| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội nào cho ngành chăn nuôi giai đoạn 'hậu Covid-19'?

Thứ Tư 29/09/2021 , 08:30 (GMT+7)

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn đã nhận định cơ hội phục hồi thị trường chăn nuôi những tháng cuối năm, cũng như chiến lược vươn ra thị trường quốc tế.

Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam những năm qua liên tục tăng trưởng với mức tăng bình quân 13 - 15%/ năm trong 10 năm liên tiếp.

Đến năm 2020, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam đã đạt 20,3 triệu tấn, trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 Đông Nam Á về sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, xếp trên Thái Lan và Indonesia.

Các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn chưa có đóng góp về xuất khẩu tương xứng với tiềm năng. Ảnh: TL.

Các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn chưa có đóng góp về xuất khẩu tương xứng với tiềm năng. Ảnh: TL.

Trong khi đó, ngành chăn nuôi dù là lĩnh vực sản xuất chủ lực của Việt Nam, với mức tăng trưởng ấn tượng từ 5-6 %/năm. Tuy nhiên, đến nay đóng góp về các sản phẩn chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 40 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2020, chăn nuôi đóng góp chưa tới 1 tỷ USD và chưa có mặt trong 10 ngành hàng trong nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD... Năm 2021, ngành chăn nuôi lại đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn đã trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những cơ hội phục hồi thị trường chăn nuôi những tháng cuối năm, cũng như triển vọng đầu tư, vươn ra xuất khẩu mạnh mẽ hơn nữa các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. 

Có thể tụt nguồn cung một số sản phẩm chăn nuôi cuối năm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, nhất là gia cầm công nghiệp. Hoạt động của toàn chuỗi sản xuất ngành chăn nuôi đứt gãy. Ông đánh giá thế nào về triển vọng phục hồi thị trường sản phẩm chăn nuôi những tháng cuối năm 2021? Liệu có thể xảy ra tình trạng khan hiếm sản phẩm hay không?

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: ST.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: ST.

Hiện nay, theo thống kê, đánh giá từ các trang trại chăn nuôi, vướng mắc lớn nhất thời điểm hiện tại là ở khâu tiêu thụ. Số lượng lớn sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa tiêu thụ được. Nguyên nhân do đa phần các nhà máy giết mổ nằm trong khu vực trung tâm TP. HCM, khu đông dân cư, "vùng đỏ", dẫn tới hầu hết các nhà máy giết mổ bị phong tỏa, đóng cửa.

Một mặt, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, nhất là trứng, thịt đều tụt mạnh, nhất là công nhân các doanh nghiệp ngừng hoạt động nên tiêu thụ giảm mạnh. Việc đưa được sản phẩm đến các nhà máy giết mổ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Với tình hình như hiện tại, dự kiến trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2021 vấn đề khan hiếm thực phẩm có thể xảy ra. Vì hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng để giữ ổn định hệ thống. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang đối diện với vấn đề khan hiếm lực lượng công nhân để khôi phục sản xuất, do số lượng lớn công nhân ở các tỉnh đã trở về quê tránh dịch bệnh.

Đây là những vấn đề mà thị trường sản phẩm chăn nuôi đang gặp phải trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Để khắc phục tình trạng này, theo tôi đầu tiên cần tập trung giải quyết số lượng sản phẩm chăn nuôi còn tồn ở các trang trại. Hai là nhanh chóng ổn định sản xuất, nhất là vấn đề lực lượng lao động. Xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết cho hoạt động sản xuất trong các tháng cuối năm 2021.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT thăm dây chuyền chăn nuôi gia cầm của Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: TL.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT thăm dây chuyền chăn nuôi gia cầm của Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: TL.

Vậy bản thân doanh nghiệp của ông đã có sự chuẩn bị như thế nào để phục hồi sản xuất kinh doanh vào các tháng cuối năm, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát?

Nhận thấy dịch bệnh Covid-19 sẽ có những diễn biến phức tạp, nên ngay từ ban đầu công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất để thích ứng với tình hình chung.

Trong đó, công ty tập trung áp dụng hình thức sản xuất “3 tại chỗ”, kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu đầu vào của công ty. Tự tổ chức các bếp ăn tập thể, chủ động nguồn thức ăn cho người lao động theo tinh thần “tự cung, tự cấp”, hạn chế việc đi chợ, vì đây là nơi nguy cơ cao có thể lây lan dịch bệnh.

Công ty cũng đã tiến hành tiêm vacxin, chuẩn bị sẵn các khu nhà ở, khu giãn cách, động viên, khích lệ tinh thần đội ngũ cán bộ, công nhân viên, công nhân của công ty an tâm sản xuất.

Nhờ đó, trong 4 tháng vừa qua, trên 95% lực lượng lao động của Tập đoàn Hùng Nhơn vẫn ở lại thực hiện làm việc “3 tại chỗ”. Mặc dù chi phí cho việc thực hiện “3 tại chỗ” rất tốn kém, nhưng cơ bản vẫn đảm bảo giúp công ty luôn là “vùng xanh” để ổn định sản xuất.

Nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn ra xuất khẩu

Với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, quy mô ngành chăn nuôi, nhất là gia cầm, lợn như hiện nay, nhiều đánh giá cho rằng với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam đã bão hòa sản phẩm chăn nuôi. Và dù muốn hay không, trước sau chúng ta vẫn phải vươn ra thị trường toàn cầu. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Dù muốn hay không, các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam cần sẵn sàng để vươn ra thị trường toàn cầu. Ảnh: Nguyên Huân.

Dù muốn hay không, các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam cần sẵn sàng để vươn ra thị trường toàn cầu. Ảnh: Nguyên Huân.

Không phải đến hiện tại, mà cách đây 5 năm, chúng tôi đã có dự báo và tính toán vấn đề thị trường trong nước sẽ bị bão hòa. Sở dĩ có điều này là do nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đổ xô vào thị trường Việt Nam, dẫn tới nguồn cung sản phẩm chăn nuôi trở nên dồi dào, trong khi lượng tiêu thụ của người dân dần hạn chế.

Hiện nay, mặc dù thị trường trong nước bão hòa, nhưng với định hướng xa hơn, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang bị gián đoạn, chúng ta tập trung ổn định sản xuất, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ là giải pháp tối ưu nhất. 

Thị trường càng bão hòa thì mức độ cạnh tranh sẽ càng khốc liệt. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có những bước đi chắc chắn, tập trung vào các yếu tố kỹ thuật, hướng theo các tiêu chuẩn Châu Âu, tiêu chuẩn khắt khe nhất.

Việc đưa sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu ra thị trường thế giới là việc sẽ phải diễn ra do thị trường nội địa lượng tiêu thụ sẽ dần bị hạn chế. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cụ thể, bài bản cho việc đưa sản phẩm tham gia xuất khẩu đi thị trường nước ngoài.

Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần chú ý tới hàng rào kỹ thuật, nâng cấp hệ thống nhà máy sản xuất, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Đưa vào sản xuất các tiêu chí cao nhất, để nếu có bão hòa trong vòng 2 đến 3 năm tới thì đều có thể chủ động trước sự yêu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường chăn nuôi bão hòa, cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường chăn nuôi bão hòa, cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: TL.

Chuyên môn hóa trong chăn nuôi

Hiện nay, việc hình thành các mối liên kết hợp tác theo chuỗi ngành hàng đang được ngành nông nghiệp rất quan tâm, trong đó chú trọng đẩy mạnh mối liên kết giữa các doanh nghiệp với HTX và nông dân. Vậy, Tập đoàn Hùng Nhơn đã và sẽ có những kế hoạch như thế nào về việc mở rộng mối liên kết này thưa ông?

Hiện nay, theo cách mà Tập đoàn Hùng Nhơn đang làm thì người nông dân đang được hưởng lợi rất lớn trong hệ thống chuỗi liên kết. Tuy nhiên, để người nông dân, HTX hình thành, hoạt động bài bản được như một công ty đòi hỏi phải có thời gian.

Vấn đề lớn nhất là làm sao để người nông dân, HTX vận hành được trong hệ thống chuỗi và được hưởng lợi trong chuỗi như thế nào. Điều này đòi hỏi phải có cách làm rất quyết liệt, đồng bộ của nhiều bộ, ngành, UBND các tỉnh…

Hiện nay các HTX của chúng ta quy mô còn nhỏ, may mún nên thời gian tới, Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ cho người nông dân cách tăng sức đóng góp trong mối liên kết chuỗi. Đây là một việc làm nan giải nhưng với sự cố gắng, chắc chắn chúng ta có thể làm được.

Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công dự án tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Đăk Lăk năm 2020. Ảnh: TĐL.

Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công dự án tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Đăk Lăk năm 2020. Ảnh: TĐL.

Hiện nay, Tập đoàn Hùng Nhơn chỉ chuyên môn hóa về mảng sản phẩm chăn nuôi, liệu việc này có làm giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp hay không? Ông có thể chia sẻ tại sao Hùng Nhơn lại chọn hướng đi này thay vì tự mình làm tất cả các khâu trong chăn nuôi?

Theo tôi, để phát triển theo chuỗi thì chúng ta nên tập trung vào những yếu tố thế mạnh mà mình đang có. Khi chuỗi liên kết trở nên bền chặt, tất cả các mắt xích sẽ không thể tách rời nhau, chúng sẽ kéo nhau vận động không ngừng.

Doanh nghiệp có kinh nghiệm ở mảng nào thì nên tập trung phát triển mảng đó. Khi các doanh nghiệp tiến hành liên kết lại với nhau kinh nghiệm, sở trường của từng đơn vị trong từng mảng sẽ được phát huy tối đa.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu chúng ta làm một mình thì khó có thể khôi phục sản xuất vì phải giải quyết rất nhiều bài toán như tài chính, thị trường, nhân lực…

Vì thế Hùng Nhơn chọn cách hợp tác với các doanh nghiệp khác để tạo chuỗi liên kết, điều này sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng và tiến xa hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Cây mía Cù Lao Dung tìm lại thời vàng son

Sóc Trăng Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp tạo điều kiện đưa cây mía Cù Lao Dung về lại thời vàng son.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.