| Hotline: 0983.970.780

Con em nông dân đang học hành như thế nào? [Bài cuối] Gánh nặng nơi quê nhà

Thứ Sáu 06/12/2019 , 09:40 (GMT+7)

Để lo cho con gái học đại học, chị Túc phải thắt lưng buộc bụng đủ đường thậm chí còn phải đi vay nặng lãi. Hiện tổng nợ của chị đã lên đến trên 50 triệu, lãi mỗi tháng hơn 1 triệu.

03-23-41_nh_25
Cô trò Khoa Nông học giờ thực hành


40 km và những cuộc gặp gỡ hiếm hoi

Trong cái quán internet cạnh Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn ầm ĩ tiếng mấy cậu chơi game tôi chú ý đến một cô gái có vóc dáng nhỏ bé đang lúi húi tính tiền cho khách. Cô là Nguyễn Thị Hà - sinh viên năm thứ ba khoa Công nghệ sinh học.

“Các khoa khác dạy thế nào em không biết nhưng ở khoa em thầy cô giảng dạy nhiệt tình và trách nhiệm”. Hà cười thật tươi nhưng tôi biết đằng sau nụ cười ấy chất chứa cả gánh nặng cơm áo gạo tiền của một đứa con ra đi từ làng…

Để nhận được mức lương làm thêm khoảng 3 triệu/tháng thời gian biểu của cô phải bố trí dày đặc như sau: 5h30 thức dậy trông quán internet đến trưa, chiều đi học trên giảng đường, tối về ký túc xá ăn quấy quá suất cơm 15.000đ rồi bò ra tranh thủ học đến 1-2h sáng mới chịu đi ngủ.

Nếu hôm nào học sáng thì thời gian biểu lộn ngược lại. Triền miên mấy năm ròng mỗi tối chỉ được chợp mắt trung bình 4-5 tiếng như thế thành ra hôm nào được nghỉ làm lẫn nghỉ học là một “bữa tiệc” ngủ bù thịnh soạn với Hà.

Cách đó chừng 40km là ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ và khiêm nhường của chị Nguyễn Thị Túc ở thôn Văn La, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nơi chị vừa ngồi khâu nón vừa mong ngóng đứa con gái học xa quê.

Hai mùa hè vừa rồi Hà không về thăm mẹ, thăm chị, thăm em vì bận sấp ngửa đi làm thêm khuya sớm. Họa hoằn lắm, cỡ 2 tháng một lần cô mới đáo qua nhà trong chốc lát, thường là vào buổi chiểu, ăn với gia đình một bữa cơm rồi 7-8h tối lại quầy quả đi.

Chị Túc ngồi thắt nón

Đợt rằm tháng bảy vừa rồi, do đứa em thứ ba năn nỉ quá, bảo ngủ lại nhà một đêm để hàn huyên, Hà đành phải đồng ý nhưng 4h sáng đã phải lén thức dậy bắt xe lên trường kịp cho buổi làm thêm lúc trời vừa tang tảng. Tính ra cả năm mẹ con, chị em gặp gỡ không được quá 10 ngày những dịp lễ Tết...

Chị Túc có 4 người con, đứa đầu học xong cấp hai hiện đã lấy chồng. Hà là đứa thứ hai, thi được 23 điểm, đỗ mấy trường đại học nhưng chỉ chọn vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Đứa em kế vừa đỗ vào khoa luật của một trường với tổng điểm 22, đã nộp hồ sơ nhưng biết mẹ túng nên vẫn còn phải đang năn nỉ: “Mẹ cho con đi học nhé! Nếu không có tiền đóng năm nay thì con sẽ đi làm để tích góp 1-2 năm sau đi cũng được”.

Nó nói và quyết tâm thực hiện bằng được ý định đó. Trong khi những tân sinh viên khác hồi hộp chờ đợi mẹ sắm cho đồ đạc, chăn màn, quần áo mới để nhập học thì nó xin vào làm trong một xưởng đóng gói dược ở địa phương với mức lương gần 3 triệu/tháng. Còn người em trai út học xong cấp hai cũng phải bỏ để đi làm phụ sơn cùng anh rể lấy tiền cho chị hai ăn học...

Chị Túc nói về ý chí học hành của con gái.
“Con muốn học đại học mà mình không cho đi thì tội nghiệp chứ chẳng biết về sau nó có việc làm hay không. Hoàn cảnh nhà tôi làm gì có tiền mà chạy cho con được? Tất cả đều phải tự lực cánh sinh hết”. Lời của chị Nguyễn Thị Túc.

Chồng mất được đã 8 năm, sau những tháng ngày ốm yếu triền miên không đỡ đần được mấy công việc. Bù lại cho chị là sự ngoan ngoãn của đàn con. Chẳng mấy khi người làng thấy chúng vui chơi như bạn bè cùng trang lứa mà 5-6 tuổi đã biết theo mẹ ra đồng làm, hễ cất cặp về lại ngồi thắt nón đến 11-12h đêm rồi tranh thủ học tới 1-2h sáng.

Mỗi buổi tối cật lực như thế mỗi đứa có thể làm xong 1 cái nón, đem ra chợ bán được 30.000đ có thêm đồng ra, đồng vào. Lao động vất vả, ăn uống kham khổ như thế nên thể hình của ba chị em gái Hà đều vô cùng nhỏ bé, ngay cả thằng út năm nay đã ngấp nghé ở độ tuổi bẻ gãy sừng trâu nhưng cũng chỉ nặng khoảng 39-40kg.
 

Nợ nần và hi vọng

Vỏn vẹn có 12 thước ruộng nên tiếng là nông dân nhưng chị Túc một năm phải đong thóc mất mấy tháng. Hồi trước khi anh ốm nằm bệt trên giường, tiền kiếm được bao nhiêu cũng chẳng khác gì gió vào nhà trống.

Người ta đến thăm chồng mà chị chỉ muốn lánh mặt đi bởi chẳng có nổi một bộ bàn ghế để ngồi, bởi căn nhà nền đất lồi lõm, mái dột và tường thấm tứ tung. Thôn xóm ưu tiên xếp gia đình chị vào diện hộ nghèo, cấp sổ bảo hiểm y tế, phát cho mỗi tháng được 30.000đ tiền điện còn ngày Tết được 300.000đ tiền quà.

Một năm sau khi chồng mất, mấy mẹ con chị xúm lại bảo nhau sửa chữa, vá víu căn nhà để có chỗ trú tránh lúc gió mưa, để hàng xóm không phải đáo sang hỏi han có bị gì không nữa. Đúng năm Hà vào đại học thì trưởng thôn bảo: “Bây giờ các con chị đã sõi rồi nên phải cắt hộ nghèo”.

Không có sổ hộ nghèo sẽ không được vay chương trình hỗ trợ cho sinh viên. Họ hàng hướng Hà vào học trung cấp, cao đẳng cho đỡ tốn học phí nhưng chị chẳng lỡ để dang dở giấc mơ đại học của con nên đành phải cố: “Cứ nhìn vào hoàn cảnh của mẹ bây giờ mà học để thoát ly cho đỡ khổ con ạ!”. Hà gật đầu.

Ngoài khoản học phí mẹ lo thì mọi chi tiêu cô đều phải tự mình cáng đáng.

Thực hành trên mẫu lúa của sinh viên Khoa Nông học

“Tính nó gan góc lắm nên không bao giờ kể chuyện vất vả của việc học hành hay làm thêm với tôi vì sợ mẹ xót. Về nhà cũng chẳng mấy khi dám xin tiền tôi mà lần nào mẹ cũng phải chủ động hỏi: “Con cần lấy bao nhiêu?”. Lần thì nó rón rén xin 500.000, lần chỉ dám xin 200.000đ. Tiết kiệm cho mẹ từ phút điện thoại một trở đi chú ạ”. Chị tâm sự.

Ngược lại với Khoa Nông học là Khoa Thú y. 20 năm trước khoa này chỉ tuyển mỗi khóa khoảng 50 sinh viên mà giờ tuyển gần 1.000 sinh viên, tức gấp 20 lần trong khi cơ sở vật chất các phòng thí nghiệm, dụng cụ thực hành, số lượng giáo viên cơ hữu lại không có gì tăng đột biến.
Theo anh Bùi Trần Anh Đào (ảnh) - Phó khoa phụ trách hiện đơn vị có 77 giảng viên, có thể đảm bảo giảng dạy cho khoảng gần 700 sinh viên mỗi khóa, tương đương với 3.000 sinh viên của cả khoa nhưng hiện nay đang phải cáng đáng cho khoảng 4.000 sinh viên.
Thú y cũng như nhân y có đặc thù là rất khó có thể đào tạo nhanh được một giảng viên đứng lớp nên khoa phải huy động cả giảng viên thỉnh giảng là những người của đơn vị đã nghỉ hưu hoặc cán bộ của các trung tâm nghiên cứu trực thuộc.

Có lần nghe đứa thứ ba lên trường chơi về bảo Hà làm thêm vất vả lắm chị mới sốt ruột gác mọi thứ ở nhà để đi thăm.

Đến buổi trưa mẹ con rủ nhau ra căng tin, nó chỉ gọi mỗi người một suất cơm giá 15.000đ.

Nhìn bữa ăn có ít rau với lèo tèo vài miếng đậu, chị thương quá mới bảo con gọi thêm nhưng Hà kiên quyết trả lời: “Con ăn thế quen rồi. Học đại học lâu mất 4 năm chứ có phải vài ba tháng đâu mà mẹ?".

“Nó chẳng bao giờ ăn sáng, có khi cả ngày đến tối mới được một bữa cơm vì học xong cái, trưa đến giờ là đi làm luôn, không kịp về phòng nữa. Tôi thương con mà chỉ biết ngậm ngùi.

Mười mấy năm học phổ thông ở nhà nó đều là học sinh giỏi. Kỳ đầu tiên của đại học nó cũng được học bổng nhưng từ kỳ sau, do đăng ký được ít tín chỉ quá nên mới không được…

Lớn thế rồi mà tôi mua cho cái gì dùng cái nấy, chẳng bao giờ biết đòi hỏi thêm. Hôm có bạn học cấp ba rủ về quê đi ăn đám cưới, hỏi có thỏi son nào không nó cũng lắc đầu…”.

Chị Túc không có xe máy cũng chẳng có một quyển sổ tiết kiệm lận lưng lúc yếu đau. 44 tuổi đời rồi mà chị còn không biết đến một ngày đi chơi, đi du lịch.

“Ngày nào con gọi điện báo chuẩn bị về nhà là vừa mừng lại vừa lo đến không ngủ được vì phải đi vay, đi mượn. Tôi tham gia tới 5-6 dây phường (một hình thức góp vốn, huy động vốn ở nông thôn - PV), mỗi dây hơn 20 triệu, nếu mình lấy trước thì mất 150.000đ so với người lấy sau.

Ngoài ra thiếu phải đi vay. Hỏi anh em, họ hàng thì sợ bị coi thường nên toàn vay nặng lãi. Hiện tổng nợ đã lên đến trên 50 triệu, lãi mỗi tháng hơn 1 triệu.

Bởi thế, làm ra được bao nhiêu nếu không chắt bóp để dành đóng học cho con thì lại để đóng tiền trả lãi đi vay hết”.

Từ những khoa “trụ cột”

Nông học là khoa trụ cột của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhưng từ đỉnh cao 1.400 sinh viên của khóa 58 giờ trung bình khoa chỉ tuyển được khoảng 360-370 sinh viên mỗi khóa.

Lúc tôi đến, PGS.TS Trần Văn Quang - Trưởng khoa đang lo 470 chỉ tiêu nhà trường giao năm nay mà mới tuyển sinh đạt khoảng 370.

Khoa có 80 giáo viên, trên 80% trong số đó được đào tạo ở nước ngoài, tất cả đều từ thạc sĩ trở lên chứ không còn kỹ sư dạng “cơm chấm cơm” như trước nữa, cụ thể gồm 3 giáo sư, 16 phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 22 thạc sĩ.

Anh Quang bảo, qua phản ánh của một số doanh nghiệp tuyển người, 2 năm nay khoa đã nhận ra tầm quan trọng của chuyện thực tập nghề nghiệp nên đã sửa đổi tăng từ 4 tín chỉ lên 23 tín chỉ còn thực tập tốt nghiệp vẫn giữ nguyên 10 tín chỉ.

Tuy nhiên do khóa 62 - khóa đầu tiên bắt đầu có sự chuyển hướng ấy vẫn chưa ra trường nên không biết kết quả như thế nào.

Theo công thức, mỗi hệ số của một giáo viên cơ hữu được phép giảng dạy cho 20 sinh viên.

Một giáo sư có hệ số 5 được giảng dạy 100 sinh viên đồng nghĩa nếu hệ 5 năm thì mỗi năm giảng cho 20 sinh viên, nếu hệ 4 năm thì mỗi năm giảng cho 25 sinh viên. Tỷ lệ tương ứng tiếp theo là phó giáo sư có hệ số 3, tiến sĩ có hệ số 2, thạc sĩ có hệ số 1.

Với 80 giáo viên của Khoa Nông học và những môn khác cần huy động thêm giáo viên của các khoa, đơn vị này có thể đảm bảo năng lực đào tạo cho cỡ 1.000 sinh viên/khóa thế mà hiện nay chỉ đang đào tạo ở công suất 1/3.

Tình trạng của Khoa Nông học còn đỡ ảm đạm hơn một số khoa khác khi có những ngành tuy rất thiết yếu cho nông nghiệp nhưng lại rất khó tuyển sinh như Khoa học đất, Khuyến nông, Đánh bắt thủy sản… Có những năm hầu như chẳng tuyển sinh được thêm mấy người đã đành mà còn những em đang học 1-2 năm lại nằng nặc xin chuyển.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

  • Cây mang quần áo, sách vở đến miền đất khó
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:00

    Mỗi lần ngắt từng hạt đỏ đỏ, xinh xinh xuống, vị trưởng bản huyện Sốp Cộp lại như chạm vào kỷ niệm của một ngày chưa xa.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.