| Hotline: 0983.970.780

Nghề nuôi động vật nhiều chân

Thứ Ba 22/03/2011 , 09:06 (GMT+7)

Những con vật chẳng ai nghĩ sẽ nuôi nổi mà từ thượng cổ chỉ chuyên khai thác tự nhiên thì giờ đây đã có nhiều ông chủ ở vùng bãi An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) quây nuôi thành công bằng độc chiêu vô cùng nhàn nhã…

Những con vật chẳng ai nghĩ sẽ nuôi nổi mà từ thượng cổ chỉ chuyên khai thác tự nhiên thì giờ đây đã có nhiều ông chủ ở vùng bãi An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) quây nuôi thành công bằng độc chiêu vô cùng nhàn nhã…

Mùa tiền nổi

Cửa cống dẫn nước rươi vào khu bãi của vợ chồng anh Thắng

“Nước rươi hôm đó vào hai mươi tháng mười âm lịch, rươi nổi lúc ban ngày. Nếu là nước rươi đêm, khi có nhiều, người ta nghe thấy tiếng xèo xèo vì rươi đồng loạt lách mình lên khỏi mặt bùn để thở.

Đằng này là nước rươi ngày, màu nước chỉ hơi đùng đục, mặt ruộng có nhiều váng rớt bắt dính ở ngọn cỏ. Không khí dậy mùi tanh tao. Vợ chồng tôi đều đoán là có nhiều rươi nên chốt cống đợi mấy ngày cho chúng chín thật rộ mới dồn lấy sẽ không bị hao. Nước tháo thật từ từ. Luồng rươi trôi chầm chậm vào xăm. Sơ ý để chảy xiết, rớt rươi sẽ bịt lỗ xăm gây bục hoặc vỡ bung thân rươi không bán được ngay. Từ sáng đến tận chiều, vợ chồng tôi ngồi trên thuyền liên tục quơ tay để tháo xăm, múc rươi rồi cho vào từng khay xốp.

Chẳng ai ngờ được lượng nhiều đến thế nên thiếu cả cái đựng, chúng tôi phải lấy một tấm lưới buông rươi ngay dưới nước. Cân rươi cho lái xong, rã rời từng đốt xương, mỏi nhừ từng thớ thịt. Cả ngày hôm đó chúng tôi nhịn đói phần vì mệt, phần vì nhận trên 100 triệu đồng từ bán 4,5 tạ rươi, mừng đến chật cả bụng rồi ăn sao nổi nữa hả chú?”- chị Phạm Thị Vụ, vợ anh Phạm Văn Thắng kể với chúng tôi về cái ngày trời xui đất khiến cho cả trăm triệu đồng “nổi” lên cho anh chị vớt một cách hồn nhiên như vậy.

Cặp vợ chồng này thầu 5,2 mẫu đất bãi sông Luộc (nhánh sông Thái Bình) đã bảy năm nay nhưng vụ rươi 2010 trúng  nhất. Rươi vốn chẳng xa lạ gì với vùng đất bãi An Thanh này. Xưa kia khi còn là bãi sậy, bãi cói hoang vu, An Thanh là vựa rươi nổi tiếng xứ Đông. Vào mùa rươi, dân sở tại đoàn đoàn, lũ lũ đổ ra bãi đóng xăm. Xăm là loại lưới mắt nhỏ, cuối lưới có túi vải dầy chứa rươi. Xăm được cố định bởi ba cọc tre, đóng án ngữ theo dòng chảy các ngòi lạch đón lõng đàn rươi trôi tự do theo con nước. Mỗi tháng cứ cách một con nước có một con nước rươi. Từ tháng một đến tháng chín âm lịch, rươi nổi vào đêm, còn thì nổi vào ngày.

Mùa rươi rộ rơi vào “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”. Rươi nhiều như trấu rắc. Rươi kéo đàn đàn, lũ lũ, bám víu thành búi, thành cuộn lúc nhúc, đồng loạt nổi lên, dập dềnh theo con nước. Khi ấy, rươi đổ đầy từng lòng thuyền nan có ngọn chứ không còn tính thúng, tính mủng. Chả thế thời loạn lạc, đạo tặc nhiều người ta hay ví “trộm cắp nổi lên như rươi” để chỉ những ngày này. Xưa rươi vớt được nhiều không có cách bảo quản nào mà phải bán hết trong ngày, ế chỉ có nước đem làm mắm hoặc đổ đi. Phổ biến trong dân gian hồi đó là một nồi đất chứa vài cân rươi cộng ít vỏ quýt hôi bằm nhỏ đem vần lửa rơm cho thật nhừ nhuyễn đến bữa cứ lấy dao sắt ra từng miếng, từng khúc mà ăn. Vị thơm, bùi, béo, ngậy cứ tứa ra từ chân răng đến cuống họng.

Thời miền Bắc rộ lên phong trào HTX vài chục năm trước, bãi An Thanh được đấu thầu cho xã viên trồng lúa 2 vụ và đắp bờ để lấy rươi nhưng hiệu quả chẳng là bao. Cách đây chừng hơn chục năm, do lũ lụt thường xuyên, nước ngâm bờ bãi hàng tháng, phù sa bịt hết hang lỗ khiến rươi khó thở. Thêm vào đó, nạn phun thuốc BVTV, rải phân hóa học càng khiến con rươi An Thanh đứng trên bờ tuyệt diệt. May mắn là từ hồi anh Phạm Văn Thắng, anh Phạm Văn Giới cùng mấy hộ dân trong làng ra thầu bãi, chỉ cấy lúa một vụ, không dùng thuốc sâu, không bón phân hóa học, con rươi dần dần hồi phục.

 Được đà, bãi giáp ranh Anh Thanh là bãi nông trường thuộc Hải Phòng có thêm mấy người làng như anh Hời, anh Thắng, anh Du thầu…nâng tổng diện tích vùng rươi lên cỡ 150 mẫu. Mùa rươi, họ cùng khoanh vùng, hoành triệt, đóng cống, thống nhất lịch khai thác từng hộ một để bán được với giá cao hơn. Cách bảo quản rươi giờ đã vượt người xưa nhiều. Khi vào vụ, lúc lắm rươi, người ta buông rươi (bảo quản rươi) bằng cách rửa sạch nhớt, nhặt hết đất, tạp chất rồi đổ rươi vào khay xốp chuyên dụng, chèn đá lạnh vào giữa, thay đá thường xuyên. Cách này có thể để được hàng tuần mới phải buông lại.

Rươi các nơi không đâu ngon bằng rươi An Thanh bởi đó là rươi nước ngọt chứ không phải nước lợ. Màu rươi đỏ, thân to như đầu đũa chứ không nhỏ màu xanh, vỏ dầy, chân to, ít bột (chất dịch trong thân rươi), kém thơm như rươi nước lợ. Giá bán loại rươi đặc biệt này bao giờ cũng cao hơn hẳn, đầu vụ đổ buôn cũng khoảng 400.000đ/kg, chính vụ đại trà vẫn còn phải cỡ 250.000đ/kg hất ngược. Năm ngoái, vợ chồng Thắng - Vụ thu 3 tạ rươi trong hai con nước chính còn mỗi con nước hàng tháng đều vớt rải rác được khoảng dăm ba cân. 

“Tôm cá to đều, rươi to theo con nước. Khi còn ở trong đất rươi chỉ bằng cái chân nhang, dài loằng ngoằng nhưng chỉ vài ngày chính con nước, nó lớn rất nhanh còn gọi là rươi chín, đứt đuôi rồi ngoi lên. Nước rươi đêm, hễ sẩm tối, sao mọc, rươi ra rộ chỉ trong vòng khoảng nửa tiếng rồi biến mất. Nước rươi ngày, rươi nổi từ sáng đến chiều khi nước cạn. Rươi hễ chín là đi sạch, không một vũng nước tù đọng nào rươi chịu ở mà hễ còn một tí dòng chảy le te chúng cũng thoát ra sông cho bằng được. Vì thế không bao giờ người ta thấy một xác rươi khô trên mặt bãi”. Chị Vụ vừa nói như một nhà rươi học vừa chỉ cho tôi những lỗ rươi nhỏ li ti tựa que tăm, cắm chi chít trên bãi như một hình xăm sinh động đến lạ kỳ. Trong bãi nhà chị Vụ cũng có rất nhiều lỗ cáy nhưng bao giờ chúng cũng to hơn rất nhiều, mật độ cũng thưa hơn lỗ rươi.

Chả rươi bây giờ đã ngự ở các hàng đặc sản chỉ người có của mới dám ăn. Mắm rươi giờ thành loại mắm thượng hảo hạng mỗi lít bán tại gốc đã trên 400.000đ bởi chúng được chế biến rất cầu kỳ theo công thức mỗi cân rươi pha với 1,7 lạng muối, ngoáy đều trong vòng một tuần, bịt kín khoảng 2 tháng mới ăn được.

Ở vùng An Thanh ai cũng lắc lỏm khen mấy anh em Vũ Xuân Hời, Vũ Thị Duyên và Vũ Huy Du to gan, lớn mật khi ba năm trước rủ nhau bỏ làng, rời xóm cùng ra đấu thầu vài chục mẫu bãi hoang vì nhắm đến mục tiêu thu rươi, thu cáy. Hai năm đầu, họ chẳng thu được mấy vì đất trũng nên phải khơi ngòi, đào lạch để phơi ráo mặt ruộng bởi rươi không chịu được nước ngập thường xuyên mà đất khô quá cũng không sống nổi. Hàng cây số bờ bao được đắp. Một hệ thống cống cũng được kiến thiết để cho nước mát từ sông chảy vào, chảy ra, thấm nhuần phù sa châu thổ khắp bờ bãi. Những người chủ còn kỳ công đến mức khi gặt lúa xong cày tung đất rồi cặm cụi mua phân gà về rắc để tạo thêm độ tơi xốp. Lúa họ cấy chỉ để cho vui, lấy vài tấn thóc ăn. Hàng ngàn cây chuối trồng cũng chỉ để lấy tiền tiêu vặt bởi đích ngắm là các con vật tự nhiên lắm chân, nhiều cẳng đang được thị hiếu người tiêu dùng đẩy lên hàng đặc sản như rươi, như cáy.

Năm thứ hai, sau bao cải tạo bờ bãi, sau lắm nỗi khấp khởi chờ mong, cuối cùng cũng chỉ thu được vài chục cân rươi, dăm bảy chục cân cáy khiến vợ chồng Du như dẫm chân phải ổ kiến lửa. Xung quanh một số chủ thầu đều thu được kha khá nhiều khiến cho nỗi lo ấy càng tăng lên gấp bội. Đầu tư trên 300 triệu cho vùng bãi lại toàn là tiền vay mà chỉ được vài đồng bạc lẻ, không lo sao được? Nỗi lo ấy chỉ được giải tỏa khi vụ rươi năm thứ ba, anh chị trúng đậm tới 6 tạ rươi, đạt kỷ lục ở vùng bãi An Thanh trong đó có một ngày thu được 4,5 tạ…

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.