| Hotline: 0983.970.780

Có yêu rừng mới gắn đời với rừng

Thứ Sáu 09/10/2020 , 07:10 (GMT+7)

Có vào rừng mới hiểu được mình nhỏ nhoi đến mức nào, mới thấu được nỗi gian nan của những lính bảo vệ rừng…

Những người lính bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn đi tuần tra rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những người lính bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn đi tuần tra rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vùng giáp ranh không bình yên

Theo chân những người lính lâm nghiệp thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), đi vào vùng rừng giáp ranh với huyện Kbang và thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai, tôi thấy mình như lọt thỏm bạt ngàn cây rừng. Rất nhiều cây dổi to đến mấy người ôm đứng sừng sững.

Vừa leo dốc, anh Nguyễn Văn Suối, Trưởng phòng Tổ chức - Hành Chánh của công ty, vừa tâm sự: “Dổi là 1 trong những cây gỗ quý, thuộc nhóm III, nên luôn nằm trong tầm ngắm của lâm tặc. Trong khi vùng rừng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh với thị xã An Khê và huyện Kbang của tỉnh Gia Lai dài đến gần 50km, nên để giữ yên những cánh rừng này là rất gian nan”.

Theo anh Suối, để xâm nhập vào rừng Vĩnh Thạnh, lâm tặc thường chọn đi từ hướng các vùng giáp ranh của Gia Lai sang bởi giao thông thuận lợi. Chúng tổ chức thành nhóm rất đông người, thường lén lút khai thác vào những ngày nghỉ cuối tuần, vào mùa mưa bão hoặc những ngày lễ, tết.

Khi đã tiếp cận được cây rừng, lâm tặc phân việc cho từng người, ai có nhiệm vụ cưa thì chỉ có cưa, cưa hết cây này đến cây khác; ai có nhiệm vụ xẻ thì bắt tay vào việc xẻ cây thành từng súc gỗ; tiếp đến là nhiệm vụ của những người vận chuyển, lực lượng này cho những súc gỗ lên xe máy độ chế chở ra khỏi rừng.

“Bây giờ chúng không làm dây dưa như trước mà “đánh nhanh rút gọn” để tránh sự vây bắt của ngành chức năng”, anh Suối nói.

Theo mô tả của những người lính lâm nghiệp, lâm tặc bây giờ sử dụng máy cưa xăng chuyên dụng không phát ra âm thanh nên rất khó phát hiện.

Không biết những máy cưa này gắn loại bô gì mà đứng cách nơi phá rừng chỉ chừng 30m mà những người lính bảo vệ rừng dù có lắng tai hết cỡ cũng không thể nghe tiếng máy nổ, chỉ nghe tiếng xào xào của lam cưa và dây xích chạy.

Khi vào rừng, lâm tặc không mang theo cả chiếc máy cưa mà rã máy ra từng phần bỏ vào ba lô, khi vào đến rừng mới ráp lại. Nếu gặp lính bảo vệ rừng đi tuần tra thì chúng bảo là đi tìm lan rừng hoặc đi tìm trứng kiến. Khi máy cưa đã lọt vào rừng, làm xong chúng giấu luôn trong rừng để lần sau làm tiếp.

Nhiều cây dổi to đến vài người ôm trong rừng giáp ranh giữa Bình Định - Gia Lai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều cây dổi to đến vài người ôm trong rừng giáp ranh giữa Bình Định - Gia Lai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Đối tượng cây rừng bị lâm tặc săn tìm dữ dội nhất hiện nay là “dổi chun”. Cây dổi cổ thụ nếu có “chun” thì ngoài vỏ cây có biểu hiện răng cưa, phần gỗ “chun” bên trong có vân rất đẹp và rất chắc đang được ưa chuộng. Nếu gỗ dổi thường hiện chỉ có vài ba chục triệu 1 khối thì gỗ “dổi chun” đến tay người tiêu dùng phải đến vài trăm triệu 1 khối”, anh Suối cho hay.

Giữ rừng tận gốc

Trước tình hình trên, đơn vị được UBND tỉnh Bình Định giao quản lý những diện tích rừng giáp ranh nói trên là Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn phải áp dụng phương cách giữ rừng tận gốc.

Chữ “tận gốc” mà ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty, dùng ở đây là lập các chốt bảo vệ ngay trên những vùng rừng giáp ranh với Gia Lai để ngăn chặn lâm tặc xâm nhập vào rừng tự nhiên khai thác trái phép.

Trạm bảo vệ rừng Lò Than được xây dựng khá bài bản để đảm bảo đời sống cho những người lính lâm nghiệp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trạm bảo vệ rừng Lò Than được xây dựng khá bài bản để đảm bảo đời sống cho những người lính lâm nghiệp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Trên vùng rừng giáp ranh với Gia Lai kéo dài gần 50km chúng tôi lập đến 5 chốt bảo vệ rừng, chốt này cách chốt kia chưa đầy 10km. Ngoài ra, còn 1 số chốt phối hợp và 3 trạm bảo vệ rừng chính là trạm Lò Than, trạm Suối Cát và trạm Vĩnh Sơn.

Với biên chế 14 người, chúng tôi không đủ bối trí nhân lực trực tại các trạm, chốt bảo vệ rừng nói trên. Do vậy, chúng tôi phải hợp đồng thêm với người dân địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số để cùng trực chốt.

Đây cũng là 1 cách kiểm soát chéo, có người dân tham gia trực chốt, những người lính lâm nghiệp nếu có ý định thông đồng với lâm tặc thì cũng không dám”, ông Đạo bộc bạch.

Ngoài ra, để bảo vệ rừng hiệu quả, Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn còn thành lập tổ cơ động gồm 8 người, do Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính làm tổ trưởng, Chủ tịch và giám đốc công ty trực tiếp chỉ đạo. Tổ cơ động này sẽ có mặt bất cứ điểm rừng nào có xảy ra sự cố hay những khu vực rừng đang có diễn biến phức tạp về nạn khai thác rừng trái phép để kịp thời giải quyết, kể cả rừng trồng và rừng tự nhiên.

Anh Lê Công Tám lọt thỏm giữa những cây cổ thụ trong rừng tự nhiên giáp ranh giữa Bình Định - Gia Lai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Lê Công Tám lọt thỏm giữa những cây cổ thụ trong rừng tự nhiên giáp ranh giữa Bình Định - Gia Lai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Trong số hơn 11.171ha diện tích rừng và đất rừng Nhà nước giao cho công ty quản lý, hiện chúng tôi đã giao khoán rừng tự nhiên cho cộng đồng bảo vệ là hơn 4.728ha; hơn 6.443ha còn lại công ty tự tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ.

Tổ cơ động thường xuyên xây dựng kế hoạch truy quyét đột xuất, những chuyến truy quét này chúng tôi không báo cả cho các trạm, chốt bảo vệ rừng phụ trách địa bàn.

Đây cũng là những chuyến công tác mang ý nghĩa kiểm tra sự tận tình của lực lượng bảo vệ rừng được bối trí tại các trạm, chốt nằm trong rừng”, anh Nguyễn Văn Suối, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính kiêm Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng cơ động của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho hay.

Không thể xa rừng

Đi qua 1 số trạm, chốt bảo vệ rừng giáp ranh của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, tiếp xúc với những người lính lâm nghiệp đã có đến vài ba chục năm gắn đời với rừng, tôi mới nhận ra “tình yêu rừng”  là có thật trong họ.

Anh Võ Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, đưa tôi vào Trạm bảo vệ rừng Lò Than nằm trên địa bàn xã Vĩnh Sơn để gặp người lính lâm nghiệp thâm niên Lê Công Tám.

Anh Tám đã cho tôi 1 bất ngờ là người lính giữ rừng này không hề có chút biểu hiện u uất của người thường xuyên lạc lỏng giữa đại ngàn, mà trong anh tỏa ngời sự lạc quan bằng những câu chuyện dí dỏm với nụ cười tươi rói luôn thường trực trên môi. Năm nay 52 tuổi mà anh Tám đã có đến 21 năm gắn với những cánh rừng giáp ranh.

Chốt bảo vệ rừng Cây Sưng nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chốt bảo vệ rừng Cây Sưng nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những người lính bảo vệ rừng ở đây có cuộc sống khá kham khổ, chẳng mấy khi ăn được đồ tươi, thức ăn phải ra chợ Kbang (Gia Lai) mua dự trữ ăn cả tuần. Mùa mưa thì mắm khô “muôn năm”. Suốt ngày lặn lội tuần tra trong rừng. Hai tuần mới được về thăm nhà 1 lần.

Lãnh đạo công ty “cám cảnh” anh Tám đã lớn tuổi, lại bám rừng đã lâu nên có ý định thuyên chuyển anh về làm việc tại nhà máy dăm thuộc công ty ở Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) cho gần nhà. Thế nhưng anh “lắc đầu”, bởi vì lý do đơn giản là đã gắn đời với rừng mấy chục năm nay giờ không thể xa rừng.

Đến chốt bảo vệ rừng Cây Sung tôi lại gặp thêm 1 bất ngờ khác từ anh Nguyễn Văn Long, người trực chốt ở đây.

Năm nay anh Long đã 56 tuổi, trước đây anh là kế toán của 1 trường tiểu học ở xã Vĩnh Sơn. Ngày ngày nhìn cảnh núi rừng, anh đâm yêu rừng từ khi nào không hay. Cách đây 10 năm, anh bỗng rời công việc an nhàn để đầu quân vào Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và làm lính bảo vệ rừng tại chốt Cây Sung cho đến nay.

Hỏi nguyên nhân về chuyện đổi nghề “trái khoáy” của anh, anh Long nhẹ nhàng trả lời: “Bởi tôi mê cái nghề suốt cả ngày lẫn đêm được du lịch sinh thái”. Với anh Long, việc tuần tra rừng đối với anh là “du lịch sinh thái”!

Anh Nguyễn Văn Long đang tuần tra cánh rừng thuộc địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Nguyễn Văn Long đang tuần tra cánh rừng thuộc địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Có nhiều trường hợp còn lạ lẫm hơn. Ví như anh Nguyễn Văn Mẹo (SN 1985) đang làm nhiệm vụ tại Trạm bảo vệ rừng Suối Cát. Vợ chồng Mẹo có 2 đứa con, anh thì bám rừng triền miên, vợ thì công tác tại Phú Tài (TP Quy Nhơn), 2 đứa con 1 đứa phải gửi nhà nội 1 đứa gửi nhà ngoại.

Bạn bè bảo Mẹo xin việc gì khác làm để được gần vợ gần con, Mẹo cũng “lắc đầu”, bởi lý do cũng rất đơn giản: “Đã học lâm nghiệp ra thì phải làm rừng”.

“Để bù đắp phần nào nỗi gian nan của những anh em làm công tác bảo vệ rừng, công ty cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng các trạm, chốt bảo vệ rừng bài bản để anh em có nơi ăn chốn ở bài bản. Tất cả các trạm đều được bố trí ti vi để anh em giải trí, các chốt đều có điện mặt trời”, anh Võ Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm