| Hotline: 0983.970.780

Chòng chành bên miệng Hà bá

Thứ Năm 26/09/2019 , 08:59 (GMT+7)

Một khúc sông Lô dài 2km tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) có tới 3 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi được cấp phép. Vì thế, người dân nơm nớp lo bờ xôi ruộng mật có thể bị Hà bá nuốt chửng bất cứ lúc nào.

Vấn nạn khai thác cát, sỏi hoành hành

Khu đất soi bãi thôn Soi Long sạt lở dài cả nửa cây số. Nhiều thửa ruộng đang nứt toác chờ trôi theo dòng nước sông Lô bất cứ lúc nào. Đây đều là đất màu, mỗi vụ người dân thu về vài tạ ngô/sào.

15-37-16_1
Hàng nghìn mét vuông đất soi bãi của người dân xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên bị cuốn trôi.

Theo bà con, nguyên nhân chính là do 3 doanh nghiệp khai thác cát sỏi, là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hải Giang, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thành Công và Công ty cổ phần Khai thác và chế biến vật liệu xây dựng Minh Phát.

Tại biên bản làm việc ngày 19/8/2019, thành phần gồm cán bộ Phòng TN- MT huyện Hàm Yên, cán bộ xã Thái Hòa, trưởng thôn Soi Long đã xác nhận, căn cứ hiện trạng sử dụng đất của các hộ có đất ven sông Lô đoạn thôn Soi Long bị sạt lở, nhân dân trong thôn kiến nghị kiểm kê, xác định thiệt hại.

Theo đó có 58 hộ dân có đất đã bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, với hơn 1.200m2. Nhiều hộ bị sạt lở lớn, như gia đình bà Đỗ Thị Bích 120m2; gia đình ông Trần Văn Lực 66m2; gia đình ông Nguyễn Thế Trị 90m2… Ông Bùi Hải Hường, Trưởng thôn Soi Long, cho chúng tôi xem những hình ảnh ông chụp, quay phim được. Ông Hường cho biết, thôn có 61/61 hộ dân đều bị sạt lở đất soi bãi, trong đó 18 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bức xúc trước thực trạng này, người dân đã chăng dây dọc tuyến sông không cho tàu qua lại; thuê ô tô lên tận UBND huyện Hàm Yên yêu cầu Chủ tịch huyện về xem xét giải quyết. Tuy nhiên, mọi việc làm của người dân dường như vô vọng. Chính quyền về họp chỉ nói về việc người dân phải bảo vệ tài sản của doanh nghiệp mà không đề cập đến đất đai, tài sản của bà con đang có nguy cơ bị nước cuốn trôi.

15-37-16_2
Các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi bừa bãi tạo nên nhiều đống đá, sỏi giữa dòng làm thay đổi dòng chảy.

Báo NNVN đã trao đổi với lãnh đạo huyện Hàm Yên thì được trả lời, liên hệ với Sở TN- MT tỉnh Tuyên Quang. Đến Sở thì đại diện đơn vị này cho biết, cả 3 công ty trên đều có giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp giấy phép khai thác thì phía Sở chỉ cung cấp địa chỉ tên miền chung chung www.tnmttuyenquang.gov.vn mà không nêu rõ số giấy phép, ngày được cấp phép khiến việc tìm kiếm chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.
 

Liệu có “mất bò mới lo làm chuồng”?

Trước sự việc, ngày 27/8/2019, Sở TN- MT phối hợp với các cơ quan kiểm tra thực tế 3 công ty để xác định rõ những sai phạm. Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tuyên Quang đã xử phạt Công ty Hải Giang do tự điều chỉnh, thay đổi công nghệ khai thác, vượt công suất khai thác so với thiết kế đã được duyệt với số tiền 4 triệu đồng. Chánh Thanh tra Sở xử phạt về lĩnh vực tài nguyên nước đối với hành vi vi phạm các quy định về đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy, phòng chống sạt lở bờ, bãi sông với số tiền 40 triệu đồng.

Một vấn đề được đặt ra là không hiểu tại sao cả 3 doanh nghiệp còn thiếu các hồ sơ hoạt động khoáng sản, như chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2018 và năm 2019; còn để các tầu cuốc tồn tại trong khu vực được cấp mỏ (từ năm 2016, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản cấm tầu cuốc tham gia khai thác cát, sỏi); chưa có hợp đồng thuê đất bến, bãi tập kết cát sỏi… Ấy vậy không hiểu sao những đơn vị này vẫn ngang nhiên khai thác suốt thời gian dài.

Bên cạnh việc mất đất soi bãi của các hộ dân, thì khu vực có doanh nghiệp khai thác cát, sỏi còn có HTX sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa với 17 thành viên và hơn 120 lồng cá. Người nuôi cá cùng có chung lo lắng liệu tiếng ồn, dầu mỡ của các tầu khai thác cát, sỏi có ảnh hưởng đến việc nuôi cá hay không?

15-37-16_3
Tàu khai thác cát, sỏi vẫn trực chiến chờ ngày hết “lệnh” cấm để được khai thác trở lại.

Ông Lê Đình Xuân, thôn Khánh An, xã Thái Hòa cho biết, người dân đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng hơn 10 năm nay. Việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi gây sóng lớn khiến cá bị động đâm lao vào thành lồng là có thật. Riêng nhà ông có 9 lồng cá chiên, bỗng. Nếu cứ tình trạng khai thác cát, sỏi ồ ạt kéo dài ông sẽ từ bỏ nghề nuôi cá lồng gắn bó cả chục năm nay.

Trước hệ lụy thác cát, sỏi và việc xử lý vi phạm của ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang, dư luận nghi ngại rằng, việc xử lý như vậy đã thực sự thỏa đáng chưa? Và một khi các doanh nghiệp khai thác trở lại, đất soi bãi của người dân liệu có bị há bá tiếp tục cuốn trôi hay không?

Cách đây vài tháng, cũng trên sông Lô thuộc địa phận xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, người dân rất bức xúc trước việc Công ty TNHH Thành Sơn khai thác cát sỏi làm sạt lở diện tích hoa màu. Người dân đi khắp nơi kêu cứu nhưng vô vọng, chỉ đến khi trên địa bàn xã xảy ra vụ việc xã hội đen tấn công trưởng thôn thì chính quyền mới vào cuộc.

Và ngày, 9/7 Sở TN- MT tỉnh Tuyên Quang đã ra thông báo tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản số 17/GP-UBND ngày 9/5/2018 của UBND tỉnh Tuyên Quang cấp cho Cty TNHH Thành Sơn trên địa bàn xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên và các xã Chiêu Yên, Phúc Ninh, huyện Yên Sơn với thời hạn 2 tháng kể từ ngày 4/7/2019 đến ngày 4/9/2019.

Có thể thấy, những doanh nghiệp khai thác cát, sỏi tại tỉnh Tuyên Quang làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, chỉ khi sự việc thực sự nghiêm trọng (người dân bị tấn công, đất soi bãi bị nước cuốn trôi) thì các cơ quan chức năng mới chịu vào cuộc. Như vậy liệu có phải khi người dân đã “mất bò” thì chính quyền mới “lo làm chuồng” không?

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm