| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch xã ngăn cản trồng rừng

Thứ Ba 09/06/2020 , 14:26 (GMT+7)

Chủ tịch xã Tân Minh đã có quyết định ngăn cản việc triển khai dự án trồng rừng, đi ngược với chủ trương của tỉnh Hòa Bình.

Xã ra lệnh đình chỉ… nhưng không có biên bản xử lý vi phạm?

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 25121000145 ngày 16/3/2009 của UBND tỉnh Hoà Bình, Công ty TNHH Một thành viên D&G Hoà Bình (Công ty D&G) được thực hiện dự án đầu tư: Trồng rừng nguyên liệu - Keo tai tượng (có tên tiếng anh: Acacia Mangium Wild) trên diện tích 2.250 ha, trồng thuần loại keo tai tượng với mật độ 2.500 cây/ha.

Địa điểm thực hiện dự án tại các xã: Giáp Đắt, Đồng Chum, Mường Chiềng, Trung Thành, Tân Minh và Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Theo giấy chứng nhận này, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. 

3 xã Mường Chiềng, Trung Thành, Tân Minh đều đồng ý với phương án thực hiện dự án mới từ năm 2013. Ảnh: Quang Dũng.

3 xã Mường Chiềng, Trung Thành, Tân Minh đều đồng ý với phương án thực hiện dự án mới từ năm 2013. Ảnh: Quang Dũng.

Theo văn bản số 38/UBND-VP ngày 21/01/2013 của chính UBND huyện Đà Bắc cho thấy, từ năm 2010, Công ty D&G đã triển khai trồng rừng tại xã Tân Minh với diện tích là 300 ha. Năm 2011, Công ty D&G triển khai trồng rừng tại xã Tân Minh với diện tích 200 ha theo kỹ thuật gieo hạt.

Kế hoạch trồng rừng từ năm 2012 trên địa bàn 3 xã Mường Chiềng, Trung Thành, Tân Minh bị ảnh hưởng do vấn đề tài chính của công ty nên chưa thể thực hiện được. Sau đó cả 3 xã đều đồng ý với phương án thực hiện dự án mới từ năm 2013. Điều này đã được ghi rõ trong văn bản số 38.

Ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh. Ảnh: Quang Dũng.

Tuy nhiên, đến ngày 12/04/2018, ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh lại ra Lệnh đình chỉ số 01 về việc phát luống để trồng rừng của Công ty D&G tại xóm Mít, xã Tân Minh. Lí do là hoạt động phát luống đã xâm phạm vào khu vực rừng tái sinh trên địa bàn.

“Doanh nghiệp sau khi tiến hành dự án trồng rừng từ năm 2009, 2010 đến năm 2011 nhiều diện tích cây bị chết. Sau đó, một lớp cây rừng tái sinh tự nhiên mọc lên. Việc phát luống vào rừng tái sinh là không đúng quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Qua kiểm tra bản đồ, diện tích ra lệnh đình chỉ thuộc dự án của công ty. Tuy nhiên, qua phản ánh của bà con nhân dân thì công nhân của công ty đã phát vào rừng tái sinh hiện tại đang rất đẹp", ông Lại cho biết.

Lệnh đình chỉ thì theo nguyên tắc phải có biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với đương sự vi phạm là Công ty D&G. Tuy nhiên, khi được đề nghị cung cấp thì chủ tịch xã Tân Minh là tỏ ra khá bối rối.

"Về biên bản tôi sẽ phải hỏi lại bộ phận chuyên môn xem có còn lưu trữ không? Trong đó sẽ có thông tin cụ thể diện tích bao nhiêu, loại rừng gì, lô khoảnh ở chỗ nào?", ông Lò Văn Lại nói.

Nhiều cây keo phát triển tốt có đường kính khoảng 70-80 cm. Ảnh: Quang Dũng.

Nhiều cây keo phát triển tốt có đường kính khoảng 70-80 cm. Ảnh: Quang Dũng.

Quyết định đình chỉ của Chủ tịch UBND xã Tân Minh còn đang khiến nhiều người dân trên địa bàn bị mất việc làm.

“Ngày đó đi làm, mỗi ngày chúng tôi được công ty trả 220.000 đồng/người. Bây giờ xã đình chỉ như thế chúng tôi không thể làm được nữa. Chăn trâu, chăn bò thì không thể thu nhập đều như ngày đó được”, ông Xa Văn Xứng (xã Tân Minh, huyện Đà Bắc), người lao động được Công ty D&G thuê, cho biết.

Cả một khoảng đồi khá rộng chưa có nhiều cây xanh phát triển. Ảnh: Quang Dũng.

Cả một khoảng đồi khá rộng chưa có nhiều cây xanh phát triển. Ảnh: Quang Dũng.

Một số lao động từng tham gia trồng rừng đưa chúng tôi lên khu vực đang bị đình chỉ. Tại đây có nhiều cây keo đang phát triển tốt với đường kính khoảng 70 – 80 cm. Cũng tại khu vực này còn có cả một khoảng đồi khá rộng chưa hề được phủ xanh. Theo người dân tại đây, khu vực đó cũng đang bị đình chỉ.

“Khi ra lệnh đình chỉ hoạt động thì xã chỉ nói là đã phát luống vào khu vực không phải đất dự án của công ty chứ không nói là xâm phạm rừng tái sinh. Rừng tái sinh có quy hoạch đàng hoàng nên người dân chúng tôi không dám sờ vào. Nếu động vào đó thì chính quyền sẽ phạt tiền hoặc bỏ tù chúng tôi mất”, ông Lường Văn Quý (xã Tân Minh, huyện Đà Bắc), người lao động được Công ty D&G thuê, cho hay.

Ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh cũng thừa nhận khu vực ra lệnh đình chỉ là đất nằm trong dự án đã được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho doanh nghiệp.

Tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng xã phủ nhận?

Trở lại với việc UBND tỉnh Hoà Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 25121000145 ngày 16/3/2009 cho phép Công ty TNHH Một thành viên D&G Hoà Bình (Công ty D&G) thực hiện dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu – Keo Tai Tượng.

Tiếp đó, ngày 3.7/2009, UBND tỉnh Hoà Bình đã ra Quyết định số 1314/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và cho Công ty D&G thuê đất trồng rừng nguyên liệu – keo tai tượng (đợt 1). Trong đó, có 1.765.320,2 m2 đất các loại tại xã Mường Chiềng. Xã Tân Minh là 7.598.386,7 m2; xã Trung Thành là 3.320.847,6 m2.

UBND xã Mường Chiềng không đồng ý cho đầu tư vì không có văn bản nào về hợp đồng giữa xóm và xã Mường Chiềng với doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Ảnh: Quang Dũng

UBND xã Mường Chiềng không đồng ý cho đầu tư vì không có văn bản nào về hợp đồng giữa xóm và xã Mường Chiềng với doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Ảnh: Quang Dũng

Vậy nhưng, văn bản số 12/CV-UBND ngày 8/7/2016 của UBND xã Mường Chiềng do ông Xa Văn Hùng ký, về việc không có quỹ đất lâm nghiệp sản xuất để cho doanh nghiệp  thuê đất đầu tư chăm sóc bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng và chăm sóc rừng lại dường như không hề biết tới các quyết định của UBND tỉnh Hoà Bình.

“UBND xã Mường Chiềng đã kiểm tra, rà soát lại các văn bản lưu trữ từ năm 2009 nhưng không có văn bản nào về việc cho Công ty D&G hợp đồng thuê đất lâm nghiệp sản xuất”, trích văn bản của UBND xã Mường Chiềng.

Cũng trong văn bản này, UBND xã Mường Chiềng nêu quan điểm: “Ủy ban nhân dân xã Mường Chiềng hoàn toàn không đồng ý cho công ty đầu tư vì không có văn bản nào về việc hợp đồng giữa xóm và xã Mường Chiềng với công ty".

Ông Bùi Mạnh Hường, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Bùi Mạnh Hường, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng. Ảnh: Quang Dũng.

Trong buổi làm việc tại UBND huyện Đà Bắc, ông  Bùi Mạnh Hường, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết văn bản về việc không có quỹ đất lâm nghiệp sản xuất để cho doanh nghiệp  thuê đất đầu tư chăm sóc bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng và chăm sóc rừng là từ đời lãnh đạo trước.

“Tôi mới công tác mới được 2, 3 tháng nên cũng chưa nắm được. Tôi có mời anh Chủ tịch UBND xã đời trước nhưng anh ý ốm nên không thể có mặt. Còn các giấy tờ sổ sách tôi sẽ cho thu thập và xem lại”, ông Hường nói.

Trong khi đó, các văn bản bồi thường giải phóng mặt bằng, biên bản giao đất của dự án đều có chữ ký, con dấu của lãnh đạo UBND xã Mường Chiềng các thời kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc. Ảnh: Quang Dũng

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc. Ảnh: Quang Dũng

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, qua nghiên cứu hồ sơ và ý kiến của nhân dân tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, huyện đã tổ chức đoàn công tác đi rà soát nhưng “chưa có báo cáo cụ thể”. Tuy nhiên, huyện Đà Bắc luôn ủng hộ các chủ trương về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

“Chúng tôi cũng đã nắm được tất cả các chủ trương từ trước từ khi khảo sát năm 2008 đến năm 2009 khi UBND tỉnh Hoà Bình có quyết định thu hồi đất. Các sở, ngành cũng phối hợp với UBND huyện thực hiện việc giao đất cũng như là bồi thườngg cho nhân dân theo quy định. Và tôi cho đây là chủ trương đúng đắn về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”, ông Tuấn nói.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.