| Hotline: 0983.970.780

Có những ngôi nhà đẹp nhất Tây Nguyên

Thứ Ba 05/09/2023 , 15:00 (GMT+7)

Ở Tây Nguyên còn lưu giữ không ít những ngôi nhà tuyệt đẹp, trong đó không thể không nhắc đến những ngôi nhà rông ở xã Hà Tây thuộc huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Ngôi nhà rông bao quanh là trùng điệp rừng cao su, vườn cây ăn quả. Ảnh: Đăng Lâm.

Ngôi nhà rông bao quanh là trùng điệp rừng cao su, vườn cây ăn quả. Ảnh: Đăng Lâm.

Chuyện buồn ở “ngôi làng cổ tích”

“Làng Kon Sơ Lăl ở xã Hà Tây đẹp lắm, cái nhà rông truyền thống của làng cũng rất bề thế. Anh em mình vào đó một chuyến nhé”. Khó cưỡng lại lời rủ rê của cô đồng nghiệp ở Báo Gia Lai, vậy là đi.

Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến xã Hà Tây, vào khoảng cuối tháng 2/2011.

Hai anh em phóng xe máy tầm trên sáu mươi cây số từ thành phố Pleiku, khoảng mười giờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở làng Kon Sơ Lăl. Thực ra thì từ năm 2002, đây không còn là làng nữa bởi nó đã được chuyển ra ngoài cách đó khoảng ba cây số, gần trung tâm xã - theo chủ trương của Nhà nước. Ngôi làng vắng vẻ tịnh không bóng người, nhưng tôi vẫn cảm nhận ra rằng, ở đây đang có một mạch sống tuôn chảy hết sức yên bình.

Đã gần mười năm từ khi dời làng - là kể từ đầu năm 2011 ấy, nhưng những ngôi nhà ở đây hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Những ngôi nhà hoàn toàn không có một sự sắp xếp nào như khái niệm “làng Văn hóa” mà tôi thường gặp. Hay đúng hơn, đó là một sự sắp xếp hết sức tự nhiên và vô cùng khoa học của người Tây Nguyên tự ngàn đời nay: Giữa làng là nhà rông bề thế, một bề khoảng mười bốn mét, một bề gần mười mét với nguyên liệu hoàn toàn lấy từ rừng: Cột gỗ, sàn gỗ, vách liếp được đan bằng cây nứa, mái lợp tranh săng… Tuyệt không tìm thấy một thứ gì bằng kim loại, dù chỉ một chiếc đinh. Quy tụ quanh nhà rông là những ngôi nhà sàn truyền thống của người BahNar cũng không kém phần bề thế, cũng nguyên liệu hoàn toàn từ rừng. Ngày đó, cả làng có 85 ngôi nhà thì chỉ có 5 nhà mái lợp ngói (một nhà nguyện và bốn nhà dân), còn toàn bộ được lợp bằng tranh săng. Có không ít những ngôi nhà sàn mà vách được làm bằng đất sét trộn với rơm, lên màu đỏ tươi…

Một góc nhà rông với các thiết bị điện tử hiện đại, phục vụ sinh hoạt văn hóa cho thanh niên trong làng. Ảnh: Đăng Lâm.

Một góc nhà rông với các thiết bị điện tử hiện đại, phục vụ sinh hoạt văn hóa cho thanh niên trong làng. Ảnh: Đăng Lâm.

Ngôi nhà rông sừng sững giữa làng, như bếp lửa linh thiêng luôn âm ỷ quanh năm. 85 ngôi nhà của dân làng như 85 đôi bàn tay nắm chặt lấy nhau, bao quanh ngôi nhà rông, như vòng xoang mở rộng, thể hiện sự quần tụ, đoàn kết của dân làng.  

Đây mới đích thực là một ngôi làng truyền thống bởi không hề có sự sắp đặt của khái niệm “văn hóa”. Hay nói đúng hơn, cái văn hóa ở đây đã thể hiện qua cách bố trí tổng thể một cách tự nhiên của ngôi làng với trung tâm là nhà rông, xung quanh là những ngôi nhà sàn mọc lên mà không hề theo một thứ tự nào. Chính cái sự “không thứ tự” ấy làm cho ngôi làng ấm cúng hơn, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân làng trong việc chung lưng chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với núi rừng thâm u huyền bí ẩn chứa bao rình rập hiểm nguy…

Và tôi gọi làng Kon Sơ Lăl - ngày ấy, là “Ngôi làng cổ tích”…

Thế rồi, chuyện buồn bất ngờ ập đến với dân làng Kon Sơ Lăl, đó là vào một buổi chiều giông gió ngày 29/4/2015. Hôm ấy, cơn giông lớn kèm sấm sét đã đánh trúng vào một ngôi nhà trong làng. 20 ngôi nhà dân bốc cháy ngùn ngụt, lửa bén sang ngôi nhà rông được dựng bằng gỗ trắc. Cũng may là sau đó, trời đổ cơn mưa lớn nên những trụ gỗ trắc không bị trận hỏa hoạn thiêu rụi, nhưng ngôi nhà rông thì chỉ còn trơ khung gỗ.

Thời điểm đó, gỗ trắc rất có giá trị nên thiệt hại ước đến cả chục tỷ đồng. Sau trận hỏa hoạn ấy, nhiều người tìm đến tận làng, hỏi mua những cây gỗ trắc chưa bị cháy, hoặc đã bị cháy sém một phần.

Nỗi buồn rồi cũng dần nguôi ngoai bởi sau một thời gian dài nghị bàn để cuối cùng, già làng cùng những người già minh triết nhất của làng, thống nhất với dân làng nhất trí bán số cột gỗ trắc của nhà rông với giá 4 tỷ đồng, chỉ giữ lại 4 cây cột gỗ trắc to nhất để dựng nhà rông mới.

Đó là chuyện của nhiều năm về trước.

Ông Biên, Chủ tịch UBND xã Hà Tây: “Ở đây, tỷ lệ người dân tộc BahNar chiếm đến 96%. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, khoảng cách từ xã ra trung tâm thành phố Pleiku đến hơn 60km, nhưng nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người bản địa như cồng chiêng, nghệ thuật đi cà kheo, và đặc biệt là những mái nhà rông truyền thống do chính công sức của người dân trong các làng dựng lên”.

Cũng theo ông Biên thì xã đang được giao quản lý, bảo vệ 2.500ha rừng. Nguồn tiền giao khoán, bảo vệ rừng hàng năm cũng giúp cho bà con đỡ khó khăn. Với 1.075 hộ song hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ khá cao, lên đến gần 1/3, theo đó xã đang thực hiện nhiều chương trình lồng ghép, nhằm hỗ trợ người dân cải thiện, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, trong đó có đầu tư phát triển ngành du lịch.

Niềm kiêu hãnh của làng

Cách đây khoảng hai tháng, tôi có dịp trở lại với Kon Sơ Lăl.

Ông Dữu, phó già làng hiện tại tiếp chúng tôi trong căn nhà rông bề thế ngay giữa làng. Chầm chậm rít một hơi thuốc dài, chầm chậm nhấp vài hớp rượu cần, ông Dữu kể về quá trình dựng lại căn nhà rông mới này.

Tác giả trước ngôi nhà rông mới Kon Sơ Lăl. Ảnh: Đăng Lâm.

Tác giả trước ngôi nhà rông mới Kon Sơ Lăl. Ảnh: Đăng Lâm.

Phải mất hơn một năm chuẩn bị với nhiều thủ tục trình lên cấp trên để xin khai thác gỗ, rồi vào rừng chọn cây…, đến năm 2008 nhà rông mới đã hoàn thành sau hơn sáu tháng thi công, ngay trên nền đất của làng mới (chuyện là trước đó, năm 2002, làng Kon Sơ Lăh được vận động di dời ra trung tâm xã để tiện cho việc đi lại, khám chữa bệnh, tiện việc học hành của con trẻ…).

Ông Dữu kể, để làm được ngôi nhà rông mới này, thanh niên trẻ khỏe, khéo tay thì vào rừng chọn gỗ, đẽo cây. Phụ nữ trong làng được phân công mỗi người góp bốn bó tranh để lợp mái. Những ống nứa từ rừng mang về, được chẻ ra, khéo léo đan thành những tấm liếp lớn, dựng lên làm vách, 4 cây cột gỗ trắc còn giữ lại từ nhà rông ở làng cũ, nay được dựng ở 4 góc chính của nhà rông mới… Hơn sáu tháng làm nhà rông là hơn sáu tháng cả làng Kon Sơ Lăl như có hội lớn. Từ người già đến con trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ, ai ai cũng có phần việc của mình - nhất nhất theo sự phân công của già làng.

Nhà rông mới rộng hơn nhà rông ở làng cũ, đủ sức cho hơn trăm người ngồi. Khánh thành nhà rông mới, làng quyết định mở hội lớn”, ông Dữu kể.

Số tiền bán cột gỗ trắc được 4 tỷ đồng trước đó, người làng mua máy cày, máy tuốt lúa đặt ngay bên cạnh nhà rông, người trong làng có nhu cầu xay xát, tuốt lúa chỉ phải trả ít tiền công, tiền dầu chạy máy. Một xe cấp cứu cũng được mua mới để giúp người làng khi ốm đau tiện cho việc chuyển lên tuyến trên. Còn lại một tỷ đồng được đem gửi ngân hàng lấy lãi dùng vào việc công. Trong làng hễ ai ốm đau đều được hỗ trợ 500 ngàn đồng…

Từ câu chuyện buồn trong vụ hỏa hoạn năm nào, những câu chuyện nhân văn khác của cộng đồng làng Kon Sơ Lăl được khơi dậy từ đây. Mỗi câu chuyện là một niềm kiêu hãnh của người làng, kiêu hãnh như chính ngôi nhà rông trầm mặc, đầy quyền uy nhưng vô cùng gần gũi, thân thương với mỗi một người dân trong làng Kon Sơ Lăl này.

Trong tác phẩm “Nhà rông, hồn của làng”, nhà văn Nguyên Ngọc từng kể: Lần đó, đoàn làm bộ phim về anh hùng Núp ở huyện Kbang, sau bao nhiêu ngày lặn lội tìm một ngôi làng BahNah nguyên bản, với một ngôi nhà rông truyền thống để làm bối cảnh quay mà không có, bèn bàn với huyện, với xã, tìm đến nhà già làng. Cuối cùng già làng cũng đồng ý cho dựng một nhà rông mới trong làng. “Nhà rông mới dựng lên cao vút. Phim hoàn thành suôn sẻ. Công việc kết thúc, chúng tôi làm một cái lễ nhỏ thân mật, cảm ơn dân làng, và trân trọng tặng lại cái nhà rông đẹp đẽ ấy cho làng…”.

1 trong 4 cây cột gỗ trắc còn lại ở nhà rông làng cũ, giờ đứng ở vị trí trang trọng nhất ở nhà rông làng mới. Ảnh: Đăng Lâm.

1 trong 4 cây cột gỗ trắc còn lại ở nhà rông làng cũ, giờ đứng ở vị trí trang trọng nhất ở nhà rông làng mới. Ảnh: Đăng Lâm.

Sau hơn một năm quay lại, ngôi nhà rông mà đoàn làm phim “tặng” lại dân làng ngày ấy, đã trở thành “một dị vật trong làng này. Đơn giản là vì nó đã không được sinh ra đúng như một nhà rông thông thường xưa nay vốn được sinh ra. Nó không sống, không thể sống như một nhà rông làng…”.

“Trong khi đó, ngôi nhà rông cũ của làng thì vẫn nguyên như ngày chúng tôi đến đây quay phim. Vẫn thấp nhỏ, đã cũ lắm, trông có gì đó hơi lầm lũi và thật khiêm nhường. Nhưng rất rõ ràng nó là một vật thể đang sống, ấm áp và sinh động: Cột nhà, xà nhà, cho đến cả rui mè, các vách liếp đều ám khói đen bóng. Chỗ nào cũng nồng gắt hơi người. Cả cái mùi hết sức đặc trưng, không lẫn vào đâu được khi ta la cà trong các ngôi nhà Tây Nguyên: Mùi mồ hôi người, mùi khói bếp, mùi thuốc lá nặng trịch, mùi rượu cần đã tàn vướng vất… Và ngay giữa ban ngày, giữa nhà, một cái bếp vẫn đang âm ỉ cháy”.

Và ông chợt nhận ra rằng: “Một năm trước đây chúng tôi đã làm một việc thật vô duyên, dại dột: Đem cho làng một cái nhà rông. Đem cho người ta cái không thể nào đem cho được”. ("Nguyên Ngọc - tác phẩm", tập 2, NXB Hội Nhà văn 2007, T.59- 60- 61).

Sừng sững những mái nhà rông

Trong chuyến trở lại Hà Tây mới đây, ông Biên, Chủ tịch UBND xã, cho biết, xã Hà Tây có 9 làng thì có đủ 9 ngôi nhà rông, trong đó có đến 5 nhà rông truyền thống ở các làng Kon Sơ Lăl, Kon Măh, Kon Hơng Lẽh, Kon Băh, Kon Kơmó.

Có thể nói không ngoa rằng ở xã Hà Tây của huyện Chư Păh này đang sở hữu những ngôi nhà rông đẹp nhất Tây Nguyên, chính do bàn tay tài hoa của cộng đồng dân tộc nơi đây dựng lên. Nhà như thế, vùng Trường Sơn này quả là… không còn nhiều! Nhà như thế, làng như thế thì ở Tây Nguyên bây giờ, có lẽ chỉ còn trong… cổ tích!

Trai làng luôn thường xuyên sinh hoạt trong ngôi nhà rông của làng. Ảnh: Đăng Lâm.

Trai làng luôn thường xuyên sinh hoạt trong ngôi nhà rông của làng. Ảnh: Đăng Lâm.

Giữa trung tâm các làng, ngôi nhà rông truyền thống mái lợp tranh, cột gỗ, vách thưng bằng nứa cao đến hơn 20m, giống như những lưỡi rìu lớn dựng ngược, ngạo nghễ vươn lên giữa nền trời xanh, như một sự thách đố với rừng núi u minh huyền bí, như muốn đối chọi với bệnh tật, thú dữ cùng bao cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Nó còn như một sự gửi gắm với Giàng về sự chở che, cùng ý chí vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng làng…

Với phương tiện trong tay chỉ là những công cụ thô sơ, họ đã dựng lên một công trình kỳ vĩ. Và cứ mỗi tối, thanh niên trong làng lại ra nhà rông sinh hoạt, ngủ lại đấy. Tập tục ngủ lại nhà rông để canh giữ, bảo vệ làng khi có việc cần thiết vẫn được gìn giữ ở nơi đây.

Thế mới biết, giá trị nhà rông của làng không chỉ lưu giữ về mặt vật chất mà trong đó, chất chứa cả nhiều giá trị tinh thần, văn hóa cộng đồng. Ở đấy, ngôi nhà rông là vốn quý vì chính tay của cả cộng đồng cùng nhau dựng lên, có mục đích rõ ràng, chứ không phải của ai đó đem đến cho, tặng.

Tôi đã từng đi đến rất nhiều những buôn làng ở vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ này. Buôn làng nào cũng có một ngôi nhà rông ở vị trí trang trọng nhất, dễ bao quát nhất: Giữa làng. Nhưng thú thật, để tìm được một ngôi nhà rông đúng nghĩa như những ngôi nhà rông ở xã Hà Tây này, quả là không hề dễ! Bởi bây giờ, không khó để bắt gặp những ngôi “nhà rông” ở những xã, những làng nông thôn mới to hơn nhiều, “màu mè” hơn nhiều. Nhưng - nói như nhà văn Nguyên Ngọc, nó không hề có “cái mùi hết sức đặc trưng, không lẫn vào đâu được khi ta la cà trong các ngôi nhà Tây Nguyên: Mùi mồ hôi người, mùi khói bếp, mùi thuốc lá nặng trịch, mùi rượu cần đã tàn vướng vất… Và ngay giữa ban ngày, giữa nhà, một cái bếp vẫn đang âm ỉ cháy”.

Người dân tự hào với ngôi nhà rông. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân tự hào với ngôi nhà rông. Ảnh: Đăng Lâm.

Những cái “đặc trưng” ấy, trong ngôi nhà rông truyền thống của người BahNar ở làng Kon Sơ Lăl, và ở bốn ngôi nhà rông truyền thống khác hiện có ở xã Hà Tây của huyện Chư Păh này, nó vẫn đang hiện hữu mỗi ngày: Vẫn là cái nơi để già làng và những cụ già hiền minh của làng la đà bên ghè rượu, kể cho đám trai làng nghe về những câu chuyện bi hùng của làng mình, của dân tộc mình; nơi mà các cụ ngồi bàn bạc và đưa ra những “Nghị quyết” đúng đắn nhất, để cho dân làng ngày càng có cuộc sống ấm no hơn, đủ đầy hơn; cũng là nơi để các cụ hết sức đau đầu mỗi khi họp và đưa ra quyết định xử phạt một cá nhân, hay một gia đình nào đó đã vi phạm quy tắc của làng. Và, vẫn là nơi mà hàng đêm, thanh niên trai tráng của làng tụ tập sinh hoạt, rồi ngủ lại ngay tại nhà rông - như tập tục đẹp vốn có tự ngàn đời của người BahNar, của người Tây Nguyên…

Đó đích thị là những ngôi nhà đẹp nhất Tây Nguyên!

Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, cho biết: “Xã Hà Tây còn nhiều khó khăn. Với lợi thế sẵn có là những ngôi nhà rông truyền thống cùng những thắng cảnh đẹp, chúng tôi đang định hướng cho nơi đây phát triển du lịch để góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân”.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

  • Cây mang quần áo, sách vở đến miền đất khó
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:00

    Mỗi lần ngắt từng hạt đỏ đỏ, xinh xinh xuống, vị trưởng bản huyện Sốp Cộp lại như chạm vào kỷ niệm của một ngày chưa xa.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...