| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về một 'Thị trấn Pháp ngủ quên' giữa rừng Ba Vì

Thứ Bảy 01/05/2021 , 09:02 (GMT+7)

Không nhiều người biết, lẩn khuất giữa Vườn Quốc gia Ba Vì hiện còn có khoảng 200 phế tích là những dấu tích về một thị trấn Pháp từ gần một thế kỷ trước.

Dấu tích nhà thờ Pháp trên núi Ba Vì. Ảnh: CN.

Dấu tích nhà thờ Pháp trên núi Ba Vì. Ảnh: CN.

Thị trấn Pháp giữa rừng Ba Vì gần 100 năm trước...

Đầu tháng 9 vừa rồi, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tập đoàn Melia tổ chức buổi Tọa đàm khoa học "Phát triển giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì".

Đó có thể xem là một “Hội nghị Diên Hồng” nhằm mục đích lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia bảo tồn, kiến trúc, ngoại giao và nhiều chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước để xây dựng các giải pháp bảo tồn bền vững, đầu tư phát triển tài nguyên thiên nhiên đúng pháp luật, đúng mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, phục vụ quy hoạch kiến trúc lịch sử văn hóa cũ, hiện tại và tương lai cho Thủ đô Hà Nội.

Nói cách khác, đang có một quyết tâm rất lớn nhằm đánh thức “người đẹp ngủ giữa rừng Ba Vì” suốt gần một thế kỷ qua.

Sẽ còn nhiều vấn đề phải bàn, tuy nhiên, những tư liệu, hồ sơ, quyết định, bản vẽ quy hoạch, kiến trúc... lần đầu tiên được công bố trong triển lãm phục vụ buổi tọa đàm hôm đó đã khiến nhiều người bất ngờ xen lẫn tiếc nuối.

Hóa ra, đã từng có một thị trấn, một khu đô thị, từng có những biệt thự nghỉ dưỡng, trang trại, đồn điền và cả những căn cứ quân sự hiện hữu ở Ba Vì mà việc quy hoạch, xây dựng khiến hậu bối hàng trăm năm sau vẫn phải trầm trồ.

Tiếc rằng, những kiến trúc đó, bây giờ đang là những phế tích, hoặc nằm đâu đó dưới những lớp thảm thực vật đã hàng trăm năm, hoặc bị rêu phong rừng già phủ kín.

Thống kê chưa đầy đủ có khoảng gần 200 công trình nằm rải rác tại các điểm cao 400m, 600m, 700m, 800m, 1.000m thuộc khu vườn quốc gia có diện tích rộng gần 10,8 nghìn ha. Mỗi một công trình là một câu chuyện vừa kỳ bí lại vừa thú vị, không đơn thuần là câu chuyện lịch sử về một vùng đất vốn đặc biệt nổi tiếng tâm linh.

Cô nhi viện được người Pháp xây dựng bây giờ chỉ còn là phế tích. Ảnh: CN. 

Cô nhi viện được người Pháp xây dựng bây giờ chỉ còn là phế tích. Ảnh: CN. 

Trước khi bàn đến giải pháp “đánh thức” thị trấn Pháp giữa núi rừng Ba Vì đã có nhiều đoàn khảo sát lên những nơi mà viên Công sứ Pháp ở Sơn Tây G.Tucat đầu thế kỷ 20 đã mô tả: “Ba Vì lôi cuốn bởi sự huyền bí. Đây là nơi lý tưởng của những cuộc thám hiểm rừng hoang sơ và hầu như không có một con đường mòn nào… Núi rừng là nơi thần tiên của khách”.

Những dấu tích về một thị trấn Pháp, một khu đô thị giữa rừng Ba Vì qua hàng trăm năm vẫn còn lưu dấu khá rõ.

Kia, ở cốt cao hơn 600m là dinh thự của một viên đại tá người Pháp nhìn xa như một cái lô cốt khổng lồ nhô lên khỏi mặt đất, nhưng bên trong là cả một quần thể kiến trúc độc đáo với nền móng của rất nhiều căn phòng, lối đi, cửa thoát hiểm… được bài trí khoa học.

Dinh thự có vị trí đắc địa nằm tại cốt 700m lưng tựa đỉnh Ngọc Hoa, phía trước có tầm nhìn thẳng xuống sông Đà và một phần thị xã Sơn Tây. Một lối đi chính dành cho gia đình Đại tá, lối đi phụ cho đoàn tùy tùng và người giúp việc. Lối kiến trúc bờ tường dày, sàn nhà cao tới 4m như muốn thể hiện sự bề thế và kiên cố của khu dinh thự.

Kia, cao hơn 100m nữa là những dấu tích mà theo tài liệu lưu trữ vốn là những căn biệt thự được xây dựng vào khoảng những năm 1935 - 1939. Hiện vẫn còn một sân cỏ rộng lớn phục vụ cho sở thích cưỡi ngựa cũng như tổ chức các hoạt động thể thao của tầng lớp giàu có một thời.

Và đây, ở độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, vượt lên một đoạn dốc cao và khúc cua tay áo là khu phế tích gồm nhà thờ, những biệt thự nghỉ mát hoang sơ tuyệt đẹp. Bây giờ khu nhà thờ chỉ còn lại cái khung với bức tường được phủ rong rêu thời gian. Hình ảnh giáo đường âm u giữa cỏ cây khiến cảnh vật như được phủ lên một mầu hoài cổ xa xăm. Tuy nhà thờ đã đổ nát nhưng vẫn giữ được dáng vóc cổ điển.

Dấu tích dinh thự nhà Đại tá. Ảnh: CN.

Dấu tích dinh thự nhà Đại tá. Ảnh: CN.

Ở khu trại hè, ẩn hiện trong màu xanh của cây lá là khu nhà bếp nay chỉ còn bức tường và ống khói. Đã hơn 80 năm từ khi xây dựng nhưng bức tường vẫn còn kiên cố, mấy ống khói vẫn còn nguyên vẹn hình hài, chỉ có điều giờ chúng là nơi sinh sống của các loài cây cổ thụ đã rất già nua.

Bên cạnh đó là một ngôi nhà rộng chỉ còn nền xi măng, vốn là nhà tập trung của trại hè, với những bức tường dù nằm lẫn trong cây cỏ vẫn toát lên vẻ đẹp kỳ lạ.

Một công trình khác cũng khá tiêu biểu của người Pháp xây ở cốt 800m là khu cô nhi viện với những ô cửa, mái vòm. Và không chỉ có nhà thờ, khách sạn, biệt thự, trong nhiều tư liệu để lại cho biết người Pháp còn cho xây dựng cả một sân bay lên thẳng và nhà điều hành ở cốt 1.100m...

Tất cả những phế tích ở Ba Vì đều trùng khớp với những tư liệu lưu trữ ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia I. Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm, với khối lượng hàng nghìn trang tài liệu hành chính và các bản đồ quy hoạch và bản vẽ thiết kế về thị trấn Pháp ở Ba Vì có thể từng bước “vẽ” lại lịch sử Ba Vì từ gần 100 năm trước đến nay.

Cụ thể, từ cuối thế kỉ 19 người Pháp đã đến Sơn Tây cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc khác vì mục đích quân sự, trấn áp các cuộc nổi dậy của các nghĩa quân người Việt ở phía Bắc, đặc biệt trên núi Ba Vì.

Đến đầu thế kỉ 20, đã dần có sự xuất hiện của các điền chủ người  Âu, trong đó, người được ghi nhận là có trang trại và đồn điền sớm nhất trên núi Ba Vì là ông Marius Borel vào năm 1916 ở độ cao cốt 400m. Đồn điền Borel khá rộng lớn và có nhiều khu khác nhau trên toàn tỉnh Sơn Tây thời kì đó.

Bản đồ Quy hoạch Khu nghỉ dưỡng cốt 1.000m của Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn năm 1943.

Bản đồ Quy hoạch Khu nghỉ dưỡng cốt 1.000m của Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn năm 1943.

Năm 1943, Khu nghỉ dưỡng cốt 1.000m được quy hoạch theo Nghị định số 2815 ngày 5/4/1943 của Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn và thông báo bản đồ quy hoạch khu nghỉ dưỡng này. Khu nghỉ dưỡng cốt này gồm 2 khu đất phân lô và được quy hoạch chi tiết theo hai nghị định năm 1943. Các bản đồ, văn bản pháp quy và bản đồ quy hoạch, bản đồ phân lô hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ngoài ra, tài liệu lưu trữ còn cung cấp các chi tiết về phân lô, đấu giá đất, quy định về xây dựng và kiến trúc cho khu nghỉ dưỡng. Để phục vụ quá trình quy hoạch khai thác, chính quyền Pháp đã điều tra, nghiên cứu khá chi tiết về các điều kiện về lịch sử vùng đất, địa lí, thời tiết, dân cư, thổ nhưỡng…

“Sau nhiều năm, các công trình hầu như không còn hoặc chỉ còn lại dấu tích ở nơi đây. Các dấu tích mà hiện nay đang được coi là phế tích trên đỉnh Ba Vì là một những di sản cần được trân trọng và phát huy giá trị cho các thế hệ, không thể để chúng mãi là các phế tích, không để Ba Vì bị bỏ quên”, Giám dốc trung tâm lưu trữ Quốc gia I trăn trở.

Trải nghiệm quá khứ chính là ký ức tương lai

“Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa.

Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy”. Đó là những suy ngẫm của nhà sử học Dương Trung Quốc, một người rất quan tâm đến lịch sử và giá trị của những phế tích về thị trấn Pháp ở Ba Vì.

Câu chuyện làm thế nào để vừa bảo tồn vừa có thể phát huy được giá trị của “nàng công chúa ngủ trong rừng Ba Vì” đã khiến nhà sử học luôn trăn trở.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, điều bất hạnh cho dân tộc Việt Nam thời thuộc địa là ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, nhưng cũng có thể coi nền văn minh của nước Pháp đã làm thay đổi vùng đất Ba Vì là một điều may mắn.

Và những tìm tòi, nghiên cứu của nhà sử học không chỉ thể hiện một Ba Vì cực kỳ ấn tượng với người Pháp về nghỉ dưỡng mà còn mang những giá trị khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nặng lòng với những phế tích ở Ba Vì. Ảnh: CN.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nặng lòng với những phế tích ở Ba Vì. Ảnh: CN.

Ông Dương Trung Quốc khẳng định, khi còn là Thống sứ Bắc kỳ, Paul Bert đã mời nhà thực vật học Pháp danh tiếng Balansa đến khảo sát Ba Vì.

Đó là một nhà khoa học đã từng đi rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á và Bắc Phi. Đã phát hiện và sưu tập được rất nhiều loài, giống mới cho các vườn bách thảo, bảo tàng mà cảm nhận của ông khi khảo sát Ba Vì được gói trong một bức thư gửi cho người thân: “Thảm thực vật ở núi Ba Vì thật là vô tận…

Sau hơn một năm khảo sát, tôi vẫn chưa biết hết các loại thực vật ở đây. Ôi chưa bao giờ thấy một sự đa dạng như vậy! … Bắc bộ chắc chắn là nơi có thảm thực vật đa dạng nhất thế giới…Đây là một xứ sở tuyệt vời…”...

Cũng chính nhà khoa học Balansa được Viên thống sứ Bắc kỳ nhờ cậy sang xứ đảo Java (Indonesia) đưa giống cây Quinquinas về Đông Dương mà nơi trồng thử nghiệm đầu tiên chính là vùng người Dao sinh sống ở dưới chân núi Tản. 

Những nghiên cứu của ông Dương Trung Quốc cũng trùng lặp với tài liệu ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia I về một nhân vật tên là Marius Borel, một doanh nhân, người trồng cà phê một cách quy mô và khoa học sớm nhất ở Việt Nam, người đã chọn Ba Vì làm nơi lập nghiệp.

Marius Borel nhà canh tác được tặng Bắc đẩu bội tinh và giữ chức Phó Chủ tịch Phòng Nông nghiệp Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ. Trong khi khu vực rừng cây trong lõi Ba Vì được bảo tồn nghiêm ngặt, thì vùng ngoại vi dưới chân núi, cùng với việc quy hoạch trồng cây phủ xanh là việc lập những trang trại trồng trọt và chăn nuôi, khai thác lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất quanh Ba Vì thuộc 2 huyện Tùng Thiện và Bất Bạt.

“Riêng Borel đã lập 13 trang trại rộng tới hơn 2 ngàn ha để chăn nuôi  gia súc, gia cầm và trồng trọt các loại hoa màu cung cấp cho Hà Nội. Và dân sinh sống quanh vùng Ba Vì ngày càng đông theo chủ trương của chính quyền khuyến khích việc di dân, khai hoang lập ấp hay đồn điền ở vùng đất cao để thu hút cư dân đồng bằng vốn đông đúc lên sinh sống và lập nghiệp.

Đặc biệt, gắn với tên tuổi của Borel là những đồn điền trồng cà phê mà Balansa đã đưa về thử nghiệm thành công.

Khai thác lợi thế của đất đai và cả nguồn nhân công rẻ, Borel không chỉ mở rộng kinh doanh mà còn thu hút được nhiều người đến đầu tư tạo nên sự trù phú của một miền bán sơn địa vốn hoang sơ. Khởi đầu việc khai phá từ năm 1898 của Marius đến 1940, riêng ở Tùng Thện đã có 31 đồn điền, nhưng chỉ có 2 là nghiệp chủ người Việt”, những tìm tòi của ông Dương Trung Quốc thể hiện.

Thành công của các đồn điền Borel đã khởi đầu cho việc thực hiện mục tiêu của chính quyền là xây dựng một khu dân cư mang tính nghỉ dưỡng. Vào năm 1916, ông chủ đồn điền này được tỉnh Sơn Tây trao 15ha để quy hoạch một khu biệt thự mà tòa đầu tiên là chính của chủ đất. Khu biệt thự ở độ cao 400m ra đời từ đó.

Đến năm 1936, những thay đổi to lớn của công cuộc khai thác thuộc địa và sự hình thành khu quân sự quan trọng nhất ở Bắc kỳ, khiến chính quyền thực dân quyết định sẽ giành một không gian có giới hạn ở độ cao hơn ở cốt 600m phục vụ việc nghỉ dưỡng ưu tiên cho giới quân nhân và các tướng lĩnh.

Và một khu biệt thự nghỉ dưỡng kết hợp với cả nhu cầu phòng thủ khiến tại cốt 600m còn có cả bãi đậu dã chiến cho máy bay và ụ pháo khống chế cả một vùng rộng lớn có vị trí quân sự quan trọng dưới chân núi nhìn về ngã ba sông ở Bạch Hạc…

Đừng để phế tích ở Ba Vì chìm vào quên lãng... Ảnh: CN.

Đừng để phế tích ở Ba Vì chìm vào quên lãng... Ảnh: CN.

Bước ngoặt lịch sử mở ra và được đánh dấu bằng sự tàn lụi của khu nghỉ dưỡng đẹp đẽ này. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bảo vệ nền độc lập bùng nổ. Những biệt thự do người Pháp xây dựng ở Ba Vì, trải qua cuộc chiến đã trở thành phế tích.

“Ba Vì đã trở thành một khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt của nhà nước và sự hỗ trợ  giám sát bảo tồn của thế giới. Câu chuyện còn lại là dấu tích những nền nhà rải rác trong rừng sâu, ngoài cốt 400m nay đã thành một thị tứ khá sầm uất nhưng cũng vô cùng bừa bộn.

Ứng xử như thế nào để phục hồi lại những gì đã từng có nhưng để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của những người Việt Nam năm xưa khó đến được chốn này? Làm sao để du khách thế giới biết được một khu nghỉ dưỡng đẹp đẽ từng được xây dựng ở nơi đây với những câu chuyện lịch sử thăng trầm của những người cũng từ phương xa tới dựng lên chỉ để phục vụ cho chính họ…

Với sự thận trọng từng bước đã và đang được chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng một số nhà đầu tư tâm huyết  thử nghiệm với mong muốn sự phát triển luôn đi cùng sự bảo tồn và ngược lại. Chắc chắn để giải bài toán khó ấy, trải nghiệm của quá khứ chính là ký ức của tương lai sẽ giúp chúng ta rất nhiều cùng với sự phụ họa của Mẹ Thiên nhiên và sự phù trợ của thần linh của ngọn núi Ba Vì”, ông Dương Trung Quốc trăn trở.

Hơn ai hết, ông Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì là một trong những người mong mỏi đánh thức “người đẹp ngủ giữa rừng Ba Vì”. Ông Thế cũng là người đã có những đóng góp trong cuộc hành trình đi tìm những dấu tích của “thị trấn Pháp” khi còn là Trạm trưởng kiểm lâm từ hơn 10 năm trước.

“Phải đánh thức được tiềm năng của các phế tích Pháp ở Ba Vì bởi nếu cứ để như thế thì tiếc lắm. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, những cái gì còn hình hài của lịch sử, chứng tích lịch sử thì phải giữ lại để giáo dục truyền thống còn những cái gì phế tích hẳn thì phải xây dựng lại.

Tất nhiên việc xây dựng này phải trên cơ sở tôn trọng quá khứ, hài hòa với thiên nhiên, đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái của vườn quốc gia Ba Vì và có định hướng của các nhà sử học, các nhà khoa học...”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).