| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi liên kết, 'phao cứu sinh' của chăn nuôi gia cầm

Thứ Ba 18/04/2023 , 08:52 (GMT+7)

Hiện chỉ những doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm có tiềm lực kinh tế mạnh mới trụ được trong bối cảnh khó khăn bủa vây, những doanh nghiệp nhỏ đang mấp mé bên bờ vực…

Bão giá “hạ nốc ao” ngành chăn nuôi gia cầm

Không phải mới đây, khó khăn của ngành chăn nuôi gia cầm đã xuất hiện từ cuối năm 2020 đầu năm 2021, nguyên nhân do trong năm 2019 ngành chăn nuôi gia cầm đã phát triển quá nóng, dẫn đến cung vượt cầu, khiến giá sản phẩm những năm sau đó không ngừng giảm sâu.

Hiện nay những doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh mới trụ nổi trong bối cảnh vô vàn khó khăn. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay những doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh mới trụ nổi trong bối cảnh vô vàn khó khăn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), năm 2019 ngành chăn nuôi gia cầm tăng trưởng lịch sử, sản lượng thịt gia cầm tăng đột biến lên 35%, trứng gia cầm tăng 24% so với thời gian trước đó. Tiếp đến, dịch Covid-19 bùng phát cùng với bão giá thức ăn chăn nuôi như “cú đấm nốc ao” khiến ngành hàng gia cầm “ngã ngựa”, cả cung lẫn cầu đều sụt giảm nghiêm trọng.

Do thị trường thịt gia cầm giảm mạnh, kéo theo giá con giống gia cầm cũng tuột dốc thảm hại. Có thời điểm thịt gà lông trắng chỉ còn 7.000 đồng - 8.000 đồng/kg, giống gia cầm chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg/con mà bán không chạy. Ngược lại, mặt hàng trứng gia cầm tăng mạnh, có thời điểm tăng 2.500 - 3.000 đồng/quả.

Thời điểm ấy, khu vực miền Bắc không tồn đọng lớn gà thịt như ở miền Nam, nhưng sức tiêu thụ chậm và giá bán giảm sâu so với trước thời gian giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Bước sang năm 2022, chăn nuôi gia cầm bắt đầu hồi phục thì thịt gà đông lạnh nhập khẩu tăng mạnh, tạo áp lực lớn đối với ngành chăn nuôi gia cầm trong nước. Ước tính thịt gia cầm nhập khẩu cả năm 2022 đạt khoảng 200.000 - 210.000 tấn.

“Dịch Covid-19 cùng bão giá thức ăn chăn nuôi đã “cơ cấu” lại ngành chăn nuôi gia cầm của nước ta. Chăn nuôi nông hộ và gia trại chăn nuôi gia cầm đơn lẻ không tham gia chuỗi liên kết giảm mạnh, chỉ những trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết với những doanh nghiệp lớn là còn cầm cự”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA cho hay.

Để giảm bớt khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm, VIPA đã phải kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu 1 số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo đó, thuế nhập khẩu ngô hạt từ 5% giảm còn 3%, lúa mì từ 3% giảm xuống 0% góp phần làm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước. VIPA còn kiến nghị Chính phủ giảm 1 số phí, lệ phí, trong đó có phí kiểm dịch đối với gia cầm giống tại các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh.

Trong thời điểm chăn nuôi gia cầm lâm cảnh khó khăn như hiện nay, việc an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm là cách để giảm giá thành sản phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Trong thời điểm chăn nuôi gia cầm lâm cảnh khó khăn như hiện nay, việc an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm là cách để giảm giá thành sản phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

VIPA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính trong việc thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế; khoanh nợ, cơ cấu lại nợ. Tái cấp vốn, hạ lãi suất cho vay, rút ngắn thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay của các doanh nghiệp. Trình Chính phủ phê duyệt gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp. Trình Chính phủ và Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất năm 2021-2022 cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covd-19…

“Phao cứu sinh” cho chăn nuôi gia cầm

Theo Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chỉ những doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế mạnh và có tham gia chuỗi liên kết mới trụ được, còn những doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động đơn lẻ, không tham gia chuỗi liên kết thì đang mấp mé bên bờ vực phá sản, nếu khó khăn này còn kéo dài đến hết năm 2023. Hiệp hội sẽ xem xét, kiến nghị hỗ trợ như thế nào đó để các doanh nghiệp nhỏ và và đủ sức cạnh tranh để tồn tại.

Ông Sơn cử những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, như nhóm liên kết sản xuất con giống - thức ăn chăn nuôi - thuốc thú y của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, Công ty CP Bel Gà, Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt Tín, Công ty VMC Việt Nam, Công ty Viphavet, Công ty CP Thú y xanh Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Công ty Gà giống Châu Thành, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên.

Hoặc nhóm liên kết sản xuất giống gia cầm và cung cấp thức ăn gồm các Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, Công ty San Hà với Công ty CP Chăn nuôi CP. Việt Nam và Tập đoàn De Heus Việt Nam.

“Các nhóm liên kết đã phần nào phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, dịch vụ thú y, trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật, tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Trong thời gian tới đây, VIPA cần phải đổi mới mô hình liên kết, xây dựng quy chế hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA chia sẻ.

Hoạt động giao thương nội khối được VIPA cho là “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Có thể hiểu đơn giản, giao thương nội khối là các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm nội địa Việt Nam sử dụng sản phẩm thức ăn, thú y của các doanh nghiệp trong ngành để duy trì thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, chia sẻ kiến thức…

Hiện các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia cầm chưa thiết lâp được mối liên kết với doanh nghiệp giết mổ và tiêu thụ thịt gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia cầm chưa thiết lâp được mối liên kết với doanh nghiệp giết mổ và tiêu thụ thịt gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty VMC Việt Nam, nhờ hoạt động giao thương nội khối mà công ty thiết lập được mối quan hệ gần gũi hơn giữa lãnh đạo các doanh nghiệp khác; việc trao đổi, mua bán hàng hóa được cải thiện; các bên xích lại gần nhau hơn và cơ bản có mối quan hệ tin cậy.

Tuy nhiên, so với nhu cầu và tiềm năng của các doanh nghiệp, trao đổi thương mại giữa các doanh nghiệp chưa phát triển tương xứng, kết quả còn khiêm tốn. Các doanh nghiệp chưa thực sự chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chưa mở rộng được các nhóm liên kết khác, đặc biệt giữa doanh nghiệp chăn nuôi với các doanh nghiệp thú y, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp giết mổ và tiêu thụ thịt gia cầm.

"Cần xây dựng mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp hoạt động trong ngành mà khác lĩnh vực tạo thành chuỗi sản xuất để cùng phát triển, mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng. Quan hệ giữa các doanh nghiệp cần nâng lên tầm đối tác chiến lược thì hiệu quả mới như kỳ vọng”, ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty VMC Việt Nam chia sẻ.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.