Riêng ở lĩnh vực này, quan hệ Ấn Độ - Nepal vốn vẫn kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” thì vài năm nay xấu đi nhanh hơn.
Người dân Ấn Độ dùng bè di chuyển trong những ngày lụt. Ảnh: Reuters. |
Ấn Độ và Nepal chia sẻ đường biên giới mở trải gần 1.800km. Dọc chiều dài đó, hơn 6.000 con sông lớn nhỏ và luồng lạch hàng năm vẫn đưa nước từ Nepal xuống miền Bắc Ấn Độ. Ganges là con sông lớn nhất thuộc Ấn Độ nằm dọc biên giới hai nước. Vào mùa khô, 70% lượng nước của Ganges được các sông ngòi ở Nepal cần mẫn cung cấp.
Nhưng cứ đến mùa mưa, rắc rối lại phát sinh, bên này đổ cho bên kia và bên nào cũng giữ cái lý đến cùng. Mùa mưa năm nay đã được hơn 1 tháng, khoảng 100 người đã chết mà mất tích ở Ấn Độ, Nepal và Banladesh. Hơn 3 triệu người đã phải di tản để tránh lũ lụt. Thiệt hại nằm cả ở hai phía.
Có điều là vài năm gần đây, sự giận dữ bên phía Nepal đặc biệt tăng tần suất. Họ chỉ trích các công trình bán đập mà Ấn Độ xây dọc biên giới đã cản trở dòng nước tự nhiên. Năm 2016, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi lần đầu tiên cư dân hai bên biên giới xảy ra ẩu đả.
Chính quyền Nepal nói rằng có khoảng 10 công trình như vậy, thủ phạm làm ngập úng hàng nghìn ha đồng ruộng và đất ở.
Chính quyền Ấn Độ phản bác, nói đó chỉ là những con đường giao thông thông thường. Tuy nhiên, Nepal nói họ có bằng chứng đó là các hệ thống kè đập để bảo vệ làng mạc Ấn Độ khỏi bị ngập nước.
Gaur là trung tâm quận Rautahat ở miền Nam Nepal giáp Ấn Độ. Cuối tuần qua, Gaur bị ngập băng 3 ngày liên tiếp và chính quyền rất lo lắng về sự tức tối của dân chúng.
“Căng thẳng được tháo ngòi nổ khi Ấn Độ chịu sức ép và mở 2 cửa xả dưới một con đường - đập giúp nước được tháo đi”, Krishna Dhakal - cảnh sát trưởng quận Rautahat nói.
Ấn Độ và Nepal đã họp không ít lần để tìm giải pháp chung kiểm soát lũ lụt nhưng chưa có kết quả. Hồi tháng 5, trước mùa mưa lũ, hai nước đạt được nhận thức chung là “có sự tồn tại của các con đường - đập” đã và đang được xây dựng, tuy nhiên, cơ quan quản lý nguồn nước hai nước lại chuyển việc xử lý sang “kênh ngoại giao”. Từ đó đến nay, cơ quan ngoại giao Nepal bị dư luận trong nước phàn nàn là chưa đề cập vấn đề với đối tác Ấn Độ.
Bang Bihar ở đông bắc Ấn Độ là nơi thiệt hại nặng nề nhất. Từ đầu mùa mưa lũ đến nay, hơn 1,9 triệu người bang này đã phải sơ tán để đảm bảo tính mạng. Hai con sông lớn nhất là Kosi và Gandaki đều nằm ở bang này, và mỗi mùa mưa nó cùng trở nên hung dữ.
Ở thượng nguồn phía bên Nepal, các đập kiểm soát lưu lượng nước, phát điện và phục vụ tưới tiêu trên hai con sông này đều do Ấn Độ xây dựng và vận hành theo một thỏa thuận chung ký từ năm 1945 và 1959. Đập Kosi có 56 cửa xả và cứ đến cao điểm mùa mưa là bên Nepal lại chỉ trích Ấn Độ không cho mở để tháo nước, dẫn đến ngập úng. Năm nay không phải là ngoại lệ.
Còn Ấn Độ thì nói rằng Nepal không kiểm soát được nạn chặt phá rừng, khai thác hầm mỏ khiến cho tình hình lũ lụt vùng hạ lưu thêm trầm trọng. Với tình hình biến đổi khí hậu ngày một tác động tiêu cực, giới quan sát lo rằng vấn đề giữa hai nước sẽ càng thêm phức tạp.