Nhà tôi ở sâu trong một con ngõ hẹp, hai bên sững sững những bức tường đá ong cổ kính. Nhà vắng, ngõ vắng, lại càng thêm vắng.
Từ dưới bếp đi lên nhà trên, vợ tôi giật mình bởi một tiếng nói rất hách và sang: Bà giáo, cho tôi hỏi, ba chữ này của nhà mình là chữ gì. Vợ tôi bước vào thấy một ông lão dáng… “tiên phong, đạo cốt” đã ở trong nhà và đang “vênh” râu nhìn bức hoành phi treo ở gian giữa, có ba chữ đại tự thếp vàng lộng lẫy.
Thưa bác: Ba chữ này các cụ nhà em để lại là CỬU TẮC TRƯNG (điều tốt đẹp mãi phô bày ra) ạ! Ông già đi đi lại lại và gật đầu cười ra chiều tâm đắc lắm…
Ông già ấy chính là nhà văn Đỗ Chu. Hôm ấy nhà văn Đỗ Chu về làng Mông Phụ, xã Đường Lâm cùng với Phan Kế Hoàng - cháu đích tôn cụ Phan Kế Toại. Tết năm ấy báo Văn nghệ được in một bút ký rất hay về cụ Toại và cụ Hồ trên chiến khu Việt Bắc.
Trong bài viết của nhà văn Đỗ Chu có một chi tiết cứ ám ảnh tôi mãi. Đó là, kết thúc buổi giao ban của các thành viên Chính phủ kháng chiến, cụ Toại đưa cụ Hồ một bọc nhỏ được gói trong giấy báo, nói (bằng tiếng Pháp): Quà của nhà tôi (phu nhân của cụ Toại) gửi biếu cụ! Năm sau, cũng vào thời gian ấy, cũng kết thúc một buổi giao ban, cụ Hồ đến gần cụ Toại (cũng bằng tiếng Pháp), bảo: Cho tôi gửi lời cám ơn cụ bà…, lại sắp đến tháng mười (âm lịch) rồi đấy ạ!
Cái mà cụ Hồ nhắc cụ Toại chỉ có hai người biết với nhau. Sau này, sự việc được diễn giải: Cụ Toại hôm ấy gửi biếu cụ Hồ món “quà” là một thứ thực phẩm độc đáo của làng tôi, đó chỉ là một cái chân giò lợn đã luộc chín rồi ngâm trong tương. Tương làng tôi ngon nổi tiếng một vùng.
“Tháng sáu máu rồng” là thời gian làm tương thuận lợi nhất trong năm. Chum tương đứng trong sân nhà, nung nấu nắng mưa là nơi cất giữ quả cà giã vụ của cơm cấy, cơm cày, của xâu thịt còn lại sau những ngày giỗ chạp…
Thịt lợn ngâm tương là một sản phẩm độc đáo. Chơm chớm heo may, bưng bát cơm thơm sau vụ gặt tháng mười ăn với thịt chân giò lợn ngâm tương, ai đã một lần thưởng thức mới thấy hết sự thú vị rất sáng tạo này! Cụ Toại và cụ Hồ là những nhân sỹ trí thức lớn của dân tộc, họ giao lưu với nhau bằng những chi tiết rất nhỏ của đời sống mà sao dư âm còn vang vọng mãi…
Riêng tôi, chỉ hai từ “Bà giáo” của nhà văn Đỗ Chu đã làm sống lại một đời sống tưởng chừng như đã mai một. Và, cả vợ tôi nữa, câu nói của nhà văn Đỗ Chu đã chi phối cô ấy suốt mấy chục năm đứng lớp.
***
Năm ấy, tôi lên mười, học lớp 4 (hệ 10 năm). Đó là ngày chủ nhật, đang ngồi nhặt rau muống ở sân để chuẩn bị cơm chiều. Bỗng một cụ già tiến vào sân.
Tôi cất tiếng gọi: Bố ơi, ai vào nhà mình ạ! Bố tôi chạy ra, ông sững lại rồi quát: Lạy cụ đi con! Tôi tròn mắt nhìn bố gập người: Con lạy thầy ạ!
Lúc bấy giờ bố tôi đang giữ chức vụ Chánh văn phòng Ủy ban hành chính tỉnh Sơn Tây (sau này Sơn Tây sáp nhập với Hà Đông thành tỉnh Hà Tây). Chỉ một loáng, tin cụ giáo Hiền đang có mặt ở nhà tôi lan ra khắp xóm, khắp làng.
Nhà tôi ồn ào đông đúc, gần hai chục người, tất cả đều là học trò cụ giáo Hiền. Sau này tôi được biết mọi người mới chỉ học cụ giáo một, hai năm đầu tiểu học trong thời thuộc Pháp. Làng tôi năm 1943 có một ngôi trường tiểu học.
Cụ giáo Hiền là do Nha học chính Bắc Kỳ bổ về dạy tại đây. Nhà cụ ở thị xã Sơn Tây cách làng tôi 5km. Không tiện cho việc đi lại, cụ giáo Hiền được ông nội tôi mời về, dọn ba gian nhà ngang khang trang sạch sẽ cho cụ giáo tá túc, không lấy tiền thuê nhà (hiện ngôi nhà vẫn còn).
Cụ giáo gửi tiền cơm, hàng ngày gia nhân sau khi nấu nướng xong, đợi lúc thích hợp thì dọn mâm bưng lên… Thi thoảng ông tôi và cụ giáo cũng “đối ẩm”. Chiều thứ bảy, cụ giáo được xe tay gọng đồng của nhà đón về với gia đình ở thị xã.
Tôi không hỏi bố, nay người đã mất nên không rõ ngôi trường tiểu học của làng tôi tồn tại như thế nào sau “Tổng khởi nghĩa 1945”.
Bố tôi bảo: Trong thời kỳ “bình dân học vụ” diệt “giặc dốt” của cụ Hồ, cụ giáo Hiền không phải là giáo viên lưu dung, cụ Hiền tự nguyện dạy “xóa nạn mù chữ” ở thị xã Sơn Tây, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp!
Hôm đó tôi được chứng kiến tình thầy trò sau mấy chục năm gặp lại. Trong số học trò ấy hầu như đều làm ruộng tại làng. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn những gương mặt dầu dãi nắng mưa mà không thể nào tưởng tượng ra được, thuở vị thành niên cắp sách đến trường họ như thế nào.
Song, có một điều lạ kỳ cụ giáo Hiền vẫn nhớ tên từng người, không nhầm lẫn một ai. Ai được hỏi đến cũng đều đứng dậy khoanh tay: “Thưa thầy, con…”. Tình thầy trò của thế hệ bố tôi, mấy chục năm vẫn thắm trong tôi một thời như thế!
Cũng như cả nước, trong thời kỳ “diệt giặc dốt” (1945), phong trào “xóa nạn mù chữ” rộn ràng cả làng quê. Lớp học mở ở khắp nơi, có khi là một ngôi điếm cổ, có khi là một nhà vắng chủ… Học trò đủ mọi lứa tuổi, thời gian học vào buổi trưa hay buổi tối khi đã vãn việc đồng áng.
Cụ Phan Thị Mão ngoài chín mươi tuổi (mới mất 3 năm nay) một lần kể lại: Sinh ra trong một gia đình chín, mười anh chị em. Cơm ăn còn chưa đủ nói gì đến việc học hành. Thời gian này cụ được… cắp sách đến trường khi đã có hai con, một vẫn đang bú mẹ, con cũng được cắp đến lớp cùng mẹ.
Thầy giáo của những lớp học này là những người biết chữ trong làng. Người dạy các cụ là một thanh niên con trai ông “chánh quản khố xanh” đã hưu trí. Năm 1946, sau “toàn quốc kháng chiến” thầy giáo trẻ gia nhập lực lượng vũ trang. Sau giải phóng miền Nam, ông làm chủ tịch một huyện của tỉnh Sông Bé (Sông Bé là do hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước nhập làm một)…
Cụ Mão nói: Nghiêm cẩn lắm, mỗi lần thầy vào lớp mọi người đều đứng lên đồng thanh: Chúng con lạy thầy ạ! Thầy giáo trẻ sau nhiều lần ngượng ngập, bảo: Đã là xã hội mới rồi, mọi người không phải… lạy thầy nữa!
Tôi bảo: Các cụ bằng tuổi mẹ, tuổi chị thầy giáo sao lại chào như thế. Cụ Mão bảo: Vẫn biết thế nhưng không làm sao sửa được. Những năm sau này, ngay cả khi gặp ngoài đường, chúng tôi vẫn dừng lại: Lạy thầy ạ! Tinh thần dạy và học vẫn được tiếp tục cho đến những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ XX.
Sau năm 1954 chúng ta bắt tay vào xây dựng lại miền Bắc. Trong giáo dục, chẳng biết có phải “lớp vỡ lòng” không được tính trong “hệ giáo dục 10 năm” nên việc học tập hết sức đơn giản. Nhiệm vụ của học sinh là “đọc thông, viết thạo”.
Tất cả các thầy cô là những người đã từng tham gia “bình dân học vụ” , hầu như họ không được hưởng lương tháng và mọi chế độ của ngành giáo dục. Nhiều người về già không có lương hưu nên đời sống rất khó khăn…
Cứ thế, hết lớp nọ đến lớp kia, bao nhiêu thế hệ đã qua những năm vỡ lòng ở làng. Rồi chiến tranh, thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự, một số vào đại học, một số khác được đào tạo ở nước ngoài làm “nguồn” cho những năm sau này…
Sẽ có một ngày, họ ngồi lại với nhau làm một con số thống kê, chắc chúng ta phải giật mình vì sự đóng góp của những thế hệ này trong chiến tranh vệ quốc và công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới. Tất cả đều được bắt nguồn từ nơi khởi đầu của dòng sông tri thức ấy!
***
Rất tiếc là chúng ta không tiếp nối được tinh thần này trong giáo dục nói riêng và mọi lĩnh vực đời sống xã hội nói chung. Sau mấy lần “cải cách” giáo dục, chúng ta chưa chọn lựa được một phương pháp phù hợp với từng giai đoạn. Chính nguyên nhân này đã dẫn đến những khủng hoảng xã hội mà nguyên nhân sâu xa bắt đầu từ giáo dục.
Sau “đổi mới” giáo dục được “xã hội hóa” từng phần, nạn dạy thêm tràn lan. Nhiều thầy cô đã coi đây là cái “mỏ” để “đào”. Để tránh dư luận, nhiều lá đơn tự nguyện học thêm đã được in sẵn, học sinh chỉ việc điền tên vào là thầy cô và nhà trường… vô can!
Rồi bệnh thành tích chính thức khai tử nền giáo dục truyền thống mà dân tộc ta đã có hàng trăm năm chọn lựa. Kết quả việc xây cái mới chưa thành nhưng cái cũ tốt đẹp không còn đất sống.
Vài năm gần đây khi những vụ mua bán điểm thi được phát giác, rồi cán bộ mua bằng, để có cấp… Tầng lớp “trí thức” đang tự làm mai một phẩm giá của mình!
Cổ nhân có câu: Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ! (lược dịch: Mười con mắt đang nhìn - mày, mười cái tay đang chỉ - mày, hãy coi chừng!). Mười con mắt, mười cái tay đã là một lời cảnh tỉnh…! Lời răn dạy trên phải chăng không còn là những phạm trù đạo đức được đúc kết nghìn năm của dân tộc!