| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc

Thứ Năm 30/12/2021 , 18:54 (GMT+7)

YÊN BÁI Năm 2021, người dân huyện Trạm Tấu đã làm được 2.000 nhà rơm, trồng 300 ha cỏ V06, trồng ngô sinh khối để chủ động thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông.

Là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, hàng năm Trạm Tấu phải gánh chịu nhiều đợt rét đậm, rét hại, băng giá gây thiệt hại nặng nề về cây trồng và vật nuôi trên địa bàn huyện.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa đông năm nay đến sớm, có nhiều đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi, diễn biến thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó UBND huyện Trạm Tấu đã có nhiều chỉ đạo cụ thể đến từng thôn, bản để người dân chủ động có những biện pháp phòng chống rét tốt nhất cho đàn gia súc.

Chị Thào Thị Pàng, thôn Trống Khua xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu) chăm sóc đàn trâu trong những ngày đông giá lạnh. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Chị Thào Thị Pàng, thôn Trống Khua xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu) chăm sóc đàn trâu trong những ngày đông giá lạnh. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh.

Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện Trạm Tấu đã cử cán bộ kỹ thuật xuống từng thôn, bản tuyên truyền phổ biến kiến thức và áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp đỡ bà con nhân dân xây dựng chuồng trại, chuẩn bị bạt, phên… để che chắn phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

Theo ông Nguyễn Văn Hòe, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu: Trên địa bàn hiện có hơn 40.000 con gia súc, trong đó đàn trâu là 8.300 con, đàn bò là 5.600 con, đàn lợn hơn 26.000 con...

Để đảm bảo công tác phòng chống rét cho đàn gia súc trên địa bàn huyện, cán bộ kỹ thuật đã xuống từng thôn, bản vận động người dân chủ động đưa đàn trâu, bò thả rông trên núi về chuồng trại. Trong những ngày mưa rét tuyệt đối không chăn thả trong rừng, ngoài bãi, hướng dẫn người dân sử dụng rơm và cỏ khô làm thức ăn cho đàn gia súc trong những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp.

Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong những ngày đông tháng giá, nhiều năm qua huyện Trạm Tấu đã vận động người dân tích trữ rơm khô. Năm 2021 người dân đã làm được 2.000 nhà rơm, trồng 300 ha cỏ V06, hơn 10 ha ngô sinh khối với sản lượng khoảng 200 tấn. Qua đó chủ động được nguồn thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò trong trong mùa đông năm nay.

Chị Thào Thị Pàng thôn Trống Khua xã Xà Hồ chia sẻ: "Nhà tôi có đàn trâu bò trên 10 con, đây là tài sản có giá trị lớn của nhà mình. Được cán bộ Phòng NN-PTNT xuống hướng dẫn, nhà mình đã làm mới chuồng trại, dùng bạt quây kín để tránh gió rét cho trâu bò". 

Ngoài diện tích trồng cỏ để phục vụ thức ăn xanh, gia đình chị còn dùng bột ngô, sắn làm thức ăn tinh cho đàn vật nuôi.

Theo thống kê năm 2020, trên địa bàn huyện Trạm Tấu có 42 con trâu, bò bị chết rét. Từ đầu mùa đông năm nay, do chủ động phòng chống rét, đến nay đàn gia súc của huyện vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển kinh tế, Phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã, tận dụng diện tích đất nông nghiệp để trồng thêm các giống cây vụ đông phục vụ cho đời sống của người dân trên địa bàn huyện.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn

Thực trạng cho thấy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.