Thời gian qua, TP Bà Rịa đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, khống chế bệnh dại ở động vật trên địa bàn. Một trong những giải pháp được UBND TP Bà Rịa đề ra đó là tập trung thống kê tổng đàn chó, mèo nuôi. Đồng thời, địa phương cũng đã tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 90%.
TP Bà Rịa cũng đã thành lập, đưa vào các đội bắt chó thả rông tại địa bàn các phường, xã. Kết quả, trong năm 2023, đã tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo với tổng số 6.500/7.005 con, đạt tỷ lệ 92,79%.
Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND TP Bà Rịa đánh giá, việc được công nhận là vùng an toàn bệnh dại ở động vật là rất cần thiết, có ý nghĩa rất lớn đặc biệt đối với một địa phương là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là cơ sở để địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm ở người.
Trước đó, huyện Côn Đảo, TP Vũng Tàu và Thị xã Phú Mỹ cũng được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật. Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 9 vùng an toàn bệnh dại được cơ quan thú y công nhận.
Bệnh dại là bệnh truyền lây từ động vật sang người do virus gây ra, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của các loài động vật có vú và người. Virus dại tập trung nhiều ở trong nước bọt và não của động vật bị nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh dại có thể từ vài ngày đến vài tháng. Các biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh dại ở người bao gồm: sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện, tỷ lệ tử vong là 100%.
Theo báo cáo của Cục thú y, bệnh dại ở động vật vẫn còn diễn biến phức tạp tại các địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 90 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 28 tỉnh, thành phố và đã có 29 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 18 tỉnh, thành phố.