và chất lượng ngày càng hoàn thiện tối ưu hơn cho người tiêu dùng. À ra là vậy, như vậy nên họ dù giàu có hơn chúng ta rất nhiều lần nhưng đâu có giã từ nông nghiệp!

Thời kỳ hội nhập toàn cầu và khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng, khắt khe nghiêm ngặt về sự an toàn… nếu làm theo kiểu cũ thì khó khăn là điều không thể tránh, bởi vậy ông bà ta đúc rút ra thành ngữ “ăn theo thuở, ở theo thời”.

Vậy muốn đáp ứng được những đòi hỏi khách quan đó, chúng ta phải làm gì? Muốn có nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao thì đương nhiên phải liên kết lại thành những cộng đồng đủ mạnh, mạnh cả về quy mô, mạnh cả về sản lượng, chất lượng đồng đều, mạnh cả về lòng quyết tâm không chỉ của mỗi người mà của tất cả những ai muốn làm nông nghiệp. Muốn vươn lên từ nông nghiệp, chúng ta cần bỏ tư duy “ruộng ai thì nấy đắp bờ” mà chuyển sang “ruộng chung ta quyết đắp bờ”.

Ngoài ra, không nên giữ suy nghĩ đợi chờ những tính toan hẹn mùa thu hoạch mà phải chuyển nhanh và chuyển ngay sang phân chia mùa thu hoạch theo nhu cầu của người tiêu dùng; bằng mọi cách phải hạ giá thành sản xuất; chi phí và lợi ích phải điều tiết hài hòa trên cùng diện tích sản xuất của những nông dân với nhau.

Hãy sống đúng nghĩa “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, nương nhau mà sống, chia sẻ hài hòa với nhau để cùng phát triển như ông cha chúng ta vì hòa bình, độc lập cho dân tộc thế hệ tương lai mà không tiếc máu xương cho sự nghiệp vĩ đại của đất nước, như chúng ta đã từng nương tựa vào nhau để vượt qua cơn dại dịch Covid-19 vừa qua.

Hãy vào Hợp tác xã, vào Hội quán mà bàn bạc, trao đổi, thậm chí là đấu tranh với nhau để cùng hướng đến những gì tốt đẹp hơn phía trước. Bởi lẽ, nếu cứ việc ai nấy làm thì rồi “đèn nhà ai nấy sáng” và “được ăn cả, ngã về không” như cái vòng lẩn quẩn sẽ trở thành lời nguyền mãi đeo bám chúng ta.

Cấp ủy Đảng, các cấp trong toàn Đảng bộ huyện vào cuộc mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết đề ra, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Cấp ủy Đảng, các cấp trong toàn Đảng bộ huyện vào cuộc mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết đề ra, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Để làm được những điều đó, cấp ủy Đảng, các cấp trong toàn Đảng bộ phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, sâu sát với thực tiễn hơn; mọi chương trình, nghị quyết đề ra cần cụ thể hơn để hướng đến những nội dung, phần việc vừa đáp ứng yêu cầu của ngành, của địa phương trước mắt vừa đáp ứng thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế địa phương (đặc biệt là các Đảng bộ xã, thị trấn và Chi bộ ấp, khóm).

Cần minh định việc gì thuộc thẩm quyền trách nhiệm của huyện, của tỉnh, của Trung ương; nên tách bạch ra để kiến nghị, đề xuất cụ thể. Việc gì trách nhiệm của chính ngành, địa phương thì cần xây dựng phương án, phương pháp, lộ trình cụ thể phân công cụ thể mà làm; tránh và khắc phục ngay tình trạng cấp dưới chờ cấp trên, dân thì chờ Đảng, Chính quyền và xã hội…

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên phải xây dựng những chương trình phối hợp thống nhất hành động, những kế hoạch để tiếp xúc, vận động đến từng nhóm giai tầng xã hội trong địa phương một cách cụ thể.

Không thể có một chương trình, một kế hoạch mà phù hợp hết với công, nông, trí, thanh niên, phụ nữ, nông dân, doanh nghiệp, đồng bào có tín ngưỡng - tôn giáo… Điều đó là không tưởng, là duy ý chí và như vậy chúng ta sẽ mãi loay hoay với các phong trào nặng về hình thức mà thiếu tính cụ thể và bền vững của thực tế nội dung.

Chính quyền các cấp cần năng động hơn nữa, sát thực tiễn hơn nữa và độ kiến tạo phải cụ thể hơn nữa trên từng lĩnh vực được giao trong thực thi công vụ, vừa đảm bảo tính phục vụ, sự kiến tạo và năng lực quản trị xã hội, đảm bảo kỷ cương trong một cơ chế trách nhiệm, công chính, liêm khiết trước nhân dân.

Nắng chiều đổ bóng dài trên đường như những suy tư hoài vọng của tôi in lại trên quê hương. Mong sao những điều ấy không chỉ là của riêng tôi, vì tôi cũng chỉ là người bị giới hạn trong những ràng buộc của cá nhân, không đủ sức tạo nên mùa vàng, tạo nên biển rộng mà phải cần sự hợp sức với quyết tâm chính trị và ý chí, khát vọng vì quê hương của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và toàn dân huyện nhà.

Kính chúc các đồng chí và nhân dân quê mình những ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương, mừng kỷ niệm ngày chiến thắng và quốc tế lao động bên gia đình luôn khỏe, vui và quyết tâm cùng nhau hành động!

(Bí thư Huyện ủy Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển sớm Đại học 2025

Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang dự kiến sẽ bỏ xét tuyển sớm Đại học 2025.