| Hotline: 0983.970.780

'Chuẩn cơm mẹ nấu' và vấn đề quản lý chất lượng nông sản

Thứ Bảy 27/07/2024 , 08:03 (GMT+7)

Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong, 34.500 cơ sở vi phạm.

Hội nghị Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội với chủ đề Vai trò của người phụ nữ trong chuỗi giá trị nông sản an toàn. Ảnh: TB

Hội nghị Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội với chủ đề Vai trò của người phụ nữ trong chuỗi giá trị nông sản an toàn. Ảnh: TB

Thị trường nông sản đang “nóng” dần

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản (NLTS) đạt 3,38%; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS hơn 29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 7 nhóm mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm từ gỗ).

Sau Đại dịch Covid-19, chúng ta thấy sự bùng nổ của xúc tiến thương mại điện tử. Số sản phẩm nông sản được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng TMĐT: Postmart, Voso, Shopee, Lazada, Tiki...và nhất là đang bùng nổ trên TikTok. Đã có những phiên bán trực tiếp tiêu thụ hàng ngàn đơn hàng của những chủ thể “vô danh”, trong vài tiếng đồng hồ doanh thu lên hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng.

Nhìn những con số như vậy để chúng ta thấy kinh tế nông nghiệp đang có đà phát triển nhanh, đóng góp rất tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, ổn định sinh kế và trật tự xã hội. Nhưng cùng với đó là những thách thức ngày càng tăng, đáng lưu ý là vấn đề quản lý chất lượng nông sản, cả cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với xuất khẩu, chúng ta đang thấy nhiều thị trường ngày càng kiểm soát ngặt nghèo tiêu chuẩn ATTP, tung ra thêm nhiều hàng rào kỹ thuật, như EU  đưa ra các yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU, kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, chứng minh chống phá rừng..., vừa rồi Trung Quốc tạm đình chỉ 1 loạt cơ sở vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam vì không tuân thủ quy định dư lượng kim loại nặng mà nguyên nhân là các chủ thể thiếu ý thức, lơ là, coi nhẹ việc thực thi các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP).

Còn ở thị trường trong nước, trong năm 2023, cả cấp Trung ương và địa phương đã tổ chức lấy 64.531 mẫu nông lâm thủy sản để giám sát các chỉ tiêu ATTP, phát hiện 1.696 mẫu vi phạm ATTP (chiếm 2,6%), thanh tra 25.861 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và NLTS, xử phạt hành chính 2.443 cơ sở (chiếm 9,45%).

Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong, 34.500 cơ sở vi phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay đã có gần 40 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng (tại căng tin của công ty, trường học, nhà hàng, quán ăn nhỏ...), bắt giữ nhiều vụ thực phẩm “bẩn” gây hoang mang và bức xúc trong dư luận. Con số trung bình 1 năm chúng ta đang sử dụng hơn 3,2kg thuốc bảo vệ thực vật/ha cây trồng, khoảng hơn 1kg thuốc/người dân/năm cũng là cảnh báo rõ ràng cho vấn đề sản xuất, chế biến nông sản cũng như quản lý nhà nước về an toàn nông sản.

Các hội chợ cấp xã, huyện giúp nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin về sản phẩm chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng. Ảnh: TĐ

Các hội chợ cấp xã, huyện giúp nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin về sản phẩm chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng. Ảnh:

Đến nay cả nước đã có 217.097 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, diện tích nuôi trồng thủy sản là 9.367 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 4.882 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP. Đối với phát triển các sản vật của các địa phương thông qua Chương trình OCOP, cả nước đã công nhận 13.368 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 7.425 chủ thể tham gia.

Tuy nhiên thực tế đánh giá cho thấy, mặc dù nhiều cơ sở sản xuất nông sản đã đạt chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACPP, ISO...) hay đạt sao OCOP nhưng việc thực hiện đúng quy trình hay không lại là vấn đề khó giám sát, quản lý. Đại diện một chuỗi siêu thị lớn cho biết, năm vừa rồi nhiều nhà cung ứng đã bị loại do phát hiện thu gom cả hàng hóa không rõ nguồn gốc, hoặc từ các cơ sở khác không đảm bảo an toàn, có cơ sở sử dụng chứng thư kiểm nghiệm mẫu nông sản từ các đơn vị vừa bị Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT tuýt còi...

Theo số liệu của iPOS, cả nước có gần 317.299 cửa hàng dịch vụ ẩm thực (nhà hàng/quán giải khát) với quy mô doanh thu ngành này trên cả nước đạt khoảng 590 ngàn tỷ đồng, tập trung nhiều nhất (khoảng 71,2%) vào 8 tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hải Phòng.

Riêng Thủ đô Hà Nội trung bình mỗi tháng, nhu cầu sử dụng gạo của người dân thành phố hơn 96.000 tấn; thịt lợn 19.500 tấn; thịt trâu, bò hơn 5.300 tấn; thịt gia cầm 6.500 tấn; trứng 130 triệu quả; thủy sản hơn 19.000 tấn; thực phẩm chế biến hơn 5.000 tấn; rau, củ hơn 107.000 tấn;  trái cây 56.000 tấn.

Trong đó, với gần 73.950 cửa hàng dịch vụ ẩm thực (chiếm 23,3% cả nước), hàng ngày tiêu thụ một lượng lớn nông sản. Do đó, vấn đề quản lý chất lượng nông sản, nhất là đối với các đô thị lớn này, đặc biệt quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân, đến phát triển các chuỗi giá trị nông sản sạch, bền vững.

Phụ nữ - mắt xích quan trọng

Các cơ quan quản lý nhà nước tuy đã triển khai nhiều chương trình giám sát ATTP, nhưng nhìn chung lực lượng còn quá mỏng trong khi các chủ thể còn lơ là, chưa ý thức và lấy “đạo đức kinh doanh”, lấy sự “tử tế” trong sản xuất, chế biến thực phẩm, còn nhiều đơn vị dịch vụ kiểm nghiệm vì mục tiêu doanh số, lợi nhuận mà “bán” giấy chứng nhận. Chúng ta vẫn thấy trước cổng trường nhan nhản hàng bán “xiên bẩn”, nước ngọt “1000đ/chai”, chợ đầu mối bán thịt gà, bò, lợn... giá thấp “không tưởng”.

Chúng ta hay nghe câu “Chuẩn cơm mẹ nấu”, “Trông như trông mẹ đi chợ về”... để thấy người Phụ nữ Việt Nam có vai trò đặc biệt trong vấn đề “gu ẩm thực” của cả gia đình, ảnh hưởng đến nhận thức của thế hệ sau về vấn đề ẩm thực, vấn đề an toàn thực phẩm.  Phụ nữ Việt Nam vừa là lao động quan trọng trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, nhưng cũng vừa là “Người tiêu dùng”, là “Bà nội trợ” của mỗi tế bào xã hội.  Việc người phụ nữ “ra quyết định” thế nào khi mua sắm thực phẩm hàng ngày sẽ tác động rất lớn đến cả chuỗi giá trị nông sản, từ sản xuất, chế biến, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ. Nếu “Bà nội trợ” mà dễ dãi, chấp nhận thực phẩm “bẩn” thì sẽ vô tình thúc đẩy chuỗi cung ứng thực phẩm “bẩn” tồn tại, phát triển.

Các cuộc thi tôn vinh văn hóa ẩm thực địa phương là công cụ hiệu quả nâng cao nhận thức về ATTP và giá trị nông sản. Ảnh: TB

Các cuộc thi tôn vinh văn hóa ẩm thực địa phương là công cụ hiệu quả nâng cao nhận thức về ATTP và giá trị nông sản. Ảnh: TB

Chúng ta đã thấy Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có nhiều hoạt động hướng đến vấn đề an toàn thực phẩm. Phong trào Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” và nhiều mô hình về thực hiện ATTP được các cấp Hội phụ nữ duy trì và nhân rộng như: mô hình “Làng 3 sạch” (Bắc Ninh), mô hình “2 dao 2 thớt”, “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt” (Bình Định), Tổ phụ nữ tiểu thương nói không với thực phẩm bẩn (Khánh Hòa), Chi hội tự quản về vệ sinh, an toàn thực phẩm (Thanh Hóa), “Nữ tiểu thương 3K, 3C - không mua, không bán, không sử dụng - có tâm, có uy tín, có khách hàng” (Long An), “Góc chợ phiên - Thực phẩm tin cậy” (TP Đà Nẵng)…Đây thực sự là cẩm nang để các chi hội phụ nữ khắp nơi học hỏi làm theo.

Vậy giải pháp nào giúp phụ nữ tham gia vào quản lý chất lượng nông sản? Với tiếp cận xuất phát từ người phụ nữ, “bà nội trợ” của gia đình, người tạo nên ý thức ăn uống của con cái, có một số đề xuất như sau:

Trong khâu sản xuất, chế biến, phân phối: để đảm bảo tính minh bạch cho sản phẩm, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc được chi tiết, các cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức phủ rộng chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho các chủ thể trong ý thức, đạo đức và trách nhiệm của mình, từ đó tự giác giám sát hoạt động sản xuất, cải tiến hệ thống cơ sở vật chất, nhất là hệ thống khử trùng, cách ly, phương án xử lý những sản phẩm sắp và hết hạn sử dụng.

Các hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng) cần mua bán qua hợp đồng, cam kết đảm bảo cung ứng sản phẩm an toàn, minh bạch, xử lý mạnh tay với các nhà cung cấp gian dối. Các sàn TMĐT cần chịu trách nhiệm với các sản phẩm không đạt ATTP mà họ cho phép chủ thể đăng bán.

Nhân rộng các mô hình “Trạm xanh” xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ theo cách “Đổi phụ phẩm nông nghiệp lấy phân hữu cơ”; Mô hình “Mạng lưới liên kết 4P” (Cơ sở sản xuất - Nhà hàng, quán cafe - Sạp hàng chợ nông sản - Người tiêu dùng) thông qua phát triển website và ứng dụng App, từ đó xây dựng nên các bản đồ Ẩm thực tour, Homestay tour, OCOP Tour... chất lượng, uy tín, giúp “bà nội trợ” có thêm thông tin lựa chọn.

Việc giám sát chất lượng sản phẩm nên áp dụng “Tổ giám sát cộng đồng” với vai trò chính là các hội, đoàn thể cơ sở, trước mắt giám sát các chợ cóc, phố ẩm thực, cổng trường học, phát hiện các hoạt động mua bán thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc.

Các cơ quan cấp tỉnh cũng cần tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh nông sản an toàn, như Cuộc thi tinh hoa văn hóa ẩm thực gắn với tài nguyên bản địa, Du lịch nông nghiệp với mạng lưới liên kết tiêu thụ nông sản sạch, Chợ quê 3 sạch 2 rõ, các Phiên chợ xanh,...

Việc tuyên truyền trực tiếp cho hội viên chi hội phụ nữ cơ sở là đặc biệt quan trọng, làm sao giúp các “bà nội trợ” hiểu biết hơn về ATTP, có nhiều thông tin hơn về các địa điểm, nhà cung cấp thực phẩm an toàn, tránh việc “biết là bẩn nhưng vẫn ăn”.

Nếu “Bà nội trợ” tích cực và ủng hộ thực phẩm sạch, an toàn ngay hôm nay, chắc chắn các “chuỗi nông sản bẩn” sẽ không thể tiếp tục phát triển, lan rộng.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất