Lợi bất cập hại
Theo ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, Bình Định), thực trạng gà thịt và gà giống nhập lậu ào ạt vào Việt Nam khiến cả những doanh nghiệp sản xuất gà giống lẫn người chăn nuôi gia cầm đều lao đao.
Ông Dư giải thích, sau khi ấp nở, các cơ sở ở Trung Quốc tách con giống gà mái để giữ lại nuôi lấy trứng, con trống thì loại thải, những con gà này có tên gọi là chíp Tàu. Những con chíp Tàu được bán với giá rẻ như cho, thương lái Trung Quốc mua nhập vào Việt Nam mạo danh là gà giống và bán với giá rẻ bèo.
Đặc biệt, con chíp Tàu có mã ngoài chẳng khác gì con giống gà trống mía của Việt Nam. Bộ lông của chíp Tàu có màu mận, tương tự màu lông của con trống mía; mồng của chíp Tàu cao, có màu đỏ. Theo truyền thống của người dân miền Bắc, trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhà nào cũng cúng gà; và phải là gà trống có mồng cao, thẳng, màu đỏ và có bộ lông màu mận; do đó chíp Tàu được tiêu thụ mạnh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chíp Tàu nuôi không đạt cân, nên nếu mua nuôi người nuôi sẽ bị lỗ.
Ông Dư cho biết thêm, khi chíp Tàu nhập vào Việt Nam ào ạt thì gà giống của Việt Nam lập tức lao đao. Bởi, người chăn nuôi miền Bắc mua gà giống để nuôi chỉ chọn con trống. Để chiếm thị phần miền Bắc, các doanh nghiệp sản xuất gà giống trong nước khi ấp nở gà chỉ chọn để lại những con trống, con mái bỏ đi. Con giống trống sẽ “gánh” chi phí sản xuất của con mái. Khi thị trường còn ổn định, nếu doanh nghiệp sản xuất giống bán cả trống lẫn mái thì gà giống có giá 15.000đ/con, nhưng khi loại thải gà mái ra, chỉ còn bán con trống thì giá bán sẽ gấp đôi, 30.000 đồng/con thì doanh nghiệp mới có lãi.
“Trong khi chíp Tàu là gà loại thải, bán với giá rẻ như cho, thương lái mua nhập vào Việt Nam với giá chỉ 16.000 - 17.000 đồng/con, các doanh nghiệp sản xuất gà giống của Việt Nam bán theo giá đó thì “lỗ chỏng gọng”. Nếu chíp Tàu được thương lái bán chỉ 10.000 đồng/con mình cũng phải theo, vì nếu bán giá cao hơn người chăn nuôi sẽ không mua, lúc ấy chỉ có phá sản”, ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, bộc bạch.
Tuy nhiên, mua chíp Tàu về nuôi sẽ lâm cảnh “lợi bất cập hại”. Cũng theo ông Dư, gà giống sản xuất trong nước, trước khi bán cơ sở sản xuất phải tiêm đầy đủ các loại vacxin, đặc biệt là vacxin phòng bệnh Marek. Đằng này chíp Tàu là gà loại thải, nên chẳng được tiêm bất cứ 1 loại vacxin nào. Chíp Tàu tuy không được tiêm phòng vacxin Marek, nhưng bệnh không bộc lộ ngay, mà khi nuôi được 3 tháng tuổi gà mới lăn đùng ra chết, đồng nghĩa khi gần xuất chuồng gà mới chết, người nuôi mất cả chì lẫn chài.
“Con chíp Tàu mang trong mình rất nhiều bệnh truyền nhiễm. Khi chíp Tàu đã nhiễm bệnh thì nguy cơ lây lan qua đàn gà của Việt Nam là rất cao, vô cùng nguy hiểm. Nhập lậu chíp Tàu về bán là mang đại họa về cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam”, ông Lê Văn Dư khẳng định.
Gà giống trong nước có thời điểm bị chíp Tàu “lấn lướt”
Theo ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định), thời điểm tháng 9, tháng 10, người chăn nuôi bắt đầu tái đàn để cung ứng gà thịt vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gà giống bắt đầu bán chạy hàng. Lợi dụng thời cơ này, gà giống “3 không” gồm: Không vacxin, không nguồn gốc, không kiểm dịch từ Trung Quốc nhập lậu ào ạt vào Việt Nam để tiêu thụ. Trong khi gà giống sản xuất trong nước cơ bản đã đáp ứng đủ cho người chăn nuôi, nếu thêm số lượng lớn gà giống nhập lậu dẫn tới cung vượt cầu, khiến gà giống sản xuất trong nước bị ế ẩm.
Nhiều thời điểm giống do Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh sản xuất được bán ra thị trường với giá 16.000 đồng/con, trong khi gà giống nhập lậu từ Trung Quốc chỉ bán từ 8.000đ đến 13.000đ/con, giá nào thương lái cũng bán. Nếu doanh nghiệp sản xuất giống gia cầm của Việt Nam muốn chiếm thị phần thì phải bán theo giá chíp Tàu nhập lậu. Do vậy, giai đoạn các hộ chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn gà để cung ứng cho thị trường dịp Tết, nhưng sản lượng gà giống Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cung ứng ra thị trường mới chỉ đạt 40% so với thời điểm trước đây.
“Chíp Tàu ở Trung Quốc không phải gánh những khoản chi phí trong quá trình khảo nghiệm, chi phí tiêm vacxin. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất gà giống ở Việt Nam tốn chi phí cho quá trình khảo nghiệm giống bố mẹ rất lớn. Làm công tác khảo nghiệm doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ. Trong 3-4 năm khảo nghiệm 1 bộ giống doanh nghiệp tốn rất nhiều công lao động, nếu không thành công là mất cả chì lẫn chài. Hàng năm, công ty chúng tôi phải tiêu tốn từ 3-5 tỷ đồng để làm công tác khảo nghiệm”, ông Cao Văn Khanh chia sẻ.
Cũng theo ông Khanh, trong những năm qua, các doanh nghiệp sản xuất giống gia cầm ở Việt Nam tồn tại “thoi thóp” bởi người chăn nuôi không dám tái đàn do giá thức ăn tăng cao, giá bán sản phẩm thấp kéo dài từ giai đoạn dịch Covid-19 đến giai đoạn suy thoái kinh tế thời kỳ hậu dịch Covid-19. Gà giống sản xuất ra bán không được, những cơ sở sản xuất giống gia cầm nhỏ lẻ trong nước hầu như đã “bỏ cuộc chơi”, chỉ những doanh nghiệp lớn mới còn hoạt động cầm cự, nhưng phải liên tục bù lỗ.
Chăn nuôi gà thịt cũng "chết đứng"
Theo ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, gà thịt nhập lậu về Việt Nam là những con gà mái được nuôi rất dài ngày. Trong quá trình nuôi, người nuôi trộn thuốc “kích đẻ” vào thức ăn để “vắt kiệt” buồng trứng của gà rồi mới bán. Sau khi gà mái đã đẻ hết trứng, người chăn nuôi ở Trung Quốc loại thải toàn bộ với giá rất rẻ, thương lái Trung Quốc thu mua những con gà loại thải ấy bán qua Việt Nam.
Như vậy, những con gà thịt nhập lậu vào Việt Nam mang trong mình đủ loại thuốc kháng sinh, thuốc “kích đẻ”, người tiêu dùng mua về ăn mà không biết.
Gà thịt loại thải ở Trung Quốc bán với giá rẻ bèo, nên khi nhập lậu vào Việt Nam giá bao nhiêu thương lái cũng bán. Người nuôi gà ta thương phẩm chính hiệu của Việt Nam ngoài gánh nặng thức ăn chăn nuôi tăng giá, còn bị sự cạnh tranh không lành mạnh của gà thịt nhập lậu dẫn tới chăn nuôi thua lỗ nặng.
"Gà thịt của Việt Nam nuôi 3-4 tháng mới bán, giá thành đến 55.000đ-56.000đ/kg, phải bán hơn 60.000đ/kg người nuôi mới có lãi. Ấy vậy mà gà thịt nhập lậu bán với giá chỉ bằng 1 nửa giá thành của gà ta Việt Nam, muốn tiêu thụ được sản phẩm, người nuôi gà thương phẩm ở Việt Nam phải hạ giá bán theo giá gà nhập lậu, nên người chăn nuôi gà ở Việt Nam lỗ “banh xác” mấy năm nay”, ông Lê Văn Dư bức xúc nói.
Còn theo ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp đang hoạt động cầm chừng vì không tìm ra đơn hàng, nên các bếp ăn tập thể cũng lạnh tanh. Thị trường nhà đất cũng đang đóng băng, vắng người mua kẻ bán. Khi bán được đất người kinh doanh địa ốc mới cúng con gà, người mua được đất cũng cúng, nên gà thịt bán chạy. Đằng này, mọi thị trường đều đóng băng nên người chăn nuôi gia cầm không dám tái đàn mạnh.
“Mới đây, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam đề nghị Bộ NN-PTNT và Cục Chăn nuôi tổ chức họp để Hiệp hội phản ánh tình trạng nói trên, đồng thời có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Chính phủ có Công điện ngăn chặn gà nhập lậu. Thế rồi báo chí vào cuộc, tình hình gà nhập lậu có “nguội” đi nhưng không biết có duy trì được không, hay chẳng mấy chốc sẽ “nóng” trở lại”, ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư lo lắng.