| Hotline: 0983.970.780

Cô gái hiến tạng 'hồi sinh' 6 cuộc đời mới

Chủ Nhật 25/09/2022 , 15:29 (GMT+7)

Người mẹ nén nỗi đau thực hiện di nguyện hiến tạng con gái bị tai nạn lao động, chết não, hồi sinh 6 cuộc đời mới từ tim, gan, thận, giác mạc của cô gái.

bs đọc lời tri ân

Bác sĩ đọc lời tri ân và dành 1 phút mặc niệm cô gái hiến tạng trước khi thực hiện lấy tạng hiến tặng cứu các bệnh nhân khác. Ảnh: BVCC.

Di nguyện hiến tạng của con gái

Cô gái 25 tuổi (quê Đồng Tháp) bị tai nạn lao động, té chấn thương sọ não nặng. Bàng hoàng, suy sụp khi bác sĩ thông báo con đã chết não, không thể phục hồi. Bệnh nhân chết não hoàn toàn sẽ được gia đình đưa về an táng hoặc có thể hiến tặng nội tạng. Lúc này, bà nhớ lại nhiều lần cô con gái kể về ý nguyện hiến tạng của mình nếu chẳng may có điều gì xảy ra và đã làm thẻ đăng ký hiến tạng với Trung tâm điều phối Quốc gia vào tháng 7/2020.

người mẹ

Người mẹ nhớ về cô con gái nhỏ vừa ra đi. Ảnh: BVCC.

Nén nỗi đau vào lòng, người mẹ quyết định thực hiện điều ước muốn cuối cùng của con gái là có thể chia sẻ những phần cơ thể còn có chức năng của mình để cứu cho những người mắc các bệnh hiểm nghèo. Ngày 19/8, bà đã gọi điện đến Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện ước nguyện của con.

Tâm nguyện của gia đình là có thể chia sẻ được tối đa những phần cơ thể của con gái cho nhiều người bệnh. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là người bệnh bị suy phổi phù hợp trong danh sách chờ ghép lại ở xa tận miều Bắc, thời gian thiếu máu của phổi không bảo đảm được khi di chuyển đoạn đường xa. Do đó, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận được 1 quả tim (ghép cho chàng trai 33 tuổi), 1 lá gan (ghép cho bệnh nhân suy gan nặng), 2 quả thận (ghép cho thiếu niên 15 tuổi và nữ bệnh nhân 28 tuổi) và 2 giác mạc, đây là món quà quý giá, mở ra cuộc đời mới cho 6 người bệnh trở về cuộc sống bình thường.

vận chuyển tim

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vận chuyển nguồn tạng hiến. Ảnh: BVCC.

Nhận quả thận hiến "từ người xa lạ"

Một trong những người may mắn nhận được phần tạng hiến phù hợp là cậu bé 15 tuổi (ở Đồng Nai) bị suy thận giai đoạn cuối ba năm nay điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).

Bệnh nhi là con út trong gia đình ba anh em, phát bệnh từ năm 2020 với chẩn đoán bệnh viêm cầu thận mạn, khả năng xơ hóa cầu thận khu trú từng phần tiến triển, chưa loại trừ hoàn toàn bệnh thận IgA. Do suy thận nên lớp 7 cậu bé phải nghỉ học để điều trị bằng thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng), sau đó chạy thận nhân tạo một tuần ba lần, không còn nước tiểu. Bố của em dự định hiến thận, song do lớn tuổi, làm bảo vệ, lại là lao động duy nhất trong gia đình nên bác sĩ đã đăng ký cho em vào danh sách chờ ghép thận từ người hiến chết não, từ tháng 10/2020.

Đến chiều 20/8, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy báo tin có người chết não hiến tạng, phù hợp với các chỉ số của bệnh nhi này để ghép. Ngay lập tức, Bệnh viện Nhi đồng 2 kích hoạt báo động đỏ chuẩn bị về chuyên môn, liên hệ người nhà, huy động nguồn tài trợ từ cộng đồng hỗ trợ viện phí cho ca ghép do hoàn cảnh bệnh nhi khó khăn.

Bệnh nhi ngay sau đó từ Đồng Nai nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong khi đó, thận từ người hiến được chuyển từ Bệnh viên Chợ Rẫy sang Bệnh viện Nhi đồng 2 chiều hôm sau.

Empty

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca ghép thận cho bệnh nhi từ người cho chết não hiến tặng.

Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh Nhi đồng 2, nguồn tạng lần này từ Bệnh viện Chợ Rẫy điều phối, chỉ cách Bệnh viện Nhi đồng 2 chưa đến 10 km, nên có sự thuận lợi về yếu tố địa lý, thận không phải bảo quản lâu nên đảm bảo chất lượng hơn. Người hiến lần này không cùng huyết thống với người được ghép, vì vậy cần phải sàng lọc tìm người thay phù hợp. Với các ca ghép từ người sống, kíp mổ có bức tranh rõ ràng hơn qua thăm khám để nhận diện các hình ảnh mạch máu, phục vụ kiểm soát khi lấy và ghép. Với người hiến trong trường hợp này, kíp mổ không thể biết trước để phác họa rõ ràng, ngoài ra, điều thuận lợi trong ca này là bệnh nhi 15 tuổi, người hiến 25 tuổi, có sự tương thích về tạng. Nếu cả hai chênh lệch nhiều về tuổi tác, trọng lượng thì ca phẫu thuật ghép và hồi sức rất vất vả, người nhận ghép có thể suy tim, phù phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Chiều 21/8, ca ghép thận ở bệnh nhi từ người hiến chết não được thực hiện hơn 3 giờ. Đây là ca ghép thận thứ 23 được thực hiện tại bệnh viện Nhi Đồng 2, đồng thời là ca ghép thành công ở trẻ em từ người hiến chết não. Bệnh nhi đầu tiên được ghép thận từ người hiến chết não tại bệnh viện, cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam, được vận chuyển từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức ở Hà Nội vào cuối năm 2018.

Xúc động khi con trai được cứu sống nhờ thận hiến từ “một người xa lạ”, cũng như sự nỗ lực của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, người mẹ tần tảo không biết nói gì mà chỉ nắm lấy tay con mà nước mắt lưng tròng. “Gia đình tôi không thể diễn tả thành lời, xin tri ân người hiến tạng và các y bác sĩ đã sinh ra con tôi lần thứ hai, con sẽ không phải hàng tuần đi chạy thận như trước đây", người mẹ xúc động nói.

Empty

Ca phẫu thuật diễn ra 3 giờ 15 phút.

Bác sĩ Võ Thị Tường Vy, Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, nhờ kinh nghiệm ngày càng dày dặn trong ghép thận cho trẻ em, dụng cụ mổ hiện đại, ca ghép thực hiện thành công. Ngay trong phòng mổ, bệnh nhi có nước tiểu ngay và lượng nước tiểu ngày càng tăng dần, chức năng thận cải thiện, thận ghép không ứ nước. Bé ăn uống lại từ ngày đầu tiên sau mổ, xuất viện sau hai tuần nằm viện.

Theo bác sĩ Vy, tuần thứ 4 sau ghép, bé sẽ được rút Catheter thẩm phân phúc mạc và thực hiện tái khám 3 ngày trong tháng đầu, sau đó mỗi tháng/lần. Bé có thể trở về cuộc sống gần như bình thường, có thể đi học lại sau 6 tháng và thực hiện được mơ ước của mình. Tuy nhiên, phải theo dõi sát và sinh thiết thận ghép khi có dấu hiệu nhiễm trùng và nhiễm siêu vi cơ hội vì sử dụng thuốc chống thải ghép.

Giáo sư Trần Đông A, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thống kê đến nay Việt Nam đã ghép được trên 6.500 bệnh nhân, và số người cho chết não khoảng 5% “rất ít”. Hiện, Việt Nam chưa cho phép trẻ dưới 18 tuổi chết não hiến tạng như nhiều nơi trên thế giới, số bệnh nhi ghép tặng vì vậy chưa nhiều, chủ yếu thực hiện từ người cho còn sống.

Bệnh viện Nhi đồng 2 là nơi ghép tạng cho trẻ em duy nhất ở khu vực phía Nam, bắt đầu triển khai ghép thận từ năm 2004, ghép gan từ năm 2005, đến nay chỉ thực hiện chưa đến 50 trường hợp. Tuy nhiên, từ trước đến nay, bệnh viện thường thực hiện các ca ghép thận ở người cho sống. Nguồn tạng có sự giới hạn, không nhiều bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế. Đó là trở ngại đối với nhiều gia đình không có điều kiện hoặc người hiến có bệnh lý, trong khi nhu cầu ghép thận ở trẻ em hiện nay nhiều và có chiều hướng tăng.

Theo GS Đông A, ghép thận là phương pháp thay thế thận tối ưu trong điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối. Chạy thận nhân tạo, người bệnh phải vào viện liên tục, trường hợp thẩm phân phúc mạc phải ở nhà thay xả dịch vài giờ một lần. Nếu được ghép thận, trẻ có thể đi học, cải thiện sức khỏe, cao lớn, sinh hoạt bình thường. Nhiều bệnh nhi sau ghép thận hiện đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình, sinh con khỏe mạnh. Nguồn tạng nói chung, và thận nói riêng từ người cho chết não là vô cùng quý báu, đồng thời là xu hướng chung trên thế giới. Điều này nên được duy trì và phổ biến trong văn hóa hiến tạng ở Việt Nam.

bệnh nhân

Anh N. được xuất viện sau khi ghép tim từ người hiến là cô gái 25 tuổi. Ảnh: BVCC.

Nhờ nguồn tạng hiến của cô gái 25 tuổi, bé trai 15 tuổi được nhận 1 quả thận để ghép đã khỏe và được xuất viện. Bệnh nhân ghép thận người lớn, hai người bệnh ghép giác mạc đã tái khám với kết quả rất tốt. Riêng người bệnh ghép gan do tình trạng bệnh nặng nên hiện vẫn đang được theo dõi và điều trị tích cực. 

Trưa ngày 13/9, anh N. người may mắn nhận được “món quà thiêng liêng” của cô gái 25 hiến đã được xuất viện. Chia sẻ trước khi xuất viện, anh N xúc động nghẹn ngào nói: “Tôi xin chân thành cảm ơn, gửi lời tri ân sâu sắc tới người đã hiến cho tôi quả tim. Cảm ơn gia đình người hiến đã cho tôi được nhận quả tim này để có lại cuộc sống bình thường. Tôi cũng xin cám ơn đội ngũ y bác sĩ đã tận tâm chăm sóc tôi trong thời gian qua. Tôi xin hứa là sẽ cố gắng giữ gìn quả tim này để không phụ lòng kỳ vọng của mọi người đã dành cho tôi”, anh N nói.

Với thành tích xuất sắc ghép thận thành công cho bệnh nhi 15 tuổi từ người hiến chết não, ngày 17/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tặng bằng khen cho tập thể Bệnh viện Nhi đồng 2. Chủ tịch UBND TP.HCM gửi gắm mong muốn ngành y tế cùng nhau thực hiện đưa TP.HCM thành trung tâm đào tạo chuyên sâu về y tế ngang tầm thế giới. “Ghép tạng là lĩnh vực quan trọng hiện nay và cần được đầu tư phát triển. Hiện nay trung tâm ghép tạng của Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa khởi công nên cố gắng hoàn thành đúng tiến độ, song song đó, cần chuẩn bị nhân lực và các yếu tố khác để kịp thời vận hành ngay sau khi hoàn thiện”, ông Mãi nói.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả xoài

Xoài là loại cây quen thuộc với người Việt, thường được trồng làm bóng mát trong gia đình và khu dân cư. Quả xoài được yêu thích bởi hương thơm và vị ngọt đặc trưng.