| Hotline: 0983.970.780

Chọn giống tốt nhờ phần mềm

Thứ Tư 01/01/2020 , 07:10 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và chọn lọc giống heo đã rất phổ biến ở các nước có nền chăn nuôi phát triển, đem lại hiệu quả cao.

Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, nhiều doanh nghiệp, trang trại cũng đã áp dụng một cách hiệu quả phần mềm quản lý đàn giống của Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ.
 

Phần mềm phiên bản tiếng Việt

Theo TS Nguyễn Hữu Tỉnh, Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ (Viện Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT), công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ và đã được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả quản lý.

Giao diện phần mềm HEOPRO_C sử dụng ở trại heo giống Khang Minh An.

Trong ngành chăn nuôi heo nói riêng và chăn nuôi nói chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại những lợi ích đáng kể. Bên cạnh các phần mềm phối hợp khẩu phần thức ăn cho heo, các phần mềm quản lý và chọn lọc giống heo ngày càng phát triển và được áp dụng rộng rãi. Trên thế giới mỗi quốc gia đều có chương trình giống heo riêng, kèm theo đó các phần mềm được sử dụng để phục vụ mục tiêu này.

Ở Mỹ, phần mềm Pigcham được khuyến cáo sử dụng rộng rãi, trong khi đó hầu hết các trang trại chăn nuôi heo ở Canada sử dụng phần mềm Herdman. Ở châu Âu mỗi nước có một phần mềm riêng. Trong khi ở Anh phần mềm Easy Care được ưu tiên sử dụng thì ở Tây Ban Nha là phần mềm quản lý Porcitec...

Đặc biệt, ở Đan Mạch tất cả các trại chăn nuôi heo giống, heo thịt, nhà máy giết mổ đều được sử dụng một chương trình đánh giá di truyền và một hệ thống phần mềm chung cho cả nước (Agro-tech). Ở Australia, các trại heo giống sử dụng phần mềm quản lý Pigmania…

Một đặc điểm chung ở tất cả các nước có nền chăn nuôi heo phát triển là tất cả các trại chăn nuôi đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau và chia sẻ thông tin cùng có lợi thông qua hệ thống các phần mềm kết nối các cơ sở dữ liệu. Như vậy, ở các quốc gia có nền chăn nuôi heo phát triển đều có ít nhất một phần mềm riêng, phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở nước đó. Kết quả là chất lượng heo giống nói chung và năng suất nói riêng rất cao.

Ở Việt Nam, một số cơ sở giống heo cũng đã nhập khẩu các phần mềm quản lý đàn giống từ Mỹ, Thái Lan, Canada hay Đan Mạch. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại các phần mềm này chưa phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế ở Việt Nam, nên hầu hết chưa phát huy được hiệu quả sử dụng, đặc biệt rất hạn chế trong việc khai thác dữ liệu để đánh giá di truyền và chọn giống. Do đó, quá trình chọn heo giống chủ yếu dựa vào đặc điểm ngoại hình, khiến cho chất lượng giống không đồng đều và chất lượng con giống không cao.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, từ năm 2013, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã kết hợp với Công ty Geoviet phát triển phần mềm HEOMAN, HEOPRO_C phiên bản tiếng Việt phục vụ cho công tác quản lý cơ sở dữ liệu đàn giống và khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý đàn, đánh giá di truyền và chọn giống.

Theo đánh giá trong đề tài nghiên cứu “Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại và sản xuất heo giống” do Thạc sỹ Nguyễn Văn Hợp (Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ) làm chủ nhiệm và Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM quản lý, đối với các trại chăn nuôi quy mô lớn và sản xuất giống, ngoài việc sử dụng phần mềm để quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả sản xuất, thì số liệu còn được sử dụng để đánh giá di truyền chọn lọc giống heo. Đối với cơ quan quản lý, có thể sử dụng số liệu nhập tại phần mềm để quản lý đàn, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cho ngành chăn nuôi heo.

Trong đó, HEOMAN được thiết kế và phát triển nhằm hỗ trợ các cơ sở giống heo thu thập, lưu trữ dữ liệu cá thể và hỗ trợ quản lý sinh sản hiệu quả hơn. Đồng thời, cung cấp cơ sở dữ liệu cho việc đánh giá chất lượng và cải thiện di truyền đàn lợn giống theo mục tiêu nhân giống của mỗi cơ sở giống.

Phần mềm HEOPRO_C vận hành trên máy đơn (hoặc trong mạng LAN của cơ sở chăn nuôi), được thiết kế và phát triển với mục tiêu hỗ trợ các cơ sở nuôi giữ h nái sinh sản bố mẹ để sản xuất heo thịt thương phẩm, quản lý chu trình sinh sản của đàn heo nái một cách hệ thống qua từng giai đoạn: chờ phối, phối giống, kiểm tra đậu thai đến giai đoạn mang thai, chờ đẻ, nuôi con và cai sữa. Về công nghệ, HEOPRO_C được phát triển trên nền Desktop với công nghệ hiện đại dễ kết nối tới các hệ ứng dụng khác và SQL Server để quản trị cơ sở dữ liệu.
 

Phù hợp với thực tế chăn nuôi Việt Nam

HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (Củ Chi, TP.HCM) là một trong những đơn vị đã áp dụng HEOPRO_C vào quản lý giống heo. Ba trại chăn nuôi trực tiếp tham gia mô hình là trại heo giống Gia Phát, trại heo Chí Chung và trại heo Biopig. Đây là những trại giống có số lượng heo nái từ 250 - 1.000 con.

Các trại này được đầu tư bài bản từ chất lượng con giống, trang thiết bị, kỹ thuật chăn nuôi, dinh dưỡng thức ăn, công tác phòng và điều trị bệnh... Đặc biệt các trại có đội ngũ kỹ thuật được đào tạo chuyên môn cao. Có thể nói, các trại chăn nuôi nói riêng và Hợp tác xã Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong nói chung, đều phù hợp để áp dụng và phát triển mô hình.

Sau một thời gian thực hiện, đã có những phản hồi tích cực của HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong về HEOPRO_C.

Cụ thể, theo đánh giá của các chủ trang trại, phần mềm rất phù hợp với thực tế chăn nuôi ở Việt Nam. Sau khi áp dụng phần mềm, người chăn nuôi có thể kiểm soát được đàn giống của trang trại tốt hơn trước. Các trại có thể sử dụng số liệu trong hạch toán kinh tế, áp dụng các kỹ thuật mới…

Sản xuất heo giống ở trại heo Gia Phát, một trang trại đang áp dụng HEOPRO_C.

Ngoài HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, nhiều cơ sở sản xuất giống cũng đã áp dụng có hiệu quả phần mềm quản lý đàn giống của Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ như Trại heo giống Quốc gia Bình Minh (thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Heo Bình Thắng), Tập đoàn Dabaco, Cty TNHH Khang Minh An (Đồng Nai), Cty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh (Khánh Hòa), hệ thống các trại khách hàng của Công ty Viphavet ở miền Nam, HTX Chăn nuôi Bắc Giang, hệ thống các trại khách hàng của Cty Cargill Việt Nam ở miền Bắc và miền Nam. Trong đó, nhiều trại vốn đã sử dụng phần mềm của nước ngoài, nhưng đã từ bỏ để dùng HEOPRO_C vì phù hợp hơn với thực tế chăn nuôi của Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Hữu Tỉnh, đến nay, phần mềm quản lý đàn giống của Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ đã được phát triển theo các phiên bản khác nhau, phù hợp với từng hệ thống nhân giống khác nhau.

Cụ thể: HEOMAN phát triển cho các cơ sở giống gốc quốc gia, với nhiệm vụ quản lý đàn heo giống cụ kỵ của quốc gia; HEOPRO_B phát triển cho các cơ sở giống hỗn hợp cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của các công ty chăn nuôi; HEOPRO_C phát triển cho các cơ sở chăn nuôi nái sinh sản bố mẹ và thương phẩm; HEOPRO+ phát triển cho các đơn vị quản lý giống, khai thác dữ liệu liên kết nhiều trại giống.

Các ứng dụng quản lý, khai thác dữ liệu từ phần mềm HEOPRO bao gồm: Hỗ trợ các cơ sở giống lợn quản lý đàn giống sinh sản, đặc biệt với các trại giống cụ kỵ, ông bà có thể quản lý hệ phả từng các thể trong đàn giống, tăng hiệu quả chọn lọc và nhân giống. Tạo cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý, truy xuất nguồn gốc, lý lịch cá thể.

TS Tỉnh cho biết, cái khó hiện nay là nhiều doanh nghiệp, trang trại chưa mạnh dạn chia sẻ dữ liệu, thông tin.

Trong khi đó, việc chia sẻ này là rất quan trọng vì nó sẽ giúp cho việc đánh giá di truyền giống có mức độ chính xác cao hơn, đồng thời giúp cho các trại trao đổi được nguồn gen tốt với nhau. Hơn thế nữa việc chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp liên kết nhiều trại giống khác nhau trong hệ thống nhân giống lớn trong phạm vi vùng, khu vực và tiến tới toàn quốc gia.

Xem thêm
Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.