| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số - bước đột phá ngành thông tin truyền thông Thanh Hóa

Thứ Tư 28/12/2022 , 13:59 (GMT+7)

Thanh Hoá đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh/thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến 2030 trong nhóm 5 tỉnh/thành dẫn đầu về chính quyền số.

Mục tiêu này không còn hoài nghi về tính khả thi khi Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có nghị quyết, UBND tỉnh này cũng đã có quyết định cho chiến lược chuyển đổi số với những nội dung cụ thể, định lượng rõ ràng.

Chắp cánh cho sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Là địa phương đầu tiên ban hành quyết định giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, Thanh Hóa quyết tâm đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã.

TH dat muc tieu trong nhom dan dau chuyen doi so

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm 5 tỉnh/thành dẫn đầu về chính quyền số.

Hồi tháng 10/2022, tại Hội thảo “Thúc đẩy chương trình chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa năm 2022”, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng ban Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0

“Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, mà là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, quy trình làm việc còn mang tính thủ công và rất mất thời gian. Trong thời đại số, chỉ cần ngồi trên xe, xem nội dung là có thể giải quyết ngay hồ sơ trong một buổi”, ông Liêm cho biết.

Ông Liêm nhấn mạnh, ở Thanh Hóa, việc thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số.

Trong cuộc làm việc với Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thanh Hóa mới đây, Báo Nông nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở đâu trong chiến lược chuyển đổi số, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở cho hay, trong nghị quyết của Tỉnh ủy, quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa đều đề cập rõ cho từng mục tiêu, nhiệm vụ. Ở đây, xin chia sẻ một số việc đã làm mà lĩnh vực “tam nông” đạt kết quả tốt.

Lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cắt băng khai mạc triển lãm, trải nghiệm, trưng bầy

Lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cắt băng khai mạc triển lãm các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số diễn ra hồi tháng 10/2022. 

Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng bộ tiêu chí mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và giao chỉ tiêu đến tận từng xã. Nhờ đó, hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông được phát triển rộng khắp. Internet được phủ sóng đến 4.354/4.357 thôn, bản; mạng băng thông rộng cố định được triển khai đến 4.337/4357 thôn, bản; có 9.444 trạm BTS được lắp đặt phủ sóng đến 100% trung tâm các  xã, phường, thị trấn; tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,7%, năm 2022 đã tăng thêm 10 thôn/bản được phủ sóng thông tin di động và 32 thôn/bản có hạ tầng băng rộng cố định so với năm 2021.

Với nền tảng đó, công tác hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn và voso.vn... ngày càng tích cực, hiệu quả. Sở Thông tin – Truyền thông đã hướng dẫn các địa phương phối hợp với Bưu điện tỉnh và Vietel thu thập được 33.130 hộ sản xuất nông nghiệp, tạo tài khoản Active cho 22.889 hộ dân có tài khoản bán hàng/gian hàng, đưa 66 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn và 38 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn.

Cùng với đó, xây dựng chuyên trang thực hiện kết nối các sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn và phối hợp với Sở NN-PTNT, UBND cấp huyện lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, xây dựng sản phẩm mũi nhọn để tổ chức truyền thông lan toả, quảng bá, thực hiện kết nối sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (https://chuyendoiso.thanhhoa.gov.vn/nongsan/Default.aspx “đồng hành cùng người Việt nâng tầm nông sản Việt”).

Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu ngành thuế và ngành giao thông vận tải, góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Điều đó sẽ tạo tiền đề thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt là phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

2023 là năm về dữ liệu số

Thanh Hóa hiện được xếp hạng chỉ số chuyển đổi số đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Rõ nét nhất là công tác chuyển đổi số của toàn tỉnh đã thực hiện khá tốt việc trao đổi và xử lý văn bản, hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 03 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh (trục LGSP), đặc biệt Thanh Hóa là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Thanh Hóa.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Thanh Hóa.

Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 3,4 triệu lượt văn bản; tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,7%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99%; phần mềm phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý 1.067 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 95%.

Việc này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 159 dịch vụ công mức độ 3 và 716 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 815 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận gần 1 triệu hồ sơ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 98%.  

Kết quả này góp phần từng bước công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giai quyết công việc mọi lúc, mọi nơi; tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã và ban hành quyết định giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong năm 2022, có 94 xã, phường, thị trấn đang thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong mô hình chuyển đổi số cấp xã; 22.673 doanh nghiệp đã tiếp cận, tham gia và từng bước ứng dụng có hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.  

Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã

Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã.

Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Thanh Hóa, ông Đỗ Hữu Quyết cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công, yếu tố con người là quan trọng. Nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu tình hình mới trong xu thế thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Không có con người giỏi, tâm huyết thì chuyển đổi số khó thành công. Bên cạnh đó là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp mà người đứng đầu luôn sát sao việc này.

Cùng với coi trọng nhân lực, phải chú ý đến yếu tố đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện, khi mà các dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đều được khai thác, vận hành trên không gian mạng. Vì thế, cần phải vừa quan tâm đến con người, vừa tập trung đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ phòng chống mã độc.

Đề cập đến mục tiêu trong năm 2023, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Thanh Hóa cho biết, tỉnh xác định năm 2023 là năm về Dữ liệu số. Sở sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai kế hoạch phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực dữ liệu. Duy trì vận hành có hiệu quả cổng dữ liệu mở của tỉnh để các cơ quan, đơn vị kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp                                                                                   

Xóa các vùng trắng, vùng lõm về sóng di động

Năm 2023, Thanh Hóa tiếp tục triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội như thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số cá nhân, sử dụng dịch vụ số thiết yếu phục vụ cuộc sống…

Đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh; từng bước phủ sóng tiến tới xóa bỏ các vùng trắng, vùng lõm về sóng di động; triển khai sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây.

Xem thêm
Ninh Bình cần mạnh dạn đổi mới, 'giải phóng chính mình'

Để Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh những 'tài sản vô giá' thì nguồn lực quan trọng nhất vẫn là con người.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Hủy nổ thành công quả bom nặng hơn 334kg

Ngày 28/5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã thành công hủy nổ an toàn quả bom nặng 344kg còn sót lại sau chiến tranh

Giấc mơ 'trên giấy' của làng chài Nguyệt Đức: [Bài 2] Nỗi niềm của ông chủ tịch

Tỉnh Bắc Giang nhiều năm qua đã nỗ lực hoàn thiện đề án đưa người dân làng chài Nguyệt Đức lên bờ. Đường đi đã có nhưng chờ mãi 'cánh cửa' vẫn chưa được mở!