| Hotline: 0983.970.780

'Báu vật' rừng lim xanh trăm tuổi đầu nguồn biên giới Việt – Lào

Thứ Ba 17/03/2020 , 09:44 (GMT+7)

Ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, không ít hộ dân bảo vệ được hàng trăm cây lim xanh trăm tuổi - những cây lim nhiều hơn tuổi đời của chính họ.

Rừng lim xanh trăm tuổi được người dân thôn Khe Năm bảo vệ như

Rừng lim xanh trăm tuổi được người dân thôn Khe Năm bảo vệ như "báu vật". Ảnh: Thanh Nga.

Một đời người, một rừng cây

Sáng tháng Ba bầu trời âm u, mưa rả rích nhưng vì trót hẹn với các hộ gia đình nên chúng tôi vẫn phải ngược ngàn đến xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Trước khi lên rừng, kiểm lâm viên địa bàn Đoàn Doanh Tuyên (Hạt Kiểm lâm Hương Sơn) cảnh báo: “Các phóng viên chuẩn bị tinh thần, thời tiết này đi rừng sên (vắt) bốc cả nắm đấy nhé”.

Dù có phần ghê sợ nhưng nghĩ đến cảnh được “mục sở thị” những cây lim tồn tại cả trăm năm chúng tôi lại hừng hực khí thế. Đóng áo quần bảo hộ, mang ủng, đeo máy ảnh vượt gần 2 km đường đất đỏ “mỡ gà” chúng tôi đặt chân đến độ cao gần 200 m so với mực nước biển.

Trước mắt, cả rừng cây bản địa như lim, kiền kiền, dổi, chua, dẻ… nằm san sát nhau, xếp tầng tầng, lớp lớp. Trong đó, có nhiều gốc lim xanh tuổi đời vượt qua con số 100, chu vi lên đến 300 cm, vỏ sần sùi, khép tán, đứng sừng sững giữa đại ngàn.

Đáng nói, chủ rừng của những gốc lim này không phải doanh nghiệp hay tổ chức nhà nước mà là những cá nhân, hộ gia đình đang nằm trong diện khó khăn, kinh tế eo hẹp.

Năm 1980, ông Trần Ngọc Lâm (sinh năm 1960), thôn Khe Năm, xã Sơn Kim I gia nhập quân ngũ, công tác chính thức tại Quân Khu 4, còn vợ ông - bà Trần Thị Đào (SN 1961) làm công nhân tại Lâm trường Hương Sơn (nay là Cty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn).

Lúc bấy giờ, kiếm được việc làm với mức thu nhập ổn định như ông bà Lâm Đào không hề dễ dàng. Tuy nhiên, bất cập là cảnh vợ chồng xa cách, khó khăn trong việc nuôi dạy con cái.

Rừng của hộ ông Trần Ngọc Lâm có khoảng 150 cây lim, chu vi từ 200 - 300 cm. Ảnh: Thanh Nga.

Rừng của hộ ông Trần Ngọc Lâm có khoảng 150 cây lim, chu vi từ 200 - 300 cm. Ảnh: Thanh Nga.

Cuối năm 1990, chính quyền năm lần bảy lượt vận động người dân thôn Khe Năm nhận rừng để chăm sóc, bảo vệ nhưng chẳng ai ngó ngàng. Ông Lâm vì muốn ở gần vợ con nên đứng ra nhận gần 27 ha rừng ở tiểu khu 51, thôn Khe Năm trong đó, rừng tự nhiên 21,8 ha; rừng trồng 5 ha.

“Lúc bấy giờ cả khu rừng gần như không còn gì, cây gỗ nào chu vi trên 100 cm đều bị khai thác hết. Ban đầu chúng tôi nhận rừng vì nghĩ khi cần que củi, cây nứa có để chặt phục vụ nhu cầu trong gia đình nhưng về sau mới thấm thía giá trị của rừng là vô giá”, ông Lâm trải lòng.

Người đàn ông tuổi lục tuần kể lại, khoảng năm 1990 – 1992, rừng bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình khai thác vô tội vạ nên mùa hè giếng nước của các hộ dân trong thôn cạn trơ đáy, nhiều hộ đào giếng sâu hơn 20 m nhưng vẫn không có giọt nước nào. Mọi sinh hoạt phải dựa vào nước trời và các khe suối.

Nhận thấy tác hại của việc mất rừng quá nghiêm trọng, ngoài bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cây rừng hiện có, gia đình ông Lâm vay vốn trồng keo trên diện tích rừng sản xuất và làm giàu diện tích rừng tự nhiên bằng các loài cây bản địa như lim xanh, dổi, kiền kiền... bình quân mỗi năm ông trồng 3.000 cây. 

Hiện hàng vạn cây bản địa trồng từ năm 1992 – 1993 đã phát triển đạt chu vi trên 60 cm; tỷ lệ cây sống hàng năm đạt trên 60%.

Trong đó nhiều cây tuổi đời lên đến trên dưới 100 năm. Ảnh: Thanh Nga.

Trong đó nhiều cây tuổi đời lên đến trên dưới 100 năm. Ảnh: Thanh Nga.

“Nhờ bảo vệ tốt rừng và thảm thực vật nên hơn chục năm nay dù hạn hán gay gắt người dân Khe Năm cũng không bao giờ thiếu nước sinh hoạt. Chất lượng nước từ các khe suối được chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất sạch”, bà Trần Thị Đào tiếp lời chồng.

Theo rà soát, đánh giá của lực lượng chức năng, trong diện tích rừng hộ ông Lâm quản lý có khoảng 150 cây lim xanh có chu vi từ 150 – 300 cm và hàng nghìn cây chu vi dưới 150 cm. Trong đó, nhiều gốc tồn tại hơn 100 năm, nhiều hơn tuổi đời của chính ông.

Cạnh rừng hộ ông Lâm, đại gia đình anh Lưu Trọng Bằng (46 tuổi) cũng chăm sóc, bảo vệ rất hiệu quả gần 8 ha rừng tự tiên được giao từ năm 1992.

Anh Bằng cho hay, sau khi bố mẹ anh qua đời, anh nhận “thừa kế” chăm sóc diện tích rừng nói trên với hai bàn tay trắng. Cuộc sống khó khăn, chật vật nhưng vì nhớ lời căn dặn của bố mẹ “giữ rừng là giữ môi trường sống cho con cháu” nên gần ba thập kỷ qua, gia đình anh chưa bao giờ chặt một cây gỗ đem bán.

Thậm chí, năm 1997 khi bắt quả tang một nhóm lâm tặc đang chặt trộm gỗ dổi trong rừng, gia đình anh còn bị các đối tượng chửi bới, dọa hành hung.

“Hàng năm chúng tôi chỉ trồng dặm làm giàu rừng và sẻ phát chăm sóc. Công tác bảo vệ rừng cực nhọc, nguy hiểm như vậy nhưng chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho đối tượng như chúng tôi chưa có nên rất thiệt thòi”, anh Bằng nói.

Cùng hàng vạn cây gỗ quý chu vi dưới 200 cm. Ảnh: Thanh Nga.

Cùng hàng vạn cây gỗ quý chu vi dưới 200 cm. Ảnh: Thanh Nga.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Lâm cho rằng, việc Chính phủ siết chặt quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng đầu nguồn biên giới Việt – Lào như xã Sơn Kim I là rất đúng đắn.

Tuy nhiên, quy định cũng cần căn cứ thực tiễn để xây dựng, như đặc thù ở thôn Khe Năm, 100% dân số sống dựa vào rừng nhưng rừng không được tác động, cũng không nhận được một chính sách hỗ trợ công bảo vệ nào thì rất bất cập.

Chính phủ cần nghiên cứu, cho phép hộ gia đình tận thu đối với những cây gỗ bị chết do yếu tố thiên tai. Như vậy vừa khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên vừa tạo thu nhập cho người dân, tăng thêm động lực cho hộ gia đình giữ rừng.

“Rừng là nhà, nhà là khách sạn”

Câu chuyện giữ rừng của gia đình ông Lâm, anh Bằng đã tạo thành sức lan tỏa cho cả cộng đồng dân cư ở thôn Khe Năm, xã Sơn Kim I.

Còn nhớ, khoảng gần 10 năm về trước, khi ý thức giữ rừng của người dân còn hạn chế, để bảo vệ diện tích rừng được giao, ông Lâm cùng 10 hộ dân trong thôn thành lập Chi hội bảo vệ rừng bền vững, phối hợp lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương thay phiên nhau tuần tra, canh gác rừng, hỗ trợ xử lý lâm tặc chặt trộm gỗ.

Rừng lim phát triển rất tốt ở độ cao trên dưới 200 m so với mực nước biển. Ảnh: Thanh Nga.

Rừng lim phát triển rất tốt ở độ cao trên dưới 200 m so với mực nước biển. Ảnh: Thanh Nga.

Hay thời điểm tháng 4 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, nhiều hộ dân xem rừng là nhà, nhà là khách sạn. Cứ 5 – 6h sáng đem theo cơm đùm cơm nắm, nước, sữa lên rừng lấy mật ong và “canh” lửa, đề phòng cháy rừng, đến khoảng 17 – 18h chiều mới về nhà.

Riêng hộ ông Lâm, nhờ siêng năng, chịu khó, mỗi năm gia đình tận thu được từ rừng (lấy mật ong và cây dược liệu) trên dưới 70 triệu đồng. Đặc biệt, 5 ha keo sắp đến kỳ thai thác, ước sẽ mang lại hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông.

Ông Đoàn Doanh Tuyên, Kiểm lâm viên địa bàn đánh giá, gia đình ông Lâm, anh Bằng không chỉ là những hộ dân điển hình trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên đầu nguồn mà còn tiên phong thay đổi tư tưởng sống dựa vào khai thác rừng của đại bộ phận dân Sơn Kim I.

Họ đã chủ động chuyển hướng sang sản xuất rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi lâm sản để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Việc bảo vệ tốt rừng cây bản địa giúp bà con sống

Việc bảo vệ tốt rừng cây bản địa giúp bà con sống "khỏe" từ phụ phẩm của rừng, như khai thác mật ong, cây dược liệu. Ảnh: Thanh Nga. 

Theo ông Tuyên, trước đây dù lực lượng chức năng siết chặt cỡ nào thì đâu đó cũng có một số diện tích rừng bị “chảy máu”. Tuy nhiên, độ dăm năm trở lại đây, ý thức bảo vệ rừng của bà con nâng lên rõ rệt đã giảm áp lực tuần tra, kiểm soát cho lực lượng chức năng. Bây giờ, các vụ việc khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn xã Sơn Kim I nói riêng, huyện Hương Sơn nói chung gần như đã được ngăn chặn triệt để.  

Vợ chồng ông Lâm, bà Đào nói rằng, họ sẽ gắn bó với khu rừng cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay. Mục đích là để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ quê hương, giống như lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: Cây đã mọc từ thuở nào/Trên đồi núi thật cằn khô/Cây có hiểu vì sao/Chim thường kéo về làm tổ/…/Có một cây là có rừng/Và rừng sẽ lên xanh rừng giữ đất quê hương!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm