GS.TS Đậu Ngọc Hào – Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam (ảnh): Bỏ kiểm dịch chỉ làm hại cho nước mình!
Việc giảm thiểu những rào cản về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN là chủ trương đúng đắn. Các cơ quan cần thực hiện để đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế, chúng tôi ủng hộ. Nhưng đối với các sản phẩm của ngành chăn nuôi, chúng ta tham gia WTO, Hiệp định SPS... các thành viên phải thực hiện các Hiệp định này.
Một số ý kiến cho rằng bỏ kiểm dịch một số sản phẩm chế biến, nhưng quy định của OIE và Codex vẫn phải thực hiện. Ví dụ như mật ong, có gì ghê gớm đâu, nhưng Việt Nam cần hơn 7 năm mới XK được. Với sữa chua, Ấn Độ yêu cầu XK phải cung cấp đầy đủ những yêu cầu của họ, có xác nhận của Cục Thú y Việt Nam... về kiểm soát nguy cơ, pet control, tồn dư kháng sinh...
Vậy tại sao ta không làm? Tại sao phải bỏ đi? Hiện tại chúng ta NK nhiều, XK ít vì các nước đang làm rất chặt chẽ. Việt Nam bỏ đi chỉ làm hại cho nước mình. Các nước đã đặt ra hàng rào kỹ thuật ngày càng được nâng cao rất nhiều, được quy định ngặt nghèo hơn rất nhiều, nếu chúng ta không bảo vệ được các sản phẩm nông nghiệp của ta thì sẽ thua hết. Bỏ cái gì đó để đạt được kiểm tra tối thiểu, bảo đảm tính xác suất, còn bỏ kiểm dịch là không được!
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ (ảnh): Bỏ kiểm dịch, chúng tôi sẽ chết!
Chúng tôi là người chăn nuôi, việc bỏ kiểm dịch chúng tôi rất mừng, nhưng làm thế thì chúng tôi sẽ chết! XK kiểu gì? Lấy cái gì để làm điều kiện XK theo yêu cầu của nước NK? Chăn nuôi thế nào? Vì sao chúng ta lại phải làm thế? Có nước nào trên thế giới bãi bỏ nhanh thế không? Làm như thế heo, gà, sữa thải loại các nước họ vứt đi, là đồ bẩn, dùng để làm phân, mà trên thế giới thì số lượng là khổng lồ, không kiểm dịch mà nó tràn vào Việt Nam thì người tiêu dùng chỉ có “chết” thôi và người chăn nuôi cũng ‘chết”.
Nếu bỏ không kiểm dịch tôi là người bỏ chăn nuôi trước tiên vì mình chịu sao nổi. Họ bán sang mình với giá bèo, họ cũng lãi to. Mình chỉ có phá sản thôi. Chúng tôi phải nói, mình không nói thì các thành viên và bà con chăn nuôi “chửi” chúng tôi. Đề nghị Cục Thú y đề nghị Bộ trưởng, đề nghị Thủ tướng cho dừng lại bàn về việc này. Cải cách là để kiểm tra, kiểm soát cho tiện lợi, nhanh chóng, không phiền hà chứ không phải bỏ.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai (ảnh): Việt Nam sẽ thành bãi rác tiêu thụ
Bỏ kiểm dịch rõ ràng là vấn đề vô cùng bức xúc với người chăn nuôi. Người chăn nuôi bỏ nghề ngay. Việt Nam sẽ thành bãi rác tiêu thụ.
Cần cân nhắc đến quyền lợi của DN XK (sẽ có lợi rất lớn, trục lợi từ việc bỏ kiểm dịch), nhưng còn người chăn nuôi bị ảnh hưởng, người chăn nuôi sẽ “chết” vì chúng ta không đủ sức cạnh tranh.
Thực tế chăn nuôi trong nước chưa hiện đại để đủ sức phòng chống dịch và ngành chăn nuôi sẽ phá sản. Điều này chúng ta đã và đang chứng kiến. Đề nghị Cục Thú y, các Bộ, ban, ngành của Chính phủ phải quy định kiểm dịch vì đây là vấn đề sống còn của chăn nuôi Việt Nam, của mấy chục triệu người dân đang chăn nuôi. Chúng tôi thiết tha, đề nghị cần kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ mặc dù có bỏ thủ tục hành chính. Nếu Viện Nghiên cứu Kinh tế TƯ, Euro Cham... đề nghị bỏ kiểm dịch, chúng tôi sẽ bảo vệ.
TS. Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam (ảnh): Các nước gây sức ép để được XK các sản phẩm động vật vào Việt Nam
Nhiều nước đang gây sức ép với chúng ta để được XK các sản phẩm động vật vào Việt Nam. Do đó cần tìm cách kìm hãm NK để bảo vệ chăn nuôi trong nước, duy trình sinh kế của người dân. Chúng ta chưa nên nghĩ giảm bớt thủ tục kiểm dịch. Thậm chí, Chính phủ cần đưa ra nhiều hơn nữa những hàng rào kỹ thuật để kìm hãm NK, để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước có cơ hội phát triển. Tại sao các nước ngày càng ra tăng cường áp dụng hàng rào kỹ thuật thì chúng ta lại bỏ đi?