| Hotline: 0983.970.780

Có người tử vong vì chó dại cắn, Tây Ninh quyết chặn từ xa

Thứ Bảy 08/04/2023 , 16:39 (GMT+7)

Tây Ninh đang vào mùa khô, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao… là thời điểm thuận lợi khiến bệnh dại trên chó, mèo có khả năng bùng phát và lây lan mạnh.

Đã có người tử vong vì bệnh dại

Theo Chi cục Thú y và Chăn nuôi Tây Ninh, trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 ca bị chó dại cắn, khiến 1 người tử vong.

Đó là trường hợp của người đàn ông tên N. (47 tuổi, quê Gò Dầu, Tây Ninh), được chuyển từ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM vào ngày 19/3. Theo gia đình, trước đó một tháng, ông N. đi câu cá thì có vớt một con chó rớt xuống mương nước. Không may, ông N. bị con vật đang trong cơn hoảng loạn cắn vào người. Tại bệnh viện, dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức, ông N. vẫn không qua khỏi vì đã phát bệnh dại.

Các bác sĩ thông tin, nguyên nhân do người bị chó cắn không tiêm vaccine, đã nhiễm virus dại nên rất khó lòng cứu chữa.

Số liệu công bố của CDC tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2020, Tây Ninh chỉ có 4 ổ dịch bệnh dại và có 3 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. Năm 2021, đã phát hiện 3 ổ dịch dại động vật và không có ca tử vong. Năm 2022 tổng số người tiêm dự phòng vaccine dại là 12.474 người, cả tỉnh đã xảy ra 3 ổ bệnh tại thị xã Hoà Thành và TP Tây Ninh.

Nhằm ngăn chặn bệnh dại trên chó mèo, ngành chăn nuôi và thú y Tây Ninh đang thực hiện nhiều biện pháp để phòng bệnh từ xa. Ảnh: Lê Bình.

Nhằm ngăn chặn bệnh dại trên chó mèo, ngành chăn nuôi và thú y Tây Ninh đang thực hiện nhiều biện pháp để phòng bệnh từ xa. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus dại phát triển mạnh, dễ lây lan. Từ đầu tháng 3/2023, lực lượng thú y TP Tây Ninh đã phối hợp với các phường, tiêm hơn 300.000 mũi vaccine phòng bệnh dại cho chó mèo.

“Tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến hiện tại vẫn không có đột biến. Thế nhưng rõ ràng với những số liệu trong 3 tháng đầu năm 2023, nhất là trong bối cảnh thời tiết có lợi cho bệnh dại phát triển, Sở NN-PTNT đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh có diễn tiến phức tạp trong cộng đồng”, ông Nguyễn Đình Xuân thông tin.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại chủ yếu là chưa tiêm vaccine và thường gặp ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại.

Ngăn ngừa dại từ xa

UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định về phòng chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030. Sở NN-PTNT cũng đã ban hành kế hoạch triển khai đến TP và các quận huyện về việc triển khai bắt chó thả rông.

Khoảng 2 tuần trở lại đây, nhờ tăng cường tuyên truyền, tình trạng chó mèo thả rông tại địa bàn TP Tây Ninh giảm đáng kể. Cụ thể, không còn cảnh chó chạy rông, vật nuôi được dắt theo chủ nơi công cộng cũng được rọ mõm… Nhờ đó, thời gian qua, tình trạng chó mèo cắn trên địa bàn TP cũng giảm đáng kể.

Từ đầu tháng 3/2023, lực lượng thú y TP Tây Ninh đã phối hợp với các phường xã, chích ngừa 300 liều vaccine ngừa dại cho chó mèo trên địa bàn.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, công tác quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó hoặc sổ quản lý chó, mèo sẽ do UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp thực hiện, dưới sự tham vấn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh thông tin: Trong năm 2023, tỉnh Tây Ninh sẽ triển khai thực hiện bắt chó chạy rông với 90 chuyến trên các địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Mô hình bắt chó thả rông được Tây Ninh áp dụng dựa trên các mô hình của TP Hà Nội và TP. HCM đạt hiệu quả trong thời gian qua.

Sở NN-PTNT Tây Ninh cũng tăng cường giám sát, kiểm tra các tụ điểm buôn bán chó, vận chuyển chó mèo không đảm bảo an toàn… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn bệnh dại ở chó lây lan. Ảnh: Lê Bình.

Sở NN-PTNT Tây Ninh cũng tăng cường giám sát, kiểm tra các tụ điểm buôn bán chó, vận chuyển chó mèo không đảm bảo an toàn… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn bệnh dại ở chó lây lan. Ảnh: Lê Bình.

Mới đây, Chi cục Thú y và Chăn nuôi Tây Ninh cũng đã tổ chức các lớp tập huấn “Công tác phòng chống bệnh dại và công tác bắt chó thả rông 2023” nhằm chủ động phòng chống bệnh dại có nguy cơ mất kiểm soát và giảm tỉ lệ tử vong do dại.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh nhận định, không loại trừ khả năng trên địa bàn Tây Ninh tiềm ẩn sự lưu hành của bệnh dại động vật và nguy cơ lây lan là rất cao.

“Do đó, để phòng ngừa bệnh  dại, trong thời điểm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và CDC Tây Ninh khuyến cáo người dân tiêm phòng cho chó, mèo; nuôi nhốt chó trong nhà. Nếu ra nơi công cộng cần phải rọ mõm, đeo xích cổ và có người dắt. Ngoài ra, chủ nuôi cần thường xuyên quan tâm theo dõi sức khỏe chó nuôi, khi có dấu hiệu bất thường, đề nghị báo ngay cho cơ quan thú y để kịp thời xử lý”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh khuyến cáo.

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, số hộ nuôi chó mèo được quản lý đạt > 90%; Số huyện, thị xã, thành phố giám sát được chó mèo nghi mắc bệnh dại cũng đạt > 90%... Theo đó, cơ bản là tỉnh kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo.

Cần làm gì khi bị chó, mèo cắn?

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM cho biết: Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. “Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, "đoạn đường" di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn”, bác sĩ Khanh lý giải.

Theo đó, khi bị chó, mèo cắn hoặc nghi ngờ có tiếp xúc với chó, mèo có nhiễm dại, cần: ngay lập tức rửa vết thương với xà phòng và nước trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, nếu có. Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị càng sớm càng tốt.

Lưu ý, tránh sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm. Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải được điều trị dự phòng bằng vacxin dại. Khoảng 60.000 - 70.000 người tử vong vì căn bệnh này, chủ yếu được báo cáo ở các nước thuộc vùng nhiệt đới.

Hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm virus dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại cắn là tiêm vaccine dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.