Thưa cô!
Chuyện khi xảy ra thì kinh hoàng nhưng dần, chính cháu cũng nhận ra những góc độ của nó như hình đa giác vậy cô.
Ông ấy là cán bộ về hưu, trẻ hơn tuổi và vui vẻ với tất cả mọi người. Được chính quyền chỉ định làm Tổ trưởng dân phố nhiều năm nay. Khi cháu dọn về ở thuê căn hộ trong khu dân cư đây, cháu có gặp ông mấy lần để làm quen, để ông ấy giúp cho số điện thoại của người CA khu vực, từ đó cháu và các bạn mới đi đăng ký tạm trú theo quy định. Hoàn toàn không biết ông như thế nào, chỉ biết ông sống ở chỗ đó trong khu chung cư.
Đùng một cái nghe nói ông tự tử. Treo cổ trong chính ngôi nhà ông ở. Eo ơi, sợ thật cô ạ. Vì đâu nên nỗi. Hóa ra ông không có nhà, chỗ ông treo cổ là một bà cụ già thương thân ông cho ông sống với bà hàng chục năm nay.
Ông bị vợ bỏ, con cái không lui tới, chỉ vì ông có máu đề đóm, tán gia bại sản, nhà chung của hai vợ chồng bán gá nợ rồi. Vấn đề là cô ạ, người như thế mà là cán bộ, là Tổ trưởng dân phố do chính quyền phường tin cậy chỉ định.
Lại nữa, sao có người vô lương tâm thế, cán bộ nữa, tự tử chết trong ngôi nhà người ta cưu mang mình. Cả khu dân cư sốc quá cô ơi, mỗi người một suy nghĩ, một lý lẽ bênh vực và chê bai. Đời người chẳng ra làm sao cô nhỉ?
Địa phương đứng ra làm tang, vợ cũ có đến, hai đứa con trai và gái có đội khăn tang, thôi thế cũng an ủi vong linh ông ấy phần nào. Nhưng ai cũng băn khoăn cho bà cụ nhà là mẹ nuôi ấy. Bà tiếp tục sống một mình, một nhân vật bỗng dưng đặc sắc của khu phố. Bà đáng thương hay đáng trọng, thưa cô?
Mới đây cháu nhìn thấy bà, cũng gần một năm sau cái chết của ông Tổ trưởng dân phố. Bà đã 85 mà vẫn rất khỏe mạnh, sinh động, hoạt động, ăn khỏe, mặc đẹp. Bà là người đáng kính trọng. Trong họa có phúc, đúng không cô?
---------------------
Cháu thân mến!
Câu chuyện khiến cô cũng thảng thốt lây. Một cán bộ, một ông Tổ trưởng mà đề đóm đến thân bại danh liệt vậy sao? Từng bị vợ bỏ, tan cửa nát nhà mà địa phương vẫn dùng sao? Dân người ta trông vào kia mà?
Hết người hay thuần túy để ông ấy có một cái chức mọn và có chút ít tiền hàng tháng góp cơm với bà cụ ấy? Hoặc là ông ấy xởi lởi, thuộc dân, khó ai thay được? Mà vì sao đến khi này mới tự tử, đã lâm trận mới, hay buồn bả cô độc không vợ không con bên cạnh nên nghĩ quẩn?
Cô cho rằng bước đường cùng ấy rất điều tiếng. Có nghĩ kỹ chưa, ở ngay trong ngôi nhà bà cụ đã cưu mang mình? Cô thử đặt vị trí cô, ừ thì coi như con, con nuôi hay con ruột cũng như con, nó chết như vậy, chắc mình đau lòng và tự trách cứ mình lắm. Có lẽ bà có lập bàn thờ cho cậu con ấy. Đành thôi.
Như bao nhiêu đứa con tự tìm đến cái chết. Chết kiểu gì cũng là chết, đau hoặc hãi hùng, rồi thì sẽ nguôi và quen với cảm giác mất mát ấy.Suy cho cùng, bà cụ có đức lớn. Bà đã cưu mang một người đề đóm sa cơ như vậy, bà rất đại lượng đai nghĩa.
Và chắc chắn bà không quan niệm ghê sợ hay đánh giá cậu ấy một cách bình thường. Bởi bà có tư thế một bà mẹ mất con, bà đau lòng rồi đứng dậy được. Và vui sống tiếp vì nghĩ đứa con ấy nhất định sẽ phù hộ cho bà.
Chuyện của dân cư, của xã hội đang tác động vào chúng ta mỗi ngày, ghê gớm. Ở các nước văn minh như Thụy Sĩ, như Nhật Bản mà tỷ lệ tự tử cao gần như nhất thế giới đó cháu.
Biết để tự chủng cho mình, sống khôn ngoan, biết người biết ta, không cạm bẫy không học đòi, sống thanh cao và kiên gan làm người trong sạch, tử tế để cha mẹ vui lòng, để cộng đồng yên ổn, để xã hội lấy lại sự lành mạnh vốn dĩ.