Xong ca cạo mủ buổi sáng, Biên, Thoăn, Xach, Lão thay bộ đồng phục công nhân, mặc trang phục truyền thống người Bahnar rồi mời chúng tôi về làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) thăm ngôi nhà rông của làng. Ngôi nhà rông của dân làng Kon Sơ Lăl là một trong những ngôi nhà rông đẹp nhất ở Chư Păh, sừng sững, uy nghi, đúng như những gì người ta hay nói về nó - linh hồn của những buôn làng Tây Nguyên.
Hà Tây là một trong hai xã được Công ty Cao su Chư Păh nhận đỡ đầu, đang thay da đổi thịt nhờ cây cao su.
Dưới mái nhà rông Kon Sơ Lăl
Anh Trần Đăng Lâm - nhà báo có thâm niên gần 30 năm gắn bó với Tây Nguyên, người đã đặt dấu chân ở hầu khắp các buôn làng trên vùng đất đỏ bazan, đã gặp không biết bao nhiêu ngôi nhà rông Tây Nguyên… Vậy mà, khi nhìn thấy mái nhà rông của làng Kon Sơ Lăl, anh vẫn không kìm được cảm xúc: “Đây là một trong những ngôi nhà rông đẹp nhất ở Tây Nguyên mà tôi từng đến”. Rồi, anh tự nhắc nhớ, “sẽ trở lại Kon Sơ Lăl”.
Đó cũng là ấn tượng của chúng tôi khi đứng trước ngôi nhà rông sừng sững giữa khu đất rộng rãi, phẳng phiu của làng Kon Sơ Lăl.
Biên (SN 1984), công nhân tổ 1 - Nông trường cao su Hà Tây (Công ty Cao su Chư Păh) đồng thời cũng là trưởng làng Kon Sơ Bai; Thoăn - thanh niên người địa phương cùng Xach, Lão, hai anh em ruột là công nhân nông trường, đều ở làng Kon Sơ Lăl. Những công nhân này chúng tôi vừa gặp trong rừng cao su. Khi đó, các anh mặc đồng phục của ngành, màu xanh đồng điệu với màu lá cây cao su. Bây giờ, trong trang phục truyền thống của người Bahnar, chúng tôi bất ngờ trước diện mạo mới của họ - đẹp đẽ, rắn chắc, và có chút gì đó kiêu bạc, phóng túng như nắng và gió Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây Trương Văn Toàn cho biết, địa phương là một trong những xã vùng 3 khó khăn nhất của huyện Chư Păh, dân cư chủ yếu là đồng bào người Bahnar, phần lớn là hộ nghèo cao. Kinh tế chủ lực của xã nông nghiệp này là ngô, mì và khoảng hơn 230ha cao su tiểu điền, mỗi hộ trung bình trồng từ 1 - 2ha cao su.
Thu nhập bình quân của người dân xã Hà Tây ở mức 13 triệu đồng/năm. Nếu so sánh với thu nhập của đồng bào trong xã đi làm công nhân trong công ty cao su Chư Păh, con số này chỉ bằng 1/10.
Sự chênh lệch rõ nét ấy là câu trả lời thực chất nhất về thu nhập kinh tế cho đồng bào từ Công ty Cao su Chư Păh mang lại. Nó cũng cho thấy, sự có mặt của cây cao su trên địa bàn huyện đã tạo nên những kỳ tích, giúp đồng bào địa phương xóa đói, giảm nghèo và đang từng bước vươn lên làm giàu.
Xác thực câu chuyện của Phó Chủ tịch xã, anh Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Nông trường cao su Hà Tây cho biết, nông trường có 474 công nhân được giao khoán chăm sóc, khai thác 1.394ha cao su. Trong số đó, công nhân là người đồng bào chiếm trên 90%. Mức thu nhập trung bình/năm của công nhân cao su trên dưới 100 triệu đồng. Con số này rõ ràng gấp gần chục lần thu nhập bình quân của người dân trong xã Hà Tây chỉ làm nông nghiệp!
Bên ngôi nhà rông Kon Sơ Lăl, một nhóm hơn chục trai tráng Bahnar đang tụ tập, mỗi người mỗi việc: nhóm đào rãnh để đi đường dây điện, hoàn thiện công đoạn cuối dựng cột điện chiếu sáng cho không gian sinh hoạt chung cộng đồng, nhóm khác đun nước, vặt lông gà chuẩn bị cho ngày hội đại đoàn kết sắp diễn ra...
Chúng tôi tới sớm một hôm, nếu không, sẽ được tham dự ngày đại đoàn kết của làng Kon Sơ Lăl, sẽ được uống rượu ché với đồng bào, bên ngôi nhà rông đẹp đẽ này…
Mươi năm trước, nhiều ngôi làng của xã Hà Tây, bà con Bahnar sống du canh du cư, nông nghiệp quảng canh phụ thuộc hoàn toàn theo những con suối, con nước. Đường vào làng chưa có, chỉ là những con đường mòn, nhỏ hẹp. Những buôn làng chưa quần cư như bây giờ, sống tản mát thành những chòm nhỏ nơi hẻo lánh, hoang vu.
Kể từ khi cây cao su hiện diện trên vùng đất khó, phủ xanh rừng nghèo, đất hoang ở Chư Păh - nó kêu gọi người về quần tụ, làm nên những làng, những xã đầm ấm, trù phú như làng Kon Sơ Lăl bây giờ…
“Chư Păh không chỉ có nhiệm vụ làm kinh tế. Trọng trách lớn lao khác được giao, đó là an sinh xã hội, chia sẻ áp lực với chính quyền địa phương để xóa đói giảm nghèo, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh ở một vùng biên giới tây bắc của tỉnh Gia Lai”, ông Phạm Đình Luyến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Păh nói về quãng thời gian dài, nhọc nhằn, kiên trì nhưng cũng đầy vẻ vang của đơn vị có lịch sử bề dày 47 năm hình thành, phát triển.
Chư Păh hiện đang quản lý 14.000ha cao su, trong đó có 9.800ha cao su trồng trong nước trải dài trên 3 huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và vùng ven thành phố Pleiku, với trên 18 xã, thị trấn, 73 buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là một không gian cực kỳ lớn. Trong tổng số hơn 2.200 lao động của công ty có trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những đặc thù ấy khiến Chư Păh là công ty cao su có tỷ lệ công nhân người đồng bào cao nhất khu vực Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
“Cây nghĩa tình” ở Tây Nguyên
Ông Phạm Đình Luyến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Păh là người quê Bắc Ninh. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, ông vào Tây Nguyên, gắn bó với cây cao su và là người chèo lái con thuyền mang tên Chư Păh. Người Quan họ có câu hát “người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình”. Câu hát ấy cứ như thể nói về tính cách của ông Luyến, khi ông luôn tâm niệm “phải đặt quyền lợi của người lao động lên trên hết, phải chăm lo đời sống cho đồng bào người bản địa, những nơi cây cao su đi qua”.
Cho nên, trong bối cảnh mấy năm gần đây, giá mủ cao su giảm do biến động thị trường, phải tiết giảm nhiều chi phí trong hoạt động sản xuất, thế nhưng, ông Luyến vẫn yêu cầu không được giảm lương, giảm thu nhập của người lao động, không nợ lương, chậm lương đồng bào dù chỉ một ngày.
“Với phương châm phát triển cây cao su đến đâu sẽ tuyển dụng người dân tộc thiểu số ở đó làm công nhân nhằm mục đích giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại chỗ; hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng tạo sự giao lưu văn hóa - kinh tế giữa các vùng miền, nâng cao dân trí, ổn định dân sinh, tăng cường an ninh - quốc phòng nhằm tạo ra bộ mặt nông thôn mới, chia sẻ áp lực với chính quyền trong xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa.
Trong thời gian qua, Công ty Cao sư Chư Păh đã triển khai nhiều chương trình như dự án trồng cao su, dự án chăn nuôi, chương trình cải tạo vườn tạp, đưa giống mới vào sản xuất nông nghiệp; phong trào ngói hóa nhà ở công nhân đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư”, ông Luyến chia sẻ.
Hiện nay, hầu hết công nhân đồng bào Bahnar ở Chư Păh đều được nhận khoán vườn cây lâu dài, đối với vườn cây khai thác chế biến từ 5 - 7ha/hộ; cao su khai thác mủ là 3ha/hộ.
Mức thu nhập của công nhân cao su trong những năm qua liên tục tăng, hiện đang ở mức trung bình 8,5 triệu đồng/người/tháng. Đây là con số mơ ước đối với bà con đồng bào vùng Tây Nguyên.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, theo thời gian, cùng với sự khởi sắc của những Nông trường cao su Ia Phú (huyện Ia Grai), Nông trường cao su xã Gào (thành phố Pleiku), Nông trường cao su Hà Tây (huyện Chư Păh)…, những buôn làng từ chỗ nghèo khó, hàng năm phải cứu đói nay đã khởi sắc, nhà tranh tre giảm, đường sá được mở mang đến tận các làng, không còn hộ đói triền miên, 100% công nhân đồng bào có phương tiện xe máy để đi làm, các gia đình công nhân mua sắm được các vật dụng đắt tiền như tivi, đầu máy, có phương tiện cơ giới hoá để làm nông nghiệp, làm rẫy…
Thực tế này đã minh chứng cho chủ trương đúng đắn, triển khai dự án cao su kết hợp với các chương trình kinh tế tổng hợp một cách linh hoạt, không máy móc, dập khuôn, phù hợp với điều kiện, đặc trưng của mỗi làng xã… ở Tây Nguyên.
“Công ty nhận đỡ đầu hai xã Hà Tây và Đăk Tơ Ver, hai xã vùng 132, 134 khó khăn của huyện Chư Păh; ký kết giúp đỡ 10 xã trên địa bàn trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đối với cao su tiểu điền của các hộ dân người đồng bào, công ty hỗ trợ, ưu đãi giá bán cây giống chất lượng, năng suất cao, cử cán bộ phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con, nhận bao tiêu, thu mua mủ cao su cho người dân…
Ngoài ra, công ty hỗ trợ 330.000 cây giống bời lời năng suất cao, 315 con bò lai cho các xã để phát triển kinh tế, tổ chức khai hoang 300ha đất sản xuất cho địa phương, giao lại 200ha cao su để địa phương cấp đất ở cho người dân và xây dựng các công trình công cộng…”, ông Luyến nói với niềm tự hào và trách nhiệm.
Những việc mà Chư Păh đã làm cho địa phương và đồng bào cho thấy, cây cao su ở vùng đất Tây Nguyên này là cây nghĩa tình! Trong ngôi nhà Rông giữa làng Kon Sơ Lăl, Biên, Thoăn, Xach, Lão ngồi trò chuyện với nhau trên chiếc ghế dài, những câu chuyện thường nhật, những dự định, kế hoạch… cho ngày hội đại đoàn kết toàn dân.
Những mái nhà rông ở những buôn làng mà cây cao su mở rộng, vươn tới, mỗi năm đều có sự góp sức, hỗ trợ của công ty cao su xây dựng, sửa sang, giúp nó đẹp đẽ hơn, bề thế hơn, là nơi lưu giữ những linh hồn buôn làng, lưu giữ bản sắc văn hóa của người Bahnar, Êđê, Jrai… trên các cao nguyên.
Cơn mưa đầu mùa của Tây Nguyên, rất đúng hẹn, bắt đầu trút xuống vào cuối chiều. Mái nhà rông Kon Sơ Lăl trong màn mưa mát lành tựa như một chiếc lá khổng lồ, mà cuống lá ghim chặt vào mặt đất càng khiến nó trở nên vững chãi. Cũng có thể hình dung, mái nhà rông ấy là một lưỡi rìu khổng lồ của tù trưởng Đam San ngày xưa, trong sử thi, các già làng vẫn kể Khan cho con cháu nghe bên bếp lửa, trong một đêm mưa không xa…