| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ông Đô giữ rừng lim quý

Thứ Hai 15/08/2022 , 13:28 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Mấy chục năm qua, dưới chân núi Trường Sơn có một người đã chăm bẵm, bảo vệ một rừng lim quý hiếm cho đời sau...

Từ ngôi nhà gỗ rộng thoáng mát của ông Trương Xuân Đô (73 tuổi, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đi ngược lên con dốc chừng vài trăm mét là chạm đến cửa rừng lim. “Khu này rộng khoảng 20ha thôi. Nhưng cây rừng trong đó chủ yếu là lim bản địa. Có những cây lên từ gốc mẹ cũng đã được bốn chục năm rồi. Có đi 3 ngày cùng khó đếm hết số lượng cây lim trong rừng này”, ông Đô bộc bạch.

Ông Đô bên hai cây lim cổ thụ trong rừng. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Đô bên hai cây lim cổ thụ trong rừng. Ảnh: Tâm Phùng.

Rừng cây gỗ lim quý còn sót lại

Nhà ông Đô cũng dễ tìm, chỉ cách con đường liên thôn được đổ bê tông chừng hơn chục phút đi bộ. Nói đến rừng, cũng tưởng là còn đi thêm vài con dốc và thở bằng tai mới đến được. Nhưng chẳng phải vậy, băng qua nhà ông, đi chừng chục phút là đến.

Khi chân trái còn ở ngoài trảng cỏ thì chân phải đã bước vào cửa rừng. Ngay cửa rừng, hai cây cọ lớn vẫy lá xanh mướt như đón chào. Con đường được phát quang toàn bộ tựa con trăn lớn len dưới tán rừng cao thấp. Ông Đô rắn chắc, tay cầm rựa đi trước dẫn đường ngoái lại bảo: “Vùng Cồn Lim thì cứ thoải mái đi. Không có sên vắt đâu”. Nếu tính từ nhà ông Đô, đi vào rừng người chưa kịp nóng thì mắt đã chạm vào hai cây lim lớn chen sát nhau, vươn ra tán rợp một khoảng rừng.

Theo ông Đô, hồi còn chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, cây lim này có gốc lớn chừng hai người ôm. Chính quyền cho dân quân đốn hạ xuống, cưa xẻ ra lấy gỗ làm hầm tránh bom cho bà con. “Sau này, từ gốc cây mẹ đó, cây lim nảy chồi và tui bảo vệ cho nó lớn đến tận bây giờ", ông Đô giới thiệu.

Điều lạ là vùng rừng này như là cái nôi của cây lim. Lim ở đây nổi tiếng từ ngày xưa nên người ta đổ đến khai thác đến tận kiệt. Rồi phần lớn diện tích bị bà con đốt làm rẫy lấy cái ăn nên rừng lim cũng mất dần. Anh Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho hay: “Rừng lim của bác Đô thuộc vào dạng hiếm bây giờ. Ngoài việc rừng nằm sát khu dân cư thì mật độ cây lim vừa dày, nhiều cây lớn. Giữ được rừng lim này cho thế hệ sau thì công lao của gia đình bác Đô thật lớn”.

Nhiều cây lim lớn mọc cạnh nhau đã có tuổi đời 30 - 40 năm. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều cây lim lớn mọc cạnh nhau đã có tuổi đời 30 - 40 năm. Ảnh: Thanh Nga.

Trước đây, vùng rừng Đá Giăng có nhiều lim lắm. Cứ cần việc là người ta lên vùng rừng này đốn gỗ lim về làm nhà, làm bàn ghế, giường tủ… Khai thác đến khi cạn kiệt. Ông Đô nhìn rừng lim bị mất dần thì xót  ruột. Nếu cứ như vầy thì vùng rừng này cũng chỉ còn cây leo bụi rậm thôi. Nghĩ vậy, ông Đô lên xin chính quyền bảo vệ vùng rừng sau nhà mình.

Nói là xin bảo vệ cho phải phép thôi chứ lúc đó thì chẳng có lương lậu hay hỗ trợ gì cả. Hàng ngày, ông cùng các con vác rựa lên vùng rừng chặt cây dại rào kín những lối mòn lên rừng. “Thì cũng chỉ nghĩ là ngăn không cho trâu, bò lên đạp cây cũng như ngầm báo cho mọi người là rừng có chủ thôi chứ cũng không còn cây gỗ gì có giá trị”, ông Đô kể lại.

Vừa chặn các lối mòn lên rừng, ông Đô đi tìm lại các gốc cây lim còn tươi để bảo vệ. Ông chặt cây gai, cây dại rào chắn gốc lim để mong nó lên chồi non. Riêng những gốc đã lên chồi bằng gang tay thì được ông chăm bẵm cẩn thận hơn để chồi không bị gãy, hỏng. Cứ cần mẫn như thế. Không tính được tháng năm nào cây mới thành rừng, nhưng ông tin là rừng lim sẽ được phục hồi.

Hơn chục năm sau, rừng lim bật dậy như để bù lại công sức mà ông Đô và các con đổ ra. Những cây lim mọc từ gốc cây mẹ cứ vươn lên mạnh mẽ trong cái nắng, cái gió giao mùa. Khi những cây lim lớn bằng bắp chân người lớn thì việc giữ rừng lại khó khăn hơn. Nhiều người cứ lẻn vào rừng để chặt trộm về làm giàn ở sân cho bầu bí leo hay mang về làm chuồng trâu, bò cho chắc chắn. Ông Đô và các con lại chia nhau đi tuần rừng để giữ cây.

Những người dân trong vùng khi đi qua khoảng rừng sau nhà đều được ông Đô với theo: “Chặt chi thì chặt chứ đừng đụng vô mấy cây lim đó nghe”. Có người nghe, có người không chịu vặc liền: “Rừng của nhà ông hay răng mà cấm”. Ông Đô thủng thỉnh: “Thì rừng nhà tui thì tui mới dặn chớ”. Người ta ngoái nhìn bảy cậu con trai của ông Đô sàn sàn nhau, tay cầm dây thừng, tay cầm rựa thì cũng chột dạ mà lẳng lặng thôi cự cãi thêm nữa. Cũng nhiều bà con hiểu chuyện nên góp công vô việc bảo vệ rừng. Khi có người lạ vô rừng là bà con tìm cách báo cho ông Đô biết để ngăn chặn họ làm chuyện xấu..

Một góc rừng của ông Đô. Ảnh: Thanh Nga.

Một góc rừng của ông Đô. Ảnh: Thanh Nga.

Khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho dân và kiểm đếm lại, vùng rừng ông Đô có trên 40ha. Chẳng cần suy tính, ông vui vẻ nhường lại cho bà con nhận, chỉ giữ lại cho mình khoảng phần nửa diện tích ấy.

Rừng gỗ quý cho thế hệ mai sau

Bây giờ, vào rừng của ông cứ có cảm tưởng lạc vào cánh rừng nguyên sinh bởi những cây gỗ lớn. Mấy năm trước, có người bên Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa) hay tin định sang khai thác trộm. Nhưng khi biết chuyện gia đình ông Đô đã mấy chục năm giữ gìn thì lẳng lặng mang cưa quay lui. “Trên rừng tui, vẫn có nhiều người đến khai thác mây. Tui nói đó cũng là của rừng, bà con cần thì lấy. Ăn mây, chặt củi khô thì thoải mái. Nhưng chỉ xin đừng chặt cây rừng là được”, ông Đô bộc bạch.

Con đường rừng ngoặt lên một con dốc nhỏ. Khoảng sáng như bị che lại. Bên trái, một dãy bốn cây lim lớn đứng ngang tàng, tán cây xòa ra che rợp. Đi thêm một quãng ngắn, gặp bên đường là một gốc lim khá lớn bật lên bốn cây chồi lớn. Ông Đô nói: “Gốc cây này tui khai thác để lấy gỗ làm nhà. Giờ chồi nó lên khỏe rứa đó”.

Như để giới thiệu thêm về vùng lim, ông Đô hào hứng kể: “Cả vùng rừng Đá Giang ni nhiều lim thì ai cùng hay rồi. Nhưng trước đó, có cây lim cổ thụ khi còn nhỏ theo bố lên rừng tui đã từng thấy. Gốc cây lim này lớn hơn cái nong phơi lúa (đường kính hơn 2m). Cây này sau đó bị đổ do quá già chứ không có ai đụng tới. Hạt của cây lim này qua hàng năm cứ tạo nên nhiều lứa cây con mà quần tụ nên vùng lim sau này đó chớ”.

Những cây lim non đang được bảo vệ trong rừng. Ảnh: Tâm Phùng.

Những cây lim non đang được bảo vệ trong rừng. Ảnh: Tâm Phùng.

Ở gần giữa khu rừng, có hai cây lim lớn, tán rộng rợp mát một vùng đất rộng. Ông Đô đến bên gốc cây rồi bảo: Hồi trước, cây lim này đã cưa hạ xuống để lấy gỗ làm hầm. Sau đó, gốc mọc lên hai chồi. “Mấy chục năm rồi, nó trở thành cổ thụ đó. Tính sơ sơ, hai cây lim này cũng cho trên 5 mét khối gỗ quý đấy”, ông Đô giới thiệu.

Theo lối mòn đi trong rừng, chúng tôi qua nhiều cây lim lớn nhỏ vươn lên như chen vai. Có khi cả đến mấy cây cùng đứng một hàng thẳng như có bàn tay lớn nào xếp đặt. Những hàng cây như thế là do khi cây còn nhỏ, ông Đô đào trồng lại cho thẳng hàng như quy hoạch cây trong vườn nhà. Hỏi chuyện, ông Đô cho hay rừng lim có trên trăm cây lớn đã có thể cho gỗ rồi. Nhóm cây ở tuổi 30 trở lên cũng hàng trăm cây. “Riêng nhóm cây có tuổi dưới 20 năm thì nhiều khó đếm hết lắm. Đi đến đâu cũng gặp thôi mà”, ông Đô nói thêm.

Đang đi, chợt ông dừng lại chỉ cho chúng tôi một cây rừng cao bằng cây rựa cầm trong tay. Ông xách rựa đến bên và phạt hết những cây dại quanh gốc. “Đây là cây lim non. Cây lim non này lên từ hạt mới được 1 năm tuổi đó. Hạt cây lim có khi cả chục năm trời mới nảy mầm”, ông Đô cho hay.

Chen với cây lim còn có những cây gỗ lớn như ngát, bài lài, rạ… Ông Đô bảo sắp tới sẽ mua thêm các giống như huỵch, dổi, huê, trầm… rồi trồng xen vào theo từng vùng rừng. “Có như vậy thì rừng mới được nhiều cây gỗ quý”, ông Đô hồ hởi.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.