| Hotline: 0983.970.780

Cồn Cỏ giữa trùng khơi

Chủ Nhật 29/01/2012 , 08:38 (GMT+7)

Cồn Cỏ, một phần đất Việt giữa trùng khơi, diện tích chỉ rộng hơn 2 km2 nhưng từ xa xưa đã luôn nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ...

Cồn Cỏ đã trở thành đảo dân sự và mang dáng dấp một phố thị

Mỗi cơn sóng dữ của đại dương bây giờ đi qua đảo Cồn Cỏ đã trở nên dịu dàng, đằm thắm. Cồn Cỏ, một phần đất Việt giữa trùng khơi, diện tích chỉ rộng hơn 2 km2 nhưng từ xa xưa đã luôn nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ, để Cồn Cỏ có được tầm vóc kiêu hãnh như hôm nay.

1. Đảo Cồn Cỏ, những ngày cuối năm Tân Mão diễn ra một cuộc trùng phùng trong hạnh phúc viên mãn. Ông Nguyễn Văn Tống, người cảm tử quân năm xưa vận chuyển vũ khí ra bảo vệ đảo, đã ngoài 80. Lần này ông Tống trở lại đảo thăm con trai, anh Nguyễn Quang Thánh. Anh Thánh là một trong những người đầu tiên tình nguyện ra lập nghiệp ở đảo Cồn Cỏ. Cháu Nguyễn Quang Dũng, con của anh Thánh và chị Duyên cũng được sinh ra và lớn lên trên đảo. Chuyến ra đảo của ông Tống hôm ấy càng làm cho hòn đảo này thêm ấm áp, ý nghĩa. Có nơi đâu như ở đảo này, ba thế hệ trong một gia đình thay phiên nhau trấn giữ một vùng biển, vùng thềm lục địa rộng hàng ngàn km2.

Những cảm tử quân như ông Tống nay không còn lại bao nhiêu người. Cồn Cỏ chỉ nằm cách bờ 30 km. Nhưng để vượt qua khoảng cách ấy đến với Cồn Cỏ thân yêu, nhiều người đã đi mà không có về, máu của họ đã đổ xuống đỏ thắm hoà vào nghìn trùng đại dương.

Ở vùng biển đảo Cồn Cỏ có những rạn san hô đỏ nổi tiếng, là máu của bao thế hệ quân dân huyện Vĩnh Linh đã đổ xuống trên đường tiếp tế vũ khí và lương thực cho Cồn Cỏ. Kể từ chuyến hàng đầu tiên ra đảo vào tháng 5/1965 cho đến 1968 không ai nhớ đã có bao nhiêu chuyến ra đảo nữa, mà mỗi lần đi như vậy, các cảm tử quân đều được tổ chức truy điệu sống. Như dòng máu chảy mãi không ngừng, những đoàn thuyền cảm tử lại lặng lẽ rời bến đêm đêm. Nước mắt của những người vợ, người mẹ lại âm thầm chảy trong những lần đưa tiễn. Những ngày ấy, Bác Hồ đã 3 lần viết thư khen ngợi và tặng ảnh chân dung cho cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ.

2. Trong lòng người dân Quảng Trị và nhiều nơi khác, Cồn Cỏ, một hòn đảo nhỏ hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND luôn xứng đáng là điểm tiền tiêu của Tổ quốc. Để đảo ngày càng phát triển, bảy năm trước, huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập, trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thứ 10 của tỉnh Quảng Trị.

Anh Nguyễn Quang Thánh, con trai của cảm tử quân Nguyễn Văn Tống năm xưa, nay giữ trọng trách trưởng làng lập nghiệp trên đảo. Anh Thánh kể, sau mỗi ngày ra khơi, tàu thuyền đều ghé lại âu thuyền trên đảo. Hàng trăm ngư dân nói đủ các giọng từ Bắc đến Nam khiến cho Cồn Cỏ ấm áp như đất liền. Có nhiều khi ngư dân không phải ghé vào đảo vì gió bão, mà chỉ ghé vào để được bước chân lên đảo cho đỡ nhớ quê nhà.

Nhưng điều kỳ diệu nhất là những chủ nhân được sinh ra trên đảo. Có lẽ không ai tự hào bằng cháu Nguyễn Thị Ngọc Ánh, con của anh Nguyễn Đức Hiền và chị Nguyễn Thị Thuý Ái, là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra tại đảo từ năm 2003. Anh Thánh nhớ lại: Ngày Ánh ra đời, dân làng thanh niên lập nghiệp ai cũng nghẹn ngào, rơi nước mắt. Giây phút hạnh phúc nhất của nhóm cư dân đầu tiên trên đảo đợi chờ bao ngày qua đã đến. Họ đã vỡ oà lên trong niềm vui chất ngất. Ngoài kia, biển đang hung dữ bỗng dịu dàng trở lại, cơn sóng bạc đầu cũng thôi gào thét để cả đảo lắng nghe tiếng khóc oa oa của một đứa bé mai này làm chủ nhân của đảo.

Biển như thấu hiểu lòng người. Bé Ánh nhanh lớn mỗi ngày. Cháu trồng một cây xoài trong lon sữa nhỏ rồi treo lên trước cửa nhà. Ngày nào cháu cũng chăm sóc, tưới nước cho cây. Cháu ước mơ khi cây xoài lớn lên, sẽ đem ra trồng ở một ngọn đồi cao nhất trên đảo. Cây xoài sẽ lên thật cao và sum suê để che phủ cho hòn đảo nhỏ.

Cho đến bây giờ đảo Cồn Cỏ đã có 19 trẻ em, như 19 bông hoa mặt trời, là con của 13 gia đình trên đảo. Hình ảnh đáng yêu từ những trẻ thơ trong ngôi nhà mẫu giáo cứ đông dần lên như tiếp sức cho đảo nhỏ mỗi ngày.

3. Ông Lê Quang Lanh, Bí thư kiêm Chủ tịch đầu tiên của huyện đảo Cồn Cỏ đã lăn lộn với huyện này từ ngày thành lập. Mỗi tháng, ông Lanh có hơn 2 tuần ở lại trên đảo quản lý công việc. Đi riết rồi cũng hoá quen. Hôm gặp tôi ông bảo chiều nay ông lại ra đảo, chưa đi kịp, hóa ra nỗi nhớ đảo xa lại hiện về. Vợ ông, cô giáo Lê Thị Xuân Liên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, hết mực chịu thương chịu khó, hiểu được công việc của chồng nên đã giúp ông mạnh mẽ hơn trong mỗi lần ra đảo.

Câu chuyện ngày cuối năm giữa tôi và “đảo trưởng” Lê Quang Lanh là những chuyện vui: chuyện làm sao để đảo ngày càng phát triển bền vững, rồi những dự phóng về tương lai của đảo Cồn Cỏ được ông Lanh ấp ủ bấy lâu nay... Giữa năm 2005, sau hai ngày lặn ở vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ, ông Donald J. Mcintosh, cố vấn trưởng dự án bảo tồn biển thông báo đáy biển Cồn Cỏ có rạn san hô tốt nhất trong các đáy biển được khảo sát ở Việt Nam. Đặc biệt lần đầu tiên phát hiện được san hô màu đỏ được phân bố diện tích rất rộng. Cồn Cỏ được ví như những cánh rừng nhiệt đới dưới biển. Đa dạng sinh học phong phú, có hải sâm đen, sao biển xanh.

Sinh thái cảnh quan trên đảo như bức tranh hữu tình. Thực vật đa dạng, chủ yếu rừng tự nhiên, nhiều cây to đến 3-4 người ôm không xuể. Có những cây lạ không tìm thấy ở đất liền, thân hình vằn vèo, nhiều đốt rất kỳ lạ. Có cây gỗ cứng nhưng khi đụng vào vỏ thì tiết ra ngay chất nhựa đỏ như máu. Còn loài khoai dại thì lá to hơn lá chuối, có thể dùng che nắng, che mưa. Xa xa, những rừng cây bàng cứ mỗi độ thu về lá khoe sắc đỏ cả một vùng, bên cạnh nhưng cây phong ba hoa nở trắng đến nao lòng, tất cả càng tô điểm cho Cồn Cỏ một vẻ đẹp không thể lẫn vào đâu được. Do đó, du khách luôn bị mê hoặc khi có tour du lịch lặn và sinh thái ở đảo Cồn Cỏ.

Bất chợt ông Lê Quang Lanh quay sang hỏi tôi có nhớ bài hát “Con cua đá” của Ngọc Cừ và Phan Ngạn? Tôi hiểu "đảo trưởng" muốn nhấn mạnh Cồn Cỏ còn nhiều điều thú vị khác nữa. Cua đá Cồn Cỏ là loài đặc biệt quý hiếm không chỉ vì thơm ngon mà nó đi vào cả thơ, nhạc. Nhiều người bây giờ vẫn thuộc bài hài hát ấy. “Cồn Cỏ có con cua đá, là con cá đua. Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe, có tám cái que, có 2 cái càng. A... lính ta chiến đấu suốt ngày đêm. Có canh là canh cua đá. Càng bền sức trai". Tiếng vang cua đá Cồn Cỏ theo bài hát mà truyền đi khắp cả nước.

Con số đầu tư trung bình 100 tỷ đồng/năm xây dựng cơ sở hạ tầng cho đảo Cồn Cỏ đã làm cho đảo này mang dáng dấp của một đô thị. Con đường trung tâm của đảo đã được rải nhựa, đêm về lung linh ánh đèn điện. Từ nhiều năm trước, chuyên gia Cu Ba đã sang Cồn Cỏ tư vấn quy hoạch chi tiết giúp huyện đảo phát triển thành đảo du lịch. Tỉnh Quảng Trị đã quyết định đầu tư gần 30 tỷ đồng, cố gắng trong năm 2012 này sắm chiếc tàu lớn đưa cư dân và du khách ra vào đảo mỗi ngày. Khi ấy Cồn Cỏ lại càng được gần hơn với đất liền.

Cua đá có mai hơi vuông, cạnh tròn tựa cua đồng. Chân, càng cua có màu tím nhạt, sống dai. Cua đá ở Cồn Cỏ sống trên bờ lẫn dưới nước. Trời nóng, chúng ẩn nấp trong hang đá và ăn rễ cây. Mùa sinh sản, cua cái đẻ trứng, nhưng tỷ lệ sinh tồn chưa tới 10%. Vài người dân trên đảo cho biết, rượu ngâm cua đá có tác dụng không kém gì rượu ngâm hải sâm, ba kích. Biết đây là “báu vật sống”, huyện đảo Cồn Cỏ đã tổ chức khoanh vùng, bảo vệ môi trường sống cho cua đá, ai săn cua đá sẽ bị phạt. Ông Lanh cho biết, người dân cam kết không săn bắt cua đá nữa.

Đúng là Cồn Cỏ còn bao điều thú vị. “Đảo trưởng” Lê Quang Lanh dự phóng rồi đây Km 0 của Quốc lộ 9- đường xuyên Á trên hành lang kinh tế Đông Tây sẽ tính từ đảo Cồn Cỏ. Điều này rất có lý bởi vì từ Cồn Cỏ trở vào đất liền thuộc giao thông nội thuỷ nên Quốc lộ 9 kéo dài đến Cồn Cỏ là chuyện đương nhiên, đoạn đường này không quá xa, chỉ 17 hải lý. Khi đó, trục trung tâm của đất nước qua Đông Tây sẽ được kéo dài hơn. Tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ sẽ thu hút nhiều hơn lượng du khách mỗi năm từ vùng Đông Bắc Thái Lan và Lào, mà trong đó Cồn Cỏ là một điểm nhấn du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm