| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về người đầu tiên cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa

Thứ Ba 17/06/2014 , 08:25 (GMT+7)

Kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam rồi oang oang với thế giới rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc đã khiến người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vô cùng phẫn uất./ Kiên cường Lý Sơn

Bởi hiện nay, người dân đất đảo Lý Sơn đang giữ rất nhiều bằng chứng chứng minh Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Về địa lý, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nằm gần quần đảo Hoàng Sa nhất. Do đó, ngay từ đầu thế kỷ XVII thời vua Lê Kính Tông, những cư dân đất đảo đầu tiên đã vượt biển ra Hoàng Sa xác lập chủ quyền.

Những chuyến biển kiêu hùng

Một ngày tháng 6, trưa Lý Sơn nắng rát, nhưng sự hấp dẫn của những câu chuyện kể của ông Phạm Thoại Tuyền ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn), hậu duệ của cụ Phạm Hữu Nhật, nhân vật được cho là người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa đã khiến tôi quên mất cái nóng cháy người.

Nói có sách mách có chứng, những chi tiết bị quên, ông Tuyền mang cả sách ra đọc. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị việc phái người ra dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa.

 "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ", quyển 165 chép rằng, từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua hằng năm cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ.

Vua Minh Mạng phê trong bản tấu của Bộ Công rằng: Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày một tấc làm cột mốc…, Phạm Hữu Nhật được chọn phụng mệnh vua đi khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.

Cụ Nhật mang theo 10 bài gỗ làm dấu mốc, trên mặt bài khắc chữ “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ…”.

Ngày nay, trong câu chuyện truyền đời của dòng họ Phạm Văn ở xã An Vĩnh thì đó là những cuộc ra khơi hùng tráng. Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật dẫn đầu 5-6 chiếc thuyền thẳng tiến biển Đông.

Dân Lý Sơn thích nghi với biển giả, nên dù khi đó chưa có nghề đánh bắt hải sản như bây giờ nhưng ở Lý Sơn có rất nhiều binh phu liên tục ra vào Hoàng Sa như các ông: Võ Văn Hùng, Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật, Phạm Văn Sanh…

Hồi đó họ đi bằng những chiếc khinh thuyền, nhẹ tênh để dễ lướt gió. Phương tiện dự báo thời tiết không có nên phải trông trời, nhìn rễ cây thấy ra rễ non là biết sắp có bão tố để nấp.

“Ngoài làm nhiệm vụ thu lượm sản vật về dâng triều đình, cắm mốc và dựng bia chủ quyền, những hùng binh Hoàng Sa còn xây miếu, dò để biết biển chỗ nào nông, chỗ nào sâu và trồng cây trên đảo để làm dấu cho những chiếc thuyền ra Hoàng Sa sau này biết mà tránh mắc cạn”, ông Phạm Thoại Tuyền nói.

Hậu duệ dòng họ Phạm Văn ở An Vĩnh không biết rõ cụ Phạm Hữu Nhật đã đi Hoàng Sa bao nhiêu chuyến. Nhưng lần cuối cùng vào năm 1854, cụ “một đi không trở lại”, nên người trong họ đã an táng cụ bằng nấm mộ chiêu hồn với hình nhân thế mạng mà không có hài cốt thật.

 Tên Hữu Nhật được đặt cho một hòn đảo ở nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào tháng Hai âm lịch hằng năm, con cháu dòng họ Phạm Văn luôn nhớ đặt linh vị: “Phục vì vong Cao bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị” ở vị trí trang trọng.

Trước khi Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, người dân Lý Sơn và sử liệu còn ghi nhớ chuyện cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính và 5 chiến thuyền được lệnh làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý tại Hoàng Sa.

Đó là chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng của đội binh do Phạm Quang Ảnh dẫn đầu. Phạm Quang Ảnh được phong làm Thượng đẳng thần và được nhân dân An Vĩnh thờ cúng như Thành hoàng. Chỉ những câu chuyện về các tiền nhân dòng họ Phạm Văn và Phạm Quang ở xã An Vĩnh cũng đã là những bằng chứng xác thực và hùng hồn khẳng định rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Dù thời ấy không có chiến tranh, chưa có ai tranh giành chủ quyền, nhưng những người lính đi thực thi nhiệm vụ ở Hoàng Sa phải đối mặt với sóng to gió dữ nên không mấy ai đi mà trở về được. Do đó, vua Tự Đức đã tôn vinh nhưng binh phu đi Hoàng Sa là những hùng binh.

Càng khó khăn, càng phải kiên cường

“Năm ấy, Bộ Công tâu lên vua Minh Mạng mấy câu “Bổn quốc hải cương Hoàng Sa, tối thị hiểm yếu…” nói lên vai trò quan trọng của quần đảo thiêng liêng Hoàng Sa đối với đất nước, thấy ý nghĩa mấy câu này quá chính đáng nên vua Minh Mạng mới xem trọng việc lập đội hùng binh Hoàng Sa đi xác lập chủ quyền ngay từ thời đó”, ông Phạm Thoại Tuyền.

Bây giờ, ông Phạm Thoại Tuyền cũng như các hậu duệ của những tộc họ khác ở huyện đảo Lý Sơn cũng có tiền nhân tham gia đội hùng binh Hoàng Sa đang rất tự hào về những hy sinh của tổ tiên khi họ đã hiến thân để đất nước có Hoàng Sa hôm nay.

Điều họ rất tiếc là do có một thời bài trừ mê tín dị đoan, phong kiến, thần quyền… nên những tờ lệnh vua sai các bậc tiền nhân đi Hoàng Sa đã bị đốt hết.

“Nếu bây giờ chúng tôi còn giữ được những tờ lệnh và những giấy tờ liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa thì Nhà nước sẽ có thêm nhiều bằng chứng về chủ quyền tại quần đảo này”, ông Tuyền nói vẻ tiếc rẻ.

Theo ông Tuyền, hành động Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xua đuổi ngư dân Lý Sơn không cho đánh bắt trên vùng biển này là chà đạp lên vong linh của những hùng binh Hoàng Sa đã hiến cả mạng sống mình để thực thi chủ quyền trên quần đảo này từ hàng trăm năm trước.

“Hơn một tháng nay, ngày nào tôi cũng thắp nhang khấn tiên tổ, những hùng binh đã bỏ mạng khi thực thi nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền tại Hoàng Sa năm xưa linh thiêng ban cho vùng biển này có lại sự bình yên để bà con Lý Sơn yên ổn làm ăn trên ngư trường truyền thống ông cha để lại”, ông Tuyền nói.

Không chỉ khấn xin tiên tổ, ông Tuyền còn động viên con cháu trong dòng họ đang có tàu cá đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa đừng sợ tàu Trung Quốc, càng gặp khó khăn càng phải kiên cường bám biển để gìn giữ vùng biển thiêng liêng mà trong lòng nó đang giữ máu và xương cốt của tổ tiên.

“Ruộng năng canh, biển năng hành” mà chú. Nếu biển mình, mình không làm thì sẽ bị người khác chiếm mất”, ông Tuyền bộc bạch.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm