Từ chuyện “thiệt đơn thiệt kép”
Anh Bùi Duy Giáp, Phó giám đốc Khu bảo tồn Nam Nung cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung hiện có diện tích hơn 23.300ha, trong đó 23.000ha có rừng, đây là diện tích đủ điều kiện tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Tùy theo kết quả hoạt động của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng mà số tiền đơn vị nhận được hàng năm cũng khác nhau. Số tiền này đơn vị dùng để duy trì mọi hoạt động của Khu bảo tồn, từ trả lương, cơ sở vật chất, nghiên cứu, khoán bảo vệ rừng...
“Trong giai đoạn 2021-2025, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tiến hành ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích gần 3.000ha cho 284 hộ tham gia nhận khoán. Từ khi thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, đời sống của người dân đã được cải thiện.
Ý thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng đã được nâng cao từ đó đã góp phần bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên, hạn chế được tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, mức khoán hiện nay rất thấp so với mặt bằng chung thu nhập của người dân khi mà ngày công lao động phổ thông của người dân phổ biến từ 250-300 nghìn đồng/ngày công dẫn đến công tác khoán bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn.
Mặt khác, hiện nay mức đầu tư cho diện tích rừng tại đơn vị thấp hơn so với các công ty lâm nghiệp khác. Ngoài hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, đơn vị chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm đối với diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, còn với diện tích quy hoạch rừng phòng hộ thì không được nhà nước hỗ trợ.
Trong khi đó, các công ty lâm nghiệp ngoài được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng thì ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ”, anh Giáp nói.
Nói về bất cập trong giao khoán rừng cho người dân, một chủ rừng khác ở Tây Nguyên tâm sự: Với diện tích rừng giao khoán cho dân, người dân khi nhận khoán sẽ được hưởng chính sách nhà nước, nhưng chủ rừng vẫn phải bố trí lượng nhân sự phù hợp để trực tiếp quản lý, bảo vệ diện tích giao khoán như ở những diện tích không giao khoán, và chịu mọi trách nhiệm nếu không may xảy ra vi phạm lâm luật, phá rừng trên diện tích giao khoán, người nhận khoán chỉ không được nhận kinh phí diện tích bị phá.
Ngoài ra, theo chính sách giao khoán, chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì đơn vị chủ rừng chỉ được giữ lại 10% kinh phí chi trả cho diện tích giao khoán, 90% còn lại trả hết cho người nhận khoán. Nhân viên đơn vị trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ diện tích rừng giao khoán như những người nhận khoán, nhưng không được hưởng số tiền chi trả này.
“Tôi so sánh thế này không biết có đúng, có “khập khiễng” không, nhưng cảm thấy thiệt thòi cho các đơn vị chủ rừng, đó là, khi xảy ra một vụ lấn chiếm, phá rừng, chúng tôi phối hợp các đơn vị liên quan bắt giữ, xử lý người vi phạm, nhưng vẫn bị xem xét trách nhiệm, nhẹ thì phê bình, cảnh cáo, nặng thì có thể ra toà vì tội “buông lỏng quản lý”, để xảy ra mất rừng.
Còn có những ngành nghề khác, ví dụ an ninh trật tự chẳng hạn, nếu ở địa bàn dân cư, để xảy ra tệ nạn xã hội, buôn bán ma tuý… ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, thì những đơn vị có trách nhiệm liên quan ở địa bàn chẳng sao, thậm chí, khi giải quyết xong những vấn đề này, hoặc phá thành công 1 vụ án, còn được khen thưởng”, vị này nói.
Đến những rào cản tồn tại
Trong số các chủ rừng ở Đắk Nông tôi gặp, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tây Nguyên, huyện Tuy Đức, Đắk Nông, là người có những chia sẻ khá sâu về những khó khăn, bất cập ở hiện tại và cả trong tương lai gần đối với các đơn vị lâm nghiệp nói chung.
“Khó khăn thì Nam Tây Nguyên cũng như các đơn vị khác, nhưng ở đây “nóng” hơn, vì là nơi từng xảy ra tranh chấp căng thẳng với người dân. Còn trong đơn vị, thì vài năm nay, mỗi năm cũng có khoảng hơn chục người nghỉ việc, cũng nhiều người bị trục trặc vấn đề gia đình vì liên quan đến công việc. Từ khoảng 4-5 năm nay, tình hình công ty ổn định mọi mặt dần, nhờ những đối sách phù hợp.
Như vấn đề “nóng” liên quan đến xâm canh, lấn chiếm, chúng tôi dùng “bàn tay sắt” song song với “bàn tay nhung”, vừa cương quyết vừa mềm mỏng để đối phó với cộng đồng dân cư chuyên xâm canh, lấn chiếm rừng”, ông Bình nói.
Nhưng, theo ông Bình, đó là vấn đề mà đơn vị chủ rừng có thể giải quyết, chỉ cần có đối sách phù hợp. Còn các vấn đề “vĩ mô”, liên quan đến cơ chế, chính sách, thì chỉ có thể “kiến nghị” lên các cấp.
“Sắp tới, nhà nước sẽ cho các tổ chức, doanh nghiệp lâm nghiệp thuê rừng sản xuất, đất rừng sản xuất để kinh doanh theo Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai. Nghĩa là những đơn vị chủ rừng như chúng tôi sẽ phải trả tiền thuê đất rừng để kinh doanh. Mà kinh doanh rừng, thì đầu tiên là gỗ, sau đó đến các dịch vụ như môi trường rừng, carbon, du lịch, lâm sản phụ…
Nhưng nhà nước lại đóng cửa rừng, chỉ hỗ trợ chủ rừng kinh phí bằng tiền dịch vụ. Số tiền này may mắn chỉ đủ cho những chi phí tốt thiểu như trả lương. Chứ làm sao trả tiền thuê hàng ngàn ha đất rừng?
Theo tôi, nếu đã là đơn vi kinh doanh, thì phải sòng phẳng, tôi sẵn sàng không nhận sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước, nhưng phải tính công cho tôi. Ví dụ, mỗi năm cơ quan liên ngành đến đánh giá phát triển rừng của tôi, ví dụ mỗi năm tăng trưởng 2m3 gỗ/ha, tức mỗi năm, trữ lượng gỗ tại Công ty Nam Tây Nguyên tăng thêm hơn 40 ngàn m3. Nghĩa là chúng tôi kinh doanh hiệu quả. Quy ra tiền mỗi m3 là bao nhiêu, doanh nghiệp được hưởng bao nhiêu, còn lại là của nhà nước. Chúng tôi sẽ dùng tiền này để chi phí cho lương, trả tiền thuế thuê đất rừng và vận hành bộ máy”, ông Bình nói.
Về vấn đề quản lý ngành dọc, ông Bình cho biết, cũng đang tồn tại những bất cập không nhỏ. “Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên dù là đơn vị lâm nghiệp, nhưng lại là công ty kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và Quản lý vốn Nhà nước. UBND tỉnh là chủ sở hữu, là người quyết định thành lập doanh nghiệp này và trực tiếp quản lý.
Còn trong các lĩnh vực chuyên ngành thì các Sở, ngành được phân cấp uỷ quyền. Ví dụ liên quan đến chuyên ngành lâm nghiệp, bảo vệ rừng thì Sở NN-PTNT, Hạt Kiểm lâm. Về nhân sự thì Sở Nội vụ quản lý, đối với kế hoạch kinh doanh thì Sở Kế hoạch - Đầu tư, liên quan đến nguồn kinh phí hoạt động của công ty lại liên quan đến Sở Tài chính... ngoài ra, huyện cũng quản lý chúng tôi về mặt Đảng ở đây”, ông Bình nói.
“Có khi nào sự điều hành, quản lý công ty giữa các Sở ngành “đá” nhau?”, tôi hỏi. Ông Bình đáp: “Có. Ví dụ, Sở NN-PTNT tham mưu phương án phát triển rừng bền vững, UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian 10 năm. Nhưng, Sở Kế hoạch - Đầu tư hàng năm cũng có phương án sản xuất kinh doanh, được điều chỉnh mục tiêu theo tình hình thực tế. Công ty căn cứ theo đó kế hoạch điều chỉnh này để làm. Nhưng khi các vị đi kiểm tra, thì lại không chấp nhận kế hoạch của Sở Kế hoạch - Đầu tư, mà “bắt bẻ” việc không theo kế hoạch của tỉnh phê duyệt”, ông Bình đáp.
“Theo luật, thì đơn vị sản xuất kinh doanh là người quyết định việc trồng cây gì, nuôi con gì, vì chúng tôi là người hiểu rõ nhất cần phải làm gì, làm thế nào để phát triển. Đó là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp tư nhân hay thuộc sự quản lý của nhà nước. Nhưng, ngay cả vấn đề này chúng tôi cũng không tự quyết. Theo tôi, cơ chế chính sách về lâm nghiệp chưa phù hợp với đặc thù của loại hình lâm nghiệp nên chưa tạo được động lực phát triển, nhiều vấn đề rào cản, hạn chế quyền tự chủ trong tổ chức sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tây Nguyên.