| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển trước thách thức biến đổi khí hậu

Bài cuối: Lồng HDPE là mảnh ghép quan trọng để nuôi biển bền vững

Thứ Sáu 29/04/2022 , 08:05 (GMT+7)

Báo Nông Nghiệp Việt Nam trao đổi với ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) về xu thế nuôi biển bền vững trước thách thức biến đổi khí hậu.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Ảnh: KS.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Ảnh: KS.

Trong thời gian qua, lĩnh vực nuôi biển ở nước ta đã đạt những kết quả gì thưa ông?

Phát triển nuôi biển là một trong những chủ trương, định hướng lớn của Việt Nam, xuất phát từ tiềm năng lớn, kết hợp với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia  theo Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22/10/2018.

Thời gian qua, lĩnh vực nuôi biển Việt Nam cả nuôi ao và nuôi lồng trên biển đã có sự phát triển mạnh. Cụ thể, hoạt động nuôi biển đã phát triển rộng khắp các tỉnh, thành phố ven biển với sự đa dạng về đối tượng từ cá biển đến giáp xác, nhuyễn thể… cũng như quy mô và phương thức nuôi (nuôi ao, nuôi lồng).

Nuôi biển của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ảnh: KS.

Nuôi biển của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ảnh: KS.

Từ đó, diện tích, thể tích, năng suất, sản lượng nuôi cũng như giá trị sản xuất tăng lên rõ rệt. Ví dụ, giai đoạn 2010 - 2020, thể tích lồng nuôi biển tăng xấp xỉ 18 lần, từ 217.600m3 năm 2010 lên 3.425.057m3 năm 2020 (36%/năm).

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong nuôi biển của chúng ta cũng đã được đẩy mạnh, từ sản xuất giống, chế tạo lồng đến công nghệ nuôi các đối tượng.

Hiện nay, hầu hết các đối tượng nuôi biển phổ biến đã sản xuất được giống nhân tạo, nhiều quy trình nuôi biển tiên tiến cho năng suất cao đã được hoàn thiện với nhiều mô hình nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Công nghệ làm lồng nuôi sử dụng vật liệu HDPE (lồng vuông/chữ nhật, lồng tròn) và vật liệu thay thế phao xốp cũng đã bước đầu được đưa vào ứng dụng trong nuôi biển tại nhiều vùng nuôi nhằm giảm áp lực ô nhiễm môi trường và thích ứng tốt hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Lồng nuôi HDPE chịu được bão, sóng gió mạnh nên người nuôi ít bị rủi ro do thiên tai. Ảnh: KS.

Lồng nuôi HDPE chịu được bão, sóng gió mạnh nên người nuôi ít bị rủi ro do thiên tai. Ảnh: KS.

Có thể nói, phát triển nuôi biển thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận như giải quyết việc làm, cải thiện đời sống các cộng đồng nông, ngư dân; góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế, xã hội các vùng nông thôn ven biển; đảm bảo an ninh vùng ven biển cũng như đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực nuôi biển Việt Nam hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế, đồng thời đối mặt với nhiều thách thức gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Không những thế, lĩnh vực nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, tập trung chủ yếu các vùng vịnh ven bờ. Một số vùng nuôi còn chồng lấn, xung đột với các ngành kinh tế khác (du lịch, cảng cá..). Cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ nuôi biển còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu.

Người nuôi biển cần được tuyên truyền để hiểu rõ lợi ích mang lại khi nuôi lồng HDPE. Ảnh: KS.

Người nuôi biển cần được tuyên truyền để hiểu rõ lợi ích mang lại khi nuôi lồng HDPE. Ảnh: KS.

Mặt khác việc tổ chức nuôi theo hình thức truyền thống hiện nay của chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăm sóc, quản lý đối tượng nuôi. Khi gặp thời tiết xấu, mưa bão sẽ rất dẽ bị hư hỏng hệ thống nuôi và thất thoát thuỷ sản nuôi.

Vì vậy, việc áp dụng vật liệu mới có tính an toàn, hiệu quả là xu hướng tất yếu cần thực hiện để phát triển bền vững, đặc biệt là nuôi biển xa bờ, vùng biển hở không thể áp dụng nuôi theo hình thức truyền thống.

Do đó, chúng ta cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về những lợi ích mang lại khi chuyển đổi hình thức nuôi truyền thống sang vật liệu nuôi mới như lồng HDPE để sản xuất hiệu quả và bền vững.

Vậy ông có thể nói rõ lợi ích mang lại khi chuyển hình thức nuôi lồng bè bằng gỗ sang lồng HDPE?

Chúng ta khẳng định rằng, khi người nuôi chuyển sang lồng HDPE độ bền của lồng cũng như sức chống chịu trước biến đổi khí hậu như bão, sóng, gió sẽ tốt hơn lồng bè bằng gỗ. Cùng với đó, người nuôi sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại thủy sản nuôi khi có bão đổ bộ vào.

Ngoài ra, khi các địa phương thay vật liệu gỗ sang vật liệu HDPE sẽ giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tốt hơn. Đặc biệt, khi chúng ta sử dụng lồng HDFE sẽ giúp đưa các thiết bị tiên tiến vào trong quá trình nuôi được hiệu quả nuôi cao và bền vững.

Nuôi biển theo công nghệ Na uy của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. Ảnh: KS.

Nuôi biển theo công nghệ Na uy của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. Ảnh: KS.

Có thể nói, hiện nay một số tỉnh đã áp dụng công nghệ nuôi lồng HDPE như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận... kết hợp với một số doanh nghiệp áp dụng hệ thống giàn, lồng, phao và một số thiết bị bằng HDPE nuôi ở quy mô doanh nghiệp. Do đó, đối với nông hộ nên cần phải áp dụng triển khai nuôi thủy sản bằng lồng HDPE trong thời gian tới.

Hiện nay một số doanh nghiệp đã sản xuất được hệ thống lồng, bè, phao nổi và một số thiết bị chuyên dụng bằng HDPE để phục vụ nuôi biển. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục khuyến khích có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất các vật liệu mới để phục vụ người nuôi đảm bảo hiệu quả.

Tuy nhiên, để việc nuôi biển bằng vật liệu mới HDPE triển khai đồng loạt và phù hợp, các địa phương cần định hướng và triển khai giải pháp gì thưa ông?

Trước tiên các địa phương cần căn cứ nội dung Đề án nuôi biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1664/QĐ-Chính phủ ngày 04/10/2021 và căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, chỉ đạo tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương kế hoạch triển khai Đề án và tổ chức thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Thu hoạch cá chim vây vàng trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: LK.

Thu hoạch cá chim vây vàng trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: LK.

Cùng với đó, hàng năm, các địa phương cần bố trí kinh phí từ ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp và theo đúng quy định để tổ chức thực hiện các nội dung của đề án tại địa phương. Đồng thời tổ chức rà soát, sắp xếp lại hoạt động nuôi biển ven bờ để phù hợp với nội dung của đề án.

Tuy nhiên, việc chuyển sang nuôi lồng HDPE sẽ phải đầu tư lớn hơn nên người dân chưa đủ tiền hoặc ngại đầu tư. Vì vậy các địa phương cần có những mô hình để người dân thấy rõ hiệu quả, kết hợp với hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp để người nuôi triển khai đồng loạt.

Tổng cục Thuỷ sản sẽ phối hợp với các địa phương triển khai và nhân rộng nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi các đối tượng chủ lực, chịu đựng được sóng gió, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý môi trường, dịch bệnh trong nuôi biển. Cũng như nghiên cứu, áp dụng các mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên liệu.

Kể từ năm 2003, việc nuôi biển bằng lồng HDPE công nghệ Na Uy đã được lắp đặt ở vùng biển Bắc Trung Bộ với số lượng 22 lồng. Cũng trong thời điểm đó, tại khu vực phía Nam, Nha Trang Pearls Ltd. cũng bắt đầu nuôi cá biển (chủ yếu là cá bớp) trong lồng HDPE. Tiếp theo, năm 2004 là Công ty TNHH Australis Việt Nam; Năm 2005 là Công ty TNHH An Hải; Năm 2006, Công ty TNHH Marine Farms ASA Việt Nam; Năm 2018 Công ty TNHH Trần Phú cũng đã áp dụng nuôi biển bằng lồng HDPE. Đặc biệt, năm 2019, Tập đoàn Mavin đã khởi công dự án nuôi cá biển tại Kiên Giang với tổng diện tích mặt biển 2.000ha. Do đó, trong thời gian tới, việc giới thiệu và đưa vào ứng dụng thành vật liệu nuôi mới lồng HDPE công nghệ Na uy sẽ mở ra khả năng phát triển nuôi biển ở các khu vực xa bờ.

Ông Trần Đình Luân

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.