| Hotline: 0983.970.780

Chuyện hay ‘nhặt’ trong mùa lũ

Thứ Năm 21/10/2021 , 10:00 (GMT+7)

Để sống chung với lũ, chống chọi với thiên tai, người dân Quảng Bình đã có nhiều sáng kiến, sáng chế hay đáo để…

Ông Nguyễn Mậu Sơn (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bảo tôi: “Con thuyền này chi phí không vượt quá 2 triệu đồng, nhưng chở được 8 người lớn và đặc biệt là không bao giờ chìm. Tôi cũng muốn phổ biến cách làm thuyền này cho bà con vùng lũ để có phương tiện tốt, rẻ mà sử dụng…”.

Lan tỏa “nhà phao”

Là vùng đất luôn luôn xảy ra mưa, bão lớn nên người dân miền Trung và Quảng Bình đã có những sáng tạo để ứng phó với thiên tai mà sinh tồn.

Hơn chục năm nay, vùng rốn lũ Tân Hóa (huyện miền núi Minh Hóa) đã không còn lo sợ khi mùa mưa lũ đến và đỉnh lũ ngập mái nhà đến vài mét nước. Bởi từ lâu, người dân vùng rốn lũ này đã tự làm hoặc được hỗ trợ hàng trăm nhà phao bè.

Đó là những ngôi nhà rộng từ 15 - 30m tùy theo từng hộ dân. Nhà được thiết kế chắc chắn nằm trên hệ thống phao (là những thùng phuy nhựa). Khi lũ dâng đến đâu thì nhà phao nổi lên đến đó. Tài sản, lương thực, vật nuôi được bà con đưa lên đó và an toàn trong những ngày mưa lũ.

Con thuyền ống nhựa được ông Sơn thiết kế với chi phí thấp. Ảnh: M.S.

Con thuyền ống nhựa được ông Sơn thiết kế với chi phí thấp. Ảnh: M.S.

Vùng lũ xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) nhiều gia đình đã áp dụng kiểu nhà phao để chế những bè nổi làm nơi chất đồ đạc, tài sản. Nước dâng, bè phao nổi. Vậy là yên tâm.

Nhà ông Lê Văn Thế (xã Tân Ninh) có mái tôn chắc chắn. Trước lũ, ông kêu người phụ giúp, dùng dây  “treo” hẳn mấy cái xe máy lên cao chạm mái tôn. Lũ năm ngoái, xe bị ngâm nước, tốn gần triệu bạc mới nổ máy được. Trong lũ năm nay, ông Tân xoa tay: “Giờ thì khỏi lo. Nước lũ vừa rút là hạ xe xuống để có phương tiện đi lại ngay và khỏi mất tiền bảo dưỡng”.

Trong đợt lũ vừa qua, con thuyền chở được 8 người lớn an toàn. Ảnh: M.S.

Trong đợt lũ vừa qua, con thuyền chở được 8 người lớn an toàn. Ảnh: M.S.

Thấy nhà ông cậu có nuôi mấy con heo nái. Cứ đến mùa mưa lũ là lo cuống cuồng sơ tán heo lên chỗ cao cho khỏi ngập. Anh Nguyễn Long (xã Hàm Ninh) hiến kế bảo cậu sửa lại cái chuồng heo, đào thấp xuống, dưới đó kê 4 cái thùng phi nhựa rồi gác đá, lát sàn. Bình thường heo ở yên, khi lũ dâng, phao cùng dâng lên heo ở yên trong chuồng. Anh Long hồ hởi: “Từ nay, lũ có ngập mái nhà thì mấy con nái của cậu vẫn cứ không bị ảnh hưởng gì. Lũ rút, chuồng từ từ hạ xuống trở lại bình thường thôi”.

Chúng tôi về xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) ghé thăm nhà ông Nguyễn Mậu Sơn để xem chiếc thuyền trị giá 2 triệu đồng lại rất hiệu quả của ông.

Người dân xã Tân Ninh chủ động trong '4 tại chỗ'. Ảnh: M.P.

Người dân xã Tân Ninh chủ động trong “4 tại chỗ”. Ảnh: M.P.

Ông Sơn bảo, thấy lũ năm ngoái khủng khiếp quá, nhà ai cũng kêu cứu vì không có phương tiện. Sau mấy đêm suy tính, ông Sơn nhớ chuyện phao bè nên đi mua hơn chục ống nhựa loại tốt có “phi” 90. Ống nhựa dài 4m, ông cắt nối thành 6m rồi ghép thành con thuyền. Phía sau đuôi thuyền được nối vắt ngược lên để khi cần là rắp máy đẩy vào cho thuận tiện. Những ống nhựa được kết nối bằng hệ thống kẹp thép chắc chắn. Hai bên có kẹp chặt hai ống nước lớn làm ống giảm lắc cho con thuyền khỏi tròng trành. Khi sử dụng, trong lòng thuyền có thể lát tôn, ván hoặc tấm bạt dày là được, nước không vào lòng thuyền. Ưu điểm của con thuyền ống nhựa này là rất khó chìm và nếu nước vào đầy thì nó vẫn lập lờ nổi chứ không chìm nghỉm như thuyền tôn (sắt).

Bà con vùng trũng thấp được đưa lên Nhà Cộng đồng tránh lũ. Ảnh: N.T.

Bà con vùng trũng thấp được đưa lên Nhà Cộng đồng tránh lũ. Ảnh: N.T.

Mấy hôm bão số 8 vừa rồi, ông Sơn hạ thủy con thuyền xuống để phục vụ bà con. Ông Sơn so sánh, nếu một thuyền tôn sức chở chỉ 2 - 3 người là 6 - 7 triệu đồng. “Trong khi đó, chi phí của thuyền ống nước chỉ hết 2 triệu đồng có sức chở đến 8 người lớn. Ngoài hệ số an toàn cao hơn hẳn thì thuyền ống nhựa đưa vào sử dụng làm đồng, thu hoạch lúa, vận chuyển hàng nặng cũng rất thuận tiện. Nếu ai cần thì tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật làm thuyền”, ông Sơn nói.

Quen dần “sống chung với lũ”

Sau cơn lũ lịch sử năm ngoái, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đầu tư xây dựng cho các vùng dân cư nhà Cộng đồng tránh bão lũ, nhà tránh lũ gia đình nên bà con đã có được nơi tránh trú an toàn. Khi lũ lớn đến, bà con không phải di dời xa.

Con thuyền là vật dụng thiết yếu của người dân vùng lũ Quảng Bình. Ảnh: N.T.

Con thuyền là vật dụng thiết yếu của người dân vùng lũ Quảng Bình. Ảnh: N.T.

Nhà bà Nguyễn Thị Lê (xã Tân Ninh) có 4 mẹ con và khá khó khăn. Năm ngoái, trong lũ lớn phải kêu cứu lực lượng trong đêm băng lũ để đưa 3 mẹ con lên trụ sở UBND xã. Năm nay, nhờ căn nhà tránh lũ nên cả nhà và mấy nhà hang xóm dọn đến. Bà bộc bạch: ‘Trong thôn có thêm nhà Cộng đồng và mấy nhà tránh lũ mới nên bà con đỡ khổ rồi. Mọi người không phải kêu cứu và không di chuyển xa vất vả”.

Nhiều gia đình được thuyền hỗ trợ hoặc dành dụm thu nhập để mua sắm thuyền sử dụng khi lũ đến. Những vùng thấp lũ, ở khu dân cư cũng đã có năm, bảy con thuyền. Anh Nguyễn Văn Thành (ở Hồng Thủy, Lệ Thủy) chèo thuyền đi vận chuyển đồ đạc cho mấy gia đình ở xóm trước. Anh hồ hởi: ‘Nếu mỗi xóm có hơn chục cái thuyền thì yên tâm lắm. Mọi gia đình có thể hỗ trợ nhau lúc khó khăn. Khi nước dâng thì chỉ cần một lúc là di chuyển được người, tài sản nhẹ đến nơi an toàn. Riêng thóc lúa, xe cộ thì đã được kê cao trước đó rồi”.

Người dân vùng lũ An Ninh vẫn duy trì chợ trong lũ. Ảnh: A.M.

Người dân vùng lũ An Ninh vẫn duy trì chợ trong lũ. Ảnh: A.M.

Vùng lũ An Ninh (huyện Quảng Ninh) cũng đã có cảnh sinh hoạt khác. Thay vì phải dọn hàng như trước thì bà con vẫn chủ động mua bán lương thực, thực phẩm, đồ sinh hoạt… như bình thường. Trong gian hàng đã được bày trên sạp gỗ, tre được kê lên vật liệu xốp nổi. Trên đó là rau, dưa, đồ gia vị, đồ khô…đủ thứ. Bà con ai cần thì cứ chèo thuyền đến là cảnh mua bán diễn ra.

Bà Phan Thị Hải, chủ sạp bán tạp hóa cười tươi: “Bữa nay bà con biết cách rồi. Bão thì mới thu xếp dọn chứ lũ cao đến mấy cũng mua bán được. Rau xanh, thịt cá, gạo mắm… được lấy từ chỗ không bị ngập về. Bà con có nhu cầu cứ bơi thuyền theo đường thôn đến là có đủ hết. Lũ lớn cũng không phải lo lắng nhiều như trước”.

Bà con đi thuyền đến chợ mua bán trong trận lũ. Ảnh: A.M.

Bà con đi thuyền đến chợ mua bán trong trận lũ. Ảnh: A.M.

Nhớ trận lũ năm ngoái, cả huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh… bị ngập sâu. Sau lũ vài ngàn xe ô tô du lịch phải kéo đi bảo dưỡng. Nhà ít thì vài chục triệu, nhà nhiều thì lên cả trăm triệu. Rất xót. Năm nay, ngoài việc chế sàn phao cho ô tô lên thì nhiều người mua tấm bạt lớn trãi rộng sau đó chạy ô tô lên giữa rồi cuốn  chặt cả bốn góc. Dùng dây cao su buộc túm chặt tấm bạt lên nóc ô tô. Khi ngập thì mước không thể làm ngập ô tô được. Sau khi lũ rút, tháo bỏ bạt là ô tô khô ráo.

Anh Lê Thế Vũ (xã Mai Thủy, Lệ Thủy) hào hứng: “Năm ngoái, tôi mất 40 triệu tiền sửa ô tô. Năm nay, tôi mua bạt về làm. Mấy hôm lũ ngập vừa rồi, do buộc chưa cẩn thận nên nước có vào nhưng chỉ ngập chưa đến nửa bánh ô tô thôi. An toàn và tiện lắm. Không phải lo ngay ngáy cảnh chạy mấy cây số lên vùng cao gửi nhờ xe nữa”.

Người dân trong lũ vẫn duy trì được nhịp sống đời thường. Ảnh: A.M.

Người dân trong lũ vẫn duy trì được nhịp sống đời thường. Ảnh: A.M.

Ở vùng trũng Lệ Thủy, bà con đã dùng phương pháp “đóng nắp giếng” để có nước sạch dùng khi lũ chưa rút. Nhà ông Đặng Văn Lý (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) có cái giếng sâu, nước ngọt máy. Khi lũ chưa dâng, ông Lý lấy tấm nilon phủ kín miệng giếng rồi dùng dây cao su buộc chặt lại. Khi lũ vừa rút thấp hơn miệng giếng nước là ông lội ra tháo tấm ni lông. Nước trong giếng vẫn trong mát, nhiều nhà trong thôn không có giếng cứ lội đến lấy về dùng thoải mái. Ông Lý bảo: "Trước đây không làm vậy, khi lũ rút phải khau giếng rồi vệ sinh bằng thuốc Cloruamin B mới dùng được. Nay thì khỏe rồi. Với cách này không còn nỗi lo thiếu nước sạch”.

Đàn trâu được đưa lên nhà cao để tránh lũ. Ảnh: N.T.

Đàn trâu được đưa lên nhà cao để tránh lũ. Ảnh: N.T.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho rằng, chỉ sau trận lũ lớn năm ngoái thì bà con rút ra được nhiều bài học và nhiều cách để chung sống với lũ đơn giản và hiệu quả. “Người dân đã chủ động hơn, bình tĩnh hơn trong cách ứng phó với mưa lũ. Cứ qua mỗi trận lũ, thì bà con miền Trung càng nhiều kinh nghiệm để sống chung với lũ lụt theo cách 4 tại chỗ”, ông Hoan nói thêm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm