| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về hai phụ nữ có 'bàn tay vàng' [Bài 2]: Người cạo mủ giỏi nhất Tập đoàn Cao su

Thứ Sáu 20/10/2023 , 06:16 (GMT+7)

Thân hình nhỏ nhắn, bàn tay cũng nhỏ nhắn, nhưng cô đã chạy đua thể lực và kỹ thuật, vượt qua gần 300 thí sinh để giành giải cao nhất cuộc thi tầm cỡ.

Đó là chị Nguyễn Thị Phượng, công tác tại Nông trường Thuận Phú, Công ty Cao su Đồng Phú (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), người vừa đoạt danh hiệu “Bàn tay vàng”, công nhân cạo mủ giỏi nhất Tập đoàn Cao su Việt Nam năm 2022.

Đôi bàn tay nhỏ “múa” trên thân cây

Chúng tôi đến Nông trường cao su Thuận Phú lúc hơn 8 giờ sáng, thời điểm công nhân vừa đi cạo mủ về. Họ đang ngồi trò chuyện rôm rả trong khu lán nông trường. Sau một hồi trò chuyện vui với nhóm công nhân, một chị đứng lên, cười nói với chúng tôi: “Hôm nay nghe sếp bảo có nhà báo đến gặp em Phượng của tụi em, định giấu luôn không cho gặp mà thấy các anh 'dễ thương' nên chị em thống nhất cho gặp”. Nói rồi chị chỉ một cô mặc đồng phục công nhân, dáng người nhỏ nhắn, nét mặt khá rụt rè, nói tiếp: “Đây là nhân vật chính các anh muốn gặp”.

Sinh năm 1990, còn khá trẻ so với những đồng nghiệp khác trong đơn vị, nhưng Phượng đã sở hữu một danh sách dài những thành tích. Trong đó, giải nhất cá nhân “Bàn tay vàng” cấp tập đoàn là lớn nhất. Một giải thưởng mỗi 2 năm mới có hai người (nam và nữ) đạt được, chưa kể cuộc thi này cực khó. “Em làm cách nào đủ sức đánh bại cả mấy trăm người để giành giải cao nhất vậy?”, tôi hỏi. Phượng cười: “Chắc do may mắn thôi anh”.

Cô gái có 'bàn tay vàng' của Tập đoàn Cao su Việt Nam năm 2022 Nguyễn Thị Phượng. Ảnh: Phúc Lập.

Cô gái có "bàn tay vàng" của Tập đoàn Cao su Việt Nam năm 2022 Nguyễn Thị Phượng. Ảnh: Phúc Lập.

Nói đến đây, đúng lúc ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Nông trường đi tới. Nghe câu trả lời của Phượng, ông nói: “Không có chuyện may mắn đâu. Cô ấy mới có thâm niên gần chục năm thôi, nhưng từ năm 2015 đến nay, năm nào cũng được khen. Tôi thống kê qua cho anh nghe: Năm 2015 được giấy khen của công ty, năm 2016 được nhận bằng khen của Tập đoàn, năm 2017 là Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, 2 năm liền 2018 và 2019 nhận bằng khen tập đoàn. 2 năm tiếp theo do cô ấy bận chăm con mới sinh nên gián đoạn, chỉ nhận được giấy khen của Ban chấp hành Đoàn công ty.

Năm 2022 Phượng đoạt danh hiệu cao nhất cấp tập đoàn là “Bàn tay vàng”, và nhận bằng khen, giấy khen của tập đoàn về hoàn thành vượt mức kế hoạch, sản lượng giao khoán, bằng khen Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Có ai mà may mắn nhiều vậy chưa?”.

Dẫn chúng tôi ra vườn cao su do mình quản lý, chăm sóc, Phượng cho biết: “Công nhân bên em vất hơn một số nơi khác vì phải cạo mủ ban đêm”. “Lý do vì sao phải cạo đêm và không cần cạo đêm?”, tôi hỏi. “Theo em hiểu thì do đất và một phần do thời tiết nữa. Ở các vùng đất đỏ bazan, thời tiết mát hơn nên sáng sớm cây vẫn cho mủ. Còn đất sỏi pha cát, như ở đây chẳng hạn, thì nắng lên là sản lượng mủ giảm dần, nên phải cạo đèn vào ban đêm mới đạt sản lượng”.

Nguyễn Thị Phượng phân tích về kỹ thuật cạo mủ cao su đúng giúp cây khoẻ, năng suất mủ cao. Ảnh: Phúc Lập.

Nguyễn Thị Phượng phân tích về kỹ thuật cạo mủ cao su đúng giúp cây khoẻ, năng suất mủ cao. Ảnh: Phúc Lập.

“Bí quyết gì giúp em làm nhanh, làm giỏi?”, tôi hỏi. “Ngoài phải có đam mê và năng khiếu ra thì trách nhiệm với vườn cây rất quan trọng, mình làm thế nào để cây phát triển khoẻ mạnh, bền vững. Cây khỏe thì năng suất mủ mới cao. Ngoài ra, bản thân cũng phải học hỏi, rèn luyện liên tục. Ban đầu là học từ cán bộ kỹ thuật huấn luyện. Sau đó bản thân cũng phải tự luyện. Trước khi thi, ngoài chương trình trong giáo án, mỗi khi rảnh em lại tự ôn luyện ngay tại vườn cây”, Phượng đáp.

Nói về kỹ thuật cạo mủ cao su đúng, Phượng dẫn chúng tôi lại một thân cây, phân tích: “Mình nhìn màu da của cây sau khi cạo là biết đúng kỹ thuật hay chưa. Ví dụ sau khi cạo, lớp da sát thân gỗ có màu vàng như vầy là đúng, còn nếu có màu đen là do cạo sát thân quá, chưa đúng. Cạo vậy phần vỏ sẽ khó tái tạo, cây bị tổn thương, lượng mủ giảm. Sau khi cạo đều tay, đúng kỹ thuật rồi, mình tiếp tục luyện cách cạo nhanh và an toàn cho cây”.

Phượng tâm sự, chăm sóc cây cao su như chăm con mọn, bởi công đoạn nào cũng đòi hỏi phải tỉ mỉ, đúng kỹ thuật. Vì thế, vườn cao su cô được giao chăm sóc, quản lý luôn sạch sẽ, cây khoẻ. Nhờ khai thác đúng kỹ thuật cùng với những kinh nghiệm tích luỹ được nên cô luôn nằm trong top những người khai thác mủ đạt sản lượng cao nhất công ty và tập đoàn.

Phượng vừa nói vừa “múa” đôi bàn tay nhỏ nhắn trên thân cây cao su, nhanh đến mức tôi không kịp chụp tấm ảnh đúng ý. Đến cây cao su thứ 3, và khi tôi nhắc cô chậm tay lại, mới chụp được.

Nguyễn Thị Phượng: 'Em làm vì đam mê, trách nhiệm với đơn vị và vườn cây'. Ảnh: Phúc Lập.

Nguyễn Thị Phượng: "Em làm vì đam mê, trách nhiệm với đơn vị và vườn cây". Ảnh: Phúc Lập.

Đồng vợ đồng chồng, khó khăn nào cũng qua

Phượng tâm sự, để tham gia thi giải bàn tay vàng cấp tập đoàn, phải trải qua quá trình tập luyện rất vất vả chứ không hề đơn giản. Có thể nói, đây là cuộc thi tầm cỡ quốc tế, vì ngoài hàng trăm đơn vị của tập đoàn ra, còn có nhiều đơn vị ngoài tập đoàn và có cả những đơn vị cao su từ các nước bạn là Campuchia và Lào sang dự thi nữa.

Mỗi thí sinh đều phải trải qua các vòng thi lý thuyết với đủ các kiến thức liên quan đến cây cao su, từ đánh giá sức khoẻ cây, kỹ thuật chăm sóc cây khoẻ, cây bệnh, chăm cây mùa khô, mùa mưa khác nhau thế nào, đến cách bón phân, xử lý nấm bệnh... Còn thực hành cũng rất khó, thí sinh phải có sức khoẻ để chạy đua với thời gian, làm sao phải di chuyển liên tục, cạo đủ số cây, đúng thời gian và phải cạo đúng, cạo đẹp, ra nhiều mủ nhất nữa”.

Đường về nhà 'Bàn tay vàng' Nguyễn Thị Phượng xuyên qua vườn cao su rất đẹp. Ảnh: Phúc Lập.

Đường về nhà "Bàn tay vàng" Nguyễn Thị Phượng xuyên qua vườn cao su rất đẹp. Ảnh: Phúc Lập.

Tôi hỏi: “Mỗi lần đi thi là tốn thời gian cả tháng trời để luyện, chồng em có ủng hộ không?”. Cô đáp: “Dạ có chứ anh. Thời gian luyện thi là mệt nhất, luyện sáng, luyện chiều. Trong đó, áp lực nhất là luyện tốc độ, vì thi giới hạn thời gian, trong vòng 120 phút phải chọn hàng cây và sửa xong 100 cây (công tác chuẩn bị ngày hôm sau cạo). Còn thời gian cạo chỉ có 20 phút, chưa kể là phải cạo đúng, vết cạo đẹp, nên những ngày luyện thi đuối lắm. Nếu không có ông xã hỗ trợ, khó mà đạt kết quả tốt được. Không chỉ chuyện thi, mà trong công việc hàng ngày cũng vậy, anh ấy giúp đỡ em rất nhiều”.

“Thế có khi nào vợ chồng giận nhau không?”, tôi hỏi. Cô thật thà: “Cũng có chứ”. Ngừng giây lát cô tiếp: “Ngày mới lấy nhau, hai vợ chồng trẻ, lại chưa hiểu hết tính cách của nhau nên đôi khi cũng cơm không lành,  nhưng càng sống với nhau lâu, càng hiểu nhau thì những chuyện mâu thuẫn cũng hết. Mỗi khi hai người bất đồng quan điểm hoặc 1 trong 2 có chuyện không vui, thì người còn lại phải có cái đầu lạnh để xoa dịu người kia. Tụi em hiểu điều đó nên mỗi khi có bất hòa đều qua rất nhanh. Với lại, chỉ cần nhìn các con buồn vì ba mẹ cãi nhau, là mình lại nguội ngay. Được cái em ít nói, chồng em cũng là người có trách nhiệm, thương vợ con nên vợ chồng ít khi giận hờn lâu”.

Chồng Phượng, anh Đỗ Văn Chiến (bìa trái): 'Em làm không giỏi bằng vợ, nên cố gắng hỗ trợ cô ấy mọi mặt'. Ảnh: Phúc Lập.

Chồng Phượng, anh Đỗ Văn Chiến (bìa trái): "Em làm không giỏi bằng vợ, nên cố gắng hỗ trợ cô ấy mọi mặt". Ảnh: Phúc Lập.

“Thường xuyên làm vượt năng suất, còn đảm nhận công tác nữ công, tham gia đội tuyển bóng chuyền của nông trường, lại phải chăm sóc 3 con nhỏ, chưa kể còn luyện thi bàn tay vàng các cấp, em sắp xếp thời gian như thế nào?”, tôi hỏi. Phượng cười bẽn lẽn: “Cũng không có áp lực gì quá mức đâu anh, ban đầu cũng thấy hơi vất vả, nhất là khi sinh cháu thứ 3. Nhưng vì những việc em tham gia đều do bản thân thích làm, chưa kể là nếu từ bỏ thì chính bản thân em cảm thấy khó chịu, nên em quyết tâm, rồi thêm được chồng khuyến khích, động viên nữa. Kết quả như anh thấy.

Bây giờ, hàng ngày 2 vợ chồng em thức dậy lúc 3 giờ sáng, em vào lô cao su của đơn vị, còn chồng em cũng đi cạo cho tư nhân. Em làm việc đến 6 giờ, sau đó chạy về nhà lo cho các con ăn sáng, đưa đi học, sau đó ghé qua chợ mua thức ăn, chạy về nhà dọn dẹp, 9 giờ quay lại lô cao su trút mủ, về cân. Đến khoảng 12 giờ mới xong mọi việc, về nhà nghỉ ngơi. Hôm nào đơn vị có hoạt động phong trào thì vào đến 4 giờ chiều đi đón con. Về nhà, vợ chồng cùng chia sẻ mọi việc nội trợ, 2 cháu lớn nay cũng đã biết phụ giúp ba mẹ chuyện nhà nên cũng đỡ”.

Vợ chồng anh Chiến - Phượng có 3 người con,được chăm sóc tốt và đều ngoan. 2 cô con gái rất chăm học. Ảnh: Phúc Lập.

Vợ chồng anh Chiến - Phượng có 3 người con,được chăm sóc tốt và đều ngoan. 2 cô con gái rất chăm học. Ảnh: Phúc Lập.

“Cô Phượng là nhân tố tiêu biểu của nông trường, của công ty. Mặc dù gia đình thuộc loại neo đơn, 2 vợ chồng làm cùng nghề, 3 con còn nhỏ, nhưng cô vẫn là người đứng đầu về thành tích của nông trường. Hiện nay, tình hình ngành cao su nói chung và Nông trường Thuận Phú nói riêng, còn nhiều khó khăn, áp lực, đơn vị rất cần những nhân tố như cô Phượng. Họ góp phần không nhỏ trong việc giúp đơn vị hoàn thành chỉ tiêu, là động lực để tạo không khí thi đua sôi nổi cho cả tập thể”, ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Nông trường cao su Thuận Phú nói về người phụ nữ này.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.