Trải qua nhiều chu kỳ rừng được thu hoạch, ngành chức năng cũng như người trồng rừng ở Tuyên Quang rút ra nhiều kinh nghiệm về công tác chọn giống và ý nghĩa vai trò của giống tốt đối với trồng rừng. Bởi vậy, những năm qua tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng việc nghiên cứu, sản xuất ra giống tốt để phục vụ trồng rừng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh xác định chất lượng cây giống có vai trò quyết định năng suất và hiệu quả kinh tế rừng trồng. Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng.
Năm 2017, tỉnh đã giao Đại học Tân Trào triển khai Dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống keo lai nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô phục vụ nhu cầu cây giống chất lượng cao cho các hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thực hiện dự án, Đại học Tân Trào đã phối hợp Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao kết quả vào sản xuất, đến nay nhà trường đã tiếp nhận công nghệ và đưa vào sản xuất được 3 giống keo lai (BV10, BV16, BV33), 3 giống keo lá tràm (Clt9, Clt18, Clt26) với quy mô sản xuất hàng năm từ 2 - 2,5 triệu cây giống/năm.
Kể từ năm 2017 đến nay, mỗi năm Đại học Tân Trào đã cung ứng cho các hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh trên 1 triệu cây keo giống. Ngoài ra, nhà trường cũng cung ứng cho các vườn ươm, hộ trồng rừng ngoài tỉnh hàng triệu cây giống/năm.
Song song với việc sản xuất các dòng keo trên, Đại học Tân Trào cũng đã nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao và đưa vào sản xuất được 3 giống bạch đàn (CT3, Ctiv, U6) với số lượng trung bình mỗi năm từ 300-500 nghìn cây giống cung ứng cho các đơn vị, hộ trồng rừng và người dân có nhu cầu trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang, năm 2022 này, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng. Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2021, có trên 2.000 hộ gia đình trong toàn tỉnh được hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao trồng rừng sản xuất.
Kết quả thực tế cho thấy, giống cây lâm nghiệp chất lượng cao đã thể hiện rõ những ưu điểm vượt trội, góp phần nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, tăng thu nhập cho người dân.
Gia đình bà Hà Thị Hương, thôn Uổm, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên được hỗ trợ cây giống chất lượng cao thực hiện trồng 3ha rừng theo chương trình của Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang trong năm 2020. Bà Hương cho biết, cây giống chất lượng cao gia đình bà được hỗ trợ là cây keo lai mô. Do làm tốt các khâu xử lý thực bì, quốc hố, bón phân... đến nay 3ha keo của gia đình bà đều phát triển tốt, cao từ 5 đến 6m.
Với nhiều chính sách ưu tiên phát triển cây giống lâm nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả tích cực, làm chuyển biến căn bản nhận thức về việc sử dụng giống tốt trong sản xuất lâm nghiệp của người dân thông qua việc sử dụng giống cây keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô và cây keo tai tượng được gieo ươm từ hạt giống nhập ngoại, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập của người làm nghề rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong số hơn 11.200ha rừng trồng mới trong năm 2022 của tỉnh Tuyên Quang, diện tích trồng rừng tập trung vẫn chiếm số lượng cao nhất với hơn 10.700ha, còn lại là trồng cây phân tán. Trong năm 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hỗ trợ cây giống chất lượng cao được hơn 2.000ha rừng với các giống keo lai mô, keo hạt ngoại và bạch đàn mô.