Lấy phổ thông để nuôi nguồn cho đại học
Hội trường Đại học Nông lâm Bắc Giang sáng 5/9/2019 trống đánh tưng bừng, cờ hoa rực rỡ, múa hát hào hùng, mắt người ngời sáng. Tất cả đều chăm chú lắng nghe lời phát biểu của TS Diêm Đăng Huân - Hiệu trưởng trường THPT Thân Nhân Trung nói về hướng đi xán lạn trong tương lai của 6 lớp 10 đầu tiên với 230 em học sinh.
Lễ khai giảng của trường phổ thông trong Đại học Nông lâm Bắc Giang. |
Sau buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Quang Hà - Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Bắc Giang cởi mở với tôi về tình hình đào tạo. Theo ông 2-3 năm gần đây số sinh viên chính quy vào trường mỗi năm chỉ trên dưới 100 nếu kể cả liên thông nữa cũng chưa đầy 300 trong khi trước chỉ riêng chính quy đã khoảng 300.
Trường có 14 ngành đào tạo thì 2 năm nay cỡ ½ không có sinh viên như Lâm nghiệp gồm 3 ngành Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng và Lâm nghiệp đô thị. Lâm nghiệp đô thị “chết yểu” từ lúc trường thành lập ngành 4 năm trước còn Quản lý tài nguyên rừng “chết” từ năm ngoái. Ngành lớn tiếp theo không có sinh viên là Bảo vệ thực vật, Công nghệ sinh học, Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm nay toàn bộ các ngành của Tài nguyên Môi trường gồm Quản lý đất đai và Quản lý tài nguyên môi trường đều không có sinh viên. Những ngành èo uột có Công nghệ thực phẩm, Khoa học cây trồng…
Chỉ 3 ngành có sinh viên là Thú y, Công nghệ thực phẩm và Kế toán.
"Cứ tình hình này 1-2 năm nữa tôi dự đoán sẽ có những khoa không sinh viên. Hiện tổng số cán bộ viên chức của trường có 230 người trong đó khoảng 160 là giảng viên nhưng tổng số sinh viên các khóa đang học chỉ khoảng 1.000, quá ít”, thầy Hà bày tỏ.
Hiện tại ngân sách cấp cho trường mỗi năm 13-14 tỉ, đủ cho khoảng ½ khoản chi tiêu, số còn lại phải tự lo trong đó học phí đang chiếm 70-80% trong khi lộ trình tự chủ là cột mốc vào năm 2021.
“Chúng tôi đang cố gắng không để cho tỷ lệ học phí giảm xuống. Ngoài đào tạo trong trường còn có đào tạo bên ngoài. Ngoài sinh viên đại học còn có sinh viên cao học và học sinh phổ thông.
Quá trình vận động xin thành lập trường phổ thông mất 1 năm và tuy quyết định do UBND tỉnh vẫn phải có sự đồng ý của bộ chủ quản. Trường PTTH của chúng tôi là dạng tự chủ tài chính nên có quyền thu học phí theo nhu cầu, tất nhiên phải theo trần của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định. (Chuyện mở hệ phổ thông tự chủ tài chính trong đại học này khác hoàn toàn với một số trường phổ thông năng khiếu của Đại học Sư phạm, Khoa học Tự nhiên bởi vì đây chỉ là phổ thông bình thường - PV).
Chúng tôi đã giải quyết được việc làm cho hơn 10 giáo viên cơ hữu khi chuyển hẳn 1 khoa cơ bản của hệ đại học sang phổ thông. Đó là mới 1 khóa tuyển sinh lớp 10 còn tương lai khi kín các lớp 11, 12 sẽ được khoảng 20 giáo viên, sẽ cơ bản tự chủ kinh phí. Trường Đại học Lâm nghiệp mấy năm trước đã có trường phổ thông bên trong nhưng đó là trường công lập chứ không phải tự chủ tài chính như thế này”.
Tuy nhiên theo thầy Hà, mở trường phổ thông thực ra là một bước lùi của đơn vị khi đại học phải phát triển lên cao học, nghiên cứu sinh nhưng trong tình thế khó khăn như hiện nay cực chẳng đã phải làm với hai mục đích chính: “Thứ nhất, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên không bị lãng phí. Chúng tôi không xây thêm bất cứ cái gì cả bởi các giảng đường được thiết kế cho 3.000 sinh viên giờ mới chỉ có 1.000 nên ước tính sẽ phải bổ sung 1.000 học sinh phổ thông.
Ảnh: Dương Đình Tường. |
Thứ hai, hi vọng dài hơi hơn là tạo nguồn cho đại học, ít nhất trong khoảng 300 học sinh phổ thông ra trường hàng năm thì ở đây chúng tôi cố gắng dạy dỗ các em tử tế, tạo nên tình yêu trường nên một số trong đó sẽ chọn hệ đại học của Nông lâm Bắc Giang. Tất nhiên đó vẫn chỉ là tính cua trong lỗ chứ chưa có cơ sở khoa học nào cả bởi với hướng dạy cho hệ phổ thông thật giỏi các cháu sẽ có cơ hội để đi các trường đại học khác trong và ngoài nước”.
Thân phận những trường “chiếu dưới”
Thầy Hà phân tích, tổng nhu cầu học đại học của xã hội 2-3 năm nay đang giảm. Trong cái giảm chung đó khối nông lâm nghiệp giảm nhanh hơn và các trường thuộc tốp dưới nhất là mới từ cao đẳng lên đại học giảm khủng khiếp.
Năm 1983 khi trường Đại học Nông nghiệp II di vào Huế thì trường Trung cấp Sông Lô lại được chuyển từ Tuyên Quang về tiếp quản trên chính cái nền móng cũ, năm 1999 lên cao đẳng, năm 2011 lên đại học. Khi mặc xong chiếc “áo” đại học từ 2011-2016 tình hình tương đối ổn nhưng 3 năm gần đây lại rất kém.
“Từ một trường cao đẳng mạnh chúng tôi đã trở thành một trường đại học yếu. Nếu giữ nguyên mô hình cao đẳng với ngành nghề đào tạo không quá nhiều tôi tin sẽ bền vững hơn nhưng cũng không hơn được bao nhiêu bởi tình hình chung của các trường cao đẳng bây giờ đang xuống.
>>Con em nông dân đang học hành như thế nào? - [Bài II] Những lời tâm huyết của thế hệ đi trước >>Con em nông dân đang học hành như thế nào? - [Bài I] Nhận thức méo mó về tự chủ đại học |
Các trường đại học tốp trên trong khối không suy giảm quá nhiều bởi chủ quan là do thương hiệu, khách quan là do địa điểm, thêm vào đó họ không bị ràng buộc bởi những chỉ tiêu như điểm chuẩn đầu vào giống trước đây. Sinh viên của chúng tôi 3-4 năm trước chủ yếu là trượt Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Học viện như một cái sàng còn chúng tôi là cái nia nhưng giờ đây thì không lọt tí nào nữa.
Tất cả những học sinh có nhu cầu học nông nghiệp đều được tiếp nhận hết vì sức ép rất lớn từ số lượng cần phải tuyển. Không chỉ xét điểm chuẩn mà trường còn xét học bạ, thậm chí còn thấp hơn chuẩn của chúng tôi.
Năm 2018 chúng tôi có ít nhất 60 học sinh đã chọn vào theo nguyện vọng 1 rồi nhưng khi Học viện Nông nghiệp Việt Nam nới rộng đầu vào thì lại chuyển đi hết”.
Năm 2019 điểm sàn của tất cả các ngành học tại Đại học Nông lâm Bắc Giang là 13 điểm: “Đầu vào gần đây rất thấp nên không thể nói đầu ra sẽ cao được.
Chúng tôi không thiết kế cho một chương trình dạy kiểu tinh hoa, không đặt ra những vấn đề lớn như sản xuất vắc xin, giải mã bản đồ gene… mà là ứng dụng với tỷ lệ thực hành chiếm cỡ 50% nhờ bỏ khá nhiều dung lượng của những môn như thể dục, chính trị, quân sự…
Quy mô sinh viên nhỏ hơn, cách thức tổ chức thí nghiệm nhờ đó mà bài bản hơn, sắp xếp hẳn được nửa năm cho sinh viên đi làm trong các công ty.
Thực tế 2-3 năm gần đây các công ty đến xin người, phỏng vấn, số lượng chỉ tiêu tuyển cao gấp 1,5 lần số sinh viên của trường nên gần như 100% đều có thể xin được việc làm. Tuy nhiên chỉ khoảng ½ số đó chấp nhận tham gia phỏng vấn của doanh nghiệp.
Có một bộ phận khá lớn, khoảng ¼ ra trường không thích làm kỹ thuật nông nghiệp bởi phải lăn lộn ngoài đồng ruộng, trong trại chăn nuôi. Họ muốn thành công chức hoặc viên chức thậm chí chỉ là hợp đồng rồi chờ đợi thi tuyển…”.
Mất 15 ngày liên lạc với hết Hiệu trưởng lẫn Trưởng phòng Đào tạo, Phó phòng Đào tạo của Đại học Lâm nghiệp nhưng phần có lẽ vì bận túi bụi khi phải tiếp đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục Đào tạo vì quá nhiều mã ngành lấy điểm sàn cực thấp có 13, phần vì ngại nên tôi vẫn chưa làm việc được với đơn vị này. |
So sánh việc học xưa và nay, thầy Hà nhận định: “Tỷ lệ người giỏi trên tổng số sinh viên nay kém hơn bởi giả sử xưa có 10 người đi học/10.000 dân thì nay đã đông hơn rất nhiều lần. Xưa là đào tạo kiểu tinh hoa, không chỉ giỏi về trí tuệ mà còn rất yêu nghề.
Chúng tôi học 5 năm, mỗi học kỳ học 3 môn, tổng cộng suốt quá trình học khoảng 30 môn còn nay học 60 môn là bình thường mà thời gian học lại rút ngắn xuống còn 4 năm.
Kiến thức trải rộng kiểu mành mành nhưng lại không sâu, cả về lý thuyết lẫn thực hành. Tôi thích kiểu đào tạo theo mô hình cũ nhưng có một loạt những vấn đề mà trước hết cần số lượng sinh viên phải đông.
Theo tiêu chí sắp ban hành để đánh giá các trường đại học, có 5.000 sinh viên trở xuống là nhỏ, 5.000-10.000 là trung bình nhỏ, 10.000-15.000 là trung bình, trên 15.000 là lớn thì trường của chúng tôi chỉ là dạng mini.
Còn về chương trình dạy, lúc tuyển dụng các công ty có các yêu cầu rất đa dạng về các kỹ năng cần thiết, nếu không học những môn có liên quan thì cơ hội xin việc giảm đi. Bởi thế, có thời các trường thiết kế chương trình học kiểu xã hội cần gì thì đáp ứng nấy.
Thay vì học 1 môn thì phải học 3 môn, thay vì mỗi môn 6 tín chỉ thì 2 tín chỉ. Mô hình học nào hơn thì còn phải bàn nhưng chuyên gia về từng lĩnh vực thì bây giờ kém.
Bởi chất lượng như vậy nên tỷ lệ các em ra trường mà vươn lên làm ở các vị trí then chốt hay lãnh đạo của ngành sau này sẽ giảm đáng kể. Học viện Nông nghiệp Việt Nam có tỷ lệ nào đấy là tinh hoa chứ còn các trường tốp dưới như trường tôi, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Lâm nghiệp sẽ rất khó”.
Tân sinh viên duy nhất của khoa
Hai tháng trước tôi gặp Dương Việt Cường ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang khi em vừa mới xuống núi làm tân sinh viên duy nhất của khoa Nông học. Bản thân em không hề biết mình là trường hợp vô cùng đặc biệt cho đến khi tôi nói ra điều ấy.
Với điểm số không đến nỗi tệ, 16,65 của khối D, tại sao em không nghĩ đến trường khác mà chọn Đại học Nông lâm Bắc Giang, tôi hỏi. Cường đáp: “Do mấy anh hàng xóm học khóa trên giới thiệu chứ em không biết trường nào với trường nào cả. Vừa rồi bố dẫn xuống trường nhập học, em mới xin chuyển sang khoa Thú y bởi trên đó đang thiếu cán bộ thú y…”.
Sinh viên duy nhất của Khoa nông học (nhân vật bên trái) cũng đã xin chuyển sang khoa Thú y. |
TS Hoàng Thị Thao - Phó khoa Nông học trước đây là người của khoa Công nghệ sinh học, khi cô đi học nghiên cứu sinh về thì khoa mình đã sáp nhập vào khoa Nông học.
Giờ thì khoa Lâm nghiệp bởi không có sinh viên nên TS Nguyễn Văn Hoàn kiêm luôn trưởng cả hai khoa là Lâm nghiệp và Nông học. TS Thao trải lòng: Khoa Nông học có 3 ngành năm 2018, Khoa học cây trồng có 8 sinh viên, Bảo vệ thực vật không có ai còn Công nghệ sinh học 3 năm rồi chẳng người nào đăng ký. Nay đợt 1 đã nhập học mà cả khoa chỉ tuyển được 1 sinh viên duy nhất trong khi giảng viên có gần 20 người.
Khoa Lâm nghiệp với 8 giảng viên 3 năm rồi cũng không có sinh viên nên chỉ còn 1 lớp của khóa 6 đang học dở. Muốn mở 1 lớp trước đây theo quy định tối thiểu phải 15 người nhưng giờ có thể chỉ 10 người tuy nhiên vẫn không đủ nên phải học ghép 2-3 lớp vào 1 lớp với những môn cơ bản.
Thú y là khoa còn khá nhất nhì của trường. Theo TS Đoàn Phương Thúy - phụ trách khoa, năm 2017 mở được 1 lớp chăn nuôi, 1 lớp thú y, 1 lớp cao đẳng tổng cộng khoảng 100 em; 2018 mở được 2 lớp thú y, 1 lớp cao đẳng nhưng chăn nuôi không còn ai xin học; 2019 đợt 1 tổng cộng chỉ được hơn 20 sinh viên đăng ký: “Nếu sắp tới tự chủ tài chính như những trường đã thí điểm thì còn khó cho trường tôi nữa bởi họ thương hiệu hơn mà còn phải hạ điểm chuẩn bằng của mình.
Khoa có 29 cán bộ, giảng viên hiện đầu việc vẫn còn vì còn sinh viên của mấy khóa trước nhưng 1-2 năm tới sẽ nguy cơ nhất là khi bỏ hệ thống thú y xã, sáp nhập các trạm huyện thành Trung tâm, nhu cầu người học ít đi. Ít sinh viên cũng có lợi thế về thực hành khi 152 tín chỉ của khoa thì lý thuyết chỉ chiếm phân nửa.
Tuy nhiên bởi số lượng ít nên nếu mua các động vật nhỏ để thực hành giải phẫu thì dễ còn các đại gia súc như trâu bò phải thay thế bằng dê cho rẻ. Đàn bò sữa, bò thịt hơn 10 con của trường hai năm trước đã phải bán đi vì không đủ kinh phí để duy trì nên giờ đây đều phải nhờ tất vào cơ sở bên ngoài, sinh viên không được chạm tay vào con dao, cái kéo mà chủ yếu là đứng ngó, đứng nhòm.
“Trong vài năm tới sẽ có những khoa giáo viên ít hơn sinh viên, đầu tiên sẽ là khoa Lâm nghiệp, sau đó sẽ là Nông học. Hai khoa này tương lai gần sẽ phải chuyển thành viện nghiên cứu, có con dấu riêng để có thể lo ½ kinh phí nhờ nghiên cứu, chuyển giao thay vì đào tạo. Đã bắt đầu có hiện tượng “chảy máu” giáo viên nhưng giáo viên của chúng tôi phần lớn chưa đủ giỏi để “chảy” nên mới chỉ có vài ba tiến sĩ trong đó có người thuộc hàng top trong trường chuyển đi. Để sinh sống, phần lớn phải làm thêm nhiều nghề, chủ yếu là bán cây giống hoặc mở trung tâm tin học, ngoại ngữ hay làm thuê cho bên ngoài”. (PGS.TS Nguyễn Quang Hà - Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Bắc Giang) |