| Hotline: 0983.970.780

Những điều kiện để trồng rừng gỗ lớn

Chọn đất có lập địa tốt và cơ giới hóa trồng rừng

Thứ Năm 27/10/2022 , 10:44 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Trồng rừng gỗ lớn cần chọn đất có lập địa tốt và cơ giới hóa việc trồng rừng thì rừng mới nhanh phát triển, cho năng suất cao.

Những điều kiện cần

Trò chuyện với ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), người gắn bó với ngành nông nghiệp từ năm 1995 đến nay, chúng tôi mới thấu đáo chuyện trồng rừng gỗ lớn không phải là ngoài tầm với của nông dân, mà là chuyện trong tầm tay, đồng thời nhận biết được rừng gỗ lớn mang lại lợi ích rất lớn.

Theo ông Đạo, điều kiện đầu tiên để trồng rừng gỗ lớn là chọn vùng đất có lập địa tốt. Đất có tiềm năng trồng rừng gỗ lớn phải có tầng đất dày để rễ có điều kiện phát triển nuôi cây. Đối với các doanh nghiệp muốn trồng rừng gỗ lớn, đã có đội ngũ kỹ thuật làm công tác phân tích đất. Trong khi đó, do đất trồng rừng của người dân manh mún, lại không có điều kiện phân tích đất nên chỉ “phân tích" bằng mắt.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo (ngoài cùng bìa phải), Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), trong 1 chuyến đi kiểm tra rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) trong một chuyến đi kiểm tra rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Ông đạo chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu ai có đất muốn trồng mới rừng gỗ lớn, chỉ cần nhìn những diện tích rừng đã được trồng trước trong vùng. Nếu rừng đã trồng được 4 năm tuổi mà đường kính của cây rừng đạt trên 8cm, đồng nghĩa mỗi năm cây rừng phát triển được 2cm, ấy là vùng đất có tiềm năng trồng rừng gỗ lớn. Bởi, cây rừng mỗi năm phát triển đường kính được 2cm chứng tỏ vùng ấy có tầng đất dày, bộ rễ có điều kiện phát triển bám sâu vào đất, hạn chế được đổ ngã do mưa bão và chắc chắn rừng sẽ sinh trưởng phát triển tốt.

Đối với những diện tích rừng đã trồng trước, bây giờ muốn chuyển hóa thành rừng gỗ lớn cũng theo kinh nghiệm tương tự, nếu rừng mình trồng được 4 năm mà cây rừng có đường kính trên 8cm là yên tâm nuôi thành rừng gỗ lớn”.

Cũng theo ông Đạo, trồng mới rừng gỗ lớn phải để ý đến mật độ trồng. Theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, mật độ trồng chỉ 1.300 cây/ha, nếu trồng 2.000 cây/ha phải tỉa thưa. Nhưng đối với điều kiện thực tế tại miền Trung thì nên trồng mật độ 2.000 cây/ha, để dự phòng cây giống bị chết do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Trồng rừng gỗ lớn cần tầng đất sâu để rễ cây phát triển, giúp cây rừng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Trồng rừng gỗ lớn cần tầng đất sâu để rễ cây phát triển, giúp cây rừng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Thời vụ trồng rừng cũng cần phải linh động. Ví như ở Bình Định, đối với những huyện miền núi giáp ranh với Tây Nguyên như các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Vân Canh, thời vụ trồng rừng cần đẩy sớm, sau Tết Đoan ngọ vào khoảng tháng 5, tháng 6 trời thường có mưa giông, rừng trồng vào thời điểm này sẽ phát triển rất tốt.

Nếu trồng vào tháng 9, tháng 10, lúc này trời đã trở lạnh, trồng rừng vào mùa lạnh cây chậm phát triển. Đặc biệt, cây keo gặp lạnh sẽ sinh nấm, làm cây không sinh trưởng được. Những vùng đồng bằng từ tháng 8 đã có mưa, thấy mưa thấm đất là bắt đầu trồng được, nếu để hết mùa mưa thì sẽ gặp thời tiết lạnh, trồng rừng sẽ bất lợi.

“Xưa nay trồng rừng cứ trồng một giống lặp đi lặp lại, bây giờ cần phải thay giống mới để tránh cây rừng bị nhiễm các bệnh do giống thoái hóa gây ra. Có những giống trong giai đoạn đầu phát triển rất nhanh, giai đoạn sau thì phát triển chậm lại. Cũng có những giống giai đoạn đầu chậm phát triển, nhưng sau đó lại phát triển nhanh. Do đó, trồng rừng gỗ lớn cần trồng theo phương thức hỗn giao theo đám, đám này trồng loại giống phát triển trước, đám kia trồng loại giống phát triển sau.

Đừng trồng lẫn lộn các giống với nhau, để tránh những giống phát triển nhanh trong giai đoạn đầu lấn ép những cây thuộc giống phát triển chậm, khiến rừng lớn không đều. Trồng rừng hỗn giao còn ngăn ngừa được bệnh cho cây rừng”, ông Nguyễn Ngọc Đạo chia sẻ.

Thời vụ trồng rừng cũng cần linh hoạt tùy từng vùng đất để tránh gặp lạnh, cây rừng chậm phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

Thời vụ trồng rừng cần linh hoạt, tùy từng vùng đất để tránh gặp lạnh, cây rừng chậm phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

Đến lúc cần cơ giới hóa trồng rừng

Thực tế cho thấy, người trồng rừng bây giờ phải đối mặt với nạn “khát” nhân công khi đến chu kỳ thu hoạch và trồng mới lại rừng. Khu công nghiệp mọc lên càng dày thì lao động nông thôn càng ít đi. Bởi, thanh niên ở các làng quê hầu hết đều “đầu quân” cho các công ty, xí nghiệp, ở nhà chỉ còn những người trung niên và người già. Trong khi trồng rừng là phải đào hố, vận chuyển cây giống; khai thác rừng là phải lột vỏ và vận chuyển gỗ lên xe, đó là những việc rất nặng nhọc, chỉ có thanh niên trai tráng mới kham nổi.

Trước đây, rừng trồng 5 - 6 năm mới khai thác, nay do giá gỗ rừng trồng tăng đến 1,7 triệu đồng/tấn, nên rừng trồng mới 3 năm đã khai thác. Mật độ khai thác càng dày thì càng hút nhân công. Do đó, công lao động nghề rừng bây giờ tăng cao ngất mà vẫn tìm không ra công.

Ông Cù Văn Mẫn, người hiện có khoảng 100ha rừng keo đã cho kinh doanh ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết: “Nhân công khai thác rừng trồng bây giờ đều làm khoán, tùy rừng ở vị trí đất bằng hay trên núi cao, rừng dễ khai thác hay khó khai thác, dễ lột vỏ hay khó lột vỏ, người trồng rừng phải trả công khai thác từ 200.000 đến 400.000đ/tấn”.

Đào hố trồng rừng tốn rất nhiều công, đã đến lúc phải nghĩ đến cơ giới hóa việc trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Đào hố trồng rừng tốn rất nhiều công, đã đến lúc phải nghĩ đến cơ giới hóa việc trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Trước thực tế trên, theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, đã đến lúc phải nghĩ đến chuyện cơ giới hóa trồng rừng. Riêng khâu đào hố tốn rất nhiều công, đặc biệt, trồng rừng gỗ lớn cần phải sử dụng máy khoan hố để hố đạt độ sâu cần thiết. Ở Bình Định, hiện đã có nhiều chủ rừng dùng máy múc để đào hố. Cơ giới hóa khâu đào hố chi phí tăng cao hơn so với đào thủ công, nhưng sau này cây sẽ sinh trưởng tốt, lại đỡ công chăm sóc và chắc chắn năng suất sẽ cho cao.

“Sử dụng máy khoan hố trồng rừng, rễ cây rừng sẽ ăn sâu vào đất, cây phát triển vững vàng, dù có mưa bão cây cũng không bị rung lắc làm chậm phát triển và ngã đổ”, ông Đạo chia sẻ.

Bây giờ, nói đến trồng rừng gỗ lớn, người dân thường lo lắng: “Miền Trung mình thường mưa bão, trồng rừng gỗ lớn 8 - 10 năm mới khai thác, cây đứng lâu trên rừng sợ không yên với gió bão”. Thế nhưng theo kinh nghiệm của ông Đạo, cây keo có sức sống rất mãnh liệt. Dù bị gió bão quật ngã rạp sát mặt đất, thời gian sau dù không ai dựng chúng cũng tự đứng dậy, bởi cây keo có tính hướng sáng.

“Cách đây 4 năm, rừng trồng của Công ty ở huyện Hoài Ân bị bão xô ngã rạp cả hàng trăm ha, nhiều cây bị gãy đọt, chúng tôi cứ ngỡ là thất bại với cánh rừng này rồi, thiệt hại ít nhất 30%. Thế nhưng hiện nay, cánh rừng này đã đứng thẳng, keo mới 7 năm tuổi, lại đã từng bị ngã mà năng suất hiện ước đạt 160 tấn/ha. Chi khi bị lốc xoáy, cây rừng trốc gốc hay gãy tiện mới bị chết, nhưng chuyện này hi hữu mới gặp, chứ cây ngã thì không sợ, chúng sẽ đứng dậy hết”, ông Nguyễn Ngọc Đạo chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo (áo trắng), Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), đi thăm rừng trồng gỗ lớn của công ty. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo (áo trắng), Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), đi thăm rừng trồng gỗ lớn của công ty. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Đạo, rừng trồng đến năm thứ 3 cây mới bắt đầu cho sinh khối, những năm tiếp theo mức tăng trưởng ngày càng cao. Nếu nuôi rừng đến năm thứ 6 sẽ cho năng suất đạt 120 tấn/ha, sang năm thứ 7 năng suất tăng đến 160 tấn/ha, đến năm thứ 8 năng suất tiếp tục tăng thêm đến 180 tấn/ha.

“Nếu mới năm thứ 3, thứ 4 đã khai thác thì năng suất chỉ khoảng 60 tấn/ha, giá bán hiện nay bình quân 1,5 triệu/tấn, 1ha rừng chỉ thu được 90 triệu đồng. Sau khi trừ công khai thác, vận chuyển, rồi công đào hố để trồng lại, người trồng rừng chẳng còn cầm được bao nhiêu tiền. Bằng chi nuôi rừng đến 8 năm, khi ấy năng suất đạt đến 180 tấn/ha. Lúc ấy, kích cỡ cây rừng đã to, đủ tiêu chuẩn đưa vào chế biến đồ gỗ xuất khẩu nên giá bán cũng tăng thêm khoảng 30%, người trồng có lợi kép”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn phân tích.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.