| Hotline: 0983.970.780

Chọi trâu Hải Lựu - nét văn hóa ngàn đời [Bài 1]: Lễ hội ngàn năm tuổi

Thứ Tư 28/02/2024 , 06:45 (GMT+7)

Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu thể hiện tinh thần thượng võ, tính giáo dục sâu sắc, phục vụ nhu cầu văn hóa và tâm linh của người dân địa phương.

Gắn với nhiều truyền thuyết

Với người dân Hải Lựu, một năm có 2 cái Tết, trong đó Tết Nguyên đán là Tết chung, còn lễ hội chọi trâu đối với họ cũng là Tết. Hàng năm cứ vào rằm tháng Giêng, người dân Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc gác hết lại những bộn bề thường ngày, rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội “đấu ngưu” truyền thống.

Chọi trâu là một lễ hội có truyền thống lâu đời bậc nhất của vùng Lô Giang này. Tương truyền, lễ hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ II trước Công nguyên (tính đến nay đã hơn 2000 năm). Có tuổi đời lên đến hàng nghìn năm vì vậy mà cũng có nhiều dị bản lý giải nguồn gốc của lễ hội này.

Một truyền thuyết cho rằng: Một buổi sáng, tại bến Lô Giang, xã Hải Lựu, một người đã chứng kiến cảnh hai con trâu trắng đánh nhau dữ dội, sau đó cùng nhau nhảy xuống dòng sông và biến mất. Từ sự kiện đó, dân làng đã đặt tên cho bến sông này là bến Ảnh, còn làng thì được biết đến với cái tên làng Bạch Ngưu (trâu trắng) để kiêng húy, dân làng gọi chệch, nói trại đi thành Bạch Lưu và từ đó lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu.

Tuy nhiên theo ông Đào Tiến Trung (Chủ tịch UBND xã Hải Lựu), người dân Hải Lựu quen với một truyền thuyết khác. Theo truyền thống, lễ hội chọi trâu được cho là đã tồn tại từ thế kỷ II trước Công nguyên, khi nhà Hán xâm lược vương quốc Nam Việt của dòng họ Triệu Đà, gây nên sự tan rã của triều đình nhà Triệu.

Chọi trâu là lễ hội truyền thống có tuổi đời lên đến hàng ngàn năm ở Hải Lựu. Ảnh: NVCC.

Chọi trâu là lễ hội truyền thống có tuổi đời lên đến hàng ngàn năm ở Hải Lựu. Ảnh: NVCC.

Trong thời kỳ đó, thừa tướng của vương quốc Triệu, Lữ Gia, đã rút quân về vùng núi Hải Lựu bên sông Lô để tổ chức cuộc kháng chiến. Đáng chú ý là sau mỗi trận thắng, ông thường tổ chức các cuộc chọi trâu để khích lệ tinh thần của quân lính, và các con trâu thắng cuộc sau đó sẽ được giết để khao quân. Tương truyền, để binh lính ăn thịt trâu chọi là để khi ra trận quân lính sẽ “hăng máu” như trâu chọi.

Sau khi Lữ Gia qua đời, người dân tại làng Hải Lựu đã tôn ông như một vị thánh và lễ hội chọi trâu vẫn được duy trì như một phần của truyền thống anh hùng từ các thế hệ tiền bối.

Là lễ hội truyền thống hàng ngàn năm tuổi, tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, lễ hội thể hiện sự bạo lực, man rợ. Tuy nhiên ông Trung cho biết: “Chuyện 2 con trâu húc nhau là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, khi trâu được tuyển chọn, được đưa vào làm lễ để vào sới chọi thì người ta lại có cách nhìn khác. Nó vẫn chỉ là húc nhau, nhưng người ta lại cho là bạo lực. Theo quan điểm của tôi, khẳng định như vậy là không có cơ sở…Chỉ là 2 con trâu húc nhau, dồn đuổi nhau. Điểm khác ở đây là dồn đuổi ở ngoài đồng, khác dồn đuổi trong sới…”.

Do đặc tính, nên ở đâu trâu cà cũng có thể húc nhau, ở ngoài đồng hay ở sới. Ngoài ra, khi thua trâu thường có xu hướng bỏ chạy chứ ít có xu hướng dồn đến đường cùng hoặc ép đến chết tại chỗ. Trên thực tế, trong suốt 22 năm kể từ khi được khôi phục, mới chỉ có 4 trâu bị hạ nốc ao, phần còn lại chỉ bị thương tích nhẹ, không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng trâu.

Trâu không phải là... trâu

Tại xã Hải Lựu, những con trâu tham gia lễ hội, sau khi trình thành hoàng làng được gọi là "ông Cầu". Người dân địa phương giải thích rằng: "Cầu ở đây biểu trưng cho sự mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và sự an lành cho đất nước...". Đây chính là lý do tại sao việc chọn lựa những "ông Cầu" này phải được thực hiện rất kỹ càng từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước, thậm chí nhiều chủ trâu phải ra nước ngoài để tìm kiếm con trâu phù hợp.

Ngoài ra, những "ông Cầu" này cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí từ việc chọn sừng, khoáy, màu da, móng chân, lông, mắt, tướng mạo... “Cổ cò đít nhót, đuôi chai móng sò, mắt nhỏ mi dày, thân hình trâu cao, dài, thể hình cân đối, cơ bắp” là những tiêu chí cơ bản do ban tổ chức quy định.

Những 'ông Cầu' đều phải được lựa chọn kỹ càng từ khắp các địa phương trên cả nước.  Ảnh: Minh Toàn.

Những “ông Cầu” đều phải được lựa chọn kỹ càng từ khắp các địa phương trên cả nước.  Ảnh: Minh Toàn.

Trước đây, lễ hội thường diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch, nhưng từ năm 1947, với nhiều nguyên nhân bao gồm cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, lễ hội chọi trâu đã bị gián đoạn trong một thời gian dài và chỉ được khôi phục vào năm 2002. Với sức hấp dẫn ngày càng tăng của lễ hội và sự quy tụ đông đảo của du khách quốc tế, từ năm 2004, Ban tổ chức đã quyết định kéo dài lễ hội trong hai ngày liền, vào ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Cụ thể, ông Trung cho biết: “Trâu được tuyển chọn phải là trâu cà, số đo vòng ngực tối thiểu là 215cm, ít nhất là nặng 800kg, tuổi đời của trâu thì phải là chập răng, tức là đủ răng là khoảng 8 tuổi. Trâu phải được thuần hoá, không có những bất thường hoặc gây nguy hiểm cho con người…”. Mỗi chi tiết đều được đo đếm tỉ mỉ để không ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu.

Những "ông Cầu" thường được một nhóm người chăm sóc và chọn ra một đại diện để huấn luyện,... Những chủ trâu đại diện này cũng phải đáp ứng những tiêu chí nghiêm ngặt được truyền lại  từ xa xưa. Khi mua trâu về, cả cộng đồng sẽ tham gia vào việc đánh giá và chỉ định một gia đình tiêu biểu để nuôi dưỡng, thường là gia đình tuân thủ chuẩn mực văn hóa, có đủ thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu sống hòa thuận và hiếu khách, cũng như có điều kiện kinh tế ổn định, “làm tiền sạch”.

Cha truyền con nối

Chọi trâu là lễ hội truyền thống, là nét đẹp trong giá trị tinh thần của người dân Hải Lựu, có thể nói, chọi trâu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân ở đây. Mỗi thế hệ người dân đều mang trong mình một tình yêu, một khao khát riêng đối với trâu chọi.

Từ người già, người trẻ, đàn ông hay phụ nữ, không phân biệt tuổi tác, giới tính họ đều rất yêu lễ hội “đấu ngưu” truyền thống ở địa phương. Nhiều gia đình có truyền thống từ thời cha ông để lại. Anh Nguyễn Văn Thuận (49 tuổi, chủ trâu 08) cho biết: “Có từ ngày xưa rồi, nhà tôi là cũng mấy đời rồi. Nhưng tính từ năm 2002, sau khi khôi phục thì thú thật là cũng mới có tôi và bố tôi…”.

22 năm sau gián đoạn là quãng thời gian anh Thuận được bố truyền lại cho những “bí kíp” chăm trâu chọi mà hơn kết đó là tình yêu đối với lễ hội truyền thống của làng. Hơn 20 năm, gia đình anh mới chỉ được đứng tên chủ trâu 5 lần và chưa lần nào vô địch. Tuy nhiên, tình yêu với “ông Cầu” trong anh Thuận chưa bao giờ nhạt phai.

Lễ hội chọi trâu thu hút sự quan tâm của nhiều trẻ em trong khu vực. Ảnh: Minh Toàn.

Lễ hội chọi trâu thu hút sự quan tâm của nhiều trẻ em trong khu vực. Ảnh: Minh Toàn.

Được đứng tên chủ trâu là niềm hạnh phúc và tự hào của bất cứ người dân Hải Lựu nào. Đặc biệt là với những người trẻ, những người đang khao khát thể hiện bản thân, chứng minh giá trị qua lễ hội đấu ngưu. Anh Dương Anh Việt (24 tuổi, Hải Lựu) cũng không phải là một ngoại lệ.

Anh Việt là chủ trâu trẻ nhất trong lịch sử các kỳ chọi trâu. Những năm trước, hộ gia đình anh, may mắn được nhận nuôi ông Cầu, tuy nhiên, chủ trâu là do bố và chú anh Việt đứng tên. Đến năm nay, anh Việt là đại diện cho nhóm hộ gia đình đứng tên chủ trâu.

Tiếp xúc với trâu chọi từ những năm 2009. Ban đầu, được bố dẫn đi xem chọi trâu, dần dần tình yêu với “ông Cầu” trong anh Việt lớn dần. Đam mê, tìm hiểu về trâu từ nhỏ, có thể nói tình yêu dành cho trâu chọi của chàng trai trẻ này không thua kém bất kỳ bậc tiền bối nào trong khu vực.

Không chỉ chủ trâu mới yêu trâu. Các thế hệ học sinh Hải Lựu cũng đang ngày một nuôi dưỡng đam mê của mình với “ông Cầu”. Thậm chí, với nhiều em, được dắt trâu tại lễ hội là một sự may mắn rất lớn vì không phải ai cũng có cơ hội được tiếp xúc với các “ông Cầu” gần như thế tại một lễ hội lớn.

Ngoài ra, mỗi chiều đi học về em Đỗ Việt Hoàng (10 tuổi, học sinh) đều tranh thủ ra các bài tập, bãi cỏ thậm chí là sân đấu để được ngắm nhìn sự uy nghiêm của các ông Cầu. “Em muốn chứ…” là câu trả lời khi Việt Hoàng nhận được câu hỏi “Có muốn trở thành một chủ trâu không?”. Có thể nói, tình yêu với trâu chọi ở Hải Lựu không phân biệt tuổi tác, giới tính là người Hải Lựu là yêu chọi trâu.

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất