| Hotline: 0983.970.780

Chồng mê cởi trần, dựng chân trên ghế lúc ăn cơm

Thứ Hai 30/03/2020 , 13:54 (GMT+7)

Cháu chấy chán khi anh không thể mặc áo lúc ở nhà, ăn cơm cũng vậy. Giờ anh cứ ở trần ăn, chân hay dựng trên ghế, đầu gối chạm vành tai.

Cô kính mến!

Bây giờ nhà nhà lo đại dịch, lo chống dịch mà cháu tâm sự chuyện hạnh phúc và hôn nhân nghe như lạc đề.

Nhưng mà cũng là thời gian sống chậm để ngẫm nghĩ nên thôi, cứ viết cho cô rồi đón đọc trên online, cũng để khuây khỏa nữa cô.

Hồi chưa cưới nhau, cháu hay hóng chuyện của người đã đi trước để xem hôn nhân có khó khăn như các nhà tâm lý trên báo chí chỉ ra hay không. Nhiều ý kiến nhiều kinh nghiệm quá cũng rối. Hỏi mẹ hỏi các dì các cô, không tiện vì không ai có lý luận để rút ra cho một vấn đề. Thôi, cháu chép miệng, rồi sẽ biết.

Ông xã hơn cháu 5 tuổi, cao ráo, ít nói, giỏi giang công việc của anh và rất căn cơ. Anh là lựa chọn khó khăn của cháu, khi phải từ bỏ một người cháu mết hồi cấp ba và đại học, ba mẹ cháu phản ứng dữ dội lắm. Nhưng cháu biết mình yêu ai, người cũ là tình cảm học trò, người đó cũng mãi mãi là học trò trong mắt cháu.

Hai năm sau khi cưới, cháu cứ xem xem chuyện thơ mộng đắm say ra làm sao. Quả tình, chừng ba tháng thì cuộc sống nhịp nhàng, đều đặn đến phát chán cô ơi. Đúng là con người của anh như bị lột trần ra, anh không thể mặc áo khi ở nhà, ăn cơm cũng vậy, may mà cháu không sống với ba mẹ, mẹ cháu ghét nhất đàn ông con trai ở trần trùng trục trong nhà.

Ban đầu cháu mua áo thun sát nách cho anh mặc, anh chiều vợ, được ít bữa rồi thôi, nói anh quen từ nhỏ. Vậy là phải truy cái nguồn khiến anh quen ở trần.

Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống, có cái gì sai sai ở đây. Giống có lẽ ông bà xưa chỉ nhìn vào bộ vó, bộ gien, còn chất lượng chữ giống ấy là sao nữa chứ. Ba má anh là nông dân đặc, ba anh ở trần, khăn rằn vắt vai, mẩu thuốc bập bập trên môi, suốt ngày ở ngoài vườn. Má anh thì vén khéo và sau này cháu biết, hai ông bà hay hục hặc. Có mặt dâu mới mà má anh cũng cứ hục hặc chồng.

Một chi tiết ở trần mà cháu thấy không thỏa hiệp được. Nó là văn hóa sống rồi cô. Đến nay chúng cháu đã được hai năm mà cháu không muốn có bầu. Cháu cứ nói tránh với anh là để tích nhiều nhiều tiền cái đã.

Cách anh ngồi ăn cũng khác ngày yêu nhau, hồi đó quán xá lịch sự, con người ta cũng lịch sự. Giờ cứ ở trần ăn, chân hay dựng trên ghế, đầu gối chạm vành tai, cô ơi, cháu ghét kiểu ngồi và cách ăn sì sụp thành tiếng đó quá cô. Làm sao giờ cô?

----------------------

Cháu thân mến!

Thực sự, ai cũng phải trải qua giai đoạn hậu hôn nhân một cách khó khăn. Các chuyện gia tâm lý không hù dọa đâu. Vì sao khó khăn? Yêu nhau đến thế kia mà? Đếm ngược từng ngày để được đến với nhau, sống với nhau 24/24 kia mà? Mơ ước bao nhiêu hình ảnh tốt đẹp về những ngày sau khi rượu hồng nệm mới chăn mới kia mà?

Vì, thứ nhất, như cháu nói, khi lột trần con người ra thì cũng không còn gì chất thơ nữa cả. Vậy sau lớp áo quần con người nếu hay thì hay thế nào? Là sự hay của da thịt, đương nhiên, da thịt này nó cũng cần phải có những tầng văn hóa bên trong nó. Nghĩa là nó được nuôi dưỡng bằng ánh sáng văn hóa của ba mẹ, ông bà.

Không nhiều chữ, không có nghĩa là không có văn hóa. Văn hóa của một người thường là nết ăn nết ở, cách sống cách suy nghĩ cách hành xử của một gia đình trong từng vấn đề, với nhau, với người ngoài, với thiên nhiên, với vạn vật.

Và, vì, khi đã thiếu ánh sáng văn hóa ấy thì sự trần trụi chỉ là trần trụi, khó chịu. Nếu anh ta hay ho, thì không thể đánh trần trước mặt vợ mãi, ở trong nhà, chỉ đánh trần khi cuộc mây mưa xong, cách anh ta sau đó cũng phải là văn hóa.

Giấc ngủ của một người học nhiều đọc nhiều sẽ khác với anh chàng vô học hoặc là trọc phú. Và dẫn đến, cách ăn, cách ngồi ăn, cách nhai, cách cầm đũa, cách bưng chén, chao ơi, liên hồi những hình ảnh hấp dẫn hoặc là không hấp dẫn.

Cô không biết khuyên thế nào mà chỉ biết phân tích thôi. Cháu không muốn có bầu, nghĩa là cái chán của cháu rất nhiều. Hay là cứ bầu bì đi, có đứa con, sẽ khác. Sinh con rồi mới sinh cha, khi đó, người đàn ông sẽ khác và cô nghĩ, vợ nói gì anh ta cũng nghe.

Khi ấy hãy điều chỉnh những thứ mà anh ta khiến cháu không thích, được không? Nghe cái lý do chán nhỏ xíu, nhưng nhiều chi tiết nhỏ làm nên một chân dung, cô hiểu nhưng không phải ai cũng hiểu cho cháu, nhất là chồng cháu.

Sống là nợ, là duyên, hãy cố gắng đối thoại, điều chỉnh, sống bình thường, rồi sẽ thích nghi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.