| Hotline: 0983.970.780

Chuyện quanh hội thi bưởi của Hà Nội [Bài 1]: Có giải thưởng là có tất

Chủ Nhật 24/12/2023 , 12:11 (GMT+7)

Tôi hy vọng vườn của mình sẽ đoạt giải ở hội thi bưởi của Hà Nội bởi có giải là có tất cả và xúc tiến thương mại được vào các siêu thị.

Có giải sẽ có tất cả

Chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội bộc bạch với chúng tôi như vậy. Theo chân đoàn chấm điểm gồm các nhà khoa học và cán bộ của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội tôi vào 2 khu vườn rộng tổng cộng 5.000m2 của chị. Ấn tượng là cây trong vườn được cắt tỉa kỹ, quả không quá dày, đều và khá to, chủ yếu là giống Diễn với độ tuổi trung bình 16-17 năm.

Chị giới thiệu vườn chỉ có 2 lao động, đang sản xuất theo hướng hữu cơ, ủ cá với đậu tương cùng chế phẩm vi sinh để tưới, khi thu hoạch xong thì cuốc quanh gốc, rắc vôi rồi bón phân gà, phân chuồn xuống, nền cỏ để tự nhiên dưới gốc, không dọn. Bưởi của chị chủ yếu bán theo đặt hàng, được 2 đơn vị bao tiêu là nhà hàng Hải Yến và Công ty rau củ quả Thiên Sơn thu mua với giá ổn định năm 2022 được 20-25.000đ/quả, năm nay phấn đấu đạt 25-30.000đ/kg.

Thăm vườn bưởi dự thi rất đẹp của chị Phương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thăm vườn bưởi dự thi rất đẹp của chị Phương. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Năm ngoái mưa nhiều gây mất mùa, tôi thu được hơn 100 triệu, năm nay được mùa, ước tính được 300 triệu, trong đó lãi khoảng 200 triệu. Qua cuộc thi bưởi lần thứ hai này, tôi hi vọng sẽ có giải bởi đang muốn xúc tiến thương mại sản phẩm ra các siêu thị của thành phố Hà Nội”. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn-Giám đốc HTX Bưởi sạch và Kinh doanh tổng hợp Phú Cường cho biết tổng diện tích vườn bưởi của các thành viên là 13,6 ha, đã được chứng nhận VietGAP với năng suất đạt từ 25-28 tấn/ha. Xác định công tác quảng bá sản phẩm là quan trọng nên năm 2022 đơn vị đã mang quả bưởi Phú Cường đi thi, được thành phố đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Từ khi đạt được OCOP 4 sao, danh tiếng của quả bưởi Phú Cường được nhiều người biết hơn, thị trường được mở rộng hơn, sản lượng tiêu thụ được lớn hơn. HTX cũng đã tuyển chọn những sản phẩm tốt nhất, đạt chuẩn OCOP để đưa vào các chuỗi nhà hàng trong thành phố.

Ăn thử bưởi ngay tại vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ăn thử bưởi ngay tại vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo ông Tuấn cho biết cây bưởi Diễn bắt đầu trồng trên đất Phú Cường khoảng 20 năm nay. Trước đây những hộ sản xuất cá thể chỉ biết trồng và chăm sóc bưởi một cách tùy ý nhưng khi thành lập HTX, các thành viên được HTX cung cấp giống, thuốc BVTV sinh học, phân bón chuyên dụng cho cây có múi và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo cùng một quy trình chuẩn. Nhờ đó mà sản phẩm đã đưa vào các nhà hàng, siêu thị, ở sân bay mọi người mua làm quà biếu cuối năm. Có những thùng bưởi bán giá 400.000đ nhưng tiền gửi có khi ngang thế mà khách hàng ở xa vẫn chấp nhận đặt bởi chất lượng bưởi Phú Cường vượt trội. Nhờ trồng bưởi mà hơn 20 thành viên HTX có thu nhập trung bình mỗi năm 180-200 triệu, trừ chi phí vẫn còn lãi khoảng 150 triệu.

Khi đưa lên máy đo brix (độ đường) những quả bưởi Phú Cường đạt 11-12%. Ăn thử ngay tại vườn, không chỉ chúng tôi tấm tắc khen mà ngay cả GS.TS Vũ Mạnh Hải-chuyên gia về cây ăn quả cũng phải thốt lên rằng: “Mùi vị đặc trưng đúng kiểu bưởi Diễn, múi tép mềm, mọng nước, ăn nếu khoảng 1 tháng nữa khi vào đúng thời điểm thu hoạch sẽ còn ngon hơn nhiều”.

Khu vườn sạch sẽ và thơm tho

Khu vườn của chị Trần Thị Hương ở thôn Đông, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn ngát mùi thơm của bưởi, không chút hôi hay nồng của hóa chất bởi đã từ lâu canh tác theo quy trình VietGAP, các loại rác, phụ phẩm dành để ủ vi sinh IMO, không bỏ đi bất cứ một thứ gì. Trong khu vườn rộng hơn 3.000m2 ấy chị trồng 162 gốc bưởi, chủ lực là bưởi Diễn vàng tôm, bưởi Hoàng Trạch và bưởi Tân Lạc, chúng đều có tuổi đời trung bình 15-18 năm. Xung quanh vườn chị trồng xen kẽ các luống rau, tận dụng những chỗ cây chưa bao tán hết, vừa để ăn vừa để bán cho bà con trong xóm.

Khu vườn rất xanh, sạch của chị Hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu vườn rất xanh, sạch của chị Hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị kể, giữa tháng 11 âm, muộn nhất là đầu tháng 12 âm là khách kéo đến đặt hàng, thậm chí đánh dấu từng gốc để mua. Hiện giá bưởi 12-15.000đ/quả, tổng thu năm nay chị ước tính được 100 triệu trong đó lãi 70 triệu nhưng những năm trước tổng thu được trên 200 triệu trong đó lãi trên 100 triệu nhờ bán được giá tới 30-40.000đ/quả. Đó là khoản thu đáng kể ở nông thôn bởi chỉ có một mình chị chăm sóc khu vườn mà thôi.

“Tôi muốn đăng ký thi bưởi để lan tỏa cho nhiều người biết sản phẩm của mình mà tìm mua. Theo thời gian, gốc bưởi càng già thì quả lại càng ngon”. Đo brix trung bình là 12 nên bưởi của chị ăn ngọt và khá ngon dù còn một chút the ở đầu lưỡi. Đó cũng phải thôi bởi bưởi Diễn vừa bứt ở trên cây xuống đã ăn thử luôn chứ nếu để một thời gian, xuống đường thì độ the cũng hết.

Chị Hương niềm nở bóc bưởi ra mời khách nếm thử. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hương niềm nở bóc bưởi ra mời khách nếm thử. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hoàng Thị Hà-Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết địa phương có hơn 300 ha bưởi. Khi nghe tin thành phố Hà Nội tổ chức hội thi bưởi lần thứ hai huyện đã lựa chọn ra 3 nhà vườn tốt nhất để tham gia. Từ năm 2014 huyện đã hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể bưởi Sóc Sơn và giao cho Hội làm vườn quản lý, gần đây huyện cũng đã hỗ trợ để cấp mã vùng trồng cho các xã có bưởi. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, đạt OCOP 4 sao, lại gần sân bay Nội Bài nơi có thị trường tiêu thụ lớn nên đầu ra của quả bưởi Sóc Sơn cơ bản yên tâm, tạo thu nhập khá cho nhiều hộ.

Theo thống kê năm 2022 diện tích bưởi của Hà Nội là 7.500 ha, chủ yếu ở huyện Chương Mỹ (1.128 ha), Phúc Thọ (685 ha), Đan Phượng (557,4ha), Quốc Oai (551 ha), Ba Vì (685,3 ha), Hoài Đức (378 ha), Mê Linh (295 ha), Sóc Sơn (390 ha), Thạch Thất (314 ha), Ứng Hòa (225 ha)…Năng suất bình quân đạt 185 tạ/ha, sản lượng đạt 100.000 tấn, giá trị đạt 1.998 tỷ đồng/năm.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.