| Hotline: 0983.970.780

Chủ trang trại trẻ "hài hước"

Thứ Ba 14/08/2012 , 10:45 (GMT+7)

Chủ trang trại trẻ Nguyễn Quang Huy ví von hài hước rằng những người nông dân giống như một... đàn vịt vậy, quanh năm mò mẫm kiếm ăn, còn nhà quản lý là những "người cầm cờ".

"Rất muốn đầu tư chiều sâu vào trang trại của mình, nhưng cháu vẫn do dự, vì chưa biết chiến lược và định hướng phát triển của nền nông nghiệp nước ta là gì?", đó là câu đầu tiên mà Nguyễn Quang Huy, chủ một trang trại ở xã Hồng Thái (huyện Kiến Xương, Thái Bình) ngỏ với chúng tôi.

Lần đầu gặp Huy cách đây mấy năm, thấy trang trại của anh đã có hình hài nhưng mọi thứ vẫn ngổn ngang. Bây giờ, hình dáng trang trại đã đâu ra đấy. Thực tâm, tôi rất mến phục chàng trai trẻ này. Từng là bác sỹ, võ sư, huấn luyện viên võ thuật của Sở VH-TT&DL Thái Bình, nhưng anh đã bỏ tất cả để theo đuổi niềm đam mê của mình là làm kinh tế trang trại.

Khởi nghiệp từ năm 30 tuổi, năm nay vào tuổi 36, Huy vừa là chủ một trang trại 6,5 ha ở Thái Bình vừa là chủ 2 nhà hàng cơm văn phòng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Vợ anh là giảng viên một trường đại học ở Thủ đô. Năm ngoái anh vừa mừng thọ cho thân sinh ở quê một ngôi nhà trị giá gần 1 tỷ đồng. Thứ bảy, chủ nhật ở Hà Nội, sáng thứ hai Huy có mặt ở trang trại để điều hành.


Anh Huy (trái) trăn trở về đầu tư cho trang trại

Huy bảo, lãi ròng của trang trại năm nào cũng vào cỡ 500-600 triệu đồng, cộng thêm với lãi của 2 nhà hàng trên Hà Nội và huy động thêm của bạn bè, anh có đủ nguồn vốn đầu tư vào trang trại. Nhưng đầu tư để trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp thì anh rất thiếu thông tin.

Huy bảo: "Cháu rất mong ngành nông nghiệp xây dựng được một chiến lược phát triển dựa trên những dự báo có cơ sở khoa học, độ chuẩn xác cao. Hiện tượng được mùa rớt giá, hay hết chặt cây nọ trồng cây kia, lại chặt cây kia trồng cây nọ... cứ trở thành điệp khúc, cho thấy công tác dự báo của chúng ta không ổn".

Do không có thông tin về định hướng và chiến lược phát triển của ngành, nên Huy cũng như nhiều chủ trang trại khác, cũng chỉ biết tự mình đi tìm thị trường, tự mình dự báo thị trường... dựa trên kinh nghiệm của cá nhân.

Anh tâm sự với tôi: "Nói chú tha lỗi, cháu cứ hình dung một cách hài hước rằng những người nông dân chúng cháu giống như một... đàn vịt vậy, quanh năm mò mẫm kiếm ăn, còn nhà quản lý là những "người cầm cờ". Nếu dự báo tốt, thì người cầm cờ sẽ hướng đàn vịt đến chỗ nước có nhiều ốc, nhiều cá tôm. Còn ngược lại sẽ bị lùa đến chỗ đàn vịt của người khác đã mò rồi hoặc chỗ không có mồi sẽ chẳng kiếm được gì cả. Không có định hướng và chiến lược, thì "người cầm cờ" đành để mặc đàn vịt tự bơi, kiếm được cái gì ăn cái ấy".

Tuy vậy, chính tôi cũng chưa "tin tưởng" lắm, vì "nhấn chuột" vào đó, tôi chỉ gặp nhưng điều khá chung chung, như đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng, sản lượng cây lương thực, cây thực phẩm của nước ta là bao nhiêu... Còn những câu hỏi của Huy thì không thấy có (!)... Và lời ví von đậm chất hài hước của người chủ trang trại trẻ cứ khiến tôi trăn trở.

Cũng vì lý do trên mà Huy cũng như nhiều chủ trang trại khác chỉ dừng lại ở mức đầu tư hết lợn lại cá, hay "cá dưới, lợn trên". Trang trại của Huy thường xuyên có 200 đầu lợn, mấy nghìn gà, còn nguồn thu chủ yếu vẫn là cá. Hàng năm cho thu chừng 50 tấn cá, giá trị khoảng 1,5-1,6 tỷ đồng, lãi ròng cũng chủ yếu từ thủy sản. Đàn gà cho lãi rất ít, còn lợn thì hầu như không lãi.

Từ năm ngoái đến nay, Huy dành một phần diện tích ao để nuôi cá chép cảnh. Đây là loài cá có nguồn gốc nội địa, màu vẩy rất đa dạng: Bạc, đỏ, vàng... Tuy là cá chép nhưng có vây và đuôi dài như cá vàng, nhìn rất đẹp (khác hẳn loại chép đỏ mà một số địa phương vẫn nuôi để bán vào ngày 23 tháng Chạp), bán khá chạy trên thị trường.

Chép cảnh có nhược điểm là chậm lớn, nuôi 1 năm mới được chừng 1 kg, nhưng vì là cá cảnh nên chỉ cần cỡ 30-40 con/kg là bán được 10.000 đ/kg, loại 10 con/kg có giá 25.000-30.000 đ/con. Ao nuôi 34.000 con (hiện ở mức 30-40 con/kg) của anh đang hy vọng mang lại một nguồn thu đáng kể.

Tôi bảo Huy vào trang website của Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), ở đó có trình bày chiến lược phát triển NN-NT, chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011-2020, hoặc có thể liên hệ với Tổng biên tập của website là TS. Trang Hiếu Dũng qua email: kh@mard.gov.vn để có được những thông tin cần thiết.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất