| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP gắn với khởi nghiệp

Thứ Hai 07/02/2022 , 10:55 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Long xác định Chương trình OCOP là một phần và song song với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào khởi nghiệp của tỉnh.

Anh Văn Hữu Tài khởi nghiệp trẻ ở Vĩnh Long với sản phẩm tảo xoắn Mê Kông, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Văn Hữu Tài khởi nghiệp trẻ ở Vĩnh Long với sản phẩm tảo xoắn Mê Kông, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Đảm.

OCOP gắn với khởi nghiệp

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt đề án “Phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2019-2020”.

Theo đề án trên, các sản phẩm OCOP của tỉnh phần lớn dựa vào lợi thế về các vùng sản xuất, dịch vụ nông thôn sẵn có. Từ đó, Vĩnh Long sẽ phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với xây dựng và triển khai các dự án phát triển các khu, điểm, làng văn hóa, du lịch.

Ngay từ đầu, Sở NN-PTNT của tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm. Mỗi năm, UBND tỉnh Vĩnh Long bố trí từ 600-800 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp dành thực hiện kế hoạch, riêng năm 2021 trên 827 triệu đồng.

Kế hoạch hàng năm tập trung thực hiện tuyên truyền các mục tiêu, nội dung của Chương trình OCOP thông qua các hoạt động như: phát hành tài liệu giới thiệu bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm đến với hầu hết cán bộ cấp xã, phường, thị trấn; đào tạo 100% cán bộ của tổ giúp việc tham gia Chương trình ở cấp huyện, xã. Đồng thời hỗ trợ người dân xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đối với các chủ thể tham gia Chương trình là các cơ sở, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp đều được tập huấn hỗ trợ xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Chương trình đã tư vấn nâng tầm sản phẩm cho các sản phẩm còn yếu về chất lượng, mẫu mã bao bì, kỹ năng maketing, kỹ thuật xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh dài hạn, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm ở các dự án du lịch làng nghề hiện có trong tỉnh.

Chương trình còn xây dựng các chương trình thông tin, tọa đàm, tư vấn để các chủ thể tham gia Chương trình có cơ hội tiếp cận, trao đổi với nhau nắm bắt được ý nghĩa của Chương trình và đăng ký tham gia xét chọn, phân hạng sản phẩm. 

Năm 2021, Sở NN-PTNT giao Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Vĩnh Long xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP của tỉnh tại số 12C, đường Đoàn Thị Điểm, Phường 1, TP Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP của Vĩnh Long thường xuyên được trưng bày tại các đợt hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với khách tham quan.

Anh Văn Hữu Tài, chủ cơ sở tảo xoắn Mê Kông (ở xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là một trong những khởi nghiệp trẻ ở địa phương được sự hỗ trợ từ chương trình OCOP. Anh Tài cho hay sản phẩm tảo xoắn Mê Kông của mình đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thông qua các hỗ trợ từ chương trình sản phẩm của anh Tài được nhiều người biết đến, đầu ra tốt hơn. Hiện anh Tài đang ấp ủ kế hoạch cho ra đời sản phẩm mới cũng từ tảo xoắn Spirulina.

Ông Trương Ngọc Trọng, Giám đốc HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hoà Bình Minh giới thiệu sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trương Ngọc Trọng, Giám đốc HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hoà Bình Minh giới thiệu sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Đảm.

74 sản phẩm OCOP đã được công nhận

Cuối 2020 tỉnh đã tổ chức vận động 37 đơn vị kinh tế tham gia chương trình, tổ chức đánh giá, phân hạng có 49 sản phẩm của 38 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao, gồm: 13 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 36 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Cuối năm 2021, tiếp tục có thêm 25 sản phẩm của 20 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc Chương trình OCOP của tỉnh được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận đạt từ 3 sao đến 4 sao đối với 25 sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Quốc Phong, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, sau gần 3 năm triển khai Chương trình OCOP, bước đầu đạt được thành tựu đáng kể. Đó là nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển làng nghề, sản phẩm truyền thống của địa phương. Chương trình đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh.

Một trong những sản phẩm OCOP đạt 4 sao được công nhận năm 2021 là bưởi Năm Roi Mỹ Hòa của hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh). Bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa có đặc điểm hơn hẳn bưởi Năm Roi trồng ở các nơi khác. Vỏ bưởi dễ bóc. Thịt trái màu xanh vàng, múi đều, dễ tách múi, con tép màu vàng, đều, mịn, mọng nước, mùi thơm đậm đà đặc trưng. Vị bưởi ngọt thanh, hơi chua nhẹ, không đắng, không the. Trái hạt ít hạt hoặc không có hạt.

Danh tiếng trái bưởi càng vươn xa hơn nhờ hợp tác xã sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và GlobalGAP đáp ứng yêu cầu trái bưởi an toàn thực phẩm, với chất lượng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Trương Ngọc Trọng, Giám đốc hợp tác xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hoà cho biết: Đến nay, hợp tác xã có 50ha có thể cung ứng 1.500 tấn bưởi an toàn cho thị trường mỗi năm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Không những vậy, hợp tác xã còn tập hợp sản lượng bưởi Năm Roi của 1200 hộ nông dân (trên 1.950ha) tại xã Mỹ Hoà, sản lượng cung ứng ra thị trường trên 30.000 tấn bưởi/năm. Hợp tác xã là đơn vị cung cấp tin cây cho các siêu thị và trung tâm thương mại trên cả nước như: Sài gòn Coopmart, Siêu thị Big C, Siêu thị Lotte, Siêu thị Vinmart, Siêu thị Tmart, Siêu thị Bách Hoá Xanh, Công Ty Cổ Phần Kỹ Nghệ Thực Phẩm Việt Sin…

Sản phẩm Rau câu Vinh Quang vừa được công nhận 3 sao năm 2021. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm Rau câu Vinh Quang vừa được công nhận 3 sao năm 2021. Ảnh: Minh Đảm.

Một sản phẩm OCOP đạt 3 sao vừa được công nhận năm 2021 là rau câu Sơn Thủy của hộ kinh doanh rau câu Vinh Quang (phường 8, TP Vĩnh Long). Đây làm một trong 30 sản phẩm rau câu hiện hộ này đang sản xuất. Bà Lê thị Bảo Trang, quản lý của hộ kinh doanh rau câu Vinh Quang cho biết: Cơ sở đã sản xuất rau câu trên 21 năm. Rau câu của cơ sở rất đa dạng (rau câu sinh nhật, đám cưới, thôi nôi, tráng miệng, trung thu…). Riêng rau câu Sơn Thủy mỗi năm hộ cung ứng cho thị trường khoảng 30.000 sản phẩm.

Hiện nay hộ có các đại lý khắp các tỉnh ở khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ, trong đó nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh 10 đại lý, Cần Thơ 5 đại lý. Rau câu Sơn Thủy nổi bật hơn cả vì sản xuất theo công thức gia truyền đã hai thế hệ. Rau câu giòn, béo tự nhiên, không sử dụng phụ gia hỗ trợ hoặc rau câu sợi mà sử dụng lá cẩm, lá dứa nên rau câu có hương thơm và màu sắc tự nhiên, để được lâu.

Có nhiều nơi sản xuất rau câu giống nhưng khách hàng ăn vô là biết liền. Khách sành điệu có ăn rau câu là tìm đến cơ sở sản xuất ở con đường nhỏ Phạm Hồng Thái này mà ít đến các cửa tiệm lớn.

Hiện Sở NN-PTNT đang tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2022-2025 theo chủ trương chủ Bộ NN-PTNT để nâng tầm các sản phẩm OCOP đã được công nhận đi xa hơn nữa trong thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, vì đây là Chương trình mới nên thời gian đầu triển khai thực hiện, một số địa phương, cơ sở, người dân còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Ngoài ra, chỉ mới tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các ngành làng nghề truyền thống.

Vì vậy, để chương trình thực hiện thành công trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Liêm cho rằng cần nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt đối với các sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ tốt hơn sản phẩm. Ngoài ra cần chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia chương trình, hỗ trợ ưu tiên đối với nâng chất các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.