| Hotline: 0983.970.780

Những đồng bạc biết bò ngang

Thứ Tư 23/03/2011 , 09:45 (GMT+7)

Tiếng là nuôi cáy nhưng thực chất những người nuôi cáy chẳng mất một xu, một cắc nào tiền mua thức ăn cho chúng bởi cái đó đã có sẵn trong nước sông Thái Bình, trong đất bùn vùng bãi này...

Tiếng là nuôi cáy nhưng thực chất những người nuôi cáy chẳng mất một xu, một cắc nào tiền mua thức ăn cho chúng bởi cái đó đã có sẵn trong nước sông Thái Bình, trong đất bùn vùng bãi này... 

>> Nghề nuôi động vật nhiều chân

“Rươi lên theo mùa lạnh, cáy ra theo mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm là vụ thu hoạch cáy. Hễ nước lên tới đâu, cáy lại bò lên bờ cao trú ẩn, đào hang tới đấy. Cáy là động vật vô cùng phàm ăn, từ côn trùng, ấu trùng, hoa quả thối, động vật chết đến bùn đất, cỏ cây cũng ngốn hết. Phàm ăn đến nỗi đang ở trên bờ ruộng, thấy con thiêu thân hay con bướm bay ngang mặt ruộng nó cũng lao mình xuống bắt cho kỳ được. Con chuột mắc kẹt trong lờ cũng bị đám cáy khua càng ăn chỉ còn trơ xương trắng”- chị vợ anh Du bảo tôi (vùng bãi An Thanh, huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương, xem NNVN ra ngày 22/3).

Mỗi con nước cáy lột và lớn lên một lần. Cáy đực có đặc tính thích rúc vào hang sâu, chia vùng lãnh thổ cát cứ nên hễ giáp mặt là chúng đánh nhau tơi bời, con to xơi tái con nhỏ. Cáy cũng là giống mạnh mẽ về đường sinh sản. Trời ấm cáy cái thường bu đen các bờ máng để đẻ, cáy con theo dòng nước trôi đi khắp ngả, gieo tiếp giống nòi. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm thu hoạch nên vợ chồng anh Du sáng sáng đều lăm lăm mỗi người một cái gậy đập đập, khua khua vào cỏ… lùa cáy trên mặt ruộng như lùa vịt. “Nhát như cáy”, hễ có tiếng động là chúng chạy thục mạng xuống hang, con nào không chạy kịp liền bị xua vào xăm, vào lưới trải sẵn trên mặt ruộng. Cách đánh bắt này hiệu quả không được bao nhiêu, người mệt mà cáy cũng yếu.

Vụ cáy năm thứ hai, anh Du lọ mọ mua rọ tôm về đánh cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Không nản, anh còn sang bên Tiên Lãng (Hải Phòng) cất lờ rạm về thả thử xem sao. Lúc đầu, lờ có đặt xuống nhưng nhấc lên vẫn trống tuếch, trống toác. Tình cờ, một lần anh thử phủ cỏ, bèo lên lờ làm chỗ trú nắng dụ cáy vào không ngờ thấy có hiệu quả rõ rệt. Lờ thu cáy có hai đầu, một đầu chốt, một đầu để cáy vào. Lỗ lờ thưa nên đánh chọn lọc, con to ở lại, con nhỏ chui ra được chứ không tận diệt như kiểu đánh lùa bằng gậy, xua cáy vào xăm thủa sơ khai.

Ngày ngày, đầu hôm anh chị đi khắp bãi thả trên 400 cái lờ rạm đến sáng hôm sau lại đi thu. Trung bình mỗi ngày họ thu khoảng 10kg cáy, theo thời giá bán 45- 50.000đ/kg, đút gọn túi nửa triệu bạc dễ như trở bàn tay. Cáy An Thanh có đặc điểm ngoại hình khác biệt với cáy nơi khác như mình nhỏ hơn, ít lông, gọng màu nâu vàng chứ không đỏ, thịt nạc nên bao giờ ra chợ cũng bán đắt hơn, hết nhanh hơn. Theo kinh nghiệm của anh Du, bờ bao khu vực quây cáy phải dọn cỏ thường xuyên nếu không chúng sẽ ít chịu rúc đầu vào rọ. Vịt gà là giống xơi cáy mạnh nên không bao giờ được bén mảng ra khu quây. Để bảo vệ khu vực bãi, vợ chồng anh còn nuôi ngót chục con mèo lẫn chó săn chuột - loại động vật cũng rất thích ăn thịt cáy.

Chính nhờ nghề nuôi rươi, nuôi cáy mà một vùng sinh thái rộng tới trên trăm mẫu ở An Thanh lần lần tượng hình. Trong vùng này người ta không dùng thuốc sâu, phân hóa học, chỉ cấy lúa một vụ mà chủ yếu cấy lúa hom trụi - một giống cổ truyền có sức phát triển rất mạnh. Cáy với rươi cùng một vùng bờ bãi nên đến mùa rươi, các ông chủ sẽ phải thuê người, bắt hết cáy để tránh tình trạng cáy ăn rươi, qua vụ mới cho phát triển đàn lại.

Tiên phong trong nghề nuôi cáy ở An Thanh công đầu phải kể đến ông Phạm Đình Phát ở thôn An Định chục năm về trước. Hiện An Định cũng là thôn có gần chục hộ nuôi cáy theo bước của ông. Tôi đến nhà ông Phát. Khu vườn rợp mát bóng vải, thấp thoáng bóng mấy người lăm lăm chiếc que tre, trên đó buộc một miếng ruột ốc. Họ cứ dử dử, dứ dứ mồi vào các hang nho nhỏ, chạy chi chít khắp các ụ đất, gốc cây. Dây câu động đậy, đám người thoăn thoắt tay kéo cần lên rồi tóm cáy bỏ tọt vào cái giỏ kề bên hông. Nắng, những tia sáng rọi xiên qua tàng cây chiếu hắt xuống đất càng kích thích lũ cáy kéo đàn đàn lũ lũ, bu đen đỏ dưới đám ụ đất dưới vườn sưởi ấm. Đám người giờ càng bận rộn. Họ liên tục tay thả mồi, tay nhấc cần bắt cáy.

Tuy thế, câu cũng phải chọn lọc. Những con cáy to mới bắt còn con nhỏ phải thả xuống để làm nhiệm vụ bảo tồn nòi giống. Chẳng mấy chốc chiếc quai đeo giỏ bên hông họ bị kéo xuống vì nặng. Lúc này, những đôi tay mới ngừng buông câu. Họ lục tục kéo vào sân để cân cáy trước mặt ông Phát. Luật của khu vườn là cứ một cân cáy, người câu thuê được trả công bằng bốn lạng còn ông chủ giữ lại sáu lạng. Nhẹ nhàng, một ngày bình thường nhất mỗi nhân công cũng câu được 3-4 kg cáy, cá biệt có ngày tới 5-7 kg, trung bình được chia 1,5-2 kg cáy. Với hàng chục lao động câu thuê như vậy, tính ra mỗi ngày ông Phát có thể thu được 30-50 kg cáy.

Nhẩn nha hồi lâu, tôi tò mò hỏi ông lý do vì sao lại nghĩ ra nghề độc đáo này. Ông thực thà bảo hồi đấu thầu 4 mẫu khu bãi hoang này, ông cũng giống như nhiều người khác chỉ để nuôi cá nước ngọt. Đó là những quãng thời gian vất vả nhất, phần vì dịch bệnh, phần bởi thức ăn nên năng suất thủy sản không cao, không lỗ đã là một điều may mắn. Chính vì yếu tố bấp bênh như vậy cách đây chừng ngót chục năm, ông Phát tuyên bố bỏ nuôi cá. Bàn dân thiên hạ được dịp mắt tròn, mắt dẹt chứng kiến cảnh ông cho người đào mương, đào lạch dẫn nước từ sông Thái Bình vào khắp ngõ ngách trong vườn rồi lại thuê người đắp hàng trăm ụ đất, mỗi cái to bằng cái nong, cái nia cứ như chiến hào thời chống Mỹ. Hỏi, ông thủng thỉnh bảo đào hào, khơi rãnh, đắp ụ để dụ cáy đến sinh sôi, nảy nở rồi bắt bán. Dân làng nhiều người nghe vậy, cười ngất, rì rầm sau lưng ông rằng: “Chắc lão này làm ăn thua lỗ nên nghĩ quẩn chứ cua cáy là loại mạt hạng nhất, toàn sinh sống ngoài tự nhiên chứ ai nuôi nổi”.

 Bỏ ngoài tai những lời lẽ khó nghe ấy, ông Phát vẫn lặng lẽ kiến thiết khu “thiên la, địa võng” để mời gọi những con cáy tự nhiên vào sinh sống. Thấm thoắt thoi đưa, thời gian là vị giám khảo chứng minh cái nghề nuôi “con mạt hạng” của ông Phát là đúng hướng. Đàn cáy trong khu vườn cứ tằng tằng sinh sản, con đàn cháu đống cho ông một thu nhập cực kỳ ổn định. Thành công đến trong nhẹ nhàng, nhàn hạ.

Tiếng là nuôi cáy nhưng thực chất ông Phát chẳng mất một xu, một cắc nào tiền mua thức ăn cho chúng bởi cái đó đã có sẵn trong nước sông Thái Bình, trong đất bùn vùng bãi này. Hàng ngày, ông cứ khơi rãnh để các con nước theo nhau vào rồi lại ra thấm nhuần khắp vườn. Cũng từ những quan sát miệt mài của mình, ông Phát thấy cáy tuy kiếm ăn, sinh sống gần nước nhưng ngâm nước lâu là chúng không chịu được, nhất thiết phải có chỗ đào hang, ẩn nấp, nghỉ dưỡng. Vì thế ngoài việc khơi rãnh khắp vườn ông đắp những ụ đất rồi trồng cây trên đó lấy bóng mát cho cáy trú nắng. Những “chung cư” cho cáy ở này hàng năm còn cống hiến cho chủ nhân phần thu nhập không nhỏ nhờ mỗi mùa hái quả. (Hết)

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.