Ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo khẳng định, đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh vụ việc.
Ông Nhưỡng cho rằng, chính sách hỗ trợ cây giống và phân bón giúp nông dân SX là một chủ trương đúng đắn. Khi người dân tham gia vào mô hình, nhưng đã mua cây giống từ trước, số tiền hỗ trợ đương nhiên xã không được hưởng mà phải trả lại cho dân.
Việc xã lí luận ông không lấy giống của tôi mà không trả tiền là không được. Về nguyên tắc, nhà nước hỗ trợ là hỗ trợ cho diện tích ruộng của dân, ai trồng ớt thì người đó được hưởng. Bây giờ, dứt khoát phải trả tiền cho dân, dân trồng thì dân phải được hưởng. Dân người ta phản ánh là đúng, vì đến giờ đã trả tiền người ta đâu.
PV hỏi, việc UBND xã đã quyết toán mô hình từ cuối năm 2013 nhưng đến giờ chưa trả lại tiền cho dân có vi phạm nguyên tắc tài chính hay không, ông Nhưỡng bảo phải đợi kết luận của thanh tra mới dám khẳng định!
Để hoàn tất mô hình, bước cuối cùng là nghiệm thu. Những đơn vị trực tiếp đứng ra nghiệm thu ở đây là Phòng NN-PTNT Vĩnh Bảo, Phòng Tài chính – Kế hoạch Vĩnh Bảo, UBND xã và HTXNN Việt Tiến.
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Đàn, Trưởng phòng NN-PTNT Vĩnh Bảo để làm rõ thông tin. Ông Đàn là người trực tiếp được Chủ tịch huyện Nguyễn Trọng Nhưỡng giao trách nhiệm thực hiện, giám sát mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Việt Tiến.
Gần 9h sáng, cửa phòng làm việc ông Đàn khóa trái. Cấp phó của ông chỉ tay ra ngoài sân bảo, anh Đàn đang đứng nói chuyện với Phó Chủ tịch UBND huyện. PV gọi điện vào số di động của ông Đàn. “Vâng, tôi Đàn đây, ai đấy, nay tôi không đến cơ quan nhé, tôi đang bận…” – ông Đàn cúp máy đột ngột.
PV tiếp tục gõ cửa lãnh đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Vĩnh Bảo. Đây là đơn vị trực tiếp chuyển số tiền hỗ trợ 329 triệu đồng cho UBND xã Việt Tiến. Ông Đặng Duy Thức, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Vĩnh Bảo cho biết, không phụ trách lĩnh vực này, PV phải gặp trực tiếp đồng chí Trưởng phòng để làm việc.
“Về nguyên tắc thì khi người dân nhận giống, phân bón phải kí tên. Tất cả hồ sơ, diện tích, các hộ trồng là trách nhiệm của xã phải triển khai, tổ chức thực hiện. Chúng tôi cứ căn cứ vào hồ sơ của địa phương, xem đầy đủ thủ tục trình tự rồi cấp vốn. Nếu sai trách nhiệm thuộc về xã”, ông Thức nói.
PV hỏi: “Nếu như xã trồng 10ha nhưng khai 15ha, phòng Tài chính không thẩm định mà cấp luôn số vốn cho 15ha thì trách nhiệm thuộc về ai?”. Ông Thức trả lời: “Đương nhiên trách nhiệm là của chính quyền xã chứ. Chúng tôi công việc bao nhiêu thứ, làm sao mà đi xuống thẩm định hết được”.
Theo tìm hiểu của NNVN, theo QĐ 1597 của UBND TP Hải Phòng, địa phương này cấp vốn hỗ trợ xây dựng mô hình trồng ớt tại xã Việt Tiến của huyện Vĩnh Bảo với diện tích là 30ha. Tuy nhiên, sau đó, UBND TP Hải Phòng tiếp tục ra QĐ số 8962, điều chỉnh kinh phí hỗ trợ và diện tích mô hình tại xã Việt Tiến xuống 15ha. Kinh phí hỗ trợ còn lại chuyển sang cho 15ha ớt tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Bảo.
Trong biên bản nghiệm thu mô hình ớt tại Vĩnh Tiến, có đóng dấu đỏ của Phòng Tài chính – Kế hoạch Vĩnh Bảo, người kí tên là ông Đặng Duy Thức, Phó phòng. Khi PV hỏi ông Thức, nếu như phòng Tài chính không có chức năng nghiệm thu thì tại sao trong biên bản nghiệm thu lại có chữ kí, đóng dấu đỏ của phòng này. Ông Thức ậm ừ và bảo “sẽ cho kiểm tra lại”.